Có sự thật này là, ai ai rồi cũng phải chết và khi cái chết đến thì nó chấm dứt mọi sự: Nào là công danh, sự nghiệp nào là những dự tính tương lai v.v…Mặt khác cái chết tuy chấm dứt mọi sự nhưng nó lại mở ra một bước ngoặt có thể đem đến hạnh phúc hay bất hạnh đời đời, tùy ở nơi sự lựa chọn của mỗi người:
“ Ngươi khá nói cùng dân này rằng: Ta đặt trước mặt các ngươi con đường sống và con đường chết” ( Gr 21, 8 ). Con đường sống ấy là đường lên Thiên Đàng. Còn con đường chết ấy là đường xuống Hỏa Ngục.
Quả thật con người có quyền lựa chọn thế nhưng dường như người ta lại cứ muốn chọn cho mình…con đường chết ? Hiện nay tại Mỹ, sau phán quyết của Tối Cao Pháp Viện lật lại phán quyết Roe kiện Wade đã nổ ra các cuộc biểu tình của phe ủng hộ phá thai ( Pro Choice ) đập phá, vẽ bậy lên tường các nhà thờ Công giáo là nơi ủng hộ quyền sống của thai nhi ( Pro life ).
Chống phá thai, ủng hộ sự sống con người ngay từ khi còn trong bụng mẹ đó là việc đạo đức hoàn toàn có tính chính nghĩa. Thế nhưng tại sao Joe Biden và Nancy Pelosi, hai người Công giáo có quyền lực lớn nhất của Mỹ hiện nay lại lên tiếng ủng hộ quyền phá thai ? Đó chẳng phải họ đã và đang chọn cho mình con đường chết hay sao ?
Lại nữa, cũng vì việc ủng hộ phá thai ấy mà cả Joe Biden lẫn Nancy Pelosi đều bị HĐGM Mỹ cấm không cho Rước Lễ vì lẽ Phạm Sự Thánh thế nhưng hai con người này vẫn ngang nhiên bất chấp lệnh cấm. Đó chẳng phải là họ đã chọn cho mình con đường chết hay sao ?
Cứ theo sự thường thì chắc chẳng có ai lại muốn chọn cho mình con đường chết, nhưng tại sao lại như vậy ? Tất cả chỉ là vì đã vướng vào cái chấp sâu dày, cho xác thân này là đáng quý, đáng tôn trọng và lâu dài mà không biết rằng nó chỉ là thứ bọt bèo, chóng qua, có đấy rồi lại mất đấy: “ Sự sống của anh em là chi ? Chẳng qua như hơi nước, hiện ra một lát rồi lại tan mất” ( Gc 4, 14 ).
Bởi xác thân là thứ vô thường, chóng qua như thế nên Thánh Kinh gọi con người là loài hay chết: “ Ôi ! Tôi là kẻ khốn nạn chừng nào ? Ai sẽ giải cứu tôi khỏi thân thể hay chết này ?” ( Rm 7, 24 ). Người là loài mang thân xác thế nên nó phải chết. Thế nhưng chết không phải là hết mà còn sống lại để chịu phán xét về những việc mình làm: “ Nếu kẻ chết chẳng sống lại thì chúng ta hãy ăn, hãy uống vì ngày mai chúng ta sẽ chết” ( 1C 15, 32 ).
Người chết sẽ sống lại, tuy nhiên điều ấy rất khó để… tin. Khi Thánh Phao Lô đứng ra biện bạch với giới quan quyền về sự sống lại thì họ cười nhạo, chế diễu: “ Khi chúng nghe đến sự sống lại của kẻ chết, người thì nhạo báng, kẻ thì nói rằng: Thôi để khi khác chúng ta sẽ nghe ngươi nói về việc đó nữa” ( Cv 17, 32 ).
Chẳng những người đời không tin sự sống lại mà ngay cả thần học hiện nay cũng vậy và họ cho rằng các tín điều chỉ mang…tính tương đối: “ Theo Paul Tillich, tín điều là công thức nhằm đảm bảo tính cách toàn vẹn của các sứ điệp Ki Tô giáo trước những sai lầm. Thế nhưng về sau, giáo hội chỉ còn sử dụng các tín điều vào mục đích để đàn áp mà thôi. Tín điều là một sản phẩm của thần học hơn là nguồn cho thần học. Chính vì thế ông cho rằng tín điều không có tính dứt khoát nghĩa là còn phải được giải thích tùy theo mỗi thời đại” ( Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay – Chân Lý 1995 ).
Tín điều là những điều buộc phải tin, trong đó tín điều Chúa Phục Sinh là nền tảng của Đạo Công giáo và cũng chính trong nền tảng đó chúng ta tin có sự sống lại:“ Vì nếu kẻ chết chẳng sống lại thì Đức Ki Tô cũng chẳng đã được sống lại. Còn nếu Đức Ki Tô chẳng đã được sống lại thì đức tin anh em cũng vô ích, anh em vẫn còn ở trong tội lỗi mình” ( 1C 15, 16 -17 ).
Đức Giê Su Ki Tô đã chết và sống lại đó là đức tin của chúng ta và cũng chính do nơi đức tin ấy chúng ta cũng sẽ được sống lại: “ Nhưng nay Đức Ki Tô đã từ kẻ chết sống lại rồi, là trái đầu mùa của những kẻ đã chết trong đức tin. Bởi chưng do một người mà có sự chết thì cũng do một người mà có sự sống lại của kẻ chết” ( 1C 15, 20 -21 ).
Do một người tức nguyên tổ A Đam mà có sự chết và sự chết ấy không phải là cái chết xác thân nhưng là chết phần tâm linh sau khi đã cố tình …ăn trái mà Đức Chúa đã cấm: “ Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn nhưng về cây biết ( phân biệt ) điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến vì một mai ngươi ăn, chắc là phải chết” ( St 2, 16 -17 ).
Lý do khiến Đức Chúa cấm không được…phân biệt thiện, ác bởi vì chính cái sự phân biệt ấy mà đã hình thành nên một “ Cái Tôi” vị kỷ chấp lấy xác thân làm mình. Bao lâu còn chấp xác thân làm mình thì còn gây tội mà đã gây tội thì không cách chi tránh khỏi cái chết cả về phần xác lẫn phần hồn: “ Đoạn tư dục đã hoài thai thì sanh ra tội lỗi. Tội lỗi đã lớn lên thì sản sanh sự chết” ( Gc 1, 15 ).
Phân biệt thiện, ác chính là Tội Nguyên Tổ cũng là một thứ vô minh căn bản, nguồn gốc của ba thứ độc: Tham, Sân, Si đưa con người đọa vào ba đường ác: Ngạ Quỷ, Địa Ngục, Súc sanh.
Do tính chất của tội đưa đến cái chết thứ hai ghê gớm như thế nên các Ki Tô Hữu cần phải sống sự sống của Đức Ki Tô tức…bỏ mình đi: “ Vì anh em đã chết, sự sống của anh em đã giấu với Đức Ki Tô trong Thiên Chúa. Khi nào Đức Ki Tô là sự sống của chúng ta hiện ra, bấy giờ anh em cũng sẽ hiện ra với Ngài trong vinh hiển…
…Vậy hãy làm chết các chi thể của anh em ở dưới đất như là gian dâm, ô uế, tà tình, ác dục và tham lam là sự thờ hình tượng. Bởi những sự ấy, cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sẽ giáng xuống con cái bội nghịch” ( Cl 3, 3 -6 ).
Vấn đề kẻ chết sống lại luôn là đề tài…hóc búa đối với thần học. Bởi vậy ngay từ thuở sơ khai giáo hội, có người đã chất vấn thánh Phao Lô và được ngài giải đáp cặn kẽ: “ Nhưng có kẻ sẽ hỏi rằng: Người chết sống lại thể nào, lấy thân thể nào mà đến ư ? Ớ kẻ ngu dại kia, vật gì ngươi gieo nếu không chết đi thì không sống lại được. Còn như vật ngươi gieo, ấy không phải là hình thể sẽ có, chẳng qua là cái hột như hột lúa mì hay giống gì khác. Nhưng Thiên Chúa cho nó hình thể tùy ý Ngài, mỗi giống cho một hình thể riêng. Mọi xác thịt chẳng phải đồng một xác thịt nhưng xác thịt của loài người khác của loài thú khác của loài chim khác của loài cá lại khác nữa. Lại có hình thể thuộc về trời cũng có hình thể thuộc về đất nhưng vinh quang thuộc về trời là một thứ, vinh quang thuộc về đất lại là một thứ khác” ( 1C 15, 35 -40 ).
Chúng ta cần hiểu lời thánh Phao Lô “ Thiên Chúa cho nó hình thể tùy ý Ngài” đó chính là lẽ Nhân Quả Nghiệp Báo. Hễ đã gieo Nhân nào thì sẽ gặt Quả ấy. Ngược lại nếu hiểu Thiên Chúa như là đấng thần linh ngoại tại thì thật bất công. Tại sao con người lại phải gánh lấy một cái tội mà nó không hề gây ra như là Tội nguyên Tổ, đầu mối của muôn giống tội ?
Nghiệp là do chính mình tạo ra chứ chẳng có ai hoặc đấng nào can dự vào, bởi đó thi hào Nguyễn Du trong Truyện Kiều mới viết: “ Đã mang lấy nghiệp vào thân. Thì đừng trách lẫn trời gần, trời xa”. Lý thuyết về Nghiệp đặt ra cho chúng ta vấn đề rất ư quan trọng trong việc sống lại. Bởi vì Nghiệp do thói quen, tập quán có chủ ý tạo ra thế nên đây cũng chính là sự lựa chọn của mỗi người giữa hai con đường sống và chết qua từng ý nghĩ, lời nói và hành động…
Người có đạo, nói cụ thể là người Công giáo được ơn kêu gọi… Làm Thánh, vì thế chúng ta cần có chí hướng cao thượng chứ không chiều theo tính mê, xác thịt: “Vì kẻ ở theo xác thịt thì chí hướng thuộc về những sự thuộc xác thịt. Còn kẻ ở theo Thánh Linh thì chí hướng thuộc về Thánh Linh. Vả chí hướng của xác thịt là sự chết. Còn chí hướng của Thánh Linh là sự sống và bình an. Bởi chưng chí hướng của xác thịt thì nghịch với Thiên Chúa vì nó không phục luật pháp của Thiên Chúa lại cũng không thể phục được, mà thật kẻ thuộc xác thịt không thể đẹp lòng Thiên Chúa” ( Rm 8, 5 -8 ).
Những kẻ…thuộc xác thịt ở đây ám chỉ cho những người lấy xác thân làm cứu cánh hầu phục vụ nó thay cho Thiên Chúa là Đấng Cha nội tại vẫn hằng hữu ở nơi mình. Đấng Cha ấy luôn kêu gọi chúng ta trở về để được ban ơn dư tràn !
Trong việc trở về ấy, tất cả đều nhờ ở nơi Đức Ki Tô, Đấng đã chịu chết vì mình: “ Trong Ngài, anh em đã chịu cắt bì không phải cắt bì bởi tay người ta bèn là cắt bì của Đấng Ki Tô bằng sự lột bỏ thân thể của xác thịt. Vì anh em đã nhờ phép rửa mà được đồng chôn với Ngài, cũng nhơn đó đã được đồng sống lại với Ngài bởi đức tin đến sự vận hành của Thiên Chúa là Đấng đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại” ( Cl 2, 11 -12 )./.
Phùng Văn Hóa