Trước cửa đền Appolon ở Delphes có ghi câu này “ Hãy tìm cho biết về chính mình mày” ( Connais toi, toi meme ) . Đây là một câu mang tính sấm ngôn của minh triết Hy lạp đã có cách nay trên 25 TK . Triết Hy Lạp trải qua ba thời kỳ , một là Thần thoại hay còn gọi là Thần minh luận ( Theogonie ) hai là vũ trụ luận ( Cosmogonie ) và ba là lý trí luận( logique ). Theo tôi chỉ trong thời Thần thoại mà triết Hy lạp mới xứng danh minh triết và tính minh triết của nó được thể hiện chính là ở nơi cái sự “ Biết mình ” này đây. Toàn bộ triết Tây phương cho đến hiện thời vẫn còn mang đậm dấu ấn duy lý mặc dù người ta đã muốn dũ bỏ nó nhưng không được. Bằng chứng rõ nhất đó là Nietzhe ( 1844 – 1900 ) người chủ trương hiện sinh thuyết lại đã lớn tiếng chỉ trích câu khẩu hiệu “ Biết mình ” cho đó là lời nói độc hại xấu xí. Vì hễ ai quay lại nhìn mình tức là đã chặn đứng sự nảy nở không khác chi con sâu bỏ ra tìm hiểu về mình thì có bao giờ trở thành bướm ?” ( Kim Định Nhân Bản ) Mục đích ra đời của triết hiện sinh là để phản bác lại duy lý mà họ cho rằng đó là thứ triết học vong thân , phóng thể ( alienation ) xa rời đời sống, bỏ quên con người. Ảnh hưởng của triết hiện sinh đặc biệt là với Thần học trong nửa cuối thế kỷ 20 vừa qua là rất đáng kể. Có thể nói là từ đây , ở nơi quan điểm hiện sinh này mà trào lưu nhân bản đã được phát huy nở rộ. Thay cho triết/thần học trước đây lấy đối tượng là vũ trụ thì nay hiện sinh lại bảo phải quay về với con người. Thế nhưng thử hỏi đó là cái con người nào mà triết hiện sinh muốn quay về ? Xin thưa cả Nietzhe vô thần lẫn Gabrielle Marcell hữu thần đều chủ trương quan điểm về tư thân ( Corps propre ) cho con người chính là cái xác thân của nó ( Je suis mon corps ). Toàn bộ triết học hiện sinh bất kể thuộc khuynh hướng nào ta thấy đều trái ngược hẳn với đạo lý “ Bỏ mình ” của Đức Kito:
“ Ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ mình , vác thập giá mình hàng ngày mà theo. Vì hễ ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất. Còn ai hễ vì cớ Ta mà mất mạng sống mình thì sẽ tìm lại được . Vì chưng được lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn mình thì nào được ích gì” Mt 16, 24 – 26.
Lời này đã đánh động không biết bao nhiêu là linh hồn khiến cho họ được ơn trở lại mà trong số đó trước hết ta phải kể đến Augustino, vị Thánh giáo phụ đã được giáo hội ghi nhận như là người tiên phong trong lãnh vực khám phá nội tâm cùng với lời cầu nguyện “ Lạy Chúa xin cho con được nhận biết Chúa và nhận biết mình , để con hết lòng kính mến Chúa và khinh chê mình ”. Ở đây ta thấy để có được lòng kính mến Chúa thì phải khinh chê , tức bỏ mình đi, bỏ nhiều bao nhiêu thì lòng kính mến Chúa tăng trưởng được bấy nhiêu. Có hiểu như vậy thì mới nhận ra được Lời Chúa = cứu lại mất, bỏ lại được , cái muốn cứu ấy ám chỉ cho thân xác. Những kẻ nào chỉ biết lo lắng cho bản thân, cho cuộc sống gian trần này thì khi đến lúc xuôi tay nhắm mắt sẽ chẳng còn gì ngoài nỗi đắng cay tuyệt vọng. Ngược lại nếu biết coi thân xác và cuộc sống này chỉ là giả tạm để biết lo cho phần linh hồn mình thì kết quả sẽ là phần thưởng an vui đời đời trên nước Thiên đàng. Thánh Augustino nhận thức sâu sắc được điều ấy nên ngài mới thốt lên lời nguyện xin cho được nhận biết để kính mến Chúa . Lời nguyện của thánh Augustino trước hết đó là một cuộc tìm mà trong đó cần phải có hai yếu tố đồng thời , một là ước ao kính mến Chúa và hai là khinh chê mình, thiếu bất cứ điều nào thì cuộc tìm sẽ thất bại.
I/- Cầu nguyện như một kiếm tìm.
Có nhiều lý do khiến con người đến với cầu nguyện. Hoặc do hiếu kỳ , muốn Chúa làm phép lạ thì Ngài đáp thẳng “ Quả thật Ta nói cùng các ngươi , hẳn chẳng cho dòng dõi này một dấu lạ gì” Mt 12, 38- 39.. Hoặc vì quyền lợi riêng tư nào đó thì nhắc nhở “ Các ngươi không hiểu điều các ngươi xin” Mc 10, 35- 38..Còn có những người bệnh hoạn tật nguyền xin được cứu chữa. Vì tình thương bao la Chúa vẫn cứu đấy nhưng đó không thực sự là ý nguyện của Ngài. Đức Kito nói với người đàn bà có con bị quỷ ám.. “ Ớ dòng dõi vô tín kia, Ta còn phải chịu nhịn các ngươi cho đến chừng nào…?” Mc 9, 17. Quả thực Chúa Giesu là Đấng Cứu Độ giàu lòng thương xót nhưng Ngài đến với cõi thế không phải để cứu chữa phần xác thân cho con người. Sau khi ở lại Carphanaum mấy ngày, chữa bệnh , trừ quỷ cho nhiều người rồi Ngài ra đi mặc cho dân thành ấy muốn giữ lại “ Ta còn cần phải rao giảng Tin Mừng Nước Trời cho các thành thị khác vì cốt tại việc đó mà Ta được sai đến” Lc 4, 40 – 43. Bao lâu chưa nhận ra sứ mạng đích thực của Đức Kito thì mọi lời cầu xin của con người không thể đẹp lòng Ngài. Điều mà Chúa muốn con người cầu không những không phải là những nguyện ước riêng tư vị kỷ nhưng ngay cả đến những lời cầu chung chung như xin cho hòa bình thế giới, xin cho quốc thái dân an v.v…cũng vậy. Tại sao thế ? Bởi vì Chúa chịu nạn chịu chết chẳng phải là để đem hòa bình trên đất này hoặc sướng vui cho dù cá nhân hay bất cứ dân tộc nào “ Chớ tưởng Ta đến để đem hòa bình cho mặt đất bèn là gươm giáo. Ta đến để làm cho người ta trái ý nhau, con trai với cha, con gái với mẹ, con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù nghịch của người nào lại là người nhà của kẻ ấy” Mt 10, 34 – 36. Những lời này lại là một nghịch lý khác mà chúng ta chỉ có thể hiểu được trong tính chất xuất thế của nó. Xuất thế không có nghĩa là phải rời bỏ đời sống này để đi đến một nơi chốn xứ sở nào khác. Tuy nhiên nói như thế không có nghĩa chúng ta những kẻ có đạo vẫn cứ sống cuộc sống như những người vô đạo khác. Có đạo thì phải sống đạo mà Đạo Chúa là đạo bỏ mình , bởi đó cho nên dù là chúng ta vẫn sống ở đời như bao người khác nhưng cần phải bỏ mình tức là cố gắng bớt dần tham sân si, mạn nghi tật đố đi…Sống đạo bỏ mình như thế tất nhiên khác hẳn với thế gian những người chỉ biết bám lấy đời sống này , cho đó là cứu cánh. Bởi Chúa rao giảng một thứ đạo xuất thế như vậy nên không thể không gây nên những sự xung đột rẽ chia đến từng mỗi gia đình, giữa con trai với cha, con gái với mẹ…Trường hợp nổi tiếng nhất đó là của Thánh Phanxico d’ Assisi với cha của mình và còn vô số trường hợp khác nữa…Đồng thời cũng chính vì đạo xuất thế ấy chứ chẳng phải lý do nào khác mà Chúa đã bị đóng đinh và giết chết trên cây thập tự. Thế gian giết Chúa cũng như bách hại đạo Thánh của Ngài , điều ấy đã được báo trước “ Nếu các ngươi thuộc về thế gian thì thế gian chắc yêu mến kẻ thuộc về mình. Nhưng vì các ngươi không thuộc thế gian, song Ta đã lựa chọn các ngươi ra khỏi thế gian nên thế gian ghét bỏ các ngươi” Ga 15, 19. Đạo Chúa là đạo xuất thế, vượt khỏi mọi suy tư lý luận, chính bởi vậy Thiên Chúa mới đòi hỏi con người cần phải hết lòng tìm, có tìm mới gặp, không tìm thì không thể gặp “ Các ngươi sẽ tìm Ta và gặp được khi các ngươi tìm kiếm Ta hết lòng.. ” Gr 29, 13. Trong việc kiếm tìm này, cầu nguyện là phương thế tối cần, tuy nhiên cầu nguyện thì phải bỏ đi được mình đó mới là chân thật cầu nguyện.
II/- CẦU NGUYỆN ĐỂ BỎ MÌNH
Cầu nguyện trong đời sống tâm linh là việc tối ư quan hệ. Thánh Gioan Maria Vianey nói “ Người không cầu nguyện sẽ giống như loài gà, vừa cất cánh bay là đã rơi phịch xuống đất” . Mặc dầu vậy để thực sự có ơn ích thì cầu nguyện cần phải có sự bỏ mình. Trong sứ điệp mùa chay 2007 Đức Mẹ dạy “ Cầu nguyện mà không bỏ bản thân thì cũng giống như ta chèo một con thuyền bị cột chặt vào bến . Ta sẽ không thể nhúc nhích được một chút nào cho đến khi cởi giây cột thuyền ra” Bến ở đây ám chỉ cho đời sống trần gian. Còn giây cột thuyền đó là “ Cái Tôi” của mỗi người . Cầu nguyện là một nhu cầu tâm linh không thể thiếu. Thế nhưng trong thực tế, việc ấy rất nhiều khi chỉ là hình thức. Ở đây không đề cập tới những người mà đa số là giới trẻ, vào những ngày chủ nhật , họ vẫn đều đặn tới các nhà thờ nhưng ngồi ở ngoài nói chuyện rì rầm, có khi còn lén hút cả thuốc lá. Với những con người ấy, họ chẳng có một chút ý niệm gì về cầu nguyện. Lại có những người khác xem ra có vẻ đạo đức lắm, đi lễ hàng ngày , tham gia hội nọ đoàn kia v.v..thế nhưng những việc đạo đức đối với họ cũng chỉ như một thói quen tốt vậy thôi, họ vẫn chưa thực sự có nhu cầu cầu nguyện. Nói một cách khác họ chỉ thực hành những việc đạo đức ấy khi nào nó có lợi cho mình, được ơn này ơn kia v.v..Nếu ngược lại có thể là họ sẽ đặt lại vấn đề với Chúa , không còn tin tưởng nơi Ngài như vị Thần hộ mạng . …Tất cả những hạng người vừa kể họ không thể tiến một bước nhỏ nào trên đường tâm linh bởi như Đức Mẹ nói “con thuyền vẫn còn bị cột chặt vào bến”. Cầu nguyện cách chân thật không thể vì “ Cái Tôi” mà cầu bởi lẽ Thiên Chúa không phải một Đấng xa lạ nào khác mà đích thực Ngài ở trong ta, là CHA của mỗi một người. Cầu nguyện làm sao phải nên như cuộc chuyện trò thân mật giữa cha và con “ Hãy vào phòng đóng cửa , cầu nguyện với CHA của con cách kín đáo và Cha con thấy mọi sự sẽ nghe lời con. Không cần hình thức chỉ cần tâm tình phụ tử” (ĐHV 127) Chúa bảo khi các con cầu nguyện phải vào phòng, đóng kín cửa lại mới được nhậm lời. Đóng kín cửa có nghĩa không để giác quan phóng túng nơi ngoại vật. Đang nghiêm trang đọc kinh , chợt nghe một âm thanh nào đó, tiếng chim , tiếng còi xe v.v..liền vểnh tai lên nghe ngóng quên cả việc đọc kinh . Đang chăm chú nghe sách Thánh nhưng một hình ảnh bất chợt nổi lên trong trí như nhớ lại một bài báo, một cảnh phim hay lời nói của một người nào đó thế là lập tức quên đi ngay Lời Chúa, chẳng biết cha chủ tế vừa đọc gì nữa. Sự chia lòng chia trí trong khi cầu nguyện ( đọc kinh, dâng lễ v.v..) là điều không một ai tránh thoát, bởi lẽ nó thuộc về bản chất của con người do nơi ảnh hưởng của tội nguyên tổ là tội đã ăn phải trái cấm phân biệt mà ra ( St 3, 6- 7). Sự chia lòng chia trí xét về khía cạnh thâm sâu của nó đó chính là một thứ căn bản vô minh. Tuy nhiên trong lãnh vực tâm linh thì chỉ khi nào cố ý mới thành tội. Thánh Thomas Aquino nói “ Kẻ để trí khôn suy tưởng những sự dông dài thì nó nhạo báng ĐCT, Vì cũng như khi nói chuyện với người thế gian mà chẳng để trí khôn vào những lời mình nói tức là nhạo báng người ấy vậy ( Thánh Alphongso Lioguori Kẻ nữ tu Thánh thiện ).
Đọc kinh mà cứ cố tình chia trí đó là lạc xa thực tại để bước vào cõi sinh diệt hiện tượng. Trái lại biết đó là chia trí bèn quay trở lại với lời Kinh thì đó lại là trở về với thực tại . Như vậy , điều hết sức quan trọng là làm sao phải biết được là mình đang chia trí. Trong tâm một thời ( satna tâm) không thể khởi hiện được hai thức ( thức tức là sự nhận biết ) Lời Chúa thuộc về loại thức mang tính giải thoát, còn lời phàm là loại thức nhơ nhiễm. Lời Chúa được ví như gươm báu “ Vì Lời ĐCT là lời hằng sống, linh động sắc hơn mọi gươm hai lưỡi, đâm thấu đến nỗi chia hồn linh khớp tủy biện biệt tư tưởng và ý định của lòng người” (Dt 4, 12). Cầu nguyện bằng cách đọc kinh chính là trang bị cho mình một thứ gươm sắc bén để thắng vượt “ Cái Tôi” tức ý riêng mình hầu đi sâu vào nội tâm là nơi Thiên Chúa vẫn hằng hữu ở đó như một người cha nhân từ chờ đón đứa con hoang đàng trở về là chính chúng ta.
III/- CẦU NGUYỆN ĐỂ BIẾT MÌNH
Nhân loại xét về mặt tâm linh đều là những đứa con hoang do bởi đã được sinh ra cùng một bà mẹ Eva “ Adam gọi vợ là Eva vì bà là mẹ của chúng sinh” (St 3, 20.) Nên nhớ Eva chỉ trở thành mẹ chúng sinh sau khi đã bị xua đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng do đó mà nói chúng ta là những đứa con hoang lẽ ra không còn được phép nhìn nhận Thiên Chúa là Cha nữa . Tuy nhiên theo lời hứa của Giehova Thiên Chúa , Đức Kito đã xuất hiện nơi đời hầu cho chúng ta được ơn trở lại làm Con Thiên Chúa “Lại vì anh em đã là con nên TC đã sai Thánh linh của Con Ngài vào lòng chúng ta kêu lên rằng= Aba, lạy Cha. Dường ấy người không phải là tôi mọi bèn là Con và nếu là Con thì cũng là kẻ đồng thừa tự bởi Thiên Chúa vậy” ( Gal 4, 6- 7.) Chúng ta đều là con cái Thiên Chúa và hàng ngày mọi tín hữu đều vẫn xưng tụng và cầu khẩn với Đấng là Cha ấy . Thế nhưng thực tế cho thấy đó chỉ là những lời cầu mang tính hình thức trống rỗng chẳng hề có chút gì là tâm tình của người con đối với Cha mình. Nhận biết Thiên Chúa là Cha , đó phải là kết quả của một quá trình cầu nguyện lâu dài để “Biết Mình” Bao lâu chưa biết được mình thì vẫn chưa thể nhận biết Thiên Chúa đúng như Ngài là. Lý do bởi vì giữa “ Cái Tôi” và Thiên Chúa không thể cùng tồn tại. Còn thấy có Tôi thì không thể thấy Chúa , phải bỏ cái Tôi , bỏ thật hết đi thì Đấng Cha mới có cơ hiện tiền.
Có hai điều cần có cho việc “ Biết Mình” = Biết gần là biết về thân thể mình, còn biết gần hơn nữa là biết về tư tưởng mình . Con người bởi cho thân xác là mình nên hết lòng cung phụng lo lắng cho nó muốn nó mãi trường tồn nhưng nào có ai thoát được sinh lão bệnh tử.? Cũng chỉ vì cái chấp đó mà người ta cho rằng hữu lý những câu nói đại loại = có thực mới vực được Đạo hoặc xem ra có vẻ cao siêu thần học hơn như là ..trước kia người ta chỉ quan tâm đến phần rỗi các linh hồn nhưng nay thì phải quan tâm đến cả những gì liên quan tới thân xác của nó = bảo vệ thai nhi, kéo dài tuổi thọ.v.v.. và v.v…Dẫu vậy với cái chấp này còn có phần dễ chữa hơn là chấp tư tưởng , nghĩ suy là mình. Thân xác thì hữu hình , để phá đi cái chấp ấy giáo hội dạy cần phải ăn chay kiêng thịt và làm các việc lành phúc đức khác. Còn tư tưởng là cái vô hình không thể nắm bắt nếu không chuyên tâm cầu nguyện. Bởi lẽ đó Thánh Benado nói “ không nguyện ngắm tất không lấy mình làm ghê sợ, vì không biết mình” ( Thánh Alphongso Kẻ nữ tu Thánh thiện). Con người do không biết mình nên luôn ngỡ rằng mình đạo đức Thánh thiện công chính lắm, nghe người khác khen một chút là vểnh mặt lên, trái lại bị chê nửa lời thì xìu mặt xuống…. Có thể là người , kể cả chính mình không biết nhưng Thiên Chúa là Đấng thấu suốt , tất cả rồi sẽ phơi trải trước Tôn Nhan vì Ngài là Sự Thật.
IV/- Cầu nguyện với vai trò của Đức Maria
Vấn đề “Biết Mình” suy cho cùng thì đó là mối ưu tư của cả nhân loại dù đông hay tây, cổ hay kim, có tôn giáo hay không có tôn giáo cũng vậy “ Thiên hạ lo gì nghĩ gì ? Thiên hạ tuy có nhiều đường khác nhau nhưng cũng về một chỗ, trăm điều lo nghĩ mà vẫn quay về một mối. Thiên hạ lo gì nghĩ gì?”( Thiên hạ hà tư hà lự ? Thiên hạ đồng quy nhi thù đồ , nhất trí nhi bách lự. Thiên hạ hà tư hà lự- Dịch – Hệ từ hạ ). Cái mối lo đáng gọi là lo của con người là lo về lẽ tồn vong của mình. Bởi đâu mình sinh ra? Sống trên đời này để làm gì, chết rồi đi đâu. V.v..Những câu hỏi ấy luôn dằn vặt con người , đòi hỏi cần phải có câu trả lời thỏa đáng. Phúc cho những ai đã có cho mình câu trả lời và quyết tâm theo đuổi. Ngược lại thì vật vờ chẳng phải sống mà cũng chẳng phải chết, triết Tây phương đang trong tình trạng như vậy. Một đàng họ không thể gạt bỏ được vấn đề Biết Mình của minh triết. Một đàng thì không biết được lối vào. Người ta ví Socrate giống như người dẫn trẻ đến vườn rồi bảo vào mà không chỉ cửa. Bảo hãy biết mình mà không chỉ phương pháp nên môn sinh người thì vào sinh vật học như Aristote (384 – 322) còn Platon (427 – 347) thì vào thế giới lý niệm. Tất cả mong mỏi tìm biết nhưng rút cục như Faust đi đến chỗ bán cả linh hồn để mua tri thức mà vẫn chẳng được. (Kim Định Sđd )
Bán linh hồn để mua tri thức, đây là một sai lầm chết người của triết học, nó hoàn toàn ngược lại với con đường, đạo là đường của Đức Kito = lời lãi cả và thế gian , mất linh hồn thì nào được ích gì.. Chỉ linh hồn mới vô giá, ngoài ra tất cả chỉ là phù ảo. Lời lãi cả và thế gian này còn chẳng đáng chi huống nữa là mớ tri thức chết khô giá lạnh của ngôn từ ? Triết học dù là Tây hay Đông cũng chẳng thể có lối “VÀO”, duy chỉ có những bậc đại triệt đại ngộ, Đức Kito rao giảng Tin Mừng Nước Trời chính là để cho con người một lối vào “ Luật pháp và tiên tri đến Gioan là hết, rồi từ đó Tin Mừng Nước Trời được rao giảng và ai nấy đều phải nỗ lực mà vào” Lc 16, 16.) “ Vào” ở đây chỉ có nghĩa là vào trong tâm khảm mình, hiểu như vậy thì “vào” cùng với “Biết” là một. Chúa dạy phải nỗ lực mà vào, điều ấy đâu có khác gì = hãy tìm biết về chính mình ? Đối với Kito giáo thì vào trong Tâm không phải là vào một nơi chốn không không tịch diệt nhưng là vào với Đấng cứu tinh Giesu của mình. Chẳng phải mỗi chúng ta khi lãnh nhận Bí tích rửa tội đã chẳng có Chúa Kito nơi mình sao? Chúa sở dĩ có được ở trong ta là vì có giáo hội . Thử hỏi không có giáo hội thì làm gì có phép rửa cho ta lãnh nhận? Lại nữa không có Đức Giesu Kito ra đời thì lấy ai để thiết lập giáo hội và rồi cuối cùng nếu chẳng có Đức Maria với Tiếng Xin Vâng của Ngài thì Đấng Emmanuel đâu thể làm người ? Mt 1, 23)
Đức Maria là Đấng Trung gian cầu bầu , bởi đó tất cả những lời cầu xin con người đều phải qua trung gian ấy mới đẹp lòng Thiên Chúa- Chính là Thiên Chúa muốn như thế, biết bao tín hữu đã tin niềm tin đơn sơ như thế , từ những con dân thành Epheso cùng nhau rước kiệu mừng sự thành công của công đồng ( 431) tung hô = Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng tôi là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử..” cho đến Thánh Pio năm dấu không một giờ phút nào rời Kinh Mân Côi, có thể nói Kinh đã hòa nhập làm một với ngài. Khi được hỏi di sản cha muốn trối lại cho các con thiêng liêng là gì? Ngài đáp “ Là chuỗi Mân Côi” Hai ngày trước khi qua đời cha còn nhắc= Hãy yêu mến Đức Mẹ và làm cho Mẹ được yêu mến . Hãy lần chuỗi Mân Côi và lần luôn luôn , càng nhiều bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu” ( Ơn gọi của Mẹ Teresa Calcutta).
Hãy yêu mến Đức Mẹ và làm cho Mẹ được yêu mến vì Ngài chính là thuyền từ cứu độ. Ném một hột cát xuống nước dù nhỏ cũng chìm liền, nhưng nếu có cẩu một tảng đá to đặt trên thuyền thì thuyền vẫn chở đi rất nhẹ. Phó thác cậy trông ở Mẹ thì Mẹ chẳng bỏ ai bao giờ.
Phùng Văn Hóa
Trà Cố, Đồng Nai 2009