Chuyện đã cũ và chỉ xin phép được kể lại :
Trên một chuyến xe lửa về Paris, một sinh viên trẻ tuổi ngồi bên một cụ già…Chỉ ít phút sau khi tàu chuyển bánh, cụ già rút trong túi áo ra một tràng chuỗi hạt…và từ từ chìm đắm trong cầu nguyện…Người sinh viên quan sát cử chỉ của ông cụ với chút khinh thường của một người trẻ có học…Khi thấy ông cụ thoáng mở mắt, anh chàng ta vội nắm lấy cơ hội :
–Thưa ông, hình như ông vẫn còn “bám” vào những thứ nhảm nhí này ?!
-Đúng thế, người bạn trẻ, tôi vẫn “tin”, vẫn “bám” vào việc cầu nguyện với tràng hạt Mân Côi…Còn cậu thì sao ? Cậu không tin ư ?
Một cách ngạo mạn, “người bạn trẻ” phá lên cười và quả quyết:
-Lúc nhỏ tôi tin, nhưng bây giờ…làm sao tôi có thể tin vào những chuyện như thế nữa chứ…Thưa ông, khoa học đã thực sự mở mắt cho tôi…Ông cứ tin tôi đi : hãy quăng chuỗi tràng hạt và hãy học cho biết những khám phá mới, ông sẽ thấy rằng những gì ông tin từ trước đến giờ đều là mê tín dị đoan…
Ông cụ nhẹ nhàng và điềm tĩnh hỏi anh chàng sinh viên:
-Cậu vừa nói về những khám phá mới của khoa học…Cậu có cách nào giúp tôi hiểu được điều này không ?
Anh chàng sinh viên hăng hái đề nghị:
-Ông cứ cho tôi địa chỉ, tôi sẽ gửi đến cho ông một quyển sách…Ông tha hồ đi vào thế giới của khoa học…
Cụ già từ từ rút trong túi áo mình ra một tấm danh thiếp và trao cho cậu sinh viên…Đọc tấm danh thiếp, anh chàng sinh viên im lặng cúi đầu…và – khi ông cụ tiếp tục tràng chuỗi với đôi mắt lim dim – anh chàng đã nhẹ nhàng rời sang toa khác…Tấm danh thiếp ấy ghi : “Louis Pasteur – viện nghiên cứu khoa học Paris”…
Dĩ nhiên là không ai trong chúng ta – và hy vọng các bạn trẻ cũng thế – mà không biết đến Louis Pasteur (1822 – 1895) – nhà hóa học, nhà vi sinh vật học người Pháp với những phát hiện về nguyên tắc tiêm chủng, lên men vi sinh…Qua người đồ đệ của ông là Albert Calmette (1863 – 1933) – một bác sĩ,nhà vi khuẩn học,nhà miễn dịch học – Viện Pasteur Sài Gòn được thành lập năm 1891…Sau đó là Viện Pasteur Hà Nội năm 1925, Viện Pasteur Đà Lạt năm 1936…Riêng Viện Pasteur Nha Trang được thành lập năm 1895 do bác sĩ và là nhà vi khuẩn học Alexandre Yersin (1863 – 1943)…Ông qua đời tại Nha Trang và mộ phần ông được đặt tại Suối Dầu…Người viết cũng nhân cơ hội này để có đôi ba chi tiết nho nhỏ về những nhân cách lớn ấy…
Đức Ông Alfred Xuereb, thư ký cũ của Đức Phan-xi-cô, đã từng chia sẻ về ngài với Vatican Radio : “ Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô không phí một phút nào ! Ngài làm việc không ngừng nghỉ, và khi thấy cần một khoảng dừng , ngài nhắm mắt lại và chẳng làm gì cả, mà chỉ ngồi đó và đọc kinh Mân Côi. Tôi nghĩ là ngài lần hạt ít nhất ba chuỗi mỗi ngày. Ngài bảo với tôi rằng: “Việc này giúp tôi nhẹ nhõm. Chuỗi Mân Côi là lời kinh đi cùng tôi, và đó cũng là lời kinh của người thường và các vị thánh…Đó là lời kinh từ trái tim tôi.” Và rồi sau khi đọc kinh xong, ngài lại lao vào công việc.”
“Đó là lời kinh của người thường và các vị thánh…” – đấy cũng là lý do người viết chọn bức ảnh đầu cho chuyện cầu nguyện với tràng hạt Mân Côi – một hoạt động nền móng của đời sống những người tin, và – ngay từ đầu mùa Chay – Chúa Giê-su nhắc nhở : “Hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha anh em” ( Mt 6 , 6a)…Lời kinh của “người thường”, nhưng hình ảnh rất đáng trân trọng ấy chắc là khó gặp trong hôm nay…nên là của “các vị thánh”…và sẽ mang rất nhiều Ơn Chúa đến trong thời COVID-19 để nhân loại lành và thánh hơn ở Mùa Chay 2020 này…Chắc chắn COVID-19 sẽ được nhắc đến trong những tràng chuỗi của Đức Thánh Cha và của mỗi chúng ta…
Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp