CHÍNH  TRỊ  VÀ  TÔN  GIÁO

          Chỉ còn hơn một tháng nữa thì cuộc bầu cử tổng thống Mỹ  03/11/2020 sẽ diễn ra với kết quả ra sao không ai có thể đoán trước được.  Tuy nhiên có một sự kiện xảy ra chưa có tiền lệ đó là sự ủng hộ công khai và quyết liệt của giới Công Giáo dành cho liên danh Donald Trump – Mike Pence thuộc Đảng Cộng Hòa chống lại liên danh Joe Biden – Kamala Harris của Đảng Dân Chủ.

          Trong một video do Alpha News sản xuất, linh mục James Altman, cha sở giáo xứ Saint James the Lesse ở La Crosse, Wisconsin đã đưa ra một số tuyên bố mạnh mẽ về vai trò của người Công Giáo trong nền chính trị Hoa Kỳ. Ngài nói với người Công Giáo rằng họ có bổn phận và nghĩa vụ lên tiếng chống lại các chính trị gia vô đạo đức, những người ủng hộ việc giết thai nhi trong các vụ phá thai. Bởi đó cha Altman nhấn mạnh rằng người Công giáo không thể bỏ phiếu cho Đảng Dân Chủ vì lập trường ủng hộ phá thai cực đoan của Đảng này. Ngài cũng quy lỗi cho những kẻ nhát gan trong hàng giáo sĩ vì đã không dạy cho người Công Giáo biết lẽ thật về Thiên Chúa và giá trị của cuộc sống mỗi con người. Cha còn nói: Khi chính trị gia hành động một cách vô đạo đức, chúng ta chắc chắn có bổn phận và nghĩa vụ phải lên tiếng về điều đó. Anh chị em không thể vừa là người Công Giáo lại vừa là một đảng viên Đảng Dân Chủ: Chấm hết ! Cương lĩnh của họ hoàn toàn chống lại mọi điều mà Giáo Hội Công Giáo truyền dạy. Vì vậy, hãy thôi đừng giả vờ rằng mình là người Công Giáo nữa nếu bạn bỏ phiếu cho Đảng Dân Chủ”.

          Các phương tiện truyền thông bênh vực ông Joe Biden đã tấn công tới tấp cha Altman và cáo buộc ngài quá thiên về chính trị. Đáp lại những chỉ trích này, cha Altman trả lời: “ Baloney”: Vô Nghĩa! Ngài nói chính trị về cơ bản phải là một công việc đạo đức và người Công Giáo có  bổn phận và nghĩa vụ phải lên tiếng  khi các chính trị gia hành động trái đạo đức” ( Nguồn: Conggiao. Info 09/9/2020 – Đặng Tự Do – Đức cha Stricland ủng hộ tuyên bố của một Linh Mục – bầu cho kẻ ph ò phá thai, nguy cơ Hỏa Ngục ).

          Ở đây ta thấy linh mục James Altman chỉ kêu gọi người Công Giáo có bổn phận phải lên tiếng chống lại các chính trị gia hành động trái đạo đức  chứ không…làm chính trị. Giữa việc chống các chính trị gia không có đạo đức và…làm chính trị là hai việc hoàn toàn khác nhau bởi vì mục đích…làm chính trị  dù với bất cứ danh nghĩa nào cũng là để dành chính quyền cho phe nhóm, cho đảng phái mình. Còn chống đối các chính trị gia không có đạo đức là để bảo vệ  cho chân lý và trong trường hợp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới  thì chân lý cần bảo vệ  ấy chính là Phò Sự Sống ( Pro Life ).

          Lý do sâu xa khiến Giáo Hội Công Giáo quyết tâm bảo vệ sự sống  vì đó là sự sống tâm linh, sự sống đời đời ở nơi mỗi con người. Trong diễn từ ủng hộ tổng thống Trump tại Đại Hội Đảng Cộng Hòa ngày 20/8/2020, sơ  Dede Byrne, một đại tá quân y đã giải ngũ nay là nữ tu thuộc cộng đồng” Những Tôi Tớ Khiêm Hạ của Thánh Tâm Chúa Giê Su và Mẹ Maria” phát biểu:

          “ Là các Ki Tô Hữu, chúng ta gặp gỡ Chúa Giê Su trước hết như là một phôi thai còn non nớt trong bụng một người mẹ chưa kết hôn và rồi chúng ta chứng kiến Ngài  chào đời 09 tháng sau đó trong sự nghèo nàn của một hang động. Không phải ngẫu nhiên mà Chúa Giê Su đã đứng lên cho những gì là chính đáng và cuối cùng bị đóng đinh vì những gì Ngài nói không phù hợp  với xu thế chính trị hay khuynh hướng thời  thượng. Là những người theo Chúa Giê Su Ki Tô, chúng ta được kêu gọi đứng lên đấu tranh cho chính nghĩa  Phò Sinh chống lại những thể chế chính trị lắt léo hoặc xu thời. Chúng ta phải đấu tranh chống lại một chương trình nghị sự lập pháp ủng hộ, thậm chí tán dương việc phá hủy sự sống ngay khi còn trong bụng mẹ…

          …Chúng ta hãy nhớ rằng, luật pháp chúng ta  tạo ra xác định cách chúng ta  nhìn nhận  nhân tính của mình. Chúng ta phải tự hỏi: Chúng ta đang  nói gì đây khi chúng ta thọc vào bụng một người mẹ, lôi ra vứt bỏ một cuộc sống vô tội, yếu ớt, vô phương tự vệ và không có tiếng nói ? Là một thầy thuốc, tôi có thể nói không chút do dự: Cuộc sống bắt đầu từ lúc thọ thai. Mặc dù những gì tôi phải nói ra có thể là khó nghe đối với một số người nhưng tôi đang nói điều đó bởi vì tôi không chỉ ủng hộ  cuộc sống mà thôi nhưng tôi còn ủng hộ cuộc sống vĩnh cửu. Tôi muốn tất cả chúng ta sẽ cùng nhau lên Thiên Đàng  vào một ngày nào đó” ( Nguồn: Conggiao. Info 09/9/2020 – Đặng Tự Do – Đức Tgm Aquila của Denver thẳng thắn phê  phán  sơ Simon Campbell và ca ngợi sơ Deisdre Byrne ).

          Như lời sơ Deirdre Byrne nói rất đúng rằng người Công Giáo không bảo vệ sự sống chỉ như sự sống xác thân nhưng là  Sự Sống Đời Đời. Chính vì Sự Sống Đời Đời ấy, Đức Ki Tô đã thiết lập Hội Thánh Công Giáo Tông Truyền trên cõi thế gian này. Nhưng cũng chính vì Sự Sống Đời Đời ấy mà Đạo Thánh Chúa đã bị bách hại trong suốt dòng lịch sử hơn 2000 năm của mình.

          Ngay khi vừa tuyên bố thành lập Giáo Hội, Đức Ki Tô đã báo trước cho các Tông Đồ về những thách thức sẽ  gặp cùng với lời  trấn an: “ Còn Ta lại bảo ngươi rằng, ngươi là Phê Rô, Ta sẽ lập Hội Thánh Ta trên vầng đá này, Cửa Hỏa Ngục cũng chẳng thể thắng được nó” ( Mt 16, 18 ).

          Sự bách hại  trước hết nhắm vào Chúa Giê Su Đấng Sáng Lập với lý do duy nhất là Ngài đã nói Sự Thật: “ Người Do Thái lại lấy đá để ném Ngài. Chúa  Giê Su phán: Ta do Cha Ta mà tỏ nhiều việc lành cho các ngươi, vậy vì sao các ngươi  ném đá Ta ? Người Do Thái đáp: Không phải vì một việc lành nào trong đó mà chúng ta ném đá ngươi đâu nhưng vì ngươi lộng ngôn, là người  lại dám tự tôn là ĐCT. Chúa đáp: Trong luật pháp các ngươi  há chẳng chép rằng: Ta đã nói các ngươi là Thần hay sao ? Nếu Chúa gọi những kẻ được nghe Đạo  ĐCT là Thần ( Mà KT thì không thể bác bỏ được ) thì Ta đây là Đấng đã biệt ra Thánh và sai xuống thế gian. Cớ sao các ngươi lại nói Ta là lộng ngôn ?” ( Ga 10, 31 -36 ).

          Chúa Giê Su trưng dẫn Kinh Thánh để nói rằng hết thảy những ai được…nghe Đạo đều là con cái Thiên Chúa. Nhưng người Do Thái không thể chấp nhận Sự Thật ấy và họ đã tìm  cách giết Ngài cho bằng được. Tại tòa án Cai Pha, người Do Thái  kết án tử Chúa Giê Su nhưng vì luật La Mã cấm  không cho phép họ giết người nên đã nộp cho Phi la tô. Tại dinh tổng trấn Phi la tô hỏi chúng rằng: “ Các ngươi tố cáo người này về điều khoản gì ? Chúng đáp: Nếu người này chẳng phải là kẻ làm ác thì chúng tôi đã không nộp cho quan” Cái  gọi là…tội ác họ gán cho Chúa Giê Su là làm chính trị  lật đổ. Sau vài lần gặng hỏi, Philato cật vấn Chúa Giê Su: “ Thế thì ngươi là vua sao ? Chúa thẳng thắn đáp: Đúng như ngươi nói: Ta là vua. Chính vì việc ấy mà Ta sanh ra, cũng chính vì việc ấy mà ta đến thế gian để làm chứng cho Sự Thật. Hễ ai thuộc về Sự Thật thì nghe tiếng Ta” ( Ga 18, 37 ).

          Chúa vì Sự Thật mà sanh ra và cũng chính vì Sự Thật ấy mà đã bị thế gian ghét bỏ và giết chết. Đối với Hội Thánh Chúa cũng vậy. Người Công Giáo không làm chính trị với mưu đồ tranh bá, đồ vương  nhưng vẫn bị bách hại đúng như lời Đức Ki Tô đã báo trước: “ Ví bằng thế gian ghét bỏ các ngươi thì hãy biết rằng họ đã ghét Ta trước các ngươi. Nếu các ngươi thuộc về thế gian thì chắc thế gian sẽ yêu mến kẻ thuộc về mình.  Nhưng bởi các ngươi không thuộc thế gian. Song Ta đã lựa chọn các ngươi ra khỏi thế gian nên thế gian ghen ghét các ngươi” ( ga 15, 18 -19 ).

          Đạo Công Giáo là con đường siêu xuất thế gian và vì thế  Đức Ki Tô đã  trao cho Giáo Hội  một sứ mạng vô cùng cao cả: “ Hãy ra đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho muôn dân, muôn nước. Ai tin và chịu phép rửa thì được cứu. Còn ai không tin sẽ bị luận phạt” ( Mc 16, 15 -16 ).

          Công cuộc rao giảng Tin Mừng luôn vấp phải hai trở lực lớn. Một là sự khác biệt niềm tin nơi các nền văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo. Hai là sự chống đối  của các chế độ cầm quyền.

          Vào thuở sơ khai Giáo Hội thì môi trường quan trọng nhất cần được rao giảng đó là đất nước Hy Lạp mà trung tâm quyền lực chính trị, văn hóa chính là thành A Then. Tại đây người ta có vẻ háo hức muốn biết về một thứ …đạo mới và người ta đã chất vấn Phao Lô: “ Chúng ta có thể biết được đạo mới mà ngươi rao giảng đó là gì chăng, vì ngươi gieo vào lòng chúng ta những điều khác lạ nên chúng ta muốn biết việc này nghĩa là làm sao ? ( Cv 17, 19 -20 ).

          Tò mò muốn biết cái …đạo mới lạ nhưng khi nghe Phao Lô nói về việc Chúa Giê Su đã từ kẻ chết sống lại thì họ lớn tiếng cười nhạo: “ Thôi để khi khác chúng ta sẽ nghe ngươi nói” ( Cv 17, 32 ).

          Dân Hy Lạp là dân chuộng triết học và thờ đủ thứ thần linh kể cả “ Thần Chưa Biết” Nhưng họ không cách chi tin được việc Chúa sống lại và như thế cũng chẳng thể nào tin có sự sống đời sau !

          Cũng chính vì sự khác biệt niềm tin như thế nên khi Đạo Chúa được truyền sang các nước Á Đông và cách riêng tại Việt nam đã bị chống đối kịch liệt với các chỉ dụ của các vua triều Nguyễn như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Vua Minh Mạng  ngày 06/11/1833 ra chỉ dụ cấm đạo nêu rõ: “Ta, hoàng đế Minh Mạng truyền lệnh như sau: Từ nhiều năm nay những người Tây Phương  đến đây truyền bá Đạo Gia Tô làm mê hoặc thường dân bằng lời rao giảng  có Thiên Đàng hạnh phúc và Hỏa Ngục khổ sở. Chúng không trọng kính Đức Phật cũng không thờ kính tổ tiên. Đó là một trọng tội phạm đến chính đạo ( Khổng Giáo ).

          Tin sự hiện hữu của Nước Thiên Đàng , Hỏa Ngục và sự thưởng phạt đời đời

 là đức tin cốt yếu của người Công Giáo. Thế nhưng đức tin ấy đã bị  chê chối và phỉ báng  cho đó chỉ là sự…ngu dân. Vì vậy, Các Mác, ông tổ của thuyết Duy Vật Vô Thần  đã đưa ra lời mạt sát thậm tệ: “ Cảnh khốn cùng  tôn giáo  vừa là cách diễn tả cảnh khốn cùng thực sự vừa là sự phản kháng  cảnh khốn cùng thực sự. Tôn giáo là tiếng than vãn của thụ tạo bị đàn áp, là tâm hồn của một thế giới vô tâm. Cũng như tôn giáo là tinh thần của những tình huống vắng bóng tinh thần. Tôn giáo là thuốc phiện của quần chúng nhân dân” ( Karl Heinz Weger S.J Phê Bình Tôn Giáo qua các tác giả ).

          Niềm tin là lẽ sống của con người. Không có niềm tin, con người không thẻ sống và tồn tại như  những con người. Đang khi đó, vượt trên niềm tin đời thường ấy còn có  niềm tin siêu việt khác mà tôn giáo gọi là đức tin không thể thiếu trên con đường thực hiện tâm linh. Các thế lực thù nghịch  sau khi đã phá hủy đức  tin của người Công Giáo  vào Nước Thiên Đàng  thì họ lại muốn có cho mình một thứ niềm tin nào đó. Chế độ Phong Kiến  dựa trên quan niệm “ Trung Quân” của Khổng Giáo và cũng chính là với quan niệm “ Trung Quân Ái Quốc một cách mù quáng ấy mà người Công Giáo Việt Nam  bị gán cho là ….tà đạo và  đã bị lùng bắt tiêu diệt bởi  hai phong trào Cần Vương và  Văn Thân đến nỗi ngày nay Đạo Công Giáo vẫn bị gán cho là …đạo theo Tây ???

          Với các chế độ Phong Kiến triều Nguyễn đã vậy, còn với các chế độ CS  hiện nay đối với Công Giáo chẳng những vẫn có mưu đồ muốn tiêu diệt mà còn tinh vi nham hiểm hơn nhiều. Một bạo chúa  Tập Cận Bình ngoài việc cho triệt hạ Thánh Giá trên các nóc nhà thờ còn bắt  treo ảnh hắn  trên Gian Cung Thánh, cấm các thanh thiếu niên không được vào  nhà thờ v.v …

          Triệt hạ Đạo Công Giáo với ảo tưởng xây dựng cõi trần thành một thứ Thiên Đàng trần gian. Nhưng thực tế cho thấy cái mà Các Mác phê phán tôn giáo như là cảnh khốn cùng, vắng bóng tinh thần thì nay đã  ứng  cho các chế độ CS . Cảnh khốn cùng ấy là khốn cùng về mặt tâm linh. Con người một khi đã không có cho mình một niềm tin tôn giáo chân chính  thì đời sống ấy thật  vô nghĩa, chẳng khác nào người đi lạc trong sương mù u ám, không  biết đâu là đường…về ?

          Con người sinh ra và chết đi là sự thật  không thể chối bỏ. Tuy nhiên  nếu cái chết là tất yếu thì Thiên Chúa lại để cho mỗi người có quyền tự do chọn lựa   con đường…để về. Điều này rất ư quan hệ bởi  hạnh phúc hay khổ đau muôn kiếp  là do sự chọn lựa đó: “ Rồi người bảo tôi: Đừng niêm phong những lời trong sách này vì thời giờ đã gần đến. Kẻ gian ác  thì cứ làm điều gian ác. Kẻ ô uế cứ làm điều ô uế.  Người công chính cứ làm điều công chính và người thánh thiện cứ  sống Thánh. Đây, chẳng bao lâu nữa Ta sẽ đến và đem theo tiền công để trả cho mỗi người tùy theo việc mình làm. Ta là An Pha và Ô  Mê Ga là đầu và cuối là khởi nguyên và tận cùng” ( Kh 22, 10 -13 )./.

Phùng  văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts