CẦU NGUYỆN SUY NIỆM DÀNH CHO NHỮNG NGƯỜI DỄ BỊ PHÂN TÂM

Nhiều phiền nhiễu ngày nay đã làm giảm khả năng tập trung của chúng ta, kể cả trong đời sống cầu nguyện. May mắn thay, có những lời khuyên thiết thực có thể giúp chúng ta.

Tôi luôn gặp khó khăn khi lần hạt Mân Côi. Tâm trí tôi lang thang đến những nơi xa xôi rất nhanh. Tôi bị phân tâm và mặc dù tôi đang đọc to những lời kinh nhưng tôi không thực sự tập trung vào việc suy niệm những mầu nhiệm. Tôi cũng khó tập trung trong Thánh lễ, điều này thật xấu hổ vì tôi là một linh mục. Như tất cả mọi người, tâm trí tôi cần được tập trung vào những gì đang diễn ra.

Không phải là tôi bị lãng trí và không còn biết mình ở đâu mình khi cầu nguyện. Giống như với lần hạt Mân côi, tôi đọc xong một lời kinh rồi mới nhận ra rằng mình đã đọc như vậy một cách thiếu tập trung. Điều này không nên xảy ra. Rốt cuộc, Thánh lễ đầy vẻ đẹp giàu hình ảnh sáng tạo. Thánh lễ hướng dẫn chúng ta về Cuộc Khổ nạn của Chúa Kitô một cách chi tiết. Thánh lễ không phải là một ý tưởng thần học trừu tượng. Đúng hơn, đó là một sự suy niệm sâu sắc và bền bỉ về cái chết và sự phục sinh của Chúa chúng ta. Điều đó phải thu hút sự chú ý của chúng ta.

Thời đại hiện đại của chúng ta, với việc thường xuyên tiếp cận với các phương tiện giải trí, điện thoại di động, tivi, tin nhắn và những thứ gây xao lãng bất cứ lúc nào cũng có thể làm giảm khả năng duy trì sự tập trung tâm trí của chúng ta. Khi tôi cố gắng cầu nguyện lặng lẽ, hoặc thậm chí chỉ đơn giản là đứng yên nhìn bầu trời và trong giây lát tôi cảm thấy mình đúng là một con người, thì tôi lại thấy mình ngứa ngáy. Tôi muốn rút điện thoại ra, xem mọi người đang làm gì, xem các hashtag đang thịnh hành, nóng lòng lướt qua những bức ảnh kỹ thuật số vốn được đăng lên cho mọi người xem.

 

Tìm trọng tâm

Nếu chúng ta có ý định thực hành bất cứ hình thức nào của đời cầu nguyện, hoặc thậm chí chỉ là dành thời gian để tự suy niệm, thì chúng ta cần phải giải quyết vấn đề này. Tôi tin chắc rằng Thánh lễ Công giáo, nhất là cùng với tâm tình suy niệm mạnh mẽ và bền vững, trực tiếp giúp ích cho sự nở hoa của nền văn hóa con người. Sự sáng tạo và năng lượng cần thiết cho nghệ thuật, văn học và âm nhạc vĩ đại của thời Trung cổ và Phục hưng không phải tự nhiên mà có. Đó là một vẻ đẹp nảy sinh trong tâm trí và trái tim của hàng triệu người qua việc họ sẵn sàng quỳ gối lặng lẽ trước Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch của mọi sự tốt lành và mọi vẻ đẹp. Niềm vui và vẻ đẹp mà họ đã tạo ra là minh chứng cho sức mạnh của việc cầu nguyện suy niệm. Tôi biết đây là một phát biểu mạnh giọng, nhưng tôi thực sự tin vào điều đó.

Đây là lý do khiến tôi lo lắng khi lần đầu tiên tôi bắt đầu nhận thấy mình không có khả năng tập trung. Những khó khăn của tôi trong khi cầu nguyện suy niệm, một hình thức cầu nguyện giàu trí tưởng tượng, trong đó một hình ảnh trong tâm trí được khai triển và lưu lại, đặc biệt gây lo ngại. Vì vậy, tôi quyết tâm đạt được tiến bộ trong việc khắc phục các vấn đề của mình.

Mặc dù thời đại hiện đại của chúng ta đặc biệt gây tổn hại đến tinh thần suy niệm, nhưng vấn đề này không phải là mới. Từ xa xưa, con người đã không thể ngồi yên, im lặng và suy nghĩ. Thánh Phanxicô Salê, trong cuốn Dẫn vào Đời sống Đạo đức, đưa ra lời khuyên thực tế về chủ đề này, ngài lưu ý rằng những ý tưởng nhằm duy trì suy nghĩ cần phải được rèn luyện. Nhưng đó không phải là một thứ rèn luyện chỉ dành cho các tu sĩ và các vị thánh. Tất cả chúng ta sẽ tốt lành hơn nếu có một chút thời gian yên tĩnh để suy niệm. Lời khuyên của ngài dành cho chúng ta, đại đa số những người có cuộc sống bận rộn.

 

NHẬN RA SỰ HIỆN DIỆN CỦA THIÊN CHÚA

Hãy bắt đầu bằng việc nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa. Hãy tìm một nơi yên tĩnh. Một nhà thờ là điều lý tưởng nhưng ở tại nhà cũng là điều có tác dụng, miễn là đừng gây chia trí. Ở một nơi yên tĩnh được bao quanh bởi những thứ đẹp đẽ – một nhà thờ, một khu vườn, mái hiên sau nhà nhìn ra khoảng trời – là điều lý tưởng vì vẻ đẹp nhắc nhở chúng ta về sự hiện diện của Thiên Chúa chung quanh chúng ta, phản chiếu qua những điều tốt lành mà Ngài đã dựng nên. Tuy nhiên, dù chúng ta ở đâu, loại bỏ những phiền nhiễu là việc rất khó, vì vậy Thánh Phanxicô Salê khuyên chúng ta nên cầu xin Chúa ngay từ đầu để giúp chúng ta tĩnh lặng lại và tập trung, nhớ rằng Thiên Chúa luôn hiện diện trong cõi lòng của con cái Ngài bất kể chúng ta ở đâu. Sự hiện diện của Ngài luôn ở bên chúng ta bất cứ nơi nào chúng ta đi. Nhận ra sự hiện diện thánh thiêng này là điều quan trọng.

 

ĐỪNG LÀM PHỨC TẠP VẤN ĐỀ

Hãy bắt đầu bằng những lời kinh sốt sắng đơn giản như Kinh Mân Côi, Kinh Lạy Cha, các thánh vịnh. Hãy đọc những kinh này lớn tiếng và chủ tâm đặt mình vào tình bầu bạn với các vị thánh đông đảo vốn đã luôn cầu nguyện bằng những lời kinh này. Hãy khẩn nài thiên thần bản mệnh và thánh quan thầy của bạn cầu nguyện với bạn. Khi chúng ta yếu đuối thì Giáo Hội mạnh mẽ. Mẹ Giáo Hội sẽ chia sẻ tình yêu và tình mẫu tử của Mẹ với chúng ta và giúp chúng ta cầu nguyện hiệu quả hơn. Mẹ Giáo Hội sẽ ban cho chúng ta ân sủng để chúng ta giữ được một cõi lòng tĩnh lặng.

 

DỰNG LÊN CẢNH TƯỢNG TRONG TÂM TRÍ

Nếu suy niệm là để tìm hiểu cuộc đời của Chúa Kitô nhằm phát triển lòng biết ơn và lòng sốt sắng, thì sau khi tâm trí chúng ta đã tập trung, điều quan trọng là phải dựng lên một bức tranh trong tâm trí. Thiên Chúa nói với chúng ta qua trí tưởng tượng của chúng ta, vì vậy việc dựng lên cảnh tượng này phải mất một chặng đường dài. Các mầu nhiệm đức tin không nhất thiết phải là những điều trừu tượng mang tính trí tuệ. Chẳng hạn, đại dương trông như thế nào vào ngày Chúa đi trên mặt nước? Hãy tưởng tượng mặt trời lấp lánh trên sóng. Nước xanh như thế nào? Bầu trời xanh như thế nào? Khuôn mặt của các môn đệ trông như thế nào? Bằng cách này, Thánh Phanxicô Salê nói, chúng ta “giới hạn tâm trí của mình trong những mầu nhiệm mà chúng ta dự định suy niệm”.

 

ĐỪNG SỢ LÀM THEO ĐIỀU BẠN CÓ THỂ NGHE THẤY ĐƯỢC

Thánh Phanxicô Salê viết: “Nếu trong khi đọc kinh, bạn cảm thấy tâm hồn mình được lôi cuốn và được mời gọi cầu nguyện nội tâm hoặc bằng tâm trí, thì đừng cưỡng lại sự thu hút này.” Hãy ngừng cầu nguyện bằng cách đọc kinh và chuyển sang mức độ suy niệm thân mật sâu sắc ngay khi bạn sẵn sàng. Điều này có thể hoặc không diễn ra một cách nhanh chóng hoặc dễ dàng. Đôi khi tôi mất khá nhiều thời gian để làm cho tâm trí đầy nghĩ suy của mình tĩnh lặng lại trước khi có thể vượt qua được cách cầu nguyện bằng đọc kinh. Ngay cả khi hình dung ra một quang cảnh trong cuộc đời của Chúa Kitô, như chúng ta có thể làm trong khi suy niệm về một trong những mầu nhiệm Mân Côi hoặc với một bài đọc Tin Mừng, cố gắng ban đầu để suy niệm có thể không thu hút được trí tưởng tượng của chúng ta. Khi điều này xảy ra, Thánh Phanxicô Salê nói rằng, giống như một con ong bay đến một bông hoa mới, chúng ta có thể chuyển sang một hình ảnh khác trong đầu. Đừng lo lắng nếu phải thử như vậy vài lần.

 

CỨ KIÊN TRÌ

Hãy hình thành thói quen cầu nguyện suy niệm mỗi ngày. Mỗi tuần một lần là không đủ. Cầu nguyện là thức ăn thiêng liêng của chúng ta và chúng ta nên “ăn” mỗi ngày. Nếu không, chúng ta sẽ trở nên yếu đuối. Thánh Phanxicô Salê khuyến khích nên có nhiều lần cầu nguyện suy niệm ngắn mỗi ngày.

 

GHI NHỚ MỤC TIÊU

Cuối cùng, hãy ghi nhớ lý do tại sao chúng ta cố gắng. Tại sao phải nỗ lực suy niệm? Mục tiêu là hình thành một quyết tâm tốt lành ngang qua việc tự phản tỉnh. Chúng ta thấy điều gì đó trong cuộc đời của Chúa Kitô gây cảm hứng hoặc thử thách, một lĩnh vực trong cuộc sống của chúng ta mà trong đó chúng ta có thể gia tăng lòng yêu mến của mình. Thánh Phanxicô Salê nói, nếu lời cầu nguyện giống như việc lang thang trong một khu vườn xinh đẹp, thì việc ngắt một hoặc hai bông hoa và mang theo bên mình khi đi đây đi đó trong ngày là điều hợp lý.

Tâm hồn của một người bị lấp đầy bởi đối tượng mà người ấy suy nghĩ. Chúng ta là những gì chúng ta suy nghĩ. Nếu chúng ta nghĩ đến Chúa, chúng ta sẽ trở nên mến yêu Chúa. Thánh Phanxicô Salê sử dụng ví dụ về một đứa trẻ lắng nghe mẹ nó nói, rồi nói lảm nhảm và bắt chước lời nói của mẹ. Cuối cùng, khi làm như vậy, bằng một cách đơn giản nhưng huyền nhiệm nào đó, đứa trẻ sẽ học nói được. Nếu chúng ta nghĩ về Thiên Chúa, là ánh sáng thế gian và suy ngẫm về gương sáng của Ngài, thì cuối cùng chúng ta cũng sẽ bắt đầu tỏa sáng.

 

Tác giả: LM Michael Rennier, aleteia.org.

Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung

Chia sẻ Bài này:

Related posts