Chúa Giê Su Đấng Cứu Chuộc

          Câu hỏi Chúa Giê Su đặt ra cho các Tông Đồ cách nay hai ngàn năm; “ Người ta nói Con Người là ai ? ( Mt 16, 13 ) vẫn rất cần có câu trả lời. Riêng với Thánh Phê Rô vì đã trả lời…trúng thế nên  đã  được Chúa trao cho cai quản Hội Thánh. Tuy nhiên còn về phần chúng ta  Chúa vẫn đặt ra cùng một câu hỏi  và đòi hỏi cần có câu trả lời. Có trả lời…trúng tức nhận biết Chúa Giê Su như thật Ngài là thì mới được Ơn Cứu  Độ. Ngược lại thì không.

          Ngày nay con người  bởi  không nhận biết Chúa thế nên đã lâm vào tình trạng bế tắc, khốn khổ  không thể bước đi trên con đường về với Cha, Đấng ở nơi mình. Theo đức hồng y Jorge Urosa, người Venezuela “ Tài liệu chuẩn bị cho Hội Nghị Thượng  Đỉnh sắp tới của Vatican về khu vực Amazone là thiếu sót, yếu kém vì Chúa Ki Tô đã bị trình bày sai lạc. Theo Urosa, cựu tgm của Caracas, tài liệu được gọi là Tài Liệu Làm Việc ( Instrumentum Laboris ) là sai lầm  khi đề cập đến Chúa Giê Su  Ki Tô là “ Người Samaritano nhân hậu”….

          …Chúa Giê Su không bao giờ thể hiện mình là người Samaritano nhân hậu. Đgm Urosa nói với Crux ngày 23/9/2019 rằng: “ Người Samaritano nhân hậu là người chúng ta phải bắt chước bằng cách giúp đỡ người khác. Chúa Giê Su Ki Tô giới thiệu mình là  Đấng Cứu Chuộc, là đường, là sự thật, là Phục Sinh, như ánh sáng của thế giới. Đây là một lỗ hổng, một điểm yếu của Tài Liệu Làm  Việc. “ Nguồn: Vietcatholic. News – 25/9/2019 – Lm Nguyễn tất Thắng  O.P – Đhy Jorge Urosa người Venezuela nhận định: tài Liệu THD9 mạnh về sinh thái, yếu về GH “

          Để  hiểu tại sao khi nói Chúa Giê Su là người Samaritano nhân hậu lại  là một sai lầm, chúng ta không thể không biết đến tinh thần của Dụ  Ngôn ấy. Sau khi nghe viên  luật sư trình bày giới răn yêu thương để có Sự Sống Đời Đời. Chúa Giê Su đáp: Phải, hãy làm điều đó thì sẽ sống… Tuy nhiên luật sư ấy muốn tỏ ra mình thông luật nên hỏi lại: Vậy ai là kẻ lân cận tôi ?

          Để trả lời cho câu hỏi này, Chúa Giê Su đã đưa ra Dụ Ngôn “ Người Samaritano Nhân  Hậu”. Trong Dụ Ngôn ấy, Chúa  đưa ra hai hình ảnh tương phản: Thầy tế lễ Lê Vi khi gặp người bị nạn thì bỏ đi. Còn người Samaritano ngoại đạo thì có lòng thương xót, tận tình ra tay cứu vớt.

          Chúa hỏi: Trong hai người ấy, ai là kẻ lân cận thì dĩ nhiên viên luật sư phải nói đó là người Samaritano. Như vậy  câu trả lời của Chúa  đã rõ  và Ngài phán: “ Hãy đi và làm như vậy” ( Lc 10, 25 -37 ).

          Đối với Do Thái giáo  thì người lân cận chỉ có thể là người cùng tôn giáo với mình còn dân ngoại đều là thù nghịch. Thế nhưng khi Chúa đến thì Ngài đã giảng dạy một giới răn hoàn toàn mới: “ Các ngươi đã nghe phán: Hãy yêu người lân cận và ghét kẻ thù nghịch. Nhưng Ta nói cùng các ngươi: Hãy yêu thương kẻ thù nghịch và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ  các ngươi. Hầu cho các ngươi được làm Con Cha các ngươi trên trời bởi vì Ngài khiến mặt trời soi trên kẻ ác cùng người thiện. Mưa cho người công chính cùng kẻ bất chính” ( Mt 5, 43 -45 ).

          Yêu thương kẻ thù nghịch, cầu nguyện cho kẻ bắt bớ mình. Đó là  yêu cầu đạo đức quá ư là khó để con người thực hiện. Thế nhưng cũng chính vì…cái khó  cần thực hiện ấy mà Đức Ki Tô đã xuống thế  làm người để Cứu Chuộc nhân loại.

          Nói Chúa Giê Su là Đấng Cứu Chuộc theo cái nghĩa là Ngài…chuộc lại một cái chi tưởng chừng…đã mất. Cái tưởng chừng…đã mất ấy  chính là phẩm vị Con Thiên Chúa đã được tạo dựng ngay từ buổi Sáng Thế: “ ĐCT dựng nên loài người như Hình ảnh Ngài” ( St 1, 27 ).

          Được dựng nên  là Hình Ảnh, là Con Thiên Chúa ngay từ buổi Sáng Thế. Nhưng vì nguyên tổ A Đam đã vi phạm lệnh cấm  không được…ăn trái cây phân biệt thiện ác ( St 2, 16 -17 ) nên đã bị đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng. Nhưng rồi, nhờ công nghiệp của  Đức Ki Tô mà đã được…chuộc lại: “ Vì như bởi sự không vâng  phục  của một người mà mọi người bị định tội thế nào  thì bởi sự vâng phục của một người  đều sẽ trở nên công chính  cũng thể ấy” ( Rm 5, 19 ).

          Sự vâng phục của Chúa Giê Su  đã phải trả bằng một cái…giá rất đắt: Giá  Máu: “ Ngài đã có mạo dạng như một con người, rồi bèn hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết treo trên cây thập tự” ( Pl 2, 8 ).

          Chúa phải chết treo trên cây thập tự.  Điều ấy không ai có thể phủ nhận. Tuy nhiên  vấn đề hết sức quan trọng cần đặt ra đó là  mục đích của cái chết ấy là gì ? Có phải chăng là để  chữa trị bệnh tật giống như người Samaritano trong Dụ Ngôn hay sao ?

          Đức Ki Tô đến trần gian hoàn toàn không phải để chữa trị bệnh tật phần xác nhưng là bệnh tâm linh  có nghĩa giải  trừ vô minh hầu cho con người  nhận biết  để trở về với   Đấng Cha: “ Vừa rạng ngày Ngài ra đi đến nơi vắng vẻ. Có quần chúng  kéo đi tìm Ngài theo kịp, muốn giữ Ngài ở lại với họ. Nhưng Ngài nói cùng họ rằng: Ta cần phải rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa  cho các thành thị khác. Vì cốt tại việc đó mà Ta được sai đến” ( Lc 4, 42 -43 ).

          Như lời Chúa Giê Su khẳng định, Ngài đến thế gian không phải để chữa bệnh nhưng là để rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Rao giảng Tin Mừng có nghĩa Chúa đến  để đem cho con người một cái Tin rất đỗi vui mừng  đó là Nước Trời vốn vẫn sẵn đủ ở nơi mỗi người chỉ cần quay về là gặp.

          Nước Trời mà Đức Ki Tô rao giảng là một Thực Tại mầu nhiệm nội tại. Thực Tại ấy có khi Ngài gọi là Đấng Cha và kêu gọi con người nhận biết, quay về để được sống: “  Còn Sự Sống Đời Đời là nhận biết Cha tức Chân Thần Duy Nhất cùng Giê Su Ki Tô mà Cha đã sai  đến” ( Ga 17, 3 ).

          Chúa Giê Su luôn nhận mình là Đấng được Cha sai đến. Dẫu vậy Ngài vẫn bị người Do Thái  ghét bỏ  vì cho là kẻ lộng ngôn phạm thượng: “  Người Do Thái lại lấy đá để ném Ngài. Chúa Giê Su phán: Ta do Cha Ta mà tỏ nhiều việc lành cho các ngươi. Vậy vì việc lành nào trong đó mà các ngươi ném  đá Ta ?  Người Do Thái đáp: Ấy chẳng phải vì một việc lành nào mà chúng ta ném đá ngươi đâu. Nhưng vì lộng ngôn và vì ngươi vốn là người lại tự tôn là ĐCT” ( Ga 10, 31 -33 )

          Đối với người Do Thái thì lộng ngôn là tội mà họ gớm ghét nhất. Với Chúa Giê Su, người đã từng làm nhiều phép lạ cả thể: Chữa cho người liệt lào đi  được. Cho người mù  được sáng. người chết sống lại v.v…Thế nhưng họ vẫn sỉ nhục và rồi giết chết cùng với lòng căm thù dữ dội.

          Chúa Giê Su bị người Do Thái giết chết, nhưng chính cái chết vô cùng đớn đau ấy đã đem lại nguồn ơn Cứu Độ lớn lao cho muôn người. Ơn sủng ấy lớn lao đến nỗi đã khiến  Phao Lô, người trước đó đã  lùng  giết người có  đạo. Nhưng khi được ơn trở lại  đã hết lòng tuyên dương Thập Giá Chúa Ki Tô: “ nhưng về phần tôi, tôi quyết hẳn chẳng khoe khoang gì, chỉ khoe khoang về thập giá của Chúa chúng ta  là Giê Su Ki Tô  đó thôi. Vì nhờ Thập Tự Giá ấy đối với tôi đã bị đóng đinh và tôi đối với thế gian cũng vậy” (Gal 6, 14)

          Thánh Phaolo khoe khoang về thập giá Chúa Kito bởi vì chính là vì thập giá ấy mà ngài đã tìm lại được Bản tính Con Thiên Chúa ở nơi mình.

          Tìm và gặp lại bản tính tức Con Người Thật (Bản Lai Diện Mục) của chính mình, đó là toàn bộ ý nghĩa và mục đích của con đường thực hiện tâm linh và con đường ấy là chính Đức Giesu Kito: “Ta là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14, 6).

          Một khi Chúa đã khẳng định Ngài là con đường duy nhất đến với Cha thì chúng ta những Kito Hữu nhất định cần phải tin điều ấy. Không có niềm tin ấy thì con đường về với Cha chẳng khi nào thành tựu: “Ai tin Ta chẳng phải tin Ta nhưng là tin Đấng đã sai Ta. Ta là sự sáng đến thế gian. Hầu hễ ai tin Ta thì chẳng cứ ở trong tối tăm”. (Ga 12, 44-46).

          Tín Chúa là tin điều gì? Xin thưa đó là tin Ngài là Đấng Kito, Đấng Cứu Chuộc mình. Tin Chúa Giesu là Đấng Kito, tuy vậy là điều rất khó. Lý do là vì đối với người Do Thái thì Kito cũng chính là Messia, Đấng mà họ trông đợi Ngài đến để đem lại một quốc gia hùng cường cai trị thế giới. Ấy thế mà Chúa Giesu lại ở trong thân phận nghèo hèn bị đóng đinh trên cây thập tự !

          Đối với người Do Thái khi xưa cũng như con người ngày nay, vẫn không có niềm tin nơi Đấng Kito Cứu Chuộc và vì thế họ chẳng bao giờ có thể trở về với Đấng Cha nội tại ở nơi mình. Đang khi đó việc trở về với Cha qua trung gian Đức Kito là điều vô cùng khẩn thiết. Bằng như không như thế thì cái họa diệt vong cho nhân loại là điều không sao tránh khỏi.

          Qua trung gian Đức Kito có nghĩa phải hết lòng tin yêu và thực thi các giới răn của Ngài: “Như Cha đã thương yêu Ta thể nào, Ta cũng thương yêu các ngươi thể ấy. Hãy cứ ở trong sự thương yêu của Ta. Nếu các ngươi giữ các điều răn của Ta thì sẽ cứ ở trong sự thương yêu Ta, cũng như chính Ta đã giữ các điều răn của Cha Ta và cứ ở trong sự thương yêu của Ngài. Ta đã nói cùng các ngươi những điều đó, hầu cho sự vui mừng của Ta ở trong các ngươi và sự vui mừng của các ngươi được đầy đủ” (Ga 15, 9-11).

          Những lời này Chúa Giesu nói với các tông đồ trước khi đi nộp mình chịu chết. Qua đó cho thấy toát lên cả một niềm tin yêu cao cả đối với Đấng Cha của Ngài. Còn về phần mình, chúng ta cũng có thể có được niềm vui ấy một khi vững bước theo Đức Kito trên Con Đường Trở Về để Chúa ở trong ta và ta ở trong Chúa.

Phùng Văn Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts