Có quan điểm cho rằng Giáo Hội được mời gọi xây dựng trần thế bởi chính Chúa Ki Tô cũng đã và đang làm điều ấy “ Sống hết mình cho trần thế để xây dựng thiên đàng của mình nơi trần thế là chúng ta đang sống giống Chúa Ki Tô. Chúa Ki Tô đã không ở trên trời để cứu chuộc con người. Nhưng Chúa đã bỏ trời đến chia sẻ phận người với chúng ta. Chúa đã yêu trần thế, nhập cuộc với trần thế, sống hết mình, chấp nhận chết và đã sống lại…tất cả là vì trần thế, cho trần thế. Chúa chỉ có thể về trời sau khi đã hoàn tất sứ mạng làm đẹp làm lợi cho trần thế mà thôi” ( Nguồn Tb Cg&Dt số 1958 ngày 23/5/2014. Lm GB Nguyễn Minh Hùng – Xây dựng Nước Trời nơi trần thế).
Chúa đã yêu trần thế, nhập cuộc với trần thế, sống hết mình với trần thế nhưng rồi kết cuộc sẽ chẳng thể …về trời. Tại sao ? Bởi vì để có thể về trời thì Chúa Ki Tô phải hoàn thành sứ mạng làm đẹp làm lợi cho trần thế. Đang khi đó nhân loại này hầu như đang mấp mé bên bờ hủy diệt đúng như lời tiên báo của Đức Ki Tô cách nay hai ngàn năm “ Các ngươi sẽ nghe về giặc và tiếng đồn về giặc. Hãy giữ mình, đừng kinh hoảng vì những sự ấy phải xảy đến. Song kỳ cuối cùng chưa tới đâu, vì dân này sẽ dấy nghịch cùng dân kia. Nước nọ đánh nước khác, nhiều nơi sẽ có đói kém, động đất. Song mọi sự mới là khởi đầu của cơn quặn thắt” ( Mt 24, 6 -8).
Chúa đã về trời, đó là niềm xác tín bấy lâu của Giáo Hội và chúng ta vẫn tuyên xưng điều ấy mỗi khi đọc Kinh Tin Kính “ Ngày thứ ba bởi trong kẻ chết sống lại lên trời ngự bên hữu Chúa Cha…” Không tin Chúa đã về trời thì cũng không tin có sự phán xét “ Ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết”. Người có đạo mà không tin Chúa đã phục sinh về trời để rồi ngày sau lại xuống phán xét thì phải kể kẻ đó là rối đạo đáng vạ tuyệt thông. Tuy nhiên những kẻ rối đạo ấy giờ đây lại quá nhiều và chẳng những không bị tuyệt thông mà còn được công khai nhìn nhận. Mất đức tin đó là bằng chứng báo trước Ngày Của Chúa đã gần “ Dẫu vậy khi Con Người đến há sẽ còn tìm được đức tin trên mặt đất này chăng ?” ( Lc 18, 8).
Mất đức tin đó vừa là nguyên nhân nhưng cũng vừa là hậu quả do việc tục hóa gây nên. Tục hóa nói cách dễ hiểu là không tin có đời sau mà đã không tin có đời sau thì đương nhiên cũng chẳng thể tin có sự thưởng phạt đời đời. Chính vì không tin như thế nên người ta mới hô hào nhau” Sống hết mình cho trần thế để xây dựng thiên đàng nơi trần thế ( sic). Nghe những lời này khiến cho ta không khỏi nhớ đến F. Nietzche ( 1844 – 1900 ) một kẻ cũng lớn tiếng kêu gọi “ Từ nay nhân đức và tinh thần của anh em chỉ phụng sự ý nghĩa của trái đất thôi. Nhờ đó tất cả mọi sự sẽ có một giá trị mới. Tôi cậy vào anh em, anh em phải là những vị sáng tạo” ( T.T. Đỉnh – Triết Học Hiện Sinh)
Đúng là…sáng tạo và những vị sáng tạo siêu nhân ấy đã đẩy thế giới này đến chỗ khốn cùng như hiện nay đang thấy. Tuy nhiên sự khốn cùng của nhân loại sẽ vẫn còn mãi khốn cùng nếu không nhận ra con đường cứu chuộc của Đức Ki Tô là đường về với Chúa Cha “ Ta là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6) Chúa Giesu nhận mình là con đường và hễ đã là đường thì phải đưa đến một nơi chốn nào đó nếu không chỉ là …đường cụt. Con đường cụt hiện nay thần học đang đi đó là đường tục hóa do bởi đã giết bỏ Thiên Chúa ( Theologie de la mort de Dieu ). Thần học vốn vẫn mệnh danh là khoa học hiểu biết Thiên Chúa nhưng đến nỗi đã phải khai tử Thiên Chúa thì đó chẳng phải là sự…vạn bất đắc dĩ hay sao ?
Tuy bất đắc dĩ vẫn phải làm bởi lẽ thần học trước sau chỉ có thể là duy lý. Duy lý nói theo dân gian đó là kiểu lý sự cùn, chỉ bo bo giữ lấy ý mình. Còn theo triết học Kant đó là cái khả năng kết luận ( La raison est le pouvoir de conclure ). Cũng do kết luận mà thần học quyết định phải có Thiên Chúa ( Hữu Thể Học ). Nhưng cũng do cùng một thứ kết luận ấy mà người ta đã thẳng thừng bác bỏ sự hiện hữu của Ngài. Thần học dựng nên Thiên Chúa để rồi giết bỏ, thế nhưng Thiên Chúa là Đấng Hằng Hữu Tự Hữu sao có thể giết ? Thật ra cái mà thần học giết ấy chỉ là một thứ khái niệm về Thiên Chúa chứ không phải Thiên Chúa đúng như thực tại Ngài Là. ( Xh 3, 14 ). Để có được Thiên Chúa của thực tại thì duy chỉ có con đường sự thật là Chúa Giesu bởi vì Ngài là Chúa Chiên Lành “ Ta là cửa của chiên. Hết thảy những kẻ đã đến trước Ta đều là quân trộm cướp và chiên không nghe theo chúng. Ta là cái cửa, nếu ai bởi Ta mà vào thì sẽ được cứu và người ấy sẽ ra vào gặp được đồng cỏ, kẻ trộm đến chỉ để ăn trộm, làm thịt và hủy diệt. Còn Ta đến hầu cho chiên được sống và sống dồi dào. Ta là người chăn tốt. Người chăn tốt vì chiên mà bỏ mạng sống mình” ( Ga 10, 7 -11).
Hình ảnh con chiên đối với người Do Thái là rất quen thuộc, người chăn vào lúc sáng sớm mở cửa dẫn đàn chiên đi ăn, chiều tối lại dẫn chúng về chuồng. Chiên ở đây ám chỉ cho những kẻ đi theo Chúa, thuộc về Chúa. Người Công giáo có hai danh xưng đó là con chiên và linh mục. Con chiên để chỉ cho giáo dân còn linh mục là người coi sóc đoàn chiên. Chúa Giesu được gọi là Chúa Chiên Lành bởi vì Ngài đích thực là như thế. Chúa vừa là Đấng Chăn Chiên vừa là Cửa Chuồng Chiên. Chỉ có một cửa để vào hoặc ra. Còn nếu kẻ nào không theo cửa mà vào thì đó chỉ có thể là kẻ trộm muốn bắt chiên làm thịt. Chỉ qua cửa Giesu mới có thể vào, còn trước đó tức là trước khi Chúa đến chúng đều là những quân trộm cướp. Vậy quân trộm cướp ở đây là những ai nếu không phải là những học thuyết, những triết gia cổ thời chẳng hạn như Xenophanes (570 – 470 ) hoặc Epicure (341 -271 ) v.v…
Hy Lạp là nơi sản sinh ra các triết gia lớn ảnh hưởng đến đời sống tư tưởng tây Phương cho đến ngày nay vẫn chưa chấm dứt. Tuy nhiên có hai con người mà ảnh hưởng còn rất nặng nề và sâu đậm đối với thần học Ki To giáo đó là Platon và Aristote. Học thuyết của họ tuy có đôi chút khác biệt về cách diễn tả nhưng đều xiển dương quan điểm có tính duy lý về Đấng Tạo Hóa. Quan điểm này về sau lại được Philon le Juif ( 20 TCN ) thu nạp để chứng minh cho sự tồn tại của quan niệm Đấng Thiên Chúa độc thần của Do Thái giáo. Lý do khiến Chúa Giesu gọi những triết gia đó là quân trộm cướp bởi vì do nơi ảnh hưởng của nó mà người ta không sao có thể tiếp nhận được chân lý mạc khải của Ngài về đấng Cha nội tại.
Chúa Giesu luôn nhận mình là Con còn Thiên Chúa là Cha, điều ấy khiến người Do Thái bị chia rẽ “ Nhiều kẻ trong họ nói rằng Người bị quỷ ám và điên sao lại nghe người ? Kẻ khác nói rằng đó chẳng phải quỷ ám. Quỷ ám có thể mở mắt người mù được sao ?( Ga 10, 20 -21 ). Trước chân lý cao cả mà Đức Ki To đã phải lấy chính mạng sống mình để bảo chứng như thế thì sự chia rẽ là đương nhiên cho người Do Thái khi xưa mà nay cũng vậy. Tuy nhiên sự chia rẽ trong việc tiếp nhận chân lý chẳng những không khiến giá trị của nó bị giảm sút trái lại càng được tăng lên. Cứ giả thử người Do Thái ngày đó khi nghe Chúa rao giảng tất cả đều thuận phục thì Ngài đâu có bị giết chết. Thế nhưng như vậy thì làm sao Đạo lớn có thể thành tựu và phát triển trên toàn cõi thế như hiện thời “ Ta là người chăn tốt. Ta biết chiên Ta và chiên Ta biết Ta. Cũng như Cha biết Ta và Ta biết Cha vậy. Ta vì chiên Ta mà bỏ mạng sống. Ta còn có chiên khác chẳng thuộc đoàn này. Ta cũng cần phải dẫn chúng về nữa. Chiên đó sẽ nghe tiếng Ta rồi chỉ có một đoàn và một chủ chiên mà thôi” ( Ga 10, 14 -16).
Chỉ có một đoàn chiên và một chủ chiên. Đoàn chiên ấy ám chỉ Thân Mầu Nhiệm tức Giáo Hội Công Giáo Tông Truyền còn chủ chiên chính là Đức Ki Tô. Giữa chủ chiên và chiên cần phải gắn kết và sự gắn kết ấy chỉ có thể có được bằng cách lắng nghe tiếng Chúa ở nơi mình. Giống như chủ chăn và những con chiên, chủ chăn thì luôn cất tiếng gọi chiên còn chiên nếu cũng đáp lại thì chắc chắn sẽ gặp được nhau. Ước mong sao sự gặp gỡ ấy đến ngày nào đó chúng ta cũng có thể nói như Chúa Giesu “ Ta với Cha là một” ( Ga 10, 20 ).
Phùng Văn Hóa