Cảm xúc vẫn như nguyên mới khi tôi nhớ đến em – người bệnh nhân HIV đến với phòng khám chúng tôi trong một buổi trưa muộn. Dáng người em dong dỏng cao, hơi gầy, thần sắc nhợt nhạt và mệt mỏi.
Trong lúc xếp bệnh, gọi tên bệnh nhân chuẩn bị vào khám, em ngồi kế tôi. Chẳng phải tò mò chuyện riêng tư của em, nhưng từ khi nhìn thấy em, từ trong ánh mắt, tôi cảm nhận em đang mang một nỗi buồn man mác. Và có lẽ ánh mắt ấy chạm đến lòng tôi.
Lẩm bẩm cầu nguyện, tôi mở quyển sổ xem trang “khai thác thông tin bệnh nhân”. Lia mắt một hồi, tôi nhận ra linh cảm ban đầu của tôi về em không sai. Ý thức được rằng mọi lời nói không tế nhị sẽ rất dễ làm em bị tổn thương, tôi nhẹ nhàng hỏi câuđầu tiên:
– Hôm nay em không đi làm hả?
Em trả lời, khẳng khái và mang nhiều thông tin hơn tôi tưởng:
– Em không đi làm chị ạ! Từ khi bị đưa vào chỗ đó, em chẳng làm ngày nào! Em gớm quá! Vẻ mặt chán ngán, ghê tởm của em thể hiện qua cái lắc đâu, bĩu môi làm tôi bắt đầu xót, và càng muốn biết xem “chỗ đó” là chỗ nào. Cân nhắc trong sự cầu nguyện, tôi hỏi em một câu nữa:
– Sao em chọn nơi đó để làm, mà bây giờ lại không thích?
– Không chị ơi! Cuộc đời khốn nạn này đưa em vào nơi đó.
Ánh mắt buồn nhìn xuống đất, em kể tiếp:
– Trước đây em có công việc hẳn hoi, em làm cơ khí. Sống cũng ổn lắm! Nhưng rồi mọi việc thay đổi kể từ cái ngày mấy thằng “gay” (đồng tính nam) cùng chỗ làm lợi dụng lúc em say làm chuyện bậy bạ. Sau đó thời gian em bị tai nạn trong lúc làm việc, xương đòn bị nứt. Vào bệnh viện, em bị phát hiện bị nhiễm HIV…
Giọng em nghẹn ngào, tôi nín thở lắng nghe:
– Lang thang, chẳng biết đi đâu. Có cha có mẹ cũng như không chị à! Sau khi ly dị, ba mẹ ai cũng có cuộc sống mới, em sống chung với bà ngoại nhưng rồi ngoại cũng mất. Giữa lúc khốn khó, một ông xe ôm nói sẽ giới thiệu cho em một việc làm vừa nhẹ nhàng, vừa ổn định, lại có chỗ ăn ở. Nghe sao không mừng được chị!
Ngừng một chút, em cười chua chát với ánh mắt mỉa mai:
– “Massage body nam”, chị từng nghe chưa? Kinh tởm! Việc mà họ giao cho em làphục vụ cho mấy người “gay” đến đây tìm sự thoả mãn. Em từ chối, quả quyết với họ là công việc này không phù hợp với em, vì em đâu có bị “gay”! Nhưng họ vẫn không cho em đi, buộc em phải trả lại 500 ngàn “tiền cò” mà họ đã trả cho ông xe ôm thì mới trả lại cho em giấy chứng minh nhân dân! Nói tới đây, em không nhìn vào mặt tôi nữa mà lánh ánh mắt sang phía khác. Tôi biết em khóc – nước mắt của một nam thanh niên bị trượt chân giữa đoạn đường đời. Tôi bần thần khi nghe em kết luận:
– Chắc cái “nghiệp” của em nó vậy chị ơi!
Cái từ “nghiệp” của em làm tôi thương em quá! Thương cho cái nôi gia đình tan tác, thương vì những gì em được dạy dỗ, giáo dục quá nông cạn, hời hợt, để rồi đưađến cách suy nghĩ đơn sơ thường tình: tất cả những bế tắc, khổ đau trong cuộc sốngđều tạo ra bởi cái “nghiệp”. Cách nghĩ này làm cho người ta chấp nhận sự bất công, ngang trái như một sự an bài của số phận, chỉ biết kêu trời chứ chẳng biết trách ai. Cái “nghiệp” ấy dường như vừa xoa dịu, an ủi lòng người, nhưng lại vừa có sức mạnh đánh bại những phân tích, lập luận logic về mặt xã hội, thủ tiêu ý chí vươn lên của khổ nhân và rũ bỏ mọi trách nhiệm của những người có liên quan. Làm trong phòng khám này, tôi chứng kiến biết bao nhiêu cuộc đời như em, bị cái “nghiệp” ấy trói chặt, đè bẹp. Với công việc và vai trò của một điều dưỡng, tôi không đủ thời gian và điều kiện để trò chuyện với bệnh nhân nhiều hơn. Và giả như có, trong một lúc chóng vánh, tôi có thể làm được gì? Giả như tôi đủ hiểu biết, khôn ngoan để nói cho em hiểu sự thật về cơ cấu tội lỗi của xã hội được đan kết chằng chịt bởi những ácđộc, mưu mô, tàn nhẫn của con người ẩn sau cái mà em gọi là “nghiệp” ấy, thì liệu tôi có mang lại cho em niềm vui và hy vọng? Tôi đã nghĩ đến việc dè sẻn dành ra 500 ngàn đồng để giúp em “chuộc thân”, nhưng rồi sau đó thì sao, em sẽ đi đâu, về đâu? Ai sẽ giúp em một công việc đàng hoàng, lương thiện, phù hợp với sức khoẻ và năng lực? Tình yêu nào băng bó vết thương thể xác và tâm hồn đang héo hon, rã rời này? Nếu tất cả những điều đó được đáp ứng, thì may ra những mảnh đời bất hạnh này mới tin và đón nhận những lý thuyết đẹp đẽ về CON NGƯỜI mà tôi đã được học từGiáo Hội: con người là hình ảnh của Thiên Chúa, có nhân vị, có phẩm giá cao quý vàcó nhiều chiều kích huyền nhiệm.
Nghĩ về em, tôi buồn, thấy lòng đau khổ miên man. Tôi mơ có thêm những mái nhà đầy ắp bình an và yêu thương. Tôi nghĩ đến Mẹ Giáo Hội. Tôi nghĩ đến những gương mặt phúc hậu hiền từ của các Sơ, những bước chân bôn ba phục vụ của các linh mục, tu sĩ, và cả những ánh mắt, bàn tay từ bi của tăng, ni Phật tử, của những người thành tâm thiện chí… Xin Chúa ban cho con cái Người ở khắp nơi có thêm sức mạnh, có thêm nghị lực, và nhất là lòng mến, Chúa ơi!
Tôi lại nghĩ về các bạn trẻ – trong đó có tôi – yếu ớt bạc nhược như những người nhiễm HIV vậy, chẳng còn sức đề kháng, mà cạm bẫy, lọc lừa, đồi truỵ… của xã hội cứ như những thứ “bệnh cơ hội” sẵn sàng tấn công. May mắn cho tôi khi được Giáo Hội chăm sóc, dạy dỗ, được tham gia vào các nhóm học hỏi những đạo lý minh triết của Hội Thánh. Việc sinh hoạt và “sống nhóm” đã giúp tôi lớn lên rất nhiều. Thiết nghĩ đây cũng là một mô hình giáo dục nên được Giáo Hội quan tâm và phát triển đúng mực, để tiếp tục nâng đỡ thanh thiếu niên sau các lớp giáo lý Thiếu Nhi Thánh Thể. Bởi tất cả phải đi từ phần gốc, là giáo dục con người.
Bất giác tôi ngước mắt nhìn lên Thánh Giá. Chúa nhìn tôi thương xót mênh mông, Người như bảo tôi phải đứng dậy, lên đường!
Hạt Nắng
(trích tập san GHXHCG số 20)