Trong khi cầu nguyện, nguồn cảm xúc của chúng ta bộc lộ tự nhiên trong nhiều cách, khi thì cảm nếm sự biết ơn Thiên Chúa, „dâng lời chúc tụng Chúa, câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi“ (Tv 34,2), nhất là lúc chúng ta có sự thành công, niềm vui và bình an „như trẻ thơ nép mình vào lòng mẹ, trong con hồn lặng lẽ an vui“ (Tv 131,2b), đôi khi rơi nước mắt sung sướng vì được thứ tha tội lỗi tày trời „Người đã giải thoát tôi khỏi mọi nỗi kinh hoàng“ (Tv 34,8b). Khả năng biểu lộ cảm xúc từ trong sâu thẳm nội tâm hòa quyện với suy tư của lý trí và ý chí rất quý giá trong đời sống thiêng liêng của chúng ta. Chính nhờ sự cầu nguyện liên lỉ và trung thành, khả năng cảm xúc được thanh luyện trở nên nhạy cảm hơn, tình yêu giữa ta và Thiên Chúa thắm thiết hơn, ta cảm nếm được Thiên Chúa hiện diện với ta dù Người luôn vắng bóng.
Trí óc và trái tim là hai cơ quan quan trọng trong đời sống con người. Có trí óc mà không hiểu, không biết, không yêu Đấng mình tôn thờ thì đức tin sẽ tăm tối, Người yêu thương ban cho sự sống và sự thông minh của Người để chúng ta sống đức tin một cách sống động, dồi dào, „Tâm trí của con phải tràn đầy tình yêu Thiên Chúa, phải là một tâm trí tự do và tĩnh lặng“ ( Chân phước Charles de Foucauld). Khi trí óc sáng suốt hiểu điều mình tin, thì đức tin mới trở nên ánh sáng và là sức mạnh cho chúng ta nhận biết mầu nhiệm Thiên Chúa trên thân phận con người. Ánh sáng Chúa chiếu đến đâu thì sự sống dâng tràn đến đó, giúp cho những trái tim lầm lạc trở về với Chúa
Lý trí giúp chúng ta nhận định giá trị và ý nghĩa thâm sâu chất chứa những ẩn dụ của một chữ hay một lời trong Kinh Thánh, đánh động lương tâm mình, nó soi rọi một cách cá biệt với biến cố trong đời sống mình và trong giới hạn của một thụ tạo, nó cho chúng ta cảm nhận: „Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào! Quyết định của Người, ai dò cho thấu! Đường lối của Người ai theo dõi được!“ (Rm 11,33). Chỉ có chính đức tin, đức cậy, đức mến và sự thờ phượng đặt chúng ta vào sự gặp gỡ Thiên Chúa. Đức tin thì tự do, không kìm kẹp, không thay đổi, được nuôi dưỡng từ cảm xúc và sự soi rọi của tâm trí và ý chí.
Nhiều khi cầu nguyện mà chúng ta rơi vào tăm tối, tâm trí đi vào một ngõ cụt, không biết, không hiểu vấn đề mà mình đang suy niệm, mình thất vọng, chán nản… Chúng ta thấy mình xa Thiên Chúa vì không có một chút cảm xúc sốt sắng nào về Người. Đây là lúc chúng ta đi vào ngõ cụt tăm tối, „ta hãy lấy đức tin bù lại nếu giác quan không cảm thấy gì“ (Thánh Thomas Aquinô). Các bạn đừng lo lắng gì, Thiên Chúa giống như bà mẹ chơi ú tim với đứa con ba, bốn tuổi. Bé đang lo sợ hoang mang ấm ức khóc vì không thấy mẹ, nhưng khi mẹ xuất hiện thì niềm vui òa vỡ, cơn lo sợ của bé được thay vào nụ cười đầy nước mắt sung sướng. Cũng một trật như vậy Chúa cho chúng ta trải qua thời khắc tăm tối để sau đó nhận biết giá trị sự vắng mặt của Người, Người vẫn hiện diện vô hình bên ta. Đây là sự an ủi rất hiệu quả trong đời sống cầu nguyện, Người cho chúng ta trải qua đêm tối để lớn lên với sự nhận thức mới mẻ thâm sâu hơn về Thiên Chúa và sự khôn ngoan của Người. Thật thú vị và biết ơn xiết bao, khi Người cho chúng ta nghèo đi trước khi cho chúng ta giàu lên trong lãnh vực thiêng liêng.
Thiên Chúa cho chúng ta xử dụng tất cả mọi tạo vất để làm sáng danh Ngài, vì thế, chúng ta có thể cầu nguyện với ngũ quan: xúc giác, thính giác, thị giác, vị giác và khứu giác. Cơ quan xúc giác là cơ quan quan trọng nhất trong đời sống thiêng liêng. Khi nói đến „va chạm“ tức là có sự ma sát, sự sờ đụng , đó là vai trò của xúc giác, giác quan phát triển đầu tiên khi con người còn là bào thai trong lòng mẹ. Xúc giác là nguồn gốc của mọi giác quan, (sờ, nhìn, nghe, ngửi, nếm) là giác quan căn cốt nhất và cần thiết nhất cho đời sống và trong sự giao tiếp, khi có cuộc tiếp xúc bởi xúc giác, sờ đụng thì cảm giác của chúng ta trực tiếp và thân thiết hơn các giác quan khác, vì xúc giác là cơ quan thông hiệp tuyệt hảo nhất. Đức Giêsu đã chạnh lòng thương bà góa nghèo thành Nain đang đau khổ tột cùng, khóc lóc đi chôn người con trai, là nơi nương tựa độc nhất của mình,: „Người lại gần, „chạm“ vào quan tài, anh ta liền trỗi dậy“ (x. Lc 7,14-15). Đức tin là điều sống động nhất trong đời sống thiêng liêng, nhờ đức tin chúng ta có thể „chạm đến Thiên Chúa“ một cách huyền nhiệm nhưng thiết thực. Đồng thời để cho mình được Thiên Chúa „chạm“ đến trái tim, thiết lập mối hiệp thông nội tại với Người và cho chúng ta được biến đổi dần dần nhờ ân sủng Người.
Khi cầu nguyện, đức tin cho chúng ta một cảm xúc tuyệt diệu, chúng ta cảm nhận đầy đủ tầm quan trọng và sức mạnh của nó: „Đức tin cho ta thấy sự cao cả của Thiên Chúa, và cho ta thấy rõ cái bé bỏng của ta“ (CP. Charles đe Foucauld). Chính hành vi khiêm tốn này dẫn ta dần dần vào kho tàng của mầu nhiệm Thiên Chúa. Mọi thiếu hụt của chúng ta trong đời sống là do thiếu đức tin, bị tổn thương, bị hiểu lầm cay đắng vì thế việc cấp bách là xin gia tăng đức tin „Thưa Thầy xin thêm lòng tin cho chúng con“. Chúa đáp: „Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: ‚Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc‘ nó cũng sẽ vâng lời anh em“ (Lc 17,5b-6). Đức tin của chúng ta yếu kém, nhưng quyền năng Chúa sẽ trợ giúp cho chúng ta làm điều Người muốn.
Lạy Thiên Chúa, chúng con đều yếu đuối, tội lỗi, hay thay đổi và dễ bị tổn thương… song chúng con xin hứa sẽ luôn trung tín với đường lối và chân lý của Ngài. Amen.
Elisabeth Nguyễn