CẢM THẤY CHÚA NHƯ XA CÁCH

Một phụ nữ đã thú nhận: “Vài năm trước, khi có nhiều sự kiện căng thẳng xảy ra trong gia đình tôi, bao gồm cả cái chết của anh trai tôi vì bệnh ung thư, sức khỏe của tôi đã bị ảnh hưởng. Tôi cảm thấy khó tập trung đến mức không thể cầu nguyện hoặc đọc Kinh thánh được. Sự hiểu biết cũng không giúp được gì, và tôi không thể ngồi yên để xâu chuỗi các lời lẽ lại với nhau trong đầu mà cầu nguyện. Tôi thấy khó gắn kết với Chúa theo những cách mà tôi đã được dạy bảo lâu nay. Tôi thấy mình bị lôi kéo đến chỗ nghĩ rằng cố gắng cầu nguyện hay đọc Kinh thánh chẳng ích gì, rồi bỏ cuộc.”

  1. Những gánh nặng thầm lặng ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta. [1]

Điều mà chúng ta phát hiện ra là cảm giác như thế này rất hay xẩy ra vào những lúc đau buồn và mất mát, không chỉ vì cái chết của một người thân yêu, mà còn khi chúng ta đánh mất những thứ khác có ý nghĩa trong cuộc đời mình, chẳng hạn như đánh mất ước mơ, công việc, hoặc một thứ gì đó đơn giản chỉ là gây thất vọng và không mong chờ.

Cũng là điều bình thường khi chúng ta cảm thấy lo lắng, mệt mỏi lâu dài, rối loạn hệ miễn dịch, trầm cảm hoặc chịu đựng hóa trị, đau thần kinh và các tình trạng sức khỏe khác ảnh hưởng đến khả năng tập trung, hiểu biết, cảm nhận và ghi nhớ của chúng ta.

Những gánh nặng thầm lặng này ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta và khiến những điều cơ bản nhất như đọc Kinh thánh, nghe một bài giảng hoặc cầu nguyện là chuyện không thể.

Hẳn là đang khi chịu đựng những gánh nặng thầm lặng này, nhiều lúc chúng ta tỏ ra nghi ngờ, không biết có một Thiên Chúa toàn tri toàn năng giàu tình thương hiện hữu không. Hoặc khi rơi vào những hoàn cảnh éo le không lối thoát, chúng ta có thể đã kêu trách Chúa vì sao lại để cho những chuyện không hay này xảy đến với ta. Chúng ta nhiều khi có tâm trạng như tác giả thánh vịnh:

Con lâm cảnh ngặt nghèo,

quá sầu đau, mắt đà mòn mỏi,

hồn ảo não và thân hình tiều tuỵ.

Đời tiêu hao trong nỗi u buồn

và tháng năm tàn lụi giữa tiếng thở than

(Tv 3: 10-11).

hoặc:

Trên mình con, những mũi tên Ngài cắm ngập,

bàn tay Ngài giáng nặng xuống thân con.

Chính vì Chúa giận, mà da thịt con không chỗ nào lành;

vì tội lỗi của con, mà xương con chẳng nơi đâu nguyên vẹn.

Tội chồng chất ngập đầu ngập cổ

như gánh nặng vượt quá sức con.

Vết thương con nặng mùi, rữa nát

bởi vì con điên cuồng;

thân lom khom, rã rời, kiệt sức,

suốt cả ngày con thiểu não lang thang.

Ngang lưng đầy lửa bỏng, da thịt con không chỗ nào lành.

Bị suy nhược, nát tan, kiệt sức,

tim thét gào thì miệng phải rống lên.

Con kiệt lực vì gặp bước khốn cùng, gân cốt con rời rã

(Tv 38: 3-9).

Thậm chí chúng ta còn đặt câu hỏi như chính Chúa Giêsu: “Êli, Êli, lêma xabácthani – Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27: 46). Đó là lúc chúng ta có thể cảm thấy muốn từ bỏ đức tin của mình.

  1. Chúng ta trở nên mệt mỏi trong việc thực hành đức tin của mình.

Thực ra, điều quan trọng mà chúng ta có thể bỏ lỡ vào những lúc như thế là cần phải thay đổi mối tương giao của chúng ta với Thiên Chúa. Chúng ta cần ngừng dựa vào lối suy nghĩ, lý luận và thực hành đức tin theo cảm xúc, thay vào đó học cách tin cậy Chúa theo một cách mới. Cả kiến ​​​​thức trí tuệ, cảm xúc cao độ vẫn là không đủ.

Sách Gương Chúa Giêsu viết: “Lý trí và giác quan ít nhìn sâu được vào sự vật, nên thường khi nó chỉ đánh lừa ta. Tranh luận cao kiến về những vấn đề thắc mắc và bí nhiệm có ích chi!” (trang 9).

Và: “Không hưởng được nhiều an ủi ở đời, nhất là những yên ủi giác quan, thường lại có lợi và cũng vững chắc hơn. Còn ơn Chúa yên ủi mà ta không được hoặc được ít là lỗi ta. Vì ta đã không thực tâm thống hối và đã không loại trừ những yên ủi ngoại lai vô ích” (trang 45).

Các nhà chiêm niệm Kitô giáo từ lâu đã cảnh báo chúng ta đừng dựa vào những suy nghĩ và cảm xúc của mình như sự hướng dẫn duy nhất cho đức tin của chúng ta. Tâm lý học con người cũng nhận ra tình trạng này và nói rằng cuộc sống của chúng ta không thể hoàn toàn được định hướng và quyết định bởi những suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta.

Rất nhiều khi, những suy nghĩ của chúng ta là phi lý, không đúng sự thật và vô ích. Cảm xúc của chúng ta có thể không được kiểm soát và khiến chúng ta hành động một cách tiêu cực. Điều này không có nghĩa là chúng ta nên hoàn toàn coi thường những suy nghĩ và cảm xúc của mình như một phần kinh nghiệm của chúng ta về Thiên Chúa. Vấn đề hệ tại ở sự cảm nhận, vì có những lúc trong cuộc sống, chúng ta khó mà hiểu được những gì Thánh Thần đang nói với chúng ta. Đây là lý do tại sao chúng ta cần sắp xếp sự hiểu biết của mình phù hợp với Lời Chúa, với hoàn cảnh và cách nhìn nhận của những Kitô hữu đáng tin cậy chung quanh chúng ta.

  1. Điều quan trọng là chúng ta tìm thấy hy vọng và con đường đến với Chúa để có thể kết hiệp lại với Ngài.

Hãy suy ngẫm về một trong những câu thánh vịnh sau:

  • Lạy Chúa, sao Chúa nỡ đứng xa, ngày khốn quẫn, sao Ngài đành ẩn mặt?” (Tv 10:1)
  • Lạy Chúa, Ngài quên con mãi tới bao giờ? Tới bao giờ còn ngoảnh mặt làm ngơ?” (Tv 12: 2)
  • Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, xin đoái nhìn và thương đáp lại, toả ánh sáng cho đôi mắt rạng ngời, để con khỏi ngủ giấc ngàn thu” (Tv 12:4)
  • Ngày kêu Chúa, không lời đáp ứng, đêm van Ngài mà cũng chẳng yên.” (Tv 22: 3)
  • Lạy Chúa, cúi xin Ngài nghe tiếng con kêu, xin thương tình đáp lại. Nghĩ về Ngài, lòng con tự nhủ: hãy tìm kiếm Thánh Nhan. Lạy Chúa, con tìm thánh nhan Ngài, xin Ngài đừn g ẩn mặt. Tôi tớ Ngài đây, xin đừng giận mà ruồng rẫy, chính Ngài là Đấng phù trợ con. Xin chớ bỏ rơi, xin đừng xua đuổi, lạy Thiên Chúa, Đấng cứu độ con” (Tv 27, 7-9)
  • Hãy hết lòng tin tưởng vào Chúa, chớ hề cậy dựa vào hiểu biết của con. Hãy nhận biết Ngài trong mọi đường đi nước bước, Ngài sẽ san bằng đường nẻo con đi. Đừng tự coi mình là khôn ngoan, hãy kính sợ Chúa và tránh xa sự dữ” (Cn 3: 5-7).

Tất cả chúng ta đều phải đối mặt với những lúc khó khăn, những lúc đó có thể thử thách những gì chúng ta tin tưởng. Và chính trong những lúc hỗn loạn này, dường như chúng ta khó nhìn thấy bàn tay của Thiên Chúa, bởi vì lý trí chúng ta không đủ khả năng hiểu những gì Ngài đang làm.

 “Tội chồng chất ngập đầu ngập cổ, như gánh nặng vượt quá sức con” (Tv 38:5). Khi chúng ta trải qua khó khăn, chúng ta rất dễ hoảng sợ và để cảm xúc lấn át. Điều này có thể biểu hiện như sự nổi loạn chống lại Thiên Chúa, chống lại chính chúng ta hoặc những người khác, và sau đó chúng ta không còn đức tin cần thiết để được cứu thoát, bởi vì chúng ta coi vấn đề của mình lớn lao hơn Thiên Chúa.

Nhưng thật vui mừng khi biết rằng Thiên Chúa sử dụng những lúc khó khăn này để bày tỏ ân huệ và phúc lành của Ngài cho chúng ta. Thoạt nhìn, không có gì xem ra dễ chịu, nhưng khi chúng ta nỗ lực hết sức mình tìm kiếm khuôn mặt của Chúa, và khi chúng ta tin tưởng khấn xin Ngài, Ngài sẽ ban cho chúng ta những thứ cần thiết để vượt qua những khó khăn đó. Sự hiểu biết con người của chúng ta là giới hạn, vì vậy hãy trao cho Thiên Chúa toàn quyền kiểm soát và đón chờ các phúc lành tuôn chảy!

Khi cơn bão ập đến, đừng hoảng sợ và hãy bình tĩnh. Bạn phải giữ một thái độ tin tưởng và thanh thản để Chúa có thể hành động. Chừng nào bạn còn để cảm xúc lấn át mình, bạn sẽ vẫn là một Kitô hữu chưa trưởng thành, chưa tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa, và vì thế Ngài sẽ không thể hành động. Nhiều người đã lang thang trong sa mạc của họ trong nhiều năm – giống như người Do Thái lang thang bốn mươi năm trên đường về Đất hứa – bởi vì họ đã để cảm xúc chi phối, không còn tin vào Thiên Chúa và tin vào Môsê, người thay mặt Thiên Chúa.

Chúa sử dụng những thử thách của cuộc sống để hành động trong chúng ta và sử dụng những thử thách đó như một bài thao luyện giúp chúng ta vượt qua sự kiềm tỏa của cảm xúc nhiều khi rất bạo liệt nhưng rất giới hạn. Do vậy, những thử thách đó không nhất thiết là một trở ngại, mà là những cơ hội từ Chúa để làm cho chúng ta thăng tiến. Nếu chúng ta kiên trung thực hiện bài thao luyện này, Ngài sẽ nâng và chuyển chúng ta lên một tầng cao tâm linh mới.

  1. Chúng ta cần học biết các kỷ luật tâm linh và “Hãy yên lặng và biết rằng ta là Thiên Chúa” (Tv 46: 10).

Thiên Chúa bảo chúng ta im lặng, cả cảm xúc thể lý và lý trí nội tâm, trước mặt Ngài, vì Ngài biết những lời than thở, chất vấn, kêu trách rất dễ trở nên tiêu cực và chỉ gây thêm những vấn đề hơn là đem lại giải pháp cho chúng ta. Ngài bảo chúng ta giữ im lặng, bởi vì Ngài biết rằng chúng ta rất dễ quay lưng lại với Ngài và đổ lỗi cho Ngài về những vấn đề của chúng ta. Điều đó làm cho Ngài không còn là đồng minh nữa mà là kẻ thù của chúng ta. Ngài bảo chúng ta im lặng, vì trong thử thách, chúng ta có thể trở nên giận dữ  với những người chung quanh, cả với chính mình, mà đó là điều Thiên Chúa không hề muốn.

Vì vậy, đừng hoảng sợ, rơi vào tâm trạng hoài nghi. Hãy giữ im lặng, bình tĩnh và nói: “Lạy Chúa, nơi Ngài con trông cậy; lạy Chúa là Thiên Chúa của con, chính Chúa sẽ đáp lời… Muôn lạy Chúa, xin đừng bỏ mặc, đừng nỡ xa con, lạy Thiên Chúa con thờ. Lạy Chúa cứu độ con, xin Ngài mau phù trợ” (Tv 38: 16, 22-23). Hãy tiếp tục chờ đợi Chúa trong sự bình an để Ngài giải thoát. Ngài có mọi giải pháp trong tay.

Satan sẽ gây đủ mọi áp lực lên lý trí và cảm xúc của con người làm cho cuộc sống của của chúng ta mất bình an, nổi loạn chống lại Thiên Chúa trong tuyệt vọng. Đó là một trong những chiến thuật yêu thích của nó. Thánh Phêrô nói: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể anh em trên trần gian đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế. Thiên Chúa là nguồn mọi ân sủng, cũng là Đấng đã kêu gọi anh em vào vinh quang đời đời của Ngài trong Chúa Kitô. Phần anh em là những kẻ phải chịu khổ ít lâu, chính Thiên Chúa sẽ cho anh em được nên hoàn thiện, vững vàng, mạnh mẽ và kiên cường” (1 Phêrô 5:8-0).

Lo lắng là điều bình thường và theo lẽ tự nhiên của mọi sự. Chỉ có điều, chúng ta cần phải giữ niềm tin, sự thanh thản và tin thác nhiều hơn vào Thiên Chúa, và không để hoàn cảnh khốn khó khiến cảm xúc và lý trí của chúng ta nổi loạn.

  1. Hãy đón nhận ánh sáng của Chúa Kitô.

Truyền thống Giáo hội trước thời kỳ Khai sáng Duy lý của chúng ta có đầy đủ các thực hành giúp chúng ta tham gia vào việc cầu nguyện và suy ngẫm Lời Chúa trong tĩnh lặng tâm hồn. Điều này là nhờ vào chiêm niệm. “Hãy yên lặng và biết rằng ta là Thiên Chúa” (Tv 46:10). Sự hiểu biết này không phải là suy nghĩ, nó là một sự hiểu biết sâu sắc hơn, vượt ra ngoài chính chúng ta, là lúc cần để cho Thánh Thần dẫn dắt thần trí của chúng ta giao: “Ðấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Ðấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14, 26) và: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Ngài sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Ngài sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Ngài nghe, Ngài sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến” (Ga 16:13).

Chúa Giêsu phán: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Gioan 8:12). Khi Chúa Giêsu nói Ngài là sự sáng thế gian, điều đó có nghĩa là Ngài có quyền năng mặc khải. Nhưng, ánh sáng của Chúa Giêsu mạc khải điều gì? Ánh sáng của Chúa Giêsu là sự mặc khải về Thiên Chúa và về tội lỗi.

Trước nhất, ánh sáng của Chúa Giêsu mạc khải Thiên Chúa. Tin mừng Gioan 1:18 nói, “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Ngài đã tỏ cho chúng ta biết.” Chúa Giêsu mặc khải bản tính, chân lý, sự thiện hảo, sự công bằng và sự thánh thiện của Thiên Chúa qua sự Nhập thể của Ngài.

Thứ đến, ánh sáng của Chúa Giêsu mặc khải tội lỗi. Gioan 3:20 nói: “Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách.” Chúa Giêsu vạch trần sự dối trá, sự ác độc, bất công và hư hỏng.

Thánh Phaolô nói với hội thánh trong thư Êphêsô 5:8, “Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ, trong Chúa, anh em lại là ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng!”

Trước khi chúng ta tin vào Chúa Giêsu, chúng ta đã quen với bóng tối. Khi chúng ta hạ mình xuống trước thập giá, ánh sáng của Chúa Kitô chiếu vào chúng ta bằng đức tin và chúng ta bắt đầu quá trình quen thuộc với ánh sáng. Đây xem ra là sự tiến triển thông thường trong đời sống đức tin của Kitô hữu: càng hiểu biết về Thiên Chúa, chúng ta càng hiểu biết về tội lỗi của mình. Và khi chúng ta học cách sống như những người của ánh sáng, tình cảm của chúng ta dành cho Chúa Kitô sẽ tràn đầy và sự trân trọng của chúng ta dành cho Tin mừng sẽ ngày càng tăng lên, đến mức độ như Thánh Phaolô viết trong thư Rôma chương 8 rằng: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Chúa Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?…Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Chúa Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8: 35.38-39). Không gì có thể phân rẽ chúng ta khỏi Thiên Chúa, nếu chúng ta tín thác vào Chúa Kitô, Đấng cầu thay cho chúng ta.

  1. Biến đổi trong Chúa Kitô.

Khi chúng ta thích nghi với cuộc sống của mình trong ánh sáng, chúng ta sẽ ngày càng được biến đổi theo hình ảnh của Chúa Kitô. Thánh Gioan trong thư thứ 1chương 1, câu 8-9 viết: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình và sự thật không ở trong chúng ta. Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, thì Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính”. Tin mừng là như thế: chúng ta tội lỗi và có nhiều khuyết điểm hơn chúng ta từng nghĩ, nhưng đồng thời chúng ta cũng được Chúa Giêsu Kitô yêu thương và chấp nhận nhiều hơn chúng ta dám hy vọng.

Đối với những ai đau khổ vì yếu đuối, tội lỗi, Chúa Giêsu đã thốt lên những lời hết sức trìu mến: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11.28). Hãy đón nhận những thay đổi mà Chúa Kitô sẽ mang đến cho cuộc sống của ta. Châm ngôn 13:9 nói: “Ánh sáng người chính trực đem lại niềm vui, ngọn đèn của ác nhân sẽ bị dập tắt.”

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh: “Thiên Chúa chúng ta không phải là một vì Thiên Chúa vắng mặt, bị bắt cóc bởi một bầu trời rất xa xôi; trái lại Ngài là một vì Thiên Chúa “si mê” con người, yêu thương một cách dịu hiền tới độ không có khả năng tự tách rời khỏi con người. Loài người chúng ta khéo chặt đứt các ràng buộc và các cây cầu. Nhưng Thiên Chúa thì không. Nếu trái tim chúng ta lạnh lùng, thì trái tim của Thiên Chúa vẫn nóng bỏng. Thiên Chúa của chúng ta luôn đồng hành với chúng ta, cả khi, vì mạo hiểm, chúng ta quên Ngài. Chúng ta khám phá ra rằng chúng ta được Thiên Chúa Cha yêu thương và đồng hành, không bao giờ bị Ngài bỏ rơi…Trời đất sẽ qua đi, các niềm hy vọng của con người sẽ bị xoá nhoà, nhưng Lời Chúa lớn lao hơn mọi sự sẽ không qua đi. Và Ngài sẽ là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Chúa Giêsu bước đi với chúng ta. Sẽ không có ngày nào trong cuộc sống mà con tim của Thiên Chúa không lo lắng cho chúng ta. Nhưng có ai đó có thể nói: “Cha đang nói gì vậy?” Tôi nói điều này: sẽ không có ngày nào trong cuộc sống trong đó chúng ta sẽ thôi là một âu lo đối với Thiên Chúa. Ngài lo lắng cho chúng ta, và bước đi với chúng ta. Và tại sao Ngài làm điều đó? Đơn giản là vì Ngài yêu thương chúng ta. Anh chị em đã hiểu điều này chưa? Ngài yêu thương chúng ta. Và chắc chắn Thiên Chúa sẽ lo liệu cho mọi nhu cầu của chúng ta, Ngài sẽ không bỏ rơi chúng ta trong lúc gặp thử thách và đen tối.” [2]

 

Phêrô Phạm Văn Trung.

[1] www.eternitynews.com.au.

[2] Buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư ngày 26 tháng 4 năm 2017.

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts