Chết và … sống lại

        Có sống thì ắt có chết đó là quy luật của muôn đời. Thuận theo quy luật ấy sẽ có cuộc sống tự tại an vui. Ngược lại dù có lao tâm khổ trí như Tần Thủy Hoàng lên rừng xuống biển tìm kiếm thuốc trường sinh nhưng kết cục rồi cũng chết trong vô vọng.

        Cái gì muốn mà không được thì tất phát sinh đau khổ và cái ước muốn sâu xa nhất ở nơi con người chính là sự tồn tại. Thực sự thì cái chết không khiến con người sợ hãi cho bằng sự không tồn tại.

        Vấn nạn đặt ra cho triết học dù là đông hay tây cho  đến  nay vẫn chưa có  lời giải đáp đó là con người bởi đâu sinh ra và chết rồi đi đâu ? Hỏi chết rồi đi đâu cũng đồng nghĩa với thắc mắc con người có tồn tại hay không tồn tại sau khi chết.

        Khổng Tử tránh né câu hỏi này bằng câu trả lời “ Chưa biết  việc sống. Biết thế nào được việc chết” ( Vị tri sinh  an tri tử – Luận Ngữ ). Còn Jean Paul Sartre thì cho rằng đời người là phi lý và sự chết là phi lý hơn cả. Nguyên do vì đâu  Khổng Tử lẩn tránh  còn Jean Paul Sartre lại thẳng thừng cho cái chết là phi lý ? Đó là vì cả hai  vẫn  chưa thoát khỏi quan niệm cho rằng con người chính là cái xác thân  vật chất này.

        Một khi đã  cho con người chỉ là cái xác thân thì tất nhiên chết là hết và như vậy thì đâu còn tồn tại nữa ? Dù cho triết học có khẳng định như thế nhưng người đời  không bao giờ chấp nhận và cũng bởi vì không chấp nhận thế nên con người từ đông sang tây từ cổ chí kim mới bày ra đủ thứ hình thức để cố duy trì sự…tồn tại bằng cách ướp xác như các đời vua cổ Ai Cập đời xưa. Hoặc đông lạnh để chờ ngày….sống lại. đời nay   “ Thuyết siêu nhân phát triển từ đầu thế kỷ 20 với lý luận cho rằng sự tiến bộ của khoa học và công nghệ sẽ giúp loài người vượt qua những giới hạn hay….trời định về thể chất hoặc tinh thần. Thậm chí có thể đạt tới giấc mơ bất tử. Sau khi Liên Xô tan rã, học thuyết này nổi lên khá mạnh ở Nga. Đến năm 2003 hai học giả Danila Medvedev và Valeriza Pride thành lập tổ chức mang tên Phong Trào Siêu Nhân Nga ( RTM ). Tổ chức này sau đó tiến tới thành lập công ty KrioRus chuyên đóng băng thi thể để chờ đến một ngày nào đó sẽ xuất hiện công nghệ giúp hồi sinh” ( NB Thanh Niên số 185 ngày 4/7/2018 ).

        Kỹ nghệ đông lạnh chờ…hồi sinh hay còn gọi là Quỹ Kéo Dài Sự Sống hiện đang nở rộ trong giới giàu có danh tiếng. Riêng tại Scottsdate Arizona ( Mỹ ) đang đông lạnh đầu hoặc cơ thể của 149 người và có hơn 1100 người đã đóng tiền để giữ chỗ.

        Ý nghĩa của việc “ Kéo dài  đời sống” ở  đây có nghĩa là kéo dài cái ước vọng muốn được tồn tại bằng xác thân. Xét ngay trên phương diện khoa học thì cái ước vọng hồi sinh ấy chỉ là hão huyền “ Theo BBC  chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Trung Tâm Kéo Dài Sự Sống Alcor đã thẳng thắn thừa nhận rằng chẳng có sự đảm bảo nào cho việc hồi sinh một xác chết. Chúng tôi không biết chắc, có thể tồn tại rất nhiều sai sót”.

        Đối với khoa học thì không có gì bảo đảm cho việc …sống lại của một xác chết bằng cách đông lạnh. Còn xét trên phương diện tâm linh thì đây quả thật là sự u mê ám chướng có một không hai của thời đại duy vật vô thần.

        Thời đại này người ta không còn tin vào tôn giáo và vì thế cũng chẳng thể tin vào sự sống lại. Dẫu vậy ngay cả trong tôn giáo trong thời Tục Hóa ( Laicite ) này, đức tin nơi sự sống lại  cũng đã và đang bị đặt lại cách nghiêm trọng.

        Tin có sự sống lại thế nhưng thử hỏi: Cái gì sống lại ? Đó phải chăng là cái xác thân vật lý hữu hình hữu hoại ? Câu hỏi  này đã được Thánh Phao Lô đề ra  ngay từ thuở sơ khai Giáo Hội “ Nhưng có kẻ sẽ hỏi rằng: Người chết được sống lại thế nào ?Lấy thân thể nào mà đến ư ?Ớ kẻ ngu dại kia ! Vật gì được gieo nếu không chết đi  thì không sống lại được. Còn như vật ngươi gieo ấy không phải là hình thể  sẽ có. Đó chẳng qua là cái hột như hột lúa mì hay là giống gì khác. Nhưng ĐCT cho nó hình thể tùy ý Ngài, mỗi giống cho  nó hình thể tùy ý Ngài, mỗi giống cho một hình thể riêng. Mọi xác thịt chẳng phải đồng một xác thịt. Nhưng xác thịt của loài người khác của loài thú, khác của loài chim của loài cá lại khác nữa” ( 1C 15, 35 -39 ).

        Cái hột được gieo vào lòng đất sẽ phải thối rữa đi thì cái mầm cây mới nứt ra và mọc lên để thành chồi tức  hình thể sẽ có. Nếu cho rằng cái hột gieo vào lòng đất để rồi lại mọc lên một cái hột…y chang thì quá ư vô lý. Qua ví dụ này hiển nhiên cho thấy thân xác một khi đã chết,  chôn  xuống đất thì không phải cái xác đó sẽ sống lại nhưng đương nhiên phải là cái hồn cũng gọi là thần thức.

        Cái hồn tức hình thể sẽ có ấy Thánh Phao Lô nói là tùy thuộc vào ĐCT, mỗi giống Ngài cho một hình thể riêng. Nếu  đây là đức tin của người có đạo, tin nơi sự hiện hữu của Thiên Chúa thì không nói làm gì. Trái lại với những người không có niềm tin tôn giáo thì cần  có cách giải nghĩa khác. Theo tôi thì cách giải nghĩa đúng  đắn nhất chỉ có thể là Nghiệp. Chính cái Nghiệp mới tạo nên hình thể sẽ có sau khi chết.

       Nghiệp hay còn gọi là nghiệp báo tức cái lẽ nhân quả báo ứng mà có lần Đức Ki Tô đã đề cập: “ Không có cây tốt lại sinh trái xấu cũng không có cây xấu lại sinh trái tốt. vì cứ xem quả thì biết cây. Người ta không hái trái vả nơi  lùm  gai cũng không hái trái nho nơi bụi rậm. Người thiện do lòng chứa thiện mà phát ra điều thiện,. Kẻ ác do lòng chứa  ác mà phát ra điều ác. Vì do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra” ( Lc 6, 43 -45 )

        Về cái sự “ Chứa” này là…chứa ở trong Tâm. Tâm luôn nhớ nghĩ về điều thiện sẽ làm được điều thiện. Trái lại  cứ luôn nhớ nghĩ về điều ác thì sẽ làm điều ác. Làm điều thiện sẽ được hưởng quả thiện. Còn làm điều ác sẽ không tránh khỏi quả ác.

        Tôn giáo hoàn toàn không phải là một mớ lý thuyết thần học hoặc hình thức lễ nghi này nọ nhưng có mục đích là để áp dụng một cách có ý thức về lẽ nhân quả nghiệp báo. Đạo Công Giáo là đạo siêu xuất thế gian “ Con đã ban Đạo Cha cho họ và thế gian ghét bỏ họ vì họ không thuộc về thế gian cũng như Con không thuộc về thế gian vậy” ( Ga 17, 14 ).

        Theo Đạo Xuất Thế không phải để tìm kiếm sự sống đời này nhưng là sự sống đời sau trên Thiên Đàng. Chính bởi lẽ đó Đức Ki Tô đã kêu gọi những kẻ nào muốn theo Ngài thì phải biết từ bỏ “ Đoạn Ngài phán cùng mọi người rằng: Nếu ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hàng ngày mà theo. Vì hễ ai muốn cứu mạng sống mình thì phải mất. Còn hễ ai vì cớ Ta mà mất mạng sống mình thì lại  được. Vì lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn thì nào được ích gì ?” ( Lc 9, 23 -25 ).

        Cứu lại mất, bỏ đi lại  được. Đây là một thứ nghịch lý của Đạo Xuất Thế. Tuy nhiên chỉ với nghịch lý ấy chúng ta mới có thể có được niềm hy vọng  vào sự sống lại  đời sau trên Nước Trời Hằng Sống. Người Công Giáo chúng ta sống là sống với niềm hy vọng sống lại bởi chưng chính Đức Giê Su Ki Tô cũng đã chết và sống lại “ Vì nếu kẻ chết đã chẳng sống lại thì Đức Ki Tô cũng chẳng được sống lại. Còn nếu Đức Ki Tô chẳng đã được sống lại thì đức tin của anh em cũng ra vô ích. Anh em vẫn còn ở trong tội lỗi mình” ( 1C 15, 16 -17 ).

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts