CÁC  MÔN  PHÁI  TU  LUYỆN  VÀ  ĐỨC  TIN  CÔNG  GIÁO

          Có  những sự kiện  khiến người Công Giáo chúng ta không khỏi lo lắng cho đời sống đức tin  của Giáo Hội toàn cầu nói chung và của Việt Nam nói riêng. Đặc biệt tại giáo phận Đà Lạt với  cái  gọi là Nhóm Trừ Quỷ Bảo Lộc do chị Teresa Nguyễn Thị Thiên Thương  cùng  sự góp sức của một số Linh Mục và Nữ Tu đã và đang tổ chức những buổi cầu nguyện…đặt tay chữa bệnh, trừ quỷ cách công khai, đồng thời lên tiếng…thách thức, có ý chống lại giáo quyền.

          Sự thể còn nghiêm trọng hơn  với việc linh mục Đa Minh  Nguyễn Chu Truyền, nguyên chánh xứ GX Bảo Lộc, nguyên giáo sư chủng viện đã rời bỏ Dòng Châu Sơn  để về sống và hoạt động  tại cái gọi là “Nhà Chúa Cha” mà thực tế là  nhà  của chị Thiên Thương và anh Quảng là chồng của chị !

          Chị Thương đã bị đức cha địa phận  rút phép thông công, còn cha Truyền thì …chưa biết thế nào ? Tuy nhiên với việc rời bỏ Nhà Dòng để về sống và hoạt động  trừ quỷ, chữa bệnh đặt tay  tại một tư gia dĩ nhiên  không có phép của bề trên  như thế  thì cha Truyền  đã tự hủy chức Linh Mục  cao quý khiến không thể  cử hành Thánh lễ và nếu cứ cố tình thì chỉ chuốc lấy  tội  vạ  mà thôi !!!

          Qua sự kiện đáng tiếc kể trên với nhiều vụ khác như  cựu linh mục Nguyễn Văn Tường, gp Vĩnh Long, cha Đồng Trung, Dòng Đồng Công Thủ Đức ( Đã bị…đổi tên ) cũng như rất nhiều vụ việc nghiêm trọng khác trên thế giới ( Công nghị Đức, Úc v.v…) khiến chúng ta không khỏi đặt câu hỏi: Vậy đâu là sự thật ? Giáo Hội có đang bước đi trên Con Đường Sự Thật của Đức Ki Tô hay không ?

          Đức Ki Tô là…đường và những ai không bước đi trên Con Đường ấy  sẽ không thể có Sự Thật  nơi mình. Tuy nhiên trong cơn khủng hoảng toàn diện  hôm nay, để có thể phân biện đâu là  thật đâu là giả  là điều không hề dễ chút nào !

          Thật sự, nếu chỉ căn cứ vào việc…ra vạ của đức cha giáo phận  để rồi kết tội cha Truyền và Nhóm Trừ Quỷ Bảo Lộc  mà không biết đến bản chất của  việc làm ấy thì theo tôi… không mang tính thuyết phục ?

          Nhóm Trừ Quỷ sở dĩ phát sinh và đi vào hoạt động  là do sự khởi xướng của cha Truyền, một người từ lâu đã theo đuổi  thực hành môn phái Nhân Điện hay còn gọi là Trường Sinh Học. Tổ sư  của phái Nhân Điện là Dasira Narada người Tích Lan ( Sri Lanca ) sinh năm 1846. Ngài đã đến dãy Hi Mã Lạp Sơn tu và đắc đạo  Nhân Điện sau 18 năm khổ luyện.

          Theo quan niệm của phái này  thì đây là một môn khoa học nhằm khai thác khả năng phong phú sẵn có của con người để sử dụng vào những mục đích cao đẹp  đem lại hạnh phúc cả về thể chất lẫn tinh thần cho con người.

          Cha Truyền phối hợp Nhân Điện với cầu nguyện và ăn chay, kiêng thịt. Việc cầu nguyện ấy diễn ra cách tích cực. Vào  lúc đêm khuya  lần  đủ 12 Chuỗi Kinh Lòng Thương Xót và 12 Chuỗi Kinh Mân Côi.

          Cầu nguyện và ăn chay đưa đến khả năng chữa bệnh và trừ quỷ. Đó là câu trả lời của chính  Chúa Giê Su  cho các môn đệ: “ Sao chúng con không đuổi được các quỷ dữ ấy thì Chúa đáp: Thứ quỷ này ngoài việc ăn chay, cầu nguyện  thì không thể trục xuất được nó” ( Mc 9, 28 -29 ).

          Đúng là để…trừ được quỷ thì phải ăn chay, cầu nguyện. Thế nhưng  nên nhớ còn một yếu tố quan trọng khác đó là lòng tin  mạnh mẽ nơi Chúa Giê Su, chính Ngài mới là Đấng  trừ quỷ và chữa lành: “Có người cha nọ đem con mình bị một thứ quỷ gọi là…quỷ câm đến và nói: Nếu  Thầy có thể làm được gì , xin thương xót  và cứu  giúp chúng tôi với ! Chúa đáp: Sao lại nói nếu Thầy có thể làm ? Mọi sự đều có thể cho kẻ  có lòng tin. Tức thì cha đứa trẻ kêu lên: Tôi tin, xin Chúa giúp đỡ sự vô tín của tôi” ( Mc 9, 19 -25 ).

          Hầu như tất cả những việc chữa bệnh hoặc trừ quỷ đều do người xin đã đặt hết lòng tin nơi Chúa Giê Su. Sau khi chữa cho người mù được thấy, Ngài nói với  người ấy: “ Hãy đi,  đức tin của ngươi đã  cứu ngươi, tức thì người  thấy được và đi theo  Người trên đường” ( Mc 10, 52 ).      

          Con người dù trong bất cứ thời đại hay tôn giáo nào  đều mong muốn cho mình có được sức khỏe và sự bình an. Chính  vì vậy, người ta kể cả không ít  người Công Giáo vẫn ra công theo đuổi một phương pháp luyện tập nào đó bất kể phương pháp ấy có  làm  cho đức tin tăng trưởng  hay ngược lại.

          Pháp Luân Công hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp  hiện đang có hàng trăm triệu người trên thế giới  tuân thủ thực hành. Môn phái này xuất hiện  tại Trung Cộng vào khoảng  thập niên năm mươi. Thoạt đầu các quan chức CS  coi đây chỉ là một thứ  tập luyện Khí Công nhằm cải thiện sức khỏe. Nhưng nhiều năm sau vào thời  Giang Trạch Dân   đã coi đây là một thứ Tà Đạo  gây nguy hại cho chế độ độc tài toàn trị  nên đã thẳng tay đàn áp hòng tiêu diệt. Sự đàn áp của ĐCS  rất quyết liệt đến nỗi Lý Hồng Chí, người sáng lập cùng toàn bộ đệ tử  cấp  cao  đã phải di tản qua Mỹ để rồi từ đó phát triển mạnh mẽ và lan ra nhiều nước Phương Tây.

          Vào năm 1992, Lý Hồng Chí đã tổ chức buổi hội thảo trong đó ông ta khẳng định muốn khôi phục yếu tố tôn giáo tâm linh với mục đích để…thanh tẩy tâm hồn  hầu đạt đến giải thoát…cứu độ  toàn thể nhân loại !!!

          Để đạt đến mục tiêu giải thoát cứu độ ấy, Pháp Luân Công đề ra ba nguyên lý căn bản đó là Chân, Thiện, Nhẫn. Sự hấp dẫn của môn phái này  chính là ở chỗ phối hợp thực hành qua phương pháp Thiền và lòng tin. Thiền  của Pháp Luân Công mệnh danh là Phật  Triển Thiên Thủ Pháp nhằm điều động  năng lượng tự do  di chuyển khắp cơ thể.  Còn lòng tin ở đây là tin hay nói đúng hơn là lòng tôn sùng tuyệt đối vào Lý Hồng Chí, người sáng lập.

          Tính chất cực đoan của môn phái này  đưa đến việc xóa bỏ  toàn bộ các nền văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo  và cuối cùng  chỉ tôn thờ…ảnh của Lý Hồng Chí mà gạt bỏ đức tin vào Phật Thích Ca cũng như Chúa Giê Su ….

          Người Công Giáo nếu có luyện Pháp Luân Công thì cũng chỉ vì lý do sức khỏe  nhưng không hề biết thực chất đó là một thứ Tà Đạo  đưa đến  sự phủ nhận đức  tin  nơi Đức Ki Tô. “ Ta là sự sáng đến thế gian. Hầu hễ ai tin Ta thì chẳng cứ ở trong tối tăm” ( ga 12, 46 ).

          Lý Hồng Chí tự xưng là…Đấng Cứu Thế và quyến rũ được rất nhiều người. Đây  chính là  dấu chứng của Ngày Tận Thế: “ Nhiều tiên tri giả sẽ dấy lên và lừa dối lắm kẻ” ( Mt 24, 11 ).

          Đức Ki Tô đến không phải để chữa trị bệnh tật  hay đem lại sự bình an giả tạo cho con người. Chính bởi lẽ đó, khi người ta tuốn đến xin  chữa bệnh  thì Ngài nói: “ Ớ  dòng dõi vô tín kia. Ta ở cùng các ngươi cho đến chừng nào ? Ta phải  nhịn chịu  các ngươi cho đến khi nào ? ( Mc 9, 13 ).

          Mục đích Chúa đến không phải để chữa bệnh hay trừ quỷ này nọ nhưng là để rao giảng Sự Thật và chỉ khi nào nhận biết Sự Thật  ấy con người mới được giải thoát khỏi cõi đời mê muội tối tăm: “ Chúa Giê Su bèn phán cùng  những người đã tin Ngài rằng: Nếu các ngươi cứ ở trong đạo Ta thì thật là môn đệ Ta, các ngươi sẽ nhận biết Sự Thật và Sự Thật sẽ giải thoát các ngươi” ( Ga 8, 31 -32 ).

          Chúa đến để rao giảng Sự Thật chứ không phải để chữa bệnh, trừ quỷ. Thế nhưng đa phần người Công Giáo  lại không  nhận ra chân lý ấy để rồi cứ xin hết ơn này ơn kia cho mình và gia đình mình được khỏe mạnh, làm ăn, giấy tờ thuận lợi, con cái  học hành tấn tới v.v…và v,v…

          Có những người không tin vào những việc cầu xin như thế hoặc vừa tin lại vửa  tập tành theo những môn phái  kể trên với mong muốn có được sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật ốm đau ….

          Hiện nay các tụ điểm tập Yoga  mọc lên khắp nơi ngay cả tại các  xứ đạo vùng ngoại ô. Tập Yoga  để cho có sức khỏe  và một thân thể đẹp đẽ cường tráng đó là tâm niệm của hầu hết những người luyện theo môn phái này. Thực sự thì Yoga ngoài phương pháp thể dục ( Hatha Yoga )còn có các môn phái khác  như Karma Yoga nhấn mạnh đến việc làm  của mỗi cá nhân và kết quả ( Nghiệp Quả ) của mỗi cá nhân đó. Hoặc Blakti Yoga  tức con đường sùng kính đặt trọn tình yêu thương  và phục vụ muôn loài cũng như phục vụ Đấng Tạo Hóa, xem tất cả mọi loài  đều  là thông điệp của Thượng  Đế. Tự ngã tan biến  vào đại dương vô biên, vô tận…

          Môn phái Yoga xuất hiện tại Ấn Độ cách nay đã trên năm ngàn năm  trước cả Phật giáo và Thiên Chúa giáo. Nó bao gồm nhiều phương pháp luyện tập khác nhau. Có thể hướng vào việc tạo lập sức khỏe mà cũng hướng vào việc truy cầu chân lý nhưng tất cả đều không có liên hệ chi tới đức tin của Đạo Công Giáo  là đặt trọn  lòng tin nơi Chúa Giê Su Ki Tô để Ngài dẫn đưa chúng ta  đến Sự Sống Đời Đời ở nơi Chúa Cha.

          Lại nữa Yoga chỉ mới có mặt tại Việt Nam  từ hơn nửa thế kỷ  cụ thể là với hai BS nổi tiếng  Nguyễn Khắc Viện và  Nguyễn Văn Hưởng . Cả hai đều xiển dương  Yoga như một phương pháp dưỡng sinh  có nghĩa thuần túy  đó chỉ là một thứ phương pháp  chữa bệnh  và rèn luyện sức khỏe.

          Người Công Giáo nếu chỉ lo cho sức khỏe, cho cuộc sống đời này thì nào có khác gì người không có đạo ? Bởi đó cho nên Chúa nói: “ Vậy thì chớ  lo rằng chúng ta ăn gì ? Mặc gì ? Vì mọi điều đó dân ngoại vẫn lo. Song Cha các ngươi trên trời biết các ngươi cần dùng những  điều đó rồi. Nhưng trước hết  hãy lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người thì mọi điều ấy sẽ được thêm cho các ngươi. Vậy nên chớ lo chi về ngày mai vì ngày mai sẽ tự lo lắng cho ngày mai. Sự khó ngày nào đủ cho ngày ấy” ( Mt 6, 31 -34 ).

          Ý nghĩa lời Chúa: Chớ lo chi ngày mai bởi dù có lo lắng cách nào thì rồi ra  ai cũng phải chết  và khi cái chết đến  thì tất cả mọi sự nào là sức khỏe, tài sản tích cóp, danh vọng, địa vị ….sẽ chẳng còn nghĩa lý gì nữa.

          Mặc dù cái chết đến chấm dứt mọi sự nhưng nó lại mở ra một cõi sống khác tùy thuộc những gì mình đã thực hiện trong cõi sống này. Sự tùy thuộc ấy chính là ở nơi  ta có hết lòng tìm kiếm Nước Thiên Chúa như lời Chúa truyền dạy hay không ? Có tìm mới gặp còn không tìm thì không thể gặp.

          Để có thể tìm  kiếm Nước Chúa như là điều trước hết thì cần đặt lòng tin  nơi Đức Ki Tô bởi Ngài là: “ Đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha  mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ).

          Trong cuộc khủng khoảng ngày càng trầm trọng như đang thấy, niềm tin nơi Đức Ki Tô, Đấng Trung Gian Duy Nhất  hầu như đã không còn, vì vậy thần học  mới  phân biệt  Đức Ki Tô lịch sử và Đức Ki Tô của niềm tin ( Xem Albert Nolan – Đức Giê Su trước khi có Ki Tô giáo )

          Sở dĩ có sự phân biệt như thế là vì  trong thời Tục Hóa này người ta không còn tin Thiên Chúa như là Đấng Cha nữa. Một khi không còn tin Thiên Chúa nhuj7 là Đấng Cha thì Con Đường Về với Cha của Đức Ki Tô đã trở nên bế tắc hoàn toàn.!.

          Như vậy cuộc khủng hoảng của Giáo Hội hiện nay chính là bởi đã  đánh mất Con Đường Về và vì không còn đường…Về thế nên người…có đạo lại sống như người không có đạo có nghĩa không còn tìm kiếm Nước Chúa  như một Thực Tại…nội tâm: “ Người Pharisieu hỏi Chúa Giê Su về Nước TC chừng nào đến thì Ngài đáp: Nước TC không đến cách mắt thấy được. Người ta cũng không thể nói: Đây này hay đó kia, vì này Nước TC ở trong các ngươi” ( Lc 17, 20 -21 ).

          Không thể nói Nước Chúa ở đây hay ở kia bởi vì…Nước ấy là một Thực Tại Tâm, siêu việt cả không gian lẫn thời gian. Cũng vì Nước Chúa là một Thực Tại Tâm như thế  nên không thể dùng lý trí suy luận nhưng chỉ đức tin mới có thể đạt đến. Có nhận ra Nước Chúa  hay Nước Cha là Thực Tại Tâm như thế, chúng ta  mới cần đặt hết niềm tin nơi Đức Ki Tô  Đấng đã thấy biết về Cha: “ Cha Công Chính ơi ! Thế gian chẳng từng biết Cha. Song Con  biết Cha và những kẻ này cũng biết Cha đã sai Con. Con đã tỏ Cha cho họ biết Danh Cha lại còn tỏ cho họ biết nữa. Hầu cho sự thương yêu của Cha  đem lòng thương yêu Con được ở trong họ và Con cũng ở trong họ nữa” ( Ga 17, 25 -26 ).

          Chẳng những chúng ta tin mà còn hết lòng yêu thương Chúa bởi vì Ngài đã hiến mình chịu chết để cho ta được nên bạn hữu: “ Chẳng ai có sự thương yêu lớn hơn là vì bạn hữu mà bỏ mạng sống mình. Ví thử các ngươi làm theo những gì Ta truyền  cho thì các ngươi là bạn hữu của Ta. Ta chẳng còn gọi các ngươi là tôi tớ nữa, vì tôi tớ chẳng biết việc chủ  mình làm. Nhưng Ta gọi các ngươi là bạn hữu vì Ta từng tỏ  cho các ngươi biết mọi điều Ta đã nghe ở nơi Cha Ta” ( Ga 15, 13 -15 ).

          Tin Chúa, yêu Chúa đó phải chăng là niềm hạnh phúc vô cùng lớn lao của người Công Giáo ? Thử hỏi có vị giáo chủ nào từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây lại sẵn lòng chịu chết để nâng con người lên  như một thứ… bạn hữu hay không ?.

          Lạy Chúa, con tín thác vào Chúa cho dù đây là giờ  tăm tối,  phản bội  và dối trá.  Sau  khi Giu Đa ăn miếng bánh thì Sa Tan nhập vào  người. Chúa Giê Su  bèn nói: Việc ngươi làm thì hãy làm mau đi  và  hắn liền đi ra, bấy giờ là đêm tối” ( Ga 13, 27 -30 )./.

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts