CHÍNH  TRỊ  VÀ  TÔN  GIÁO ( 2 )

          Chính trị và tôn giáo luôn có sự đối đầu và sự đối đầu mang tính điển hình nhất đã được Kinh Thánh ghi lại đó là giữa vua Antiokho và bảy anh em nhà Maccabê: “ Có bảy anh em bị bắt cùng với bà mẹ, vua Antiokho cho lấy roi  gân bò mà đánh để bắt họ ăn thịt heo là thức ăn  luật Moi Se cấm. Thay mặt cho anh em mình, một người lớn tiếng nói: Vua muốn tra khảo chúng tôi cái gì ? Vua muốn biết điều gì ? Chúng tôi thà chết chẳng thà vi phạm luật pháp của cha ông chúng tôi” ( 2Mc 7, 1 -2 ).

          Để hiểu nguyên nhân tại sao bà mẹ cùng với bảy anh em thà chết chứ không chịu ăn thịt heo theo lệnh của nhà vua ? Có hai lý do một là để tuân giữ luật Moi Se. Hai là để phản kháng lại chủ trương du nhập văn hóa của đế quốc Hy Lạp… Cả hai lý do này đều quan trọng như nhau bởi  nếu  một dân tộc  nào mà để mất đi bản sắc của mình thì sẽ không thể tồn tại !

          Do Thái là dân tộc hết sức nhỏ bé  so với đế quốc Hy Lạp hùng mạnh thời đó. Tuy nhiên dân tộc này lại có một sức sống mãnh liệt nhờ  lòng tin vào Đấng Thiên Chúa Toàn Năng Hằng  Hữu. Lần lượt cả bảy anh em đã phải chịu một cái chết vô cùng thảm khốc nhưng họ vẫn  giữ vững được  đức tin. Sau cái chết của người thứ nhất, người thứ hai dõng dạc nói: “Vua là một tên hung thần, vua khai trừ chúng tôi ra khỏi cuộc đời hiện tại nhưng bởi lẽ chúng tôi chết vì luật pháp của vua vũ trụ nên Người sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời” ( 2MC 7, 9 ).

          Qua lời tuyên xưng này cho thấy, sự đối đầu giữa chính trị và tôn giáo  chính là ở chỗ một bên tin có sự sống lại một bên thì không. Bởi không tin nên nhà vua Antiokho đã không hiểu tại sao các anh em nhà Maccabê  lại cố chấp đến nỗi  thà chết chứ không chịu ăn mấy miếng thịt heo để rồi phải lãnh một cái chết cực kỳ ghê rợn như vậy ?

          Chẳng những nhà vua tức giới cầm quyền không tin có sự sống lại mà cả các triết gia cũng thế, họ thắc mắc với Phao Lô khi ngài đến giảng đạo tại thành Athen: “ Người thì hỏi: lão già bẻm mép này muốn nói cái gì đó ? Kẻ thì nói: Hắn dường như tuyên truyền  dị bang. Vì Phao Lô giảng về Chúa Giê Su và sự sống lại. Chúng chụp lấy người lôi đến Areoba ( Công quyền ) mà hỏi nữa rằng: Chúng ta có thể biết được đạo mới mà ngươi rao giảng đó là gì hay không ?…

          …Khi chúng nghe đến sự sống lại của  kẻ chết, người thì nhạo cười, kẻ thì nói rằng: Thôi để lúc khác chúng ta sẽ nghe ngươi nói về việc đó nữa !!!” ( Cv 17, 18 -32 ). Lý do khiến người ta cười nhạo là bởi không tin có sự sống lại nhưng nếu không tin có sự sống lại thì phải chăng…chết là hết ?

          Thật sự thì không có ai tin rằng…chết là hết bởi lẽ ngay những kẻ chủ trương duy vật vô thần như CT Hồ Chí Minh khi lập Bản Di Chúc cũng  nói: Tôi đi để gặp  hai  ông Các Mác và Lê Nin. Chẳng biết chủ tịch sẽ gặp hai ông ấy ở cõi nào nhưng điều đó  chứng minh rõ ràng  cho thấy…chết không phải là hết  ???

          Mặc dù từ trong thâm tâm không ai tin…chết là hết thế nhưng hầu hết  mọi người lại sống như mình chẳng bao giờ chết để rồi  cuối cùng  lăn ra chết mà không hề biết mình sống trên đời để làm gì ?

          Nguyên nhân sâu xa khiến người đời sống mà như chết ấy đó là vì đã chấp cho xác thân vật lý này…là mình và cũng chính vì cái chấp ấy đã khiến cho cả triết học lẫn chính trị đều ra công ra sức thóa mạ công kích tôn giáo cho đó là làm  mê hoặc con người: “ Tôn giáo là sự thể hiện bản chất của con người  trong tưởng tượng, bởi vì bản chất của con người không có tính hiện thực chân chính. Vì thế, đấu tranh chống  tôn giáo gián tiếp cũng là đấu tranh chống cái thế giới mà tôn giáo là hương thơm tinh thần…

          …Cảnh khốn cùng của tôn giáo vừa là cách diễn tả cảnh khốn cùng thực sự vừa là sự phản kháng  cảnh khốn cùng thực sự. Tôn giáo là tiếng than vãn của thọ tạo bị đàn áp  là tâm hồn của một thế giới vô tâm cũng như tôn giáo là tinh thần của những tình huống vắng bóng tinh thần. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân” ( Karl Heinz Weger S.J – Phê Bình Tôn Giáo Qua Các Tác Giả ).

          Các Mác ( 1808 – 1883 ) ông tổ của Duy Vật Biện Chứng, một mặt phê phán tôn giáo ( Công giáo ) cho đó là một thứ ảo tưởng. Mặt khác lại cổ xúy cho một thế giới đại đồng cũng gọi là Thiên Đường Trần Gian nhưng chính cái gọi là Thiên Đường Trần Gian ấy mới là ảo tưởng bởi vì nó đã đặt  nền tảng trên sự đàn áp và lừa dối !!!

          Toàn bộ các loại triết học cũng như cơ cấu chính trị dù là phong kiến hay Cộng Sản bao lâu chưa thoát khỏi hai loại kiến chấp sai lầm về Thân và Tâm thì không cách chi có thể chấp nhận niềm tin tôn giáo về sự sống lại. Trong các chỉ dụ của các vua triều Nguyễn  khi nào cũng  coi Đạo Công giáo là…Tà Đạo  vì đạo này lừa dối và lạm dụng lòng đơn thành của người dân, dùng những hình phạt Hỏa Ngục để làm kinh sợ kẻ yếu đuối, dùng niềm vui Nước Trời để thu hút người khác…” ( Kiến nghị tháng 8/1826  của Bộ Lễ dâng lên vua Minh Mạng ).

          Cho đạo Công giáo là…tà đạo chỉ vì đã dùng hình phạt Hỏa Ngục để  làm kinh sợ kẻ yếu đuối và dùng niềm vui Thiên Đàng để thu hút người khác. Đang khi đó đạo Công giáo sở dĩ được gọi là….đạo ngay, đạo thật chính là vì đã rao giảng sự hiện hữu của Hỏa Ngục để người ta  đừng phạm tội  kẻo  phải  sa vào chốn cực khốn ấy. Mặt khác rao giảng niềm tin Nước Thiên Đàng Cực Vui Cực Lành để người ta  sống đức tin rồi có ngày cũng sẽ được về nơi ấy !!!

          Con người chỉ tin có Hỏa Ngục có Thiên Đàng  một khi tin có sự sống lại, Thế nhưng  làm sao để có thể tin sự sống lại  nếu Đức Ki Tô không sống lại ? “ Vì nếu kẻ chết  chẳng sống lại  thì Đức Ki Tô cũng sẽ không được sống lại. Còn nếu Đức Ki Tô đã chẳng được sống lại thì đức tin của anh em cũng vô ích, anh em vẫn còn ở trong tội lỗi mình…

          …Vậy những người đã chết trong niềm tin Chúa Ki Tô Phục Sinh… cũng bị hư mất rồi sao ? Nếu chúng ta chỉ có hy vọng trong Đức Ki Tô ở đời sống này mà thôi thì trong cả mọi người chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết” ( 1C 15, 16 -19 ).

          Đức Giê Su Ki Tô đã phục sinh về trời, đó là nền tảng của đức tin Công giáo và cũng chính nhờ vào niềm tin ấy chúng ta mới có thể sống đạo. Tuy nhiên niềm tin ấy ngày nay đã bị phá  vỡ khi người ta nói  cái chết của Chúa Giê Su chỉ là…vạn bất đắc dĩ và vì thế chẳng làm gì có sự sống lại ?: “ Chắc chắn Đức Giê Su biết rõ những nguy hiểm do những điều Ngài nói và làm mang lại. Herode đang tìm cách giết Ngài. Sau sự cố thanh tẩy đền thờ, nhiều người trong giới lãnh đạo cũng mưu hại Ngài. Ngài phải lựa chọn: Hoặc sống lén lút hoặc xuất đầu lộ diện. Nếu sống lén lút, Ngài không thể gây cho người ta niềm tin vào Nước Thiên Chúa như Ngài đã từng làm. Còn nếu xuất đầu lộ diện để tiếp tục sứ vụ thì chắc chắn phải chết. Đức Giê Su đã chọn giải pháp thứ hai và quả cảm đi lên Gierusalem bởi vì đó là cách duy nhất để phục vụ nhân loại. Cách duy nhất  để  ngỏ lời với thế gian” ( Đgm Phao Lô Bùi Văn Đọc và các LM khác – Đức Ki Tô Hôm Qua – Hôm Nay và Mãi Mãi ).

          Chúa Giê Su không đến để…phục vụ nhân loại  nhưng là để rao giảng Tin Mừng Nước Trời: “ Vừa rạng ngày Ngài ra đi đến nơi thanh vắng, có quần chúng theo kịp, muốn giữ lại không cho Ngài đi khỏi họ. Nhưng ngài nói: Ta cũng cần phải rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành thị khác vì cốt tại việc đó mà Ta được sai đến” ( Lc 4, 42 -43 ).

          Chính Chúa Giê Su đã khẳng định Ngài được sai đến để rao giảng Tin Mừng Nước Trời chứ không phải để phục vụ nhân loại. Giữa việc rao giảng Tin Mừng và…phục vụ nhân loại có sự khác biệt sâu xa thế này. Một đàng Tin Mừng mà Đức Ki Tô rao giảng là về Nước Trời mầu nhiệm nội tại ( Lc 17, 20 -21 ) Một đàng là Nước Trời…Tục Hóa: “ Vậy Nước Thiên Chúa mà Đức Giê Su rao giảng không phải là một thực thể ở trên trời nhưng là một tình trạng tương lai ở thế gian khi người nghèo không còn nghèo, người bị áp bức không còn bị áp bức. Nó được biểu thị bằng một ngôi nhà hay một đô thị có tường thành bao quanh” ( Đgm Phao Lô và các LM khác đã dẫn ).

          Đức Ki Tô chỉ rao giảng có một Tin Mừng đó là về Nước Trời mầu nhiệm nội tại và Tin Mừng này đòi hỏi cần có lòng tin và sự ăn năn, sám hối  ( Mc 1, 15 ). Có nghĩa đó là công việc của mỗi cá nhân. Trái lại Tin Mừng Tục Hóa của thần học thì chẳng cần gì phải tin bởi thực chất đó  là một thứ…hoang tưởng khi trên trái đất này không còn người nghèo và  người bị áp bức ???

          Thực sự thì không biết đến bao giờ ở chốn thế gian này không còn người nghèo và người bị áp bức nhưng nếu  giả thử như  có được điều ấy  thì nó cũng chẳng liên quan đến  Công Cuộc Cứu Độ của Đức Ki Tô. Tại sao ? Bởi vì việc sống lại luôn hàm chứa  trong nó sự chết. Chính Đức  Giê Su Ki Tô để được phục sinh vinh quang Ngài cũng phải trải qua cái chết, hơn nữa một cái chết vô cùng đau đớn nhục nhã !!!

          Vấn đề đặt ra không phải  có hay không trải qua cái chết, hoặc cho đến bao giờ thế gian này không còn người nghèo, người bị áp bức nhưng là có hay không tin vào sự sống lại. Người thế gian ( Chính Trị ) vì u mê họ sẽ không tin có sự sống lại. Còn bổn phận của chúng ta những người có đạo ( Tôn giáo ) không  những  cần phải tin mà còn phải làm chứng cho chân lý ấy. Thánh Phao Lô khi bị giải đến công quyền, ngài đã khẳng khái tuyên bố: “ Trước mặt các ông ngày nay, tôi bị thẩm vấn đây  ấy là vì vấn đề kẻ chết sống lại” ( Cv 24, 21 ).

          Đối với niềm tin tôn giáo thì không thể có sự thỏa hiệp: “ Chớ mang ách so le với kẻ chẳng tin bởi vì sự công chính và sự bất chính có tương giao gì chăng ? Sự sáng suốt với sự tối tăm  có tương thông gì ư ? Đức Ki Tô và quỷ Belian nào có tương hòa chi ? Hay là kẻ tin có phần gì  với kẻ chẳng tin ư ? Đền thờ của Thiên Chúa có thích hợp gì với hình tượng được sao ?” ( 2C 6, 14 -16 ).

          Một khi tôn giáo lại có sự thỏa hiệp với chính trị thì phần thiệt hại lớn nhất sẽ dành cho tôn giáo bởi như Chúa nói: “ Vì hễ ai muốn cứu mạng sống mình thì phải mất. Còn ai vì cớ Ta mà mất mạng sống mình thì sẽ tìm lại được. Bởi chưng lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì nào được ích gì ?” ( Mt 16, 25 -26 )./.

Phùng  Văn  Hóa

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts