CÁC CHIỀU KHÔNG GIAN VÀ ĐỨC TIN TÔN GIÁO

          Sống đời sống tôn giáo, nhất thiết cần có đức tin. Không có đức  tin  thì tất cũng không thể có đức Cậy, đức Mến. Thế nhưng trong thời cuối là Thời Tục Hóa này, đức tin hầu như không còn: “ Dẫu vậy khi Con người đến há sẽ tìm được đức tin trên mặt đất này chăng ?” ( Lc 18, 8 ).

          Đức tin trong tôn giáo được gọi là …nhân đức  bởi vì nó vượt  khỏi trí hiểu của con người. Noi cách khác trí hiểu của con người chỉ bó hẹp trong phạm vi sinh sông của nó gọi là chiều không gian.

          Chúng ta đang sống trong một không gian ba chiều bao gồm chiều dài, chiều ngang và chiều cao. Loài vật trừ loài chim, không gian sống của chúng  chỉ có hai chiều đó là chiều dài và chiều ngang. Vì vậy, đầu của chúng luôn nằm ngang, song song với mặt đất.

          Ngoài không gian ba chiều còn có nhiều chiều không gian khác nữa. Theo các nhà khoa học, bộ não của con người bình thường  không thể tưởng tượng  được ngoài không gian ba chiều  còn có các chiều không gian khác hoặc thứ tư, thứ năm v.v…

          Các chiều không gian tuy khác nhau  nhưng lại nằm chồng lên nhau. Không gian hai chiều nằm trong không gian ba chiều. Không gian ba chiều nằm trong không gian bốn chiều. Không gian bốn chiều lại nằm trong không gian năm chiều v.v…

          Các con vật sống trong không gian hai chiều không thể hiểu biết được những gì trong không gian ba chiều con người chúng ta  đang sinh sống. Trái lại  con người đang sinh sống trong không gian ba chiều thì lại không hiểu được  những gì thuộc không gian bốn chiều v.v…

          Con người, nếu vì không hiểu biết  các chiều không gian khác mà lại bác bỏ sự hiện hữu của nó  thì đó chẳng phải là…cố chấp  hay sao ?

          Tôn giáo còn gọi là…đạo tức con  đường thực hiện tâm linh hầu đạt tới một  cảnh giới viên mãn không còn sinh, diệt khổ đau. Cảnh giới ấy Phật Giáo Tịnh Độ  gọi là Tây Phương Cực lạc. Còn Công Giáo gọi là Nước Thiên Đàng đời đời vinh phúc.

           Để có thể đạt được  cảnh giới viên mãn ấy thì  cần có đức tin. Luận Đại Trí Độ nói: “ Phật Pháp như biển cả, phải có lòng tin mới vào được” Còn đạo Công Giáo được gọi là Đạo Đức Tin: “ Đạo ở gần ngươi, ở trong miệng ngươi  và ở trong lòng ngươi  tức là Đạo Đức Tin mà chúng tôi rao giảng đây. Vậy nếu miệng ngươi nhìn nhận Đức Giê Su là Cứu Chúa và lòng ngươi tin ĐCT đã khiến  Ngài từ kẻ chết sống lại thì ngươi sẽ được cứu rỗi” ( Rm 10, 8 -0 ).

          Tin Đức Giê Su đã chết và sống lại, tuy vậy là điều rất khó. Thomas, sau khi nghe các tông đồ khác nói về việc Chúa đã sống lại thì không tin: “ Nếu tôi không thấy dấu đinh trong lòng bàn tay Người, để ngón tay vào chỗ dấu đinh và sờ tay vào cạnh sườn người  thì tôi không tin. Tám ngày sau Chúa lại hiện đến và nói với Thomas: “ Vì ngươi đã thấy nên mới tin. Phúc cho ai không thấy mà tin” Ga 20, 24 -29 ).

          Không thấy mà tin, đó là điều khó nhưng như vậy mới đúng là đức tin chân thật. Thế nhưng để có được lòng tin ấy  thì phải có Ơn Chúa. Đức Ki Tô biết lòng tin của các môn đệ còn yếu kém, bởi vậy Ngài đã làm nhiều…phép lạ để củng cố đức tin cho họ.

          Lần kia  Chúa  đem Phê Rô, Giacobe và Gioan lên núi  Tabor và đã biến hình trươc mắt họ: Mặt Ngài  sáng chói như  mặt trời. Áo Ngài trắng như ánh sáng. Kìa có Moise và Elia hiện ra đàm đạo  cùng Ngài. Phê Rô bèn thưa với Ngài rằng: Chúa ôi ! Chúng ta ở đây thì  tốt lắm. Nếu Ngài muốn thì tôi sẽ dựng ba lều tại đây. Một cho Ngài, một cho Moise và một cho Elia” ( Mt 17, 1 -4 ).

          Trước cảnh trí huy hoàng, rực rỡ  ấy, Phê Rô trong cơn mê sảng đã nói lên ước nguyện của mình  mà không biết rằng Chúa chỉ tỏ mình ra như thế  để các ông biết về quyền năng  Con Thiên Chúa  để rồi ngay sau đó  lại thức tỉnh các ông rằng mình cần phải trải qua hết chặng đường thương khó thì mới được phục sinh vinh hiển.

          Qua sự kiện  đó cho thấy Chúa Giê Su, Moise và Elia không phải từ một cõi xa thẳm nào đó trong không gian bên ngoài trái đất nhưng từ một chiều  không gian có thể là …thứ năm, thứ sáu hoặc cao hơn nữa hiện đến. Nơi chiều kích không gian ấy, con người không bao giờ có thể đạt đến khi còn mang thân xác.

          Ở đây chúng ta có thể đặt câu hỏi: Tại sao Chúa Giê Su đang khi còn mang thân xác như con người  mà lại có thể…biến hình ? Đó là vì tuy còn mang thân xác nhưng Ngài đã thoát khỏi mọi kiến chấp tức đã nhận chân mình không phải là cái xác phàm nhưng  đích thực là Con Thiên Chúa đã đến trong thế gian.

          Phàm phu chúng ta không ai lại không chấp cho xác thân này là mình và cũng chính vì cái chấp ấy, con người không thể vượt thoát được không gian ba chiều mình đang sống đồng thời phải gánh chịu mọi khổ đau. Lão Tử nói:  “ Ta có nỗi khổ lớn vì ta có thân. Nhược bằng không có thân thì ta đâu có khổ ?” ( ĐĐK, chương 13 ).

          Vì chấp xác thân là mình  nên con người không sao tránh  khỏi khổ. Khổ vì đói cơm, rách áo, khổ vì thời tiết nóng lạnh. Khổ vì dục vọng đòi hỏi, bức ngặt. Khổ vì ốm đau, bệnh tật v.v…

          Thời nay, nhờ vào khoa học tiến bộ vượt bực, điện thoại thông minh, xe hơi, phi cơ phản lực, nhà ở có máy điều hòa không khí, máy giặt, phương tiện y khoa tối tân….nên đời sống vật chất bớt khổ. Thế nhưng chính vì có những phương tiện ấy mà con người không còn có đức tin tôn giáo như thuở xa xưa nữa. Một khi phần tâm linh không còn thì đời sống tinh thần  ngày càng sa sút rồi đi đến chỗ phóng túng đọa lạc. Sự phóng túng ấy khiến cho con người một lý tưởng cao cả nào để noi theo !!!.

          Ngay  cả tôn giáo, lẽ ra  phải là nơi hướng dẫn tâm linh cho nhân loại thì lại dấn mình vào  Con Đường Tục Hóa ( Laicite’) để rồi trở nên thù nghịch với Thập Giá Đức Ki Tô: “ Kết cuộc của họ là hư mất. Thần của họ là cái bụng. Họ lấy sự nhơ nhuốc mình làm vinh hiển. Họ chỉ thú hướng về những việc thuộc đất” ( Pl 3, 18 -19 ).

          Thật sự thì việc chấp xác thân là mình sẽ không can hệ gì  nếu quả thật…chết là hết. Tại sao ? Bởi chưng” Nếu kẻ chết chẳng được sống lại thì chúng ta hãy ăn, hãy uống vì ngày mai chúng ta sẽ chết” ( 1C 15, 32 ).

          Thế nhưng chết không phải là hết mà tất cả sẽ sống lại để chịu phán xét. Đây chính là điều  mà những kẻ khôn ngoan cần phải suy gẫm hàng ngày. Có suy gẫm  về cái chết của chính mình, chúng ta mới có thể bớt dần  sự bám chấp vào đời sống thế gian với nào là tiền tài, danh vọng, sự nghiệp, nhà cửa, cha mẹ, vợ con v.v…

          Cái chết luôn đến bất ngờ, không ai tránh khỏi và sẽ phải chết trong đơn độc. Khi ấy tất cả những gì ta quyến luyến, đam mê  sẽ không còn có thể giúp ích gì  ngoài ra cái nghiệp  mang theo.

          Cái mang theo sau khi chết chỉ là Nghiệp Dĩ. Hễ tạo nghiệp nào thì sẽ có cảnh giới tương ứng đó. Mỗi cảnh giới mà con người bước vào  luôn tùy thuộc vào tính chất của Nghiệp. Theo quan điểm Phật giáo, tất cả có sáu cảnh giới  gọi là sáu nẻo Luân Hồi bao gồm: Thiên, Nhân, Atula, Ngạ quỷ, Súc sinh và Địa ngục.

          Những ai tạo nghiệp lành sẽ được sinh Thiên ( Thiên ở đây không phải là Nước Trời  mầu nhiệm mà Đức Ki Tô rao giảng ). Những người sống không ác, không thiện sẽ được tái sinh trong kiếp người. Những ai mang tâm đố kỵ, ganh ghét sân hận sẽ sinh vào cõi A Tula. Những ai sống với tâm tham lam, bỏn sẻn, ích kỷ sẽ sinh vào cõi Ngạ Quỷ ( Quỷ đói ). Những kẻ nào sống với Tâm sân, ưa giết hại sẽ sanh vào cõi Địa Ngục.

          Khi còn sống trên cõi dương gian, con người còn có chỗ nương tựa là thân xác, coi đó như…nhà ở cùng với gia đình thân quyến, bạn bè. Nhưng sau khi chết, thân xác ấy  bị bỏ lại làm mồi cho dòi bọ đục khoét  đến khi hoàn toàn rữa nát, trở về với đất bụi. Cái còn lại khi ấy chỉ là thần thức mà người Công giáo gọi là Linh Hồn sẽ phải đi đến Tòa Phán Xét.

          Thần thức khi đó phải đối diện với một chiều không gian hoàn toàn khác với chiều không gian khi còn sống ở đời. Sẽ không có nhà cửa, vợ con, cha mẹ hoặc những điều kiện sinh hoạt như trước nữa.

          Phải đối mặt với một chiều không gian hoàn toàn khác, lạ lẫm và  kinh khiếp do những nghiệp xấu, ác đã tạo khi trước. Mặc dầu  chỉ là ảo ảnh do tâm tạo  nhưng  vong linh ấy lại cho đó là …thật để rồi sợ hãi tìm đường trốn chạy. Chính trong khi trốn chạy đó mà vong linh phải đọa vào trong  ác đạo ( Ngạ quỷ, súc sinh, địa ngục ).

          Tùy theo Nghiệp đã tạo mà có các cảnh giới ( Chiều không gian sống ) khác nhau. Chưa nói gì đến các cảnh giới  con người phải đối diện sau khi chết mà ngay trong cõi sống dương gian này cũng vậy. Những người sống đời lành thiện  sẽ có phước báo sống trong những nơi thuận lợi, tốt đẹp. Trái lại những người sống với Tâm xấu xa, ác độc sẽ phải sống trong những hoàn cảnh, điều kiện bất lợi, môi trường độc hại v.v…

          Nghiệp được tạo là do chủ ý cứ được huân tập lâu ngày, chầy tháng mà thành: “ Tôi giết vua, con giết cha, không phải một buổi sớm một buổi tối. Cái căn do dần dần đã lâu mà thành ra vậy” ( Thần thí kỳ quân. Tử thí kỳ phụ, phi nhất triêu, nhất tịch chi cố. Kỳ sở do lai tiệm hỹ – Văn Ngôn Truyện ).

          Hết mọi giống tội đều có căn nguyên từ nơi tư tưởng: “ Vì từ lòng mà ra những ác tưởng, giết hại, ngoại tình, gian dâm, trộm cắp, làm chứng dối, lộng ngôn” ( Mt 15, 19 ).

          Nếu tội từ nơi tư tưởng thì để trừ tội cũng phải từ nơi tư tưởng mà trừ. Bởi đó cho nên đọc kinh, dâng lễ v.v…đều phả xuất phát từ ở nơi Tâm thì mới được Chúa nhậm lời. Tội lỗi khiến cho con người  trở nên xa cách Chúa  là Đấng  hằng ngự ở nơi mình. Những ai đam mê trong tội thì không thể có  được đức tin chân thật. Tại sao ? Bởi vì tin ở đây là tin nơi Đức  Ki Tô, Đấng tự nhận mình là Cửa Chuồng Chiên: “  Ta là cái cửa. Nếu ai bởi Ta mà vào thì hẳn sẽ được cứu và sẽ vào ra gặp đồng cỏ” ( Ga 10, 9 ).

          Chúa nói những ai bởi Ta mà vào thì “Vào” ở đây là …vào nơi  Nội Tâm mình cũng là Nước Thiên Đàng là Nhà Cha. Có tin sự hiện hữu của Thiên Đàng thì mới nghe Lời Chúa để…vào. Ngược lại không tin Đức Ki Tô…là cửa thì làm sao…vào được ?

          Tin sự hiện hữu của Nước Thiên Đàng là niềm tin cố hữu của người Công Giáo. Nhưng nay niềm tin ấy dường như đã bị đổ vỡ một phần là do sự  chống phá của các loại triết học Hiện Sinh cũng như Duy Vật  vô thần. F. Nietzhe ( 1844 -1900 ) ông tổ của Triết Học Hiện Sinh đã thóa mạ những người sống đời sống tôn giáo  thế này: “ Trong những ngõ hẻm tối tăm, bọn nhu nhược  dạy người ta rằng: Khôn ngoan làm chi cho nhọc xác. Thôi cứ sống yên hàn là hơn cả, sống nho nhỏ, đừng nuôi những hoài bão lớn lao làm chi ? ) T.T.Đỉnh – THHS ).

          Người đời  chê bai, phỉ báng, giết hại  người Công Giáo. Đó là điều cách nay 2000 năm Đức Ki Tô đã báo trước: “ Con đã ban Đạo Cha cho họ mà bị thế gian ghét bỏ, khinh miệt vì họ không thuộc về thế gian cũng như Con không  thuộc  về thế gian vậy. Con chẳng xin Cha cất họ khỏi thế gian  nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi sự ác” ( Ga 17, 14 -15 ).

          Theo quan niệm của người Công Giáo trước đây thì thế gian là …chốn khách đày cần khinh chê nó hòng trở về với quê hương vĩnh cửu trên trời. Niềm tin ấy thật tốt đẹp vì nó giúp  con người dễ dàng quy hướng. Thế nhưng trước dự phê phán dữ dội của triết học Hiện Sinh thì niềm tin ấy đã bị lung lay  rằng không hề có Nước Thiên Đàng đời sau. Đó chỉ là thứ …thuốc phiện ru ngủ quần chúng lao động để họ quên đi hoàn cảnh bị bóc lột  của giới tư bản ???

          Sự  phê phán của  các triết gia Hiện Sinh đối với tôn giáo  âu cũng là lẽ đương nhiên  bởi vì họ chỉ biết có đời này là …chiều không gian thứ ba. Trái lại  người có đạo mà cũng không tin có Thiên Đàng có Hỏa Ngục như Đức Ki Tô đã truyền giảng thì  thật vô cùng tai hại.

          Cũng vì  không tin sự hiện hữu của Thiên Đàng, Hỏa Ngục thế nên đời sống đạo của đa phần người Công Giáo chỉ còn là một thứ hình thức chiếu lệ hoặc tệ hơn nữa  rồi sẽ đi đến …bỏ đạo tức rời bỏ Con Đường Cứu Rỗi của Chúa Ki Tô.

          Bởi nguyên nhân nào mà đã dẫn đến tình trạng mất đức tin như hiện nay đang thấy ?Đó là vì giữa đức tin và thực hành không gắn với nhau. Thánh Giacobe nói: “ Hãy làm theo đạo, chớ lấy nghe làm đủ mà lừa dối mình. Vì nếu ai nghe đạo mà không làm theo thì khác nào soi mặt mình trong gương, thấy rồi thì quay mặt mình ra thể nào” ( Gc 1, 22 -23 ).

          Nhiều người có  thể…nghe Lời Chúa hàng ngày trong các Thánh lễ nhưng chỉ nghe…loáng thoáng mà không hiểu đoạn Ki Thánh ấy nói gì, ra khỏi nhà thờ là …quên tiệt chứ dừng nói chi  đến việc thực hành  trong đời sống ?

          Tuy nhiên để thực hành Lời Chúa mang lại ơn ích lớn lao  thì phải biết lấy lời nào để làm Kim Chỉ Nam  cho đời sống ? Xin thưa đó là việc Bỏ Mình: “ Ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ mình. Vác thập tự giá mình hàng ngày  mà theo” ( Lc 9, 23 ).

          Bỏ Mình ở đây tức là bỏ đi cái chấp cho mình là cái xác thân cao chưa tới hai mét, nặng chừng bốn năm chục kí lô ! Nếu chấp cho mình chỉ là cái xác thân ô trọc ấy thì hẳn nhiên cái không gian sống đương nhiên  chỉ hạn hẹp trong sáu giác quan ( Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý ).

          Sự hạn hẹp ấy không chỉ ở nơi…mắt tai….mà còn cả ở Ý. Chính là  Ý thức của con người đã làm nên tất cả các quan niệm, lập trường và cả triết và thần học.. Tất cả những thứ đó chỉ là những cái chấp thiên lệch, nhị nguyên. Thánh Phao Lô cho những cái chấp ấy là sự khôn ngoan thế gian: “  Ta sẽ hủy diệt  sự khôn ngoan của người khôn ngoan. Loại bỏ sự thông sáng của người thông sáng. Người khôn ngoan ở đâu ? Biện sĩ đời này ở đâu ? ĐCT há chẳng đã làm cho sự khôn ngoan của thế gian này ra ngu dại ư ?” ( 1C 1, 19 -20 ).

                Lý do khiến người ta mất đức tin  là vì đã chạy theo sự khôn ngoan thế gian mà thực chất chỉ là ý thức phân biệt ( Tội Nguyên Tổ ).  Giờ đây Đức Ki Tô truyền dạy Đạo Lý Bỏ Mình là để cho ta lấy lại đức tin. Càng bỏ được mình bao nhiêu  thì đức tin vào Đưc Ki Tô ở trong ta càng mạnh mẽ bấy nhiêu. Một khi có Chúa ở nơi mình  thì đương nhiên  không gian sống của chúng ta  càng ngày càng mở rộng cho đến cõi giới vô biên vô cùng:

          “ Bởi cớ ấy, tôi quỳ gối trước mặt Cha, do Ngài mà mọi  gia quyến trên trời dưới đât đều được đặt tên mà xin Ngài tùy sự giàu có của vinh hiển Ngài. Nhờ Thánh Linh của Ngài, lấy quyền năng mà ban cho anh em được nên mạnh mẽ trong  người bề trong hầu cho Chúa Ki Tô nhân đức tin mà ngự trong lòng anh em cốt để sau khi anh em  đã châm rễ, lập nền  trong tình thương yêu  thì có thể cùng tất cả các Thánh Đồ hiểu thấu bề rộng, bề dài, bề cao, bề sâu của sự ấy là thể nào” ( Eph 3, 14 -8 )./.

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts