Giữa cầu nguyện và đức tin có sự liên hệ với nhau. Con người tin sao thì cầu nguyện như vậy “ Lex orandi lex credendi”. Tin có Đấng Toàn Năng thì cầu nguyện với Ngài để xin ơn này, ơn khác nhưng khi lòng tin ấy đổ vỡ thì việc cầu nguyện trở nên …hụt hẫng và khi ấy tôn giáo chỉ còn là một thứ hình thức trống rỗng chẳng giúp ích chi cho đời sống. Có cũng được mà chẳng có thì cũng chẳng sao ?
Trước viễn cảnh không mấy sáng sủa ấy, thần học đã cố gắng khiến việc cầu nguyện có một cơ sở mang tính nội tâm gọi là…chiêm niệm. Thế nhưng việc ấy dường như cũng không được chấp nhận: “ Khi nói chuyện với mọi người về chiêm niệm, tôi thường thấy rằng những người đầu tiên hiểu nó là gì lại là những người ngoại đạo hoặc thậm chí là những người không có tôn giáo. Trong con mắt của nhiều Ki Tô Hữu đang giữ và sống đạo của nhiều linh mục, tu sĩ nam nữ, từ ngữ chiêm niệm đối với họ thoạt nhìn có vẻ như một kỹ thuật ( cầu nguyện )_ có tính chất xa lạ, đáng ngờ hoặc một số mánh khóe kỳ lạ hoặc thậm chí là một loại liệu pháp có thể giống thư giãn nhưng không thể mang danh nghĩa Ky Tô giáo ! Đó là tình trạng rất đáng buồn. Vì vậy nhiều Ky Tô Hữu đã mất mối tương quan với truyền thống cầu nguyện của riêng họ. Chúng ta không còn tận dụng được hết sự khôn ngoan và lời khuyên khôn ngoan của những bậc thầy vĩ đại về cầu nguyện” ( Nguồn ĐBĐM 30/7/2022 Phe Ro Phạm Văn Trung – Một cái nhìn về chiêm niệm Ky To giáo ).
Sở dĩ có nhiều linh mục hoặc nam nữ tu sĩ xa lạ và không chấp nhận hình thức…chiêm niệm là vì nó khác xa với quan niệm truyền thống về cầu nguyện trước đây là cầu với một Đấng Toàn Năng có quyền ban phát hoặc khước từ ơn sủng. Đang khi đó có những người ngoại đạo hoặc không có tôn giáo lại sẵn sàng nhìn nhận chiêm niệm Ky Tô giáo bởi vì họ nghĩ rằng đây cũng là một thứ Thiền ( Meditation ) nào đó ?
Thật sự thì cả hai quan niệm ấy đều chẳng dính dáng gì đến bản chất của cầu nguyện hiểu như là việc…lắng nghe. Sao có thể nói bản chất của cầu nguyện là lắng nghe ? Bởi vì…nghe ở đây là nghe Tiếng Chúa ở nơi mình: “ Vậy hãy lắng tai nghe, hãy đến ăn đồ bổ và các ngươi sẽ được thưởng thức những món ăn mỹ vị. Hãy lắng tai và đến cùng Ta, hãy nghe thì các ngươi sẽ được sống” ( Is 55, 1 -3 ).
Để nghe Tiếng Chúa trước hết cần nghe được tiếng nói của nội tâm. Người đời lầm lạc vì không phân biệt được những tiếng của các thứ tư tưởng mình, chúng hoặc là khổ, vui hoặc là thiện, ác v.v…Tư tưởng là cái quyết định cho mọi hành vi, lời nói của con người. Có tư tưởng ăn thì mới ăn, có tư tưởng đi đứng, nằm, ngồi thì mới đi, đứng, nằm, ngồi. Cũng vậy có tư tưởng thiện lành thì mới làm được những việc thiện lành. Ngược lại có tư tưởng xấu, ác thì sẽ làm điều xấu ác.
Tư tưởng mang tính chất quyết định như thế nhưng bởi u mê, lầm lạc nên con người đã chất chứa ở nơi mình những tư tưởng ác độc, ghen tương, thù hận…để rồi phải nhận lấy những ác quả khổ đau mà không biết. Chúa Giê Su nói: “ Không có cây tốt lại sanh trái xấu. Cũng không có cây xấu lại sinh trái tốt. Vì cứ xem quả thì biết cây, người ta không hái trái vả nơi lùm gai. Cũng không hái trái nho nơi bụi rậm. Người thiện do lòng chứa thiện mà phát ra điều thiện. Kẻ ác do lòng chứa ác mà phát ra điều ác. Vì do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng mới phát ra” ( Lc 6, 43 -45 ).
Nhân nào thì quả ấy và cái nhân ở đây chính là tư tưởng, có hiểu được lẽ đó mới có thể nhận ra tôn giáo tất cả cũng không ngoài mục đích tạo ra một cái nhân lành tối thượng để đạt được kết quả là vĩnh viễn thoát khỏi khổ đau. Như đã biết, con người sống trong khổ đau là vì đã chất chứa ở nơi mình những tư tưởng xấu, ác và sở dĩ như thế là vì đã không phân biệt được tư tưởng, chúng là khổ, vui hoặc thiện, ác ?
Để có được sự phân biệt này thì cần tạo cho mình một năng lực đó là Lời Chúa: “ Vì Lời Chúa là lời hằng sống, sắc hơn mọi gươm hai lưỡi, đâm thấu đến nỗi chia hồn linh, khớp tủy. Biện biệt tư tưởng và ý định của lòng” ( Dt 4, 12 ).
Lời Chúa sắc bén như gươm hai lưỡi, một tư tưởng xấu vừa thoạt khởi tức thời được nhận biết và khi đã được nhận biết thì nó không thể tác dụng có. Tuy nhiên để có thể xử dụng Lời Chúa như một thứ gươm sắc bén như thế thì cần có phương pháp đó là: Xoay cái nghe trở vào bên trong để nhận ra bản tánh mình ( Phản Văn, Văn Tự Tánh ).
Đức Ki Tô gọi Bản Tánh của mỗi người là Cha, còn minh triết Đông Phương gọi là Đạo “ Đạo khả đạo, phi thường Đạo. Danh khả danh phi thường Danh” Đạo mà ta có thể gọi được đó không phải là Đạo thường. Danh mà ta có thể nói không phải là Danh thường ).
Chữ “ Thường” ở đây là thường hằng bất biến, siêu việt ngôn ngữ. Thế nhưng Đạo ấy tuy không nói, không gọi được nhưng nó lại hiện hữu ở nơi mỗi người. Nhận ra như thế để cho thấy việc cầu nguyện chân thật như Chúa nói là phải quay vào bên trong mà cầu: “ Còn ngươi khi cầu nguyện hãy vào phòng kín đóng cửa lại rồi cầu nguyện Cha ngươi là Đấng ở nơi ẩn mật và Cha ngươi là Đấng thấy trong chỗ ẩn mật sẽ báo đáp cho” ( Mt 6, 6 )
Vào phòng kín đóng cửa lại có nghĩa là phải thu thúc lục căn gồm có: Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân và Ý. Trong sáu căn đó thì Ý Thức đóng vai trò quyết định cho 05 căn còn lại. Theo Duy Thức Học thì công của Ý Thức đứng đầu mà tội của nó cũng là số một ( Công vi thủ, tội vi khôi ) Còn Kinh Thánh thì cho Ý Thức chính là tội phân biệt thiện ác ( St 2, 16 -17 ) tức theo ý riêng mình. Toàn bộ việc sống đạo là để từ bỏ ý riêng mình đi. Chính Chúa Giê Su cũng thực thi điều đó: “ Vì Ta từ trời chẳng phải để làm theo ý riêng Ta mà theo ý đấng đã sai Ta” ( Ga 6, 38 ).
Điều cốt tủy của cầu nguyện không phải là cầu xin Thiên Chúa điều này việc khác nhưng là làm sao để nghe được Tiếng Ngài với Tâm Vô Phân Biệt: “ Soren Kiekegaard ( 1813 -1855 ) đã nói: “ Trong những gì liên quan thực sự đến cầu nguyện không phải Thiên Chúa nghe những gì người ta xin Ngài. Nhưng kẻ cầu nguyện cho đến lúc chính người ấy lại là kẻ nghe được những gì Thiên Chúa muốn” ( Andre Seve – Cầu Nguyện Hôm Nay ).
Quan niệm này hoàn toàn khác với trước đây là Thiên Chúa nghe lời ta cầu nguyện còn theo triết gia Hiện Sinh này thì chính ta lại nghe được Tiếng Chúa. Nguyên do của sự khác biệt ấy là bởi Thiên Chúa trước đây là Thiên Chúa…ngoại tại hay nói đúng hơn chỉ là một thứ quan niệm triết học. Còn nay là Đấng Thiên Chúa…nội tại hay nói cách khác đó là Đấng Ẩn Giấu ( Deus Abconsditus ).
Để có thể nghe được Tiếng Chúa Ẩn Giấu ấy cần trải qua một quá trình sống đạo lâu dài bằng cách kiên trì thực hành Kinh Mân Côi. Thật vậy, toàn bộ Kinh Mân Côi là Lời Chúa. Thực hành Kinh Nguyện này là…đem Lời Chúa chứa đựng ở nơi Tâm mình. Lý do khiến các tín hữu không thể kiên trì việc thực hành là bởi không thể dứt trừ được sự chia lòng chia trí, hoặc chỉ đọc ( tụng ) kinh này ngoài môi ngoài miệng không thể sinh ơn ích: “ Khi các ngươi cầu nguyện, đừng lập đi lập lại như dân ngoại vì họ tưởng rằng cứ nói nhiều thì được dủ nghe” ( Mt 6, 7 ).
Giá trị của Kinh Mân Côi chính là để cho ta…nghe được Tiếng ( Lời ) Chúa, bởi vậy Kinh này trước đây có nơi gọi là Kinh Văn Côi. Đây chính là Phép Nghe của Đạo Công Giáo. Nghe với tâm vô phân biệt tức không chia lòng chia trí sẽ giải thoát được các tư tưởng xấu ác làm khổ mình. Cứ kiên trì lắng nghe Lời Chúa như thế sẽ tạo cho mình một cái Nghiệp Lành tối thượng và chính nghiệp lành ấy sẽ dẫn ta bước vào đời sau để được làm anh em với Chúa Giê Su và là con của Đức Maria: “ Có kẻ thưa với Chúa rằng Mẹ và anh em Thầy đang đứng bên ngoài. Nhưng Ngài đáp cùng họ rằng: Mẹ và anh em Ta là những kẻ nghe Đạo và làm theo” ( Lc 8, 20 -21 )./.
Phùng Văn Hóa
chia trí thì Lời Chúa sẽ được in sâu vào tâm tưởng mình để trở thành một thứ gươm báu