Ngòi bút thiêng liêng người Bỉ, Bieke Vandekerckhove, có một sự khôn ngoan chân thành. Những gì cô chia sẻ với chúng ta, cô không học được từ một quyển sách, hay từ mẫu gương của ai đó. Nhưng cô học được từ một gian nan, một đau khổ độc nhất vô nhị, ngay từ tuổi 19 cô đã mắc một chứng bệnh nan y, không chỉ sớm dẫn đến cái chết mà còn tàn phá và hạ giá thân thể của cô trên đường đến cái chết.
Nỗ lực đương cự với tình trạng này, đẩy cô theo nhiều hướng, ban đầu là giận dữ và vô vọng, nhưng cuối cùng đưa cô hướng về tu viện, đến với sự khôn ngoan của tu trì, và theo đường hướng đó, đi vào chiều sâu của thinh lặng, hoang mạc ẩn dấu kinh hoàng bên trong mỗi chúng ta. Xa lánh mọi tiếng nói của thế giới, trong sự thinh lặng linh hồn của mình, trong sự hỗn loạn của cơn thịnh nộ, khắc khoải, mà cô tìm thấy sự khôn ngoan và sức mạnh, không chỉ để đương đầu với bệnh tật của mình, nhưng còn để tìm thấy một ý nghĩa và niềm vui sâu sắc hơn trong đời.
Như John Updike đã nói trong thơ, có những bí mật tránh mặt sự khỏe mạnh, và cô Vandekerckhove đã làm rõ ràng rằng, có thể khám phá những bí mật đó trong thinh lặng. Tuy nhiên, khám phá các bí mật mà thinh lặng dạy cho chúng ta, không phải là chuyện dễ dàng gì. Sự thinh lặng sẽ rất đáng sợ cho đến khi chưa làm bạn được với nó, và tiến trình này cũng như là băng qua hoang mạc nóng bức vậy. Nội tâm chúng ta không dễ thanh bình, sự khắc khoải không dễ thành cô tịch, và tính khí hướng ngoại tìm sự an ủi không dễ dàng nhường đường cho sự thinh lặng. Nhưng có một sự an bình và ý nghĩa, chỉ có thể tìm được trong hoang mạc của nội tâm hỗn loạn và thịnh nộ trong chúng ta. Những giếng nước an ủi sâu thẳm nằm ở cuối hành trình nội tâm, qua những nóng bức, khát khô, và ngõ cụt, phải được đẩy ra qua sự kiên trì gan góc. Và như bất kỳ hành trình anh hùng nào, nhiệm vụ của chúng ta là đừng để trái tim nhụt chí.
Và đây là những gì cô Vandekerckhove mô tả một khía cạnh trong cuộc hành trình của mình: “Tiếng nói nội tâm có thể khá nản chí. Đây chính xác là lý do vì sao quá nhiều người chạy trốn để tìm đến với những tiếng động bên ngoài. Họ thích có một tiếng động đổ tràn trên họ. Nhưng nếu muốn tăng tiến đường linh hồn, bạn phải ở lại trong không gian thịnh nộ linh hồn của mình, bền gan kiên vững. Bạn phải tiếp tục ngồi đó thinh lặng và chân thành trong sự hiện diện của Thiên Chúa cho đến khi cơn thịnh nộ lắng xuống và trái tim bạn được thanh tẩy và im tiếng. Thinh lặng buộc chúng ta phải xem xét đường lối thực hành của con người. Và rồi chúng ta va phải một bức tường, một đường cụt. Cho dù xã hội có muôn ngàn cách đáp ứng cho các nhu cầu nhân sinh của chúng ta, nhưng dù có làm gì, dù có cố gắng thế nào, trong chúng ta vẫn tiếp tục cảm nhận một mất mát và ghẻ lạnh. Thinh lặng đối đầu với chúng ta trong một vực thẳm không đáy, và dường như không có lối thoát. Chúng ta không có chọn lựa nào khác ngoài chung vai sát cánh với chiều sâu lòng đạo trong mình.”
Đây là một sự thật thâm thúy: Thinh lặng đối đầu với chúng ta trong một vực thẳm không đáy và chúng ta không còn chọn lựa nào khác ngoài chung vai sát cánh với chiều sâu lòng đạo trong mình. Đáng buồn thay, hầu hết chúng ta chỉ học được điều này qua một sự cưỡng bách cay đắng khi thực sự đối mặt với cái chết của chính mình. Khi bơ vơ trong cơn hấp hối, không còn bất kỳ chọn lựa và lối thoát nào, thì dù cho vật vã và cay đắng, nhưng theo lời Karl Rahner, chúng ta phải để mình chìm trong sự không thể hiểu thấu của Thiên Chúa. Hơn nữa, trước khi quy phục như thế, đời sống chúng ta sẽ luôn vẫn bất ổn và hoang mang, và sẽ luôn luôn có các góc tối nội tâm khiến chúng ta kinh sợ.
Nhưng hành trình đi vào thinh lặng có thể đưa chúng ta ra khỏi những nỗi sợ tăm tối và chiếu ánh sáng chữa lành lên những góc tối nhất của mình. Nhưng, như Vandekerckhove và các tác giả thiêng liêng khác đã chỉ ra, thì sự bình an này chỉ tìm được sau khi chúng ta đạt đến một ngõ cụt, bế tắc không lối thoát, nơi mà điều duy nhất có thể làm là lao đầu vào tiêu cực.
Trong quyển sách Vị của Thinh lặng, Vandekerckhove kể lại một người bạn duy tâm của mình chia sẻ với cô giấc mơ được ra khỏi bản thân mà đi vào một hoang mạc nào đó nhằm khám phá đường thiêng liêng. Phản ứng tức thời của cô không hẳn làm anh ấy vui lòng gì: “Con người ta sẵn sàng đi vào bất kỳ hoang mạc nào. Người ta sẵn sàng đến bất kỳ nơi đâu, miễn sao đó không phải là hoang mạc của chính mình.” Thật đúng. Chúng ta luôn mãi thèm khát những hoang mạc tư tưởng mà chối bỏ hoang mạc của chính mình.
Hành trình thiêng liêng, cuộc hành hương, mà chúng ta cần phải làm nhất, nó không cần đến vé máy bay đâu. Chuyến đi đáng giá nhất cho linh hồn mà chúng ta có thể thực hiện, chính là chuyến hành hương nội tâm, đi vào trong hoang mạc thinh lặng của mình.
Là con người, chúng ta mang tính xã hội trong cấu thể. Điều này nghĩa là,“không tốt nếu để con người một mình.” Chúng ta được định sống trong sự thông hiệp với người khác. Thiên đàng sẽ là một cảm nghiệm thông hiệp, nhưng trên đường đến đó, có một việc làm nội tâm nhất định mà chúng ta phải và chỉ có thể làm một mình, tránh xa mọi tiếng động của thế giới.
Rev. Ron Rolheiser, OMI
J.B. Thái Hòa chuyển dịch