Chiều về trên sông

          Vừa tiễn đưa Tiến lên tàu HQ ra Nha Trang, mình với Diễn  đứng trên bến Bạch Đằng lặng nhìn dòng sông  Sài Gòn lững lờ chảy miên  man mà sao thấy bùi ngùi cuộc chia ly. Mới tối hôm qua cả bọn còn ngồi quanh  xe phở đường Chu Mạnh Trinh, Phú Nhuận nói cười xôm tụ mà nay đã mỗi thằng mỗi ngả. Chỉ còn mấy ngày phép nữa thôi mình cũng trở lại Pleiku lạnh căm với núi rừng trùng điệp.

          Càng về chiều dòng sông  càng như mênh mang bí ẩn. Phố xá nhộn nhịp, xe cộ nối nhau không ngớt. Hai thằng ghé tiệm kem trên  đường Lê Lợi. Quán vắng hoe, cô chủ quán dường như đang mơ màng trong tiếng nhạc và bản nhạc ấy cùng với giọng ca Thái Thanh ôi chao đã đi theo mình hầu như suốt cả cuộc đời: Bản nhạc Chiều Về Trên Sông của Phạm Duy:

                   “Chiều buông trên dòng sông Cửu Long

                   Như một cơn ước mong, ơi chiều

                   Về đâu, ơi hàng cây gỗ rong

                   Nghiêng mình trên sóng  sông yêu kiều  ?”

          Âm hưởng của lời ca khi thì cao vút lúc lại trầm lắng ngấm sâu vào tận đáy tâm hồn. Chẳng hiểu Diễn nghĩ gì ? Làm sao biết được, còn mình thì hai tiếng Về Đâu ấy  cứ còn trở đi trở lại mãi trong suốt cuộc tìm trăn trở  khôn nguôi…

          Pleiku phố núi, đi đâu cũng chỉ thấy lính. BTl  QĐ II mang tên thành Plei Me nằm trên một ngọn đồi cạnh bên  phi trường Cù Hanh lâu lâu mới có một chuyến C. 123 đáp xuống rồi lại mất hút vào trong những cụm  mây bồng bềnh trắng lốp.

          Trời mùa đông ở đây thật buồn, buổi chiều một mình ngồi trong ụ gác trước mặt BTL Quân Đoàn bên cây đại liên mà lòng cứ nghĩ vẩn vơ đến đám bạn đứa thì dạy học ở Mỹ Tho, Phước Long đứa thì đóng lính ở tận Sóc Trăng, Bạc Liêu…

          Buổi sáng chủ nhật có người  rủ đi lễ ngoài phố, ừ thì đi. Ông bạn vào trong nhà thờ còn mình thì đứng ngoài cửa sổ nhìn vào. Được một lát  thấy chán thì bỏ đi. Phố xá  ở đây chỉ có mấy  con dốc ngắn ngủi. đi qua đi lại chỉ một lát là  chẳng còn gì  để…ngắm.

          Ghé vào một quán Bar, nhạc sập sình và trong cái bong tối lờ mờ ấy bất chợt gặp Trang Thọ Huyền, tên này  là tiểu đội trưởng khóa sinh của mình khi còn ở TTHL Quang Trung. Hắn ghé tai nói nhỏ: Tao…chuồn rồi ( đảo ngũ ). Học xong giai đoạn một, ra Đồng Đế  học nốt 03 tháng bộ binh rồi bị tống ra tận Đức Cơ ( SĐ 22 ? )trận mạc liên mien  chịu đời không thấu !

          Rời Bar, hai thằng lang thang tìm kiếm quán cơm…Còn nhớ thời gian này  vào quãng năm 64…quán đang mở radio  nghe tin tức đảo chính hay chỉnh lý gì đó, thời sự rối ren, chiến tranh ngày càng ác liệt…

          Lại một cuộc chia tay và lần này không biết Trang Thọ Huyền  sẽ  đi đâu, về đâu trong thân phận người lính đảo ngũ ? Trời đã  về chiều mình lầm lũi  loanh quanh giữa các con phố xa lạ mà lòng thì nặng chĩu nỗi buồn.

          Đứng  ở ngã tư gần rạp chiếu bóng Diệp Kính một lúc lâu mong có xe nào đó cho quá giang nhưng không có. Mình cứ  lầm lũi đi trong cái màn sương ngày càng  dày hơn và thầm nghĩ thế nào rồi cũng sẽ về tới đơn vị thôi. Ôi ! cái đơn vị  lúc này  nghĩ sao mà …thân thiết đến vậy mặc dù đó chỉ là cái cổng thành Plei Me sừng sững trong màn đêm âm u. Là cái hòm ấm cúng sẽ được…lọt thỏm vào đó ( Ở đây vì thời tiết giá lạnh nên thay vì giường nằm mỗi người lại có một cái…hòm giống như  quan tài nhưng chỉ khác là có…nắp mở ra đóng  lại ).

          Thật may đi được một quãng xa, chân đã mỏi nhừ  thì có chiếc díp lùn ghé xịch lại đón..Ngồi trên xe cạnh viên trung úy trẻ có bộ ria rất ngầu, mồm sặc mùi bia. Qua cổng, sau lời cám ơn, hắn bắt chặt tay mình lắc lắc còn hẹn  ngày gặp lại. Ôi ! cái ngày gặp lại của những người lính chiến nào biết có hay không ?

          Ở Plei Ku chưa được nửa năm thì có lệnh thuyên chuyển về TK Quảng Đức và chính ở nơi đây mình đã sống thời gian dài  suốt ba năm cho tới ngày giải ngũ như một kẻ lãng du bên lề cuộc chiến hay nói cho đúng…bên lề cuộc đời.

          Gia Nghĩa một thị trấn nên thơ chỉ gồm có Khu Hành Chánh và một con dốc dài qua cây cầu xi măng nhỏ ( Dak Nông ) lên một con dốc cao là tới khu chợ. Nơi đây ví như một ốc đảo bình yên có lẽ chỉ thích hợp cho những con người sống  nội tâm như mình.

          Công việc  của một mật mã viên  truyền tin TK  cũng chẳng có gì, đôi ba ngày mới có một công điện  thường là loại OK tự do  với dầy đặc những con số tọa độ. Trước khi về đây mình được người cũ bàn giao lại một căn nhà lợp tôn vách ván nhỏ như cái …chuồng gà  nằm chênh vênh trên sườn đồi.

          Có những  chiều tối muộn, qua khung cửa sổ  nhìn  mông  về phía  ngọn đồi bên kia có những đám lửa  chốc chốc lại  bùng lên của những người  du canh đốt rừng làm rẫy tự hỏi: Mình đang ở đâu đây trong cái thế giới hoang sơ này ?

          Gọi là …ốc đảo bình yên nhưng thật sự thì cũng chẳng yên bình chút nào. Trong một cuộc nhậu lai rai đế với khô mực tại quán Bình Mập  chia tay với thiếu úy Hải ngày mai sẽ lên đường  vào làm đồn phó Bu Prang thì  tuần sau đã  nghe tin anh bị pháo kích chết thảm. Còn nhớ trong cuộc nhậu đó, Hải ôm cây ghi ta vừa  vỗ tay vào  đàn vừa hát giọng thật buồn bản Que Sera, sera…biết ra sao ngày sau ???

          Biết ra sao ngày sau ? Với Hải và biết bao con người khác trong cuộc chiến này đã vậy còn mình cũng thế, biết ra sao ngày sau ? Được phép thường niên 15 ngày về nhà trong lúc Sài Gòn đang có những cuộc biểu tình rầm rộ của dân Công Giáo. Tịnh ( dạy học ở Mỹ Tho về nghỉ hè ) rủ đi…xem biểu tình, lần này là chống Nguyễn Khánh với Hiến Chương Vũng  Tàu trước cổng BTTM.

          Dân chúng khá đông, hò la đả đảo hòa nhịp với loa phóng thanh ầm ĩ. Mình và Tịnh trèo lên  một trụ điện bên kia đường bỗng có một loạt  liên thanh nổ dòn. Người người hoảng loạn xô đẩy nhau ra về. Dọc đường gặp Quý  đen cùng lớp tu ngày trước ở Phước Tỉnh đang cầm loa đứng trên nóc xe lam hò hét mọi người ở lại  nhưng có vẻ chẳng ai nghe ! Bữa đó dân biểu tình bị chết mất 06 người….

          Sau cuộc đi …xem biểu tình ấy hai thằng còn đi…xem Việt Cộng chết một lần nữa trong kỳ tấn công  đợt  một Tết Mậu Thân  vào phi trường Tân Sơn Nhất. Xác chết rải rác ngoài vòng rào sân bay về hương Bà Quẹo. Có những  cái thây  cháy thui nằm còng queo bên bờ ruộng có thây chất trên xe bò có lẽ chờ để  kéo  đi ?

          Lần đi…xem ấy mình vừa giải ngũ  chưa đầy một  tháng lại bị  kêu tái ngũ sau Tết có mấy ngày. Về SĐ 5 đóng tại Phú Lợi, một dãy nhà tù trước đây nay biến thành trại lính. Ngày làm tạp dịch, tối thì cứ  một tuần phải dẫn một tiểu đội đi kích  tại một số điểm bên ngoài vòng rào. Có những đêm  trong cơn mưa tầm tã, khoác  pông sô tay cầm khẩu Tompson lạnh ngắt mà lòng thì hoang mang không biết đời mình rồi sẽ ra sao ?

          Cũng may chỉ ở sư đoàn 5 này  mấy tháng thì được đổi về BTTM, sau đó thi đậu khóa HSQ Tùy Viên, cầm passport service sang làm việc tại Tòa Đại Sứ Nam Vang. Những  buổi chiều rảnh rỗi mình thường lang thang thăm các ngôi chùa rồi ra ngồi hóng gió bên bờ sông Mê Kong trước đền vua.

          Nhìn những người đàn bà quấn sà rông lòe loẹt đầu đội thúng bánh, những đứa trẻ trần trùng trục đen xạm tay ôm thúng đựng mía ghim luôn miệng mời chào bằng những  âm thanh chói tai  xa lạ, mình chợt thấy  cô đơn như chưa bao giờ cảm nhận. Nhìn dòng sông mênh mông  chảy miên  man chợt nhớ lời cảm thán của ông Khổng ngày nào “ Đêm ngày cứ trôi chảy mãi thế này ư ? ( Thệ giả như  tư phù, bất xả trú dạ – Luận Ngữ ).

          Dòng đời cứ trôi cùng với thế sự đảo điên. Cuộc chiến của Kampuchia cũng như của Việt Nam đã đến bước ngoặt: Lonnol sụp đổ và sau đó ít lâu VNCH cũng cùng chung số phận. Mình và vợ con bị đuổi ra khỏi Khu Gia Binh BTTM và về sinh sống tại Hố Nai –  Trảng Bom cho tới bây giờ.

          Hồi đó còn nhớ mình giao du toàn với những con người có những nét …thật tình chẳng giống ai. Nào là Sáu Quán gặp đâu cũng lôi Kinh Dịch, Tử Vi ra bàn. Nào là Tư Hon hết lòng quảng bá pháp môn tuyệt thực để trường sinh bất tử…nhưng chỉ vài năm sau thì đã chết ngủm vì bệnh sơ gan ( Hắn ta làm nghề  sửa bình  ác quy ). Nào là  châm y sư Lưu Được, đệ tử ruột của Lương Sỉ Hằng nhiệt thành với Thiền Vô Vi Xuất Hồn. Chính là với thứ Thiền Vô Vi này  mà mình suýt nữa bị tẩu hỏa nhập ma…toi đời.

           Ngày đó một thân một mình làm vườn ở dưới dốc Suối Đỉa ăn gạo lức muối mè…luyện công tu tập. Sau khi nhịn đói uống nước chanh đường tới ngày thứ chín, nửa đêm dậy quạt Pháp Luân được khoảng hơn 100 cái thì bị hắt hơi sổ  mũi liên hồi, nước mũi chảy  dòng dòng, đầu nhức buốt như bị hàng trăm mũi kim đâm.

          Tình thế có  phần nguy nan, mình cố nghĩ đến một điều gì đó cụ thể  như tên mấy đứa con mà không được. Thế nhưng từ trong tâm khảm dường như có một tiếng  gọi mơ hồ thôi thúc mình  lần đến tủ sách vớ đại một cuốn lôi ra đọc thử coi, nếu hiểu được thì…chưa sao ! Đốt cây nến lên và cuốn sách  cầm trên tay là cuốn Thánh Kinh của Tin Lành gồm cả Cựu Ước lẫn Tân Ước. Cuốn Kinh Thánh ấy mình lượm được tại  đống rác đang cháy dở  trong sân Khu Gia Binh ngay trong buổi sáng ngày 30 tháng 4/75 khi  từ TTHQ/ BTTM vượt tường về nhà.

          Giở một trang ngẫu nhiên mình đọc được lời này “ Giờ đó Giê Su mừng rỡ trong Thánh Linh mà rằng: Cha ơi ! Cha là Chúa Trời Đất. Con ngợi khen Cha vì Cha đã giấu những điều này với kẻ khôn ngoan thông sáng mà bày tỏ cho con trẻ. Phải ! Cha ơi, vì như vậy là đẹp lòng Cha” ( Lc 10, 21 ).

          Bỗng như sực tỉnh khỏi cơn mê, nhận ra trong bấy lâu nay mình đã lầm lạc trong cuộc tìm. Bởi thực ra đó chỉ là muốn… tìm mình chứ không phải  tìm Chúa như Ngài Là. Ngay khi trời vừa sáng rõ, húp vội bát  cháo loãng mình lên gõ cửa nhà cha xứ Nghi xin xưng thú tội lỗi đã bao năm xa Chúa, bỏ Giáo Hội. Kể từ giờ phút  ấy cuộc đời mình đã lật qua một trang mới đầy tràn ơn sủng và hy vọng.

          Trong số bạn hữu mới quen, mình thân với một người có tật ở lưng gọi là Công gù. Lần ấy Công rủ mình xuống Đồng Tháp chơi nhân dịp dự lễ khánh thành nhà thờ Hòa Long của cha Nguyễn Quang Duy Dòng CCT. Ở chơi đó mấy ngày, chúng tôi trở ngược lại Cái Tàu Thượng thăm cha Sang cũng thuộc Dòng CCT.   Từ đây lại  đáp xuồng máy vượt sông lớn vào Cồn Phụng ( ? ) thăm chú Tám Oánh. Gia đình chỉ có chú và hai đứa con gái ( Vợ chú mới mất ) là gia đình duy nhất có đạo ở tại cái cù lao nhỏ bé này.

          Qua câu chuyện, biết chú là người rất có lòng sung kính Đức Mẹ. Hàng đêm mấy cha con  ngồi trước bàn thờ lần  năm chuỗi  Kinh Mân Côi  như một truyền thống lâu đời truyền lại. Sau bữa trưa phải nói là …thịnh soạn với đủ món cá cùng với chai rượu vang của cha Sang biếu, chúng  tôi ra ngoài hiên hút thuốc  nghe chú tâm sự  về cuộc sống  với tất cả lòng cảm tạ mà Đức  Mẹ đã ban cho.

          Trong giấc ngủ trưa mơ màng bỗng nghe giọng ca Hoàng Oanh cất lên trong trẻo giữa không trung những bài ca ngọt ngào dâng kính Mẹ: “ Lòng Mẹ ấm êm dịu dàng con muốn đêm ngày đến nương tựa bên lòng…”

          Ôi vui sướng biết bao được ở trong Cung Lòng Mẹ. Giờ đây con không còn đứng  trên bờ sông nhìn dòng nước chảy  để…ngậm ngùi mà là ngay giữa lòng sông trên cái cù lao nhỏ bé  nhưng thân thương này…

          Buổi chiều chú Tám thân hành chở xuồng cho chúng tôi về lại bến cũ. Gió chiều êm êm đưa chiếc xuồng lướt sóng  trên dòng Cửu Long mênh mông, mình tự nhủ: Từ đây sẽ không còn trong tâm câu hỏi “ Về Đâu” xao xuyến nữa bởi ta đã có chốn…tựa nương bên Mẹ”.

Phùng Văn Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts