Những ngày nghỉ lễ Dương Lịch vừa qua, tôi có việc phải đến vùng Đà Lạt, tôi đã vô ý xếp lịch làm việc vào những ngày này nên gặp lại Đà Lạt với một hình ảnh nhếch nhác và thêm nhiều thất vọng buồn thương. Nhếch nhác vì người đi nghỉ lễ quá đông, thánh phố ken cứng người, tất cả các phòng trọ đều “cháy”, du khách nằm cả ngoài đường, vào quán ăn tranh nhau như cướp giật. Ngày mồng hai, tôi đi quanh một số các con phố, du khách đã lần lượt bỏ Đà Lạt từ hôm qua, để lại một Đà Lạt tàn tạ hãi hùng !
Một người bạn kiến trúc sư nói với tôi: “Đà Lạt nhìn từ trên cao xuống giống như một nghĩa địa”, thật vậy, chẳng còn “đường quanh co bên gốc thông già” nhưng toàn thành phố đều là bêtông, nhà cửa lô nhô xô bồ chen cứng nhau. Rất nhiều khách sạn, ngay cả một số các cơ quan Nhà Nước đã lắp máy… điều hòa không khí ! Thành phố của xứ sở sương mù chẳng còn… sương mù nữa rồi !
Trong Kinh Thánh Cựu Ước có một câu chuyện thú vị về một vị ngôn sứ, dù câu chuyện là hư cấu nhưng sứ điệp truyền tải lại chẳng hư cấu tí nào. “Chúa khiến một cây thầu dầu mọc lên ở phía trên ông Giôna để có bóng mát che đầu ông, hầu làm ông hết buồn bực. Ông Giôna vui, vui lắm vì cây thầu dầu. Nhưng hôm sau, khi hừng đông ló rạng, Chúa khiến một con sâu cắn cây thầu dầu và cây bị héo. Khi mặt trời mọc, Chúa cho có một cơn gió đông nóng bỏng, và mặt trời giội nắng xuống đầu ông Giôna; ông ngất xỉu và xin cho mình được chết, ông nói: “Thà tôi chết còn hơn là sống…” ( Gn 4, 6 – 11 ). Câu chuyện cây thầu dầu cho thấy: Phá hoại thiên nhiên thì sẽ bị thiên nhiên trừng phạt.
Bài học này chúng ta đã biết, nhưng những người có trách nhiệm biết mà vẫn tiếp tục phá. Hãy nhìn lại sự tan hoang của “rừng vàng biển bạc” hôm nay ! Trên những cung đường quanh co của vùng Đà Lạt, nhưng đồi thông thưa thớt phía ngoài nham nhở vụng về như gương mặt của những kẻ cướp “lấy vải thưa che mắt thánh”, không chỉ Đà Lạt nhưng đi đâu cũng thấy như vậy. Cả nước khai quật khoáng sản dưới lòng đất, biến những dòng sông êm đềm đẹp đẽ trở nên những quái vật xấu xí hung dữ. Những tuyến đường quặng Bauxite chưa đi đã vật hành khách như vật heo vật bò. Bảo Lộc – Sàigòn chỉ cách nhau khoảng 200 cây số. Nhưng khi tính toán giờ giấc thì buộc phải khởi hành sao cho kịp… sáu tiếng hành trình !
Trong sứ điệp Hòa Bình Thế Giới 2010 ban hành ngày 8.12.2009, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI ân cần nhắc nhở lưu ý đến tương quan giữa Tạo Hóa, con người và công trình tạo dựng, ngài mạnh mẽ khẳng định rằng nếu muốn vun trồng Hòa Bình, hãy bảo tồn thiên nhiên:
“Làm sao chúng ta có thể tỏ ra dửng dưng trước những vấn đề xuất phát từ các hiện tượng như sự thay đổi khí hậu, nạn sa mạc hóa, suy thoái và mất khả năng sản xuất của những vùng nông nghiệp rộng lớn, sự ô nhiễm sông ngòi và các mạch nước, sự mất tính chất khác biệt về môi trường sinh sống, sự gia tăng thiên tai, nạn mất rừng cây tại những vùng xích đới và nhiệt đới ? “Làm sao bỏ qua một hiện tượng đang lan tràn, đó là ‘những người tị nạn về môi sinh”: tức là những người vì môi trường sinh sống của họ bị xuống cấp, nên họ buộc lòng rời bỏ, kể cả của cải, để ra đi, đương đầu với những nguy hiểm và bao nhiêu điều bất trắc ? “Làm sao không phản ứng trước những cuộc xung đột hiện nay và những cuộc xung đột có thể bùng nổ vì sự tìm kiếm các nguồn tài nguyên thiên nhiên ? Tất cả những vấn đề ấy có ảnh hưởng sâu đậm tới việc thực thi các quyền con người, tới lương thực, sức khỏe và sự phát triển” ( Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, sứ điệp Hòa Bình Thế Giới 2010, số 4 ).
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI còn kêu mời:
“Hỡi các cha mẹ, hãy dạy cho con cái quan sát thiên nhiên, tôn trọng và bảo vệ thiên nhiên, như một món quà tuyệt vời, vốn làm cho chúng ta cảm nhận được sự vĩ đại của Đấng Tạo Hóa ! … “Khi nói bằng dụ ngôn, Chúa Giêsu đã dùng ngôn ngữ của thiên nhiên để giải thích cho các môn đệ các mầu nhiệm Nước Trời. Ước gì những hình ảnh Chúa dùng trở nên quen thuộc với chúng ta! Chúng ta hãy nhớ rằng thực tại thần linh ẩn dấu trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, như hạt giống bị chôn vùi trong lòng đất. Phần chúng ta hãy làm cho nó sinh hoa trái ! … vì “muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người” ( Rm 8, 19 ). ( Đức Thánh Cha Biển Đức XVI nói với khách hành hương tại Castel Gandolfo ngày 7.11,2011, Zenit 10.7.2011 ).
Hơn lúc nào hết, vai trò của Tôn Giáo rất quan trọng trong việc phục hưng đất nước, nhưng hãy nhìn xem chúng ta đã có những nỗ lực nào để tôn trọng và bảo vệ thiên nhiên hầu mọi người có thể “cảm nhận được sự vĩ đại của Đấng Tạo Hóa” ? Thành phố thiếu bóng cây xanh nhưng ngay cái sân Nhà Thờ cũng toàn bêtông ! Xem ra có quá nhiều Nhà Thờ dửng dưng với chuyện cây cối, có đủ thứ lý lẽ để biện minh cho việc không quan tâm đến môi trường sống, đến sự giáo dục mà vị Cha Chung đã mệt mỏi kêu gọi.
Ngày đầu năm chia sẻ những trăn trở, để ao ước một năm mới sự ý thức bảo tồn thiên nhiên đóng góp vào việc xây dựng nền Hòa Bình cho chính chúng ta.
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 5.1.2013 (Ephata 543)