CHÚA CÓ CHO TÔI BẤT CỨ ĐIỀU GÌ TÔI XIN KHÔNG?

Kinh thánh nói: “Ai xin thì nhận được” (Mt 7:8). Vậy tại sao Thiên Chúa lại không ban cho chúng ta bất cứ những gì chúng ta muốn từ nơi Ngài, miễn là chúng ta xin Ngài?

Tác giả: Jimmy Akin • 26/9/2022

 

Các sách Tin mừng chứa đựng một số phát biểu đáng chú ý về sự cầu nguyện. Các phát biểu ấy đặc biệt được tìm thấy trong Tin mừng Mátthêu, mặc dù có những điểm tương đồng trong Máccô và Luca.

Những câu nói này nghe có vẻ rất tích cực — như thể bạn có thể cầu xin Chúa bất cứ điều gì bạn muốn, và Ngài sẽ ban cho bạn chừng nào bạn còn tin.

Khi mọi người đọc những đoạn này một cách riêng rẽ — ngoài những điều khác mà Tân Ước nói — họ có thể phát triển một thứ thần học sai lầm về sự cầu nguyện.

Trong giới Tin lành, có một phong trào được gọi là thần học thịnh vượng (còn được gọi là Tin mừng thịnh vượng hoặc Tin mừng sức khỏe và sự giàu có), theo đó Thiên Chúa muốn tất cả dân tộc của mình được khỏe mạnh, giàu có và thành công vượt bậc. Nếu một kitô hữu không có những phúc lành này, thì hoặc là người ấy đã không xin chúng hoặc người ấy đã không xin chúng trong đức tin. Dù thế nào thì người ấy cũng có lỗi.

Nhưng đọc kỹ Tân ước cho thấy quan điểm này bị bóp méo.

Một bản văn cầu nguyện khích lệ được tìm thấy trong Bài giảng trên núi:

“Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho” (Mt 7: 7-8).

 

Chúa Giêsu không đề cập đến giới hạn về những gì bạn có thể xin, và bạn có thể cho rằng bạn hoàn toàn có thể xin bất cứ điều gì và nhận được điều đó.

Nhưng Chúa Giêsu cũng không đưa ra ví dụ. Chúa Giêsu không nói, “Hãy xin giàu có, sức khỏe và thành công tuyệt vời, và những điều đó sẽ là của bạn.”

Vì vậy, trong tâm trí của Chúa Giêsu có thể có một điều gì đó khiêm tốn hơn, và khi nói như vậy có thể Ngài có ý nói là trước hết hãy xin những phúc lành về tinh thần hơn là vật chất.

Trong cả Mátthêu và Luca, Chúa Giêsu ngay lập tức đưa ra một phép loại suy dựa trên việc người cha cho con cái ăn. Trong Mátthêu, Chúa Giêsu kết luận rằng Thiên Chúa sẽ ban “những của tốt lành” cho con cái ngài (7:11), và trong Luca, Ngài nói rằng Thiên Chúa sẽ ban cho họ “Thánh Thần” (11:13) — gợi ra rằng đoạn văn này có thể chủ yếu nói về “những điều tốt đẹp” thuộc tâm linh.

 

Khi xem phần còn lại của Bài giảng trên núi, chúng ta không thấy Chúa Giêsu khuyến khích những ước mơ về một lối sống xa hoa.

Trong Kinh Lạy Cha, Ngài dạy chúng ta cầu nguyện: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày” (Mt 6:11), gợi lên sự cậy trông hằng ngày vào Thiên Chúa — chứ không phải sự giàu có xa hoa.

Chúa Giêsu tiếp tục tuyên bố một cách rõ ràng:

“Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi. Vì kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó” (6: 19-21).

Do đó, Ngài chỉ ra rằng những của cải trên trần thế có thể đưa tới một sự quên lãng thiêng liêng khỏi Thiên Chúa, và chúng ta không nên đặt cõi lòng mình vào những của cải như thế. Chúa Giêsu cũng nói:

“Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (6:24).

Ngài cũng nói với chúng ta:

“Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Ngài, còn tất cả những thứ kia, Ngài sẽ thêm cho” (6: 31-33).

Do đó, Chúa Giêsu muốn chúng ta tập trung “trước hết” vào các giá trị tinh thần và coi nhu cầu vật chất là thứ yếu. Thay vì khuyến khích mọi người “mơ ước lớn” về những gì Chúa có thể ban cho họ, Ngài khuyến khích sự tin cậy khiêm tốn, liên tục — xin Chúa những gì chúng ta cần chứ không phải những gì chúng ta mơ ước.

Chúa Giêsu chắc chắn không khuyến khích chúng ta tưởng tượng về một cuộc sống đầy thành công và không gặp rắc rối khi nói rằng, “Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (6:34). Một lần nữa, mục tiêu là sống một cuộc sống tâm linh, tin cậy — chứ không phải là một cuộc sống thành công dễ dàng.

 

Một đoạn văn cầu nguyện khích lệ khác xảy ra khi các môn đệ hỏi tại sao họ không đuổi được quỷ ra khỏi một cậu bé, Chúa Giêsu nói đó là:

“Tại anh em kém tin! Thầy bảo thật anh em: nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: “rời khỏi đây, qua bên kia! ” nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được” (17:20).

Điều này có vẻ nghịch lý. Chúa Giêsu nói rằng các môn đệ có “đức tin nhỏ bé” nhưng sau đó lại nói rằng nếu họ có “đức tin như hạt cải”, họ sẽ có thể làm được những phép lạ đáng kinh ngạc. Nếu vậy, niềm tin nhỏ bé của họ chẳng phải đã đủ rồi hay sao?

Giải pháp được tìm ra bằng cách xem xét ai thực sự là người làm phép lạ — chính Thiên Chúa — và nhớ rằng quyền năng của Thiên Chúa là vô hạn. Do đó, rốt cuộc niềm tin của bạn lớn đến đâu không quan trọng, bởi vì Thiên Chúa mới là Đấng thực hiện phép lạ.

Lý do khiến các môn đồ thất bại là họ có đức tin không đầy đủ và không tin cậy đúng mức vào Thiên Chúa. Có lẽ họ nghĩ rằng họ đã được trời phú cho những khả năng pháp thuật trừ tà ma và không còn nhìn thấy Chúa khi sử dụng những khả năng đó.

 

Một văn bản khác trong chương tiếp theo cho thấy rõ ràng dễ xảy ra sự lạm dụng:

“Một lần nữa Thầy bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho” (18:19).

Nghe có vẻ tốt lành, phải không? Hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, xin Chúa ban điều đó, và điều đó sẽ được thực hiện.

Nhưng không nhanh như vậy đâu. Câu nói này được giới thiệu bằng từ “một lần nữa”, cho chúng ta biết rằng chúng ta cần xem xét bối cảnh, bởi vì Chúa Giêsu đang trình bày lại một suy nghĩ mà Ngài đã khám phá.

Khi xem xét bối cảnh, chúng ta thấy rằng đó không phải là chuyện tích lũy tài sản cho bản thân, mà là kỷ cương của Giáo hội. Chúa Giêsu đang nói với các môn đệ cách đối xử với một người đồng đạo phạm tội. Ngài nói rằng nếu người vi phạm không nghe lời người khác, hãy đưa người ấy đến cộng đoàn giáo hội, và nếu anh ta không nghe lời cộng đoàn giáo hội, hãy trục xuất người ấy. Sau đó Ngài nói:

“Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy” (18:18).

Lời tuyên bố về việc hợp ý “trên trái đất” là nằm trong bối cảnh thực hiện năng quyền cầm buộc và tháo cởi, liên quan đến các vấn đề về kỷ cương tinh thần – chứ không phải là sự thịnh vượng vật chất.

Khi Chúa Giêsu đảm bảo với các môn đệ “một lần nữa” về những gì sẽ xảy ra khi họ hợp ý, thì Ngài đảm bảo với họ về năng quyền cầm buộc và tháo cởi.

 

Đoạn cuối cùng mà chúng ta nên xem xét xảy ra khi các môn đệ hỏi làm thế nào mà cây vả lại héo nhanh như vậy. Chúa Giêsu trả lời,

“Thầy bảo thật anh em, nếu anh em tin và không chút nghi nan, thì chẳng những anh em làm được điều Thầy vừa làm cho cây vả, mà hơn nữa, anh em có bảo núi này: “Dời chỗ đi, nhào xuống biển! “, thì sự việc sẽ xảy ra như thế. Tất cả những gì anh em lấy lòng tin mà xin khi cầu nguyện, thì anh em sẽ được.” (Mt 21: 21-21; xem Mc 11: 22-24, Lc 17: 6).

 

Về cơ bản, đây chính là điểm mà chúng ta đã thấy với cuộc trừ quỷ thất bại: kích cỡ lớn nhỏ của những gì bạn đang xin không quan trọng, bởi vì Thiên Chúa có quyền năng làm bất cứ điều gì. Và Chúa Giêsu đặt vấn đề một cách tích cực khi nói rằng “bất cứ điều gì bạn xin” thì sẽ được.

Nhưng có một giả thiết không được nói ra ở đây mà Chúa Giêsu mong chúng ta hiểu — rằng những gì chúng ta xin phải phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa.

Người Do Thái vào thế kỷ thứ nhất biết rằng không phải mọi lời xin khi cầu nguyện đều là ý Chúa muốn, và ý Chúa muốn mới là yếu tố quyết định.

 

Chính Chúa Giêsu đã làm chứng cho điều này trong vườn Cây dầu khi Ngài cầu nguyện: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (26:39).

Nếu chính Con Thiên Chúa thừa nhận rằng ý Chúa muốn không phải là ban cho mọi thứ người ta cầu xin, thì chúng ta cũng nên thừa nhận điều đó!

Chúa Giêsu muốn khuyến khích chúng ta cầu nguyện, và không phải lúc nào Ngài cũng có thể đề cập đến ngoại lệ này, nhưng Ngài mong chúng ta thừa nhận điều đó.

 

Điều đó chắc chắn được tìm thấy ở những nơi khác trong Tân Ước. Thánh Giacôbê cảnh báo rằng những ai khoe khoang kế hoạch kinh doanh của mình cần phải tính đến ý Chúa muốn: “Thay vì nói: “Nếu Chúa muốn, chúng ta sẽ sống và làm điều nọ điều kia”, thì các người lại tự phụ vì những chuyện khoác lác của mình. Mọi thứ tự phụ như thế đều xấu” (4: 15).

Ngài cũng xác định một trong những nguyên nhân cầu nguyện mà không được đáp lại: “Anh em xin mà không được, là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc” (4: 3).

Xin giàu có và thành công bất tận đúng là kiểu cầu nguyện sẽ không được đáp ứng.

Và điều đó lại có thể là một điều tốt lành, vì Chúa Giêsu cũng nói, “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa” (Mt 19:24).

 

Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung

từ catholic.com/magazine.

Chia sẻ Bài này:

Related posts