Lâu lắm rồi – mãi ở những ngày cuối năm 1975 – đầu năm 1976, người viết đã dành thời gian “vằng vẻ” công việc Giáo Xứ để ngồi dịch một số câu chuyện lượm lặt từ những trang báo cũ – những trang báo Ami du Clergé hay Christus – mục đích để động viên chính mình trong bối cảnh đặc biệt của công tác mục vụ sau 1975, đồng thời cũng để lấp đầy thời gian…Người viết đã cho ra đời một tập những truyện ngắn ấy bằng kỹ thuật “ronéo” xa xưa…và không bao giờ nghĩ đến chuyện “tái bản”…Mùa dịch Covid – 19 đồng thời cũng là Tuần Thánh 2020 với yêu cầu “cách ly” để ngăn dịch, người viết muốn tặng mọi người – đặc biệt anh em Linh Mục trẻ – câu chuyện này ở ngày Thứ Sáu Thánh 2020, bởi vì Covid-19 rồi sẽ qua…và mỗi chúng ta sẽ phải săn tay áo…để bắt đầu lại…trong tinh thần của Đấng Phục Sinh…ngay giữa những “ngổn ngang” do dịch…
Ông Linh Mục trẻ mới về nhận Xứ…Khung nguyện đường tồi tàn, đổ nát…vì đã quá nhiều năm tháng…Và ông quyết định dựng lại – từ những hoang phế đó – một nơi chốn tương đối để bà con có thể hôm sớm gặp gỡ Thiên Chúa…Chính quyết định và công việc làm của ông Linh Mục đã để lại nơi anh họa sĩ – một con người không còn tin tưởng gì hết – rất nhiều tình cảm…Nói chung là anh thích loại người liều lĩnh : dù sao thì dựng nên những cái mới vẫn dễ dàng hơn là biến đổi những cái cũ kỹ, phế bỏ… thành mới mẻ…Đức Giê-su đã chẳng đến thế gian này để làm công việc kỳ diệu ấy đấy sao : công việc “biến đổi những băng hoại thành hy vọng và tín thác”…
Rồi căn Nhà Nguyện cũng được sửa sang : không nguy nga nhưng tươm tất và nghiêm trang…Chỉ còn thiếu “14 chặng Đường Thánh Giá”…Ông Linh Mục không dám nghĩ đến chuyện mua sắm với cái quỹ năm xu, ba hào của Giáo Xứ nghèo nàn này – cái quỹ …cố gắng lắm … mới chỉ gọi là tạm đủ cho chuyện dầu đèn sáng tối…Thế rồi một hôm, ông Linh Mục chợt nhớ đến anh chàng họa sĩ…Tại sao không nhỉ ??? Vậy là ông đi gặp anh ta…
-Anh biết vẽ…Còn tôi, tôi cần những bức ảnh cho “14 chặng Đường Thánh Giá”…để bà con có thể suy gẫm…Tôi nghĩ đến anh, nhưng…nhưng… tôi không có tiền để thù lao cho anh…
Anh họa sĩ mỉm cười hóm hỉnh nhìn những dấu vết của công việc còn lưu lại trên trên manh áo dòng của con người mà anh ngưỡng mộ :
-Cha đã làm được việc…và tôi thích loại người như cha…Thôi được, cha sẽ có “Chặng Đường Thánh Giá” như cha muốn, nhưng…cha cũng biết rồi đó, tôi…tôi không hiểu nhiều về Chúa lắm…Đã quá lâu rồi …
Cuốn Tin Mừng nho nhỏ thủ sẵn trong túi được mở ra ngay, và – với ông Linh Mục – chuyện này còn dễ hơn cả việc phải lo giáo lý cho các em nhỏ nữa…Từng trang và từng đoạn Tin Mừng, từng tấm ảnh…được nghiền gẫm, giảng giải : Đức Giê-su trước Tòa Án…Đức Giê-su quỵ ngã lần thứ nhất…Đức Giê-su gặp Mẹ Người…Anh họa sĩ như nhìn thấy trước mắt mình CON NGƯỜI đau khổ ấy…và anh biết mình sẽ phải diễn tả CON NGƯỜI ấy làm sao…
-Tôi đã hiểu…Cám ơn cha…Xin cha cho tôi giữ lại cuốn sách này…
Đêm hôm ấy, anh đã lần mò lại một lần nữa những bước đường Con Người anh phải trình bày…sẽ đi qua : anh nhìn thấy Ông ta đơn thương độc mã và câm nín trước những vu khống và nhục mạ…để rồi cuối cùng phải cúi đầu nhận bản án đầy oan trái…Anh theo Ông ta qua con đường khổ giá, có mặt bên cạnh bà mẹ Ông để nhìn thấy đứa con vô tội của mình – đứa con duy nhất – đứng trước sự dã man của đồng loại…Anh cảm nhận cái ngọt ngào tê buốt của mũi nhọn đinh đóng ăn sâu vào da thịt…Anh nhìn thấy chính mình như hớp thở từng hơi sống với lồng ngực trĩu nặng…Và cuối cùng là cửa mồ…
Gặp lại ông Linh Mục, anh quả quyết :
-Cha yên tâm…Một tháng sau, tôi sẽ hoàn tất…
Một tháng…Anh họa sĩ thấy lòng mình se thắt đau đớn…Một tháng…Không biết anh có thể giữ nổi lời hứa vắn gọn ấy không !!! Một tháng – đối với anh…là cả một thế kỷ…Cơn bệnh mỗi ngày một trở nặng…gặm nhấm thân xác anh…Người ta đã cho anh biết : sự sống – với anh – mong manh như sợi chỉ…Và người ta cũng cảnh cáo anh nên tránh những công việc lâu dài, mỏi mệt…Chưa một lần anh tiết lộ nỗi đau thương của kẻ đợi chờ “giây phút đó” với bất cứ ai…Mỗi đêm, anh cắn răng âm thầm chịu đựng những hành hạ của căn bệnh…Thần Chết chờn vờn…Nhưng anh biết : anh không thể làm tắt nụ cười tràn đầy hy vọng trên đôi môi ông Linh Mục ấy được…Con người đó có lẽ chưa bao giờ biết đến hai chữ thất bại, mặc dù giáp mặt mỗi ngày với những khó khăn…Dù sao đi chăng nữa…thì đây vẫn là khả năng của anh…Và ngay chiều hôm đó, anh đã viết cho một chị bạn :
“Chị,
Xin chị giúp tôi hoàn thành một lời hứa đã lỡ…Chị là người Công Giáo…Còn tôi…thì chị biết rồi đấy : tôi không còn tin tưởng gì từ rất lâu…Nhưng tôi đã nhận vẽ giúp “Chặng Đường Thánh Giá” cho cái Nhà Nguyện nghèo nàn, nhỏ bé này…
Cơn bệnh của tôi mỗi ngày một thêm trầm trọng…Chị vui lòng đến giúp tôi vấn đề sức khỏe…Nhất là xin chị góp ý cho “Chặng Đường Thánh Giá” tôi sẽ thực hiện…Người què dắt kẻ mù…nhưng – nương tựa vào nhau – tôi nghĩ là chúng ta sẽ đi hết quãng đường…
Tôi mong chị đến…”
Phấn đấu không ngừng trong đau đớn…và vui vẻ chịu đựng…Chưa bao giờ anh họa sĩ “sống” tác phẩm của mình như thế…Anh chọn lựa từng nét cọ và nghiền gẫm mỗi biến cố…Sự hành hạ của cơn bệnh và hứng thú việc mình làm : cả hai trộn lẫn…điên dại…tạo nên trên khung vải những nét độc đáo…Anh cảm thấy cây Thánh Giá đã một lần kề vai nhận…như mỗi ngày một đè nặng thêm lên…Anh và con người vác Thánh Giá : một sự hòa nhập kỳ diệu…
Chặng thứ nhất, anh ghi lên khung vải hình ảnh Đức Giê-su trước tòa án Philatô: một thái độ hiên ngang nhưng khiêm tốn…Đôi tay bị trói quặt sau lưng nhưng khuôn mặt thản nhiên đứng trước người thẩm vấn mình…
Anh nói với chị bạn :
-Ngài phải có thái độ ấy thôi…vì là thái độ duy nhất thích hợp khi đứng trước lão già Roma quyền uy này…Chị tin Ngài là Thiên Chúa…Còn tôi thì…”vô tư”, nhưng tôi nghĩ rằng đấy là thái độ đẹp nhất : khiêm tốn nhưng thản nhiên và hiên ngang…
Chặng thứ hai…khi đặt cây Thánh Giá lên vai người tử tội, anh cảm thấy bất nhẫn, vì anh quá biết : Ngài chẳng có tội tình gì…Anh thì thầm tâm sự :
-Ngài nhận lấy Thánh Giá của Ngài và tôi cũng có của tôi…Chỉ khác một điều : Thánh Giá của Ngài là do người khác…Còn thánh giá của tôi là do chính tôi gây ra cho mình…Dù sao thì lúc này, mỗi chúng ta đều có Thánh Giá trên vai mình…Chúng ta “đồng thuyền đồng hội”…Có thể nói : chúng ta là anh em với nhau…
Anh họa sĩ dừng lại khá lâu ở chặng thứ tư…Anh cũng có một bà mẹ và ngày xưa, mỗi tối, mẹ anh vẫn hôn lên trán anh : con đã cầu nguyện chưa ?…Nếu lúc này, mẹ anh còn sống, đôi mắt bà sẽ nhìn anh thế nào đây ? Đứa con bị dằn vặt đau đớn…Mỗi nhịp tim là một bám víu vào sự sống… Và chắc chắn mẹ anh cũng sẽ hãnh diện với sự hy sinh lớn lao này của anh…Mẹ anh là người vốn rất sùng đạo…Nhớ lại nụ hôn thủa ấu thơ, anh thì thầm với mẹ : “ Con đang cầu nguyện đây, mẹ thấy không…” Anh đã ghi tất cả những tâm tình ấy lên khuôn mặt, trong ánh mắt của Đức Maria khi Ngài lặng lẽ đứng bên đường đợi chờ đứa con tử tội đi qua…Anh chia sẻ ý nghĩ với chị bạn:
-Chị thấy không : tôi gặp lại mẹ tôi ở đây…
-Thì Ngài cũng là Mẹ của tất cả chúng ta mà…
-Thế à…Tôi vẫn sợ có một sự khiếm nhã nào đó khi suy nghĩ như vậy…
À – cái nhân vật Simon này cũng đáng để quan tâm lắm chứ…Và anh nghĩ ngay đến khuôn mặt của người bạn Linh Mục…Cũng với những bắp thịt cuồn cuộn gân cốt…Dĩ nhiên là có quyền lực áp chế, nhưng cũng phải thiện chí và nhân hậu lắm…thì Simon mới nhận vác đỡ thánh giá mà không phàn nàn, phản kháng hay kêu trách chi…Anh đã từng tận mắt nhìn thấy ông bạn Linh Mục còng lưng cõng những bao xi-măng…và cũng với dáng điệu như Simon thủa nào…Anh chép miệng:
-Thì Simon hay ông Linh Mục cũng thế – cả hai đều cùng làm một việc : vác đỡ Thánh Giá cho “Con Người Đau Khổ” này một đoạn đường nào đó…
Khuôn mặt của bà Veronica trong Chặng Thứ Sáu…chính là khuôn mặt chị bạn – người đã ở bên cạnh anh ngay từ buổi đầu công việc…với những nụ cười, một đôi lời khích lệ hóm hỉnh, những viên thuốc, ly nước, một vài món ăn đặc biệt…và nhất là chiếc khăn luôn sẵn sàng giúp anh lau khuôn mặt ướt đẫm mồ hôi do công việc và do cơn bệnh…Chính vì thế những nét vẽ in lại trên tấm khăn bà Veronica…là những nét “tự họa” của chính khuôn mặt anh : Có lẽ trong tất cả những “chặng” trước đây, khuôn mặt của Đấng Khổ Nạn được nhìn nghiêng…nên sự diễn tả không được rõ lắm…Thế nhưng ở đây là cái nhìn trực diện : tất cả…hết sức thê thảm, hết sức chịu đựng, nhưng vẫn với sự hiên ngang muôn thủa, sự hiên ngang đã có ngay từ bước đầu của hành trình lên đỉnh Sọ của Đức Giê-su – và cũng là hành trình cuộc đời của chính anh…
Hình như chiều hôm nay anh có vẻ lo lắng hơn…Những dấu chứng cho thấy cơn bệnh đã trở nặng đến mức nguy kịch…Mười lăm ngày trôi qua…và còn tám “chặng” nữa phải hoàn thành…Tám chặng đường gian khổ…Anh đưa mắt nhìn lại một lượt tất cả những gì đã “trải” qua…Cái nhìn như một cầu cứu, một khẩn nài sự khích lệ, sự can đảm…cho những “chặng” đường sắp tới…Anh thầm thĩ :
-Xin Ngài đỡ nâng tôi…
Lời kinh “sống lại” sau bao nhiêu năm tháng lãng quên…Lời kinh tự nhiên bật ra từ một tiềm thức đã ngủ quên…Tự nhiên đến độ chính anh cũng không cảm thấy mình đang cầu nguyện…Lời cầu xin hay lời thú tội ??? Sức lực của con người và Toàn Năng của Thiên Chúa…” Xin Ngài đỡ nâng tôi…” : anh cảm thấy một sức mạnh nào đó đến với anh…Phấn chấn hơn…Hứng khởi hơn : anh bước tới thêm một “chặng” nữa…
“ Chặng thứ bảy – Đức Giê-su quỵ ngã lần thứ hai !”
Tại sao lại lần thứ hai ? Anh bâng khuâng tội nghiệp Con Người đó sau cái ngã thê thảm này…Chị bạn nhìn thấy những suy nghĩ trong đầu anh…và chị phân bua :
-Ngài muốn đi sâu vào thân phận chúng ta và nhận chịu tất cả yếu đuối của con người…Ngài có thể ngã lần thứ hai, thứ ba hay nhiều lần khác nữa…vì chính chúng ta cũng đã và có lẽ sẽ còn quỵ ngã nhiều nhiều lần trong cuộc sống, trong đường đời…
-Nhưng là để làm gì chứ ???
-Thì để chúng ta hiểu rằng : một lần ngã chưa phải là đã hết…Còn có thể có nhiều lần ngã khác nữa…Nhưng…như thế cũng không hẳn là đã tuyệt vọng, ngược lại – ở lần nào – Ngài cũng chỗi dậy và đi tiếp…Chúng ta cũng phải chỗi dậy…
-Thế à ?
“Thế à ?” – có nghĩa là anh đã quá mỏi mệt và gần như không còn sức để chịu đựng…Nhìn lại một lần nữa Con Người khốn khổ bị đè bẹp dưới sức nặng của cây Thánh Giá : anh cảm thấy bất nhẫn – cái mặc cảm “đồng lõa” với những kẻ đã lên án Ngài, những kẻ đánh đập, quát tháo, chửi rủa Ngài trên đường lê lết lên đỉnh Sọ…Đưa mắt nhìn cây cọ trên tay…rồi hướng đến những nét vẽ trên khung vải : tàn nhẫn quá cái cảnh con người “sói dữ” với con người…
Anh thì thầm:
-Tôi đã đồng lõa với họ…gây khổ đau cho Ngài…Chiều nay mà còn đủ sức, tôi đã đưa Ngài ra khỏi tình trạng khốn khổ này rồi…Tôi muốn Ngài chỗi dậy và đứng lên ngay bây giờ thôi…Chị bạn tôi đã nói thế mà…Tôi muốn Ngài hiên ngang, thẳng thắn…Thế gục ngã của Ngài làm tôi đau nhức…Nhưng…nhưng…chính tôi lúc này cũng chẳng còn chút hơi sức nào cả…Gánh nặng cuộc đời và sự yếu đuối thân xác như muốn đè bẹp tôi xuống…Ngày mai tôi sẽ cố gắng hơn…Tôi không bỏ Ngài đâu…Tôi không muốn bỏ Ngài trong tình trạng như thế này…
Nhưng đêm hôm ấy là đêm cuối cuộc đời anh !!!
Khi được tin, người bạn Linh Mục đến và chỉ còn biết âm thầm ghi dấu Thánh Giá trên thân xác đã lạnh của anh…
Lúc này, người họa sĩ đáng thương ấy của chúng ta đang ở đâu ???
Tôi nghĩ rằng Đức Ki-tô đã âu yếm đón anh và đặt anh vào “chặng Thứ Tám” – chặng Ngài đứng lại an ủi những người khóc thương Ngài…Ngài sẽ nói với anh rằng : Anh đã thương Ta…thì Ta cũng thương anh…
Phải – chắc chắn phải có một “chỗ nào đó” trong Nhà Cha cho những tâm hồn nghệ sĩ rất xây dựng…và cũng rất yếu đuối…Chúa đã đi hết ‘Con Đường Thánh Giá” và đã sống lại…Hôm nay mới dừng lại ở “chặng Thứ Bảy”, nhưng có lẽ anh họa sĩ đã đến được “chặng Thứ Mười Lăm” – đấy cũng là “chặng cuối” cuộc đời mỗi chúng ta…
Hãy tin vào Ngài – Đấng đã quả quyết với tên gian phi được gọi là “Kẻ Trộm Lành” cùng bị treo với Ngài : “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc23 , 43)
Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp