Dân Do Thái xưa kia là dân du mục bởi đó hình ảnh người chăn chiên rất quen thuộc cả trong Kinh Thánh Cựu Ước lẫn Tân Ước. Có một Thánh Vịnh được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc rất hay ở Việt Nam đã nói lên tâm tình cảm tạ tri ân của Thánh vương Đa Vit với Thiên Chúa như là Đấng Chăn Chiên “ Chúa là mục tử chăn dắt tôi. Tôi chẳng thiếu thốn chi. Trong đồng cỏ xanh tươi. Người cho tôi nằm nghỉ…” ( Tv 23, 1 -2 ).
Thánh vương Đa Vit đã trải qua cuộc đời đầy sóng gió. Từ chỗ là một đứa trẻ chăn chiên đến khi làm vua một nước Do Thái hùng mạnh với biết bao chiến công hiển hách. Thế nhưng cuộc đời con người ấy cũng nhiều phen vấp ngã nặng nề và rồi khi…chỗi dậy thì đã làm ra những bài Thánh Vịnh bất hủ còn truyền tụng mãi cho tới ngày nay.
Chính Thiên Chúa lại là Đấng Mục Tử. Đó là hình ảnh vô cùng độc đáo nói lên sự liên hệ mật thiết giữa Đấng Thiên Chúa Giấu Ẩn ( Deus Abconsditus – Is 45, 15 ) và con người.
Sự liên hệ mật thiết ấy sở dĩ có được là bởi Thiên Chúa không bao giờ…QUÊN con người “ Sion từng nói rằng: Đức Giê hova đã lìa bỏ ta, Chúa đã quên ta. Thế nhưng đàn bà há dễ quên không cho con mình bú. Không thương đến con trai ruột mình sao ? Nhưng dẫu đàn bà có quên con mình. Song Ta cũng chẳng quên ngươi đâu !( Is 49, 14 -15 ).
Thiên Chúa không quên nhưng con người lại…quên và đó chính là cội gốc của mọi cơn khủng hoảng. Martin Heiddeger ( 1889 – 1976 ) triết gia Hiện Sinh đương đại đã nói về tính chất vong thân của con người ngày nay là do đã…quên Thiên Chúa ( L’oublie de l’ Être ).
Cũng chính trong nguồn cơn khủng hoảng đó mà những kẻ có trách nhiệm thay vì chăn dắt lại hãm hại đoàn chiên “ Có lời đức Giê hova phán cùng ta rằng: Hỡi con người, hãy nói tiên tri nghịch cùng những kẻ chăn của Itsraen. Hãy nói tiên tri và bảo những kẻ chăn ấy rằng: Giê hova phán như vầy: Khốn cho kẻ chăn của Itsraen là kẻ chỉ biết nuôi mình. Há chẳng phải những kẻ chăn nên cho bấy chiên ăn sao ? Các ngươi ăn mỡ, mặc lông chiên, giết những con chiên mập mà các ngươi không cho bầy chiên ăn. Các ngươi chẳng làm cho những con chiên mắc bệnh nên mạnh. Chẳng chữa lành cho những con đau yếu. Chẳng rịt thuốc cho những con bị thương. Chẳng đem những con chiên bị đuổi về. Chẳng tìm những con bị lạc mất. Song các ngươi lại lấy sự độc dữ gay gắt mà cai trị chúng nó. Vì không có kẻ chăn thì chúng nó tan lạc. Đã tan lạc thì chúng nó trở nên con mồi cho thú dữ. Những chiên Ta đi lạc trên các núi đồi. Những chiên Ta tan tác trên khắp mặt đất chẳng có ai tìm kiếm” ( Ed 34, 1 -6 ).
Mỗi khi chiên đau ốm, bị thương tích hay bị lạc thì phải chữa trị, tìm kiếm để cho nó trở về. Đức Ki Tô chính là Đấng Mục Tử nhân lành ấy “ Quả thật Ta nói cùng các ngươi. Kẻ nào chẳng bởi cửa mà vào chuồng chiên nhưng trèo nơi khác thì đó là quân trộm cướp. Song kẻ nào vào cửa là người chăn. Người canh cửa mở cho. Chiên nghe tiếng người chăn. Người chăn kêu tên chiên mình mà dẫn ra. Khi người đã đem chiên mình ra hết thì đi trước, chiên theo sau vì chiên quen nghe tiếng người. Chiên hẳn chẳng chịu theo người lạ nhưng chạy trốn vì chẳng nghe tiếng người lạ. Chúa Giê Su phán dụ ngôn đó cho chúng nhưng chúng không hiểu Ngài nói chi” ( Ga 10, 1 -6).
Chúa là mục tử chăn dắt đoàn chiên đồng thời cũng là cửa ra vào chuồng chiên “ Quả thật Ta nói cùng các ngươi: Ta là cửa của chiên. Hết thảy những kẻ đã đến trước Ta đều là quân trộm cướp nhưng chiên không nghe chúng. Ta là cửa nếu ai bởi Ta mà vào thì chắc được cứu và sẽ vào ra gặp đồng cỏ. Kẻ trộm đến chỉ để trộm cướp, làm thịt và hủy diệt. Còn Ta đến hầu cho chiên được sống và sống dồi dào” ( Ga 10, 7 -10 ).
Để hiểu vì sao Chúa lại nói những kẻ đến trước Ngài đều là quân trộm cướp chúng ta cần phải biết…Cái Cửa ở đây là gì ? Đây là một thứ …chánh đạo hay nói chính xác hơn đó là Con Đường Về Với Chúa Cha “ Ta là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ).
Chỉ khi nào nhận ra điều ấy chúng ta mới có thể nhận biết những kẻ…đến trước Chúa Giê Su là ai ? Nói chung đó là triết học Hy Lạp và nói riêng đó là hai triết gia lừng danh: Platon ( 427 – 347 TCN ) và Aristote ( 384 – 322 TCN ).
Toàn bộ triết Hy Lạp cổ thời đều mang tính chất Duy Lý và ảnh hưởng của nó đã tác hại lớn lao đến Đạo Công Giáo ngay từ những thế kỷ đầu và cho đến nay vẫn chưa thể dũ bỏ. Cle’ment d’ Alexandri ở đầu thế kỷ thứ III đã đưa ra nhận định “ Nhiều Ki Tô Hữu sợ triết học Hy Lạp như trẻ con sợ ngáo ộp, sợ bị triết học này chinh phục. Nếu đức tin của chúng ta là như thế…Nếu nó sụp đổ trước sự thuyết phục của lý luận thì hãy để cho nó sụp đổ bởi lẽ qua đó chúng ta chứng tỏ rằng chúng ta không có chân lý” ( Giáo Phụ – Tập I – Từ TK 1 đến TK 4 ).
Bởi cho rằng nếu đức tin sụp đổ trước lý luận thì hãy cứ để cho nó…sụp đổ, bởi vậy mới đưa đến cái gọi là Dung Hòa giữa Đức Tin và Lý Trí do Philon d’ Alexandri ( Phỏng năm 20 TCN và 40 SCN ) chủ xướng “ Với ý định tổng hợp ấy Philon nhằm dung hòa Mạc Khải với Lý Trí, Kinh Thánh với Platon. Có thể nói vấn đề vĩ đại nhất trong Kinh Viện Học thời Trung Cổ tức vấn đề Dung Hòa giữa Đức Tin và Lý Trí chính là vấn đề đã thừa hưởng được từ tinh thần của Philon. Do đó triết sử gia H. A Wilfson mới nói rằng: Tất cả triết lý Trung Cổ đều mang bản chất Philon” ( L.T. Nghiêm – LSTHTP – Q.II ).
Việc dung hòa giữa Mạc Khải và Lý Trí đó chẳng qua chỉ là để trình bày quan niệm Đấng Tạo Hóa “ Với Aristote “ Thiên Chúa” chỉ được quan niệm như một sức mạnh kiểu….Đệ Nhất Động Cơ để làm cho trời đất vận hành thế nên vị thần…Động Cơ này không biết gì đến vũ trụ cũng không lo lắng…thiên hựu ( Providence ) cho vũ trụ. Như thế Thiên Chúa của Aristote không hoạt động trên vũ trụ như một nguyên nhân tạo dựng ( une causa efficient ) mà chỉ hoạt động bằng sức mạnh lôi cuốn tự nhiên của mình nghĩa là như một nguyên nhân chủ đích ( Cause Finale” ( L.T.Nghiêm đã dẫn ).
Thoạt đầu quan điểm của Aristote về Đấng Tạo Hóa đã bị phản đối kịch liệt. Năm 1219 tgm Sens và nhiều giám mục khác nhóm họp CĐ tại Paris đã lên án cấm chỉ đọc Aristote và những tác phẩm của ông. Tuy nhiên sau đó ít lâu thì triết gia thành Stagirit đã trở thành triết gia chính thức của Giáo Hội đến nỗi đã coi ông là “ Tiền hô của Đấng Christ trong những gì thuộc lãnh vực thiên nhiên không khác gì Jean Baptist trong những gì thuộc lãnh vực ơn sủng” ( Proecursor Christi in rebusnaturalibus, sicut Joannes Baptista in rebus gratuitis ) ( L.T. Nghiêm đã dẫn ).
Aristote là tiền hô của Đức Ki Tô trong lãnh vực thiên nhiên. Điều ấy tất nhiên đưa đến quan niệm cho rằng Đức Ki Tô chính là Đấng Tạo Hóa ? Một khi Đức Ki Tô lại thành ra…Đấng Tạo Hóa như thế thì vai trò của Thánh Jean Baptiste chẳng còn nghĩa lý gì nữa. Tại sao ? Bởi vì Đức Ki Tô là hình ảnh Con Chiên bị sát tế “ Bị ngược đãi Người cam chịu nhẫn nhục. Chẳng mở miệng kêu la như chiên bị đem đi làm thịt. Như con cừu câm nín khi bị xén lông, Người chẳng hề mở miệng” ( Is 53, 7 ).
Phải chăng cũng chính vì Đức Ki Tô là hình ảnh Con Chiên sát tế như vậy mà Thánh Jean Baptiste mới hết lời xưng tụng “ Ta thì làm phép rửa cho các ngươi bằng nước. Song có một Đấng sắp đến năng lực hơn ta, ta không đáng cởi giây giày cho Người. Ngài sẽ làm phép rửa cho các ngươi bằng Thánh Thần và lửa” ( Lc 3, 16 ).
Với Đấng Tạo Hóa thì trước sau đó vẫn chỉ là một thứ quan niệm của triết Duy Lý chẳng hề có liên hệ chi đến công cuộc Cứu Chuộc của Đức Ki Tô Đấng đã vì đoàn chiên mà hiến mạng sống mình “ Ta là người chăn tốt. Ta biết chiên Ta và chiên Ta biết Ta cũng như Cha biết Ta và Ta biết Cha vậy. Ta vì chiên Ta mà bỏ mạng sống mình” ( Ga 10, 14 -15 ).
Vì đoàn chiên, Chúa đã… bỏ mạng sống bởi lẽ Ngài là Đấng Cứu Chuộc. Ý nghĩa của hành vi Cứu Chuộc ấy chính là ở chỗ hết thảy chúng ta đều được tạo dựng là Hình Ảnh Thiên Chúa là Con Thiên Chúa ( St 1, 26 ) nhưng do bởi Tội Nguyên Tổ mà đã phải sống trong vòng nô lệ trói buộc của Sa Tan cũng chính là con rắn xưa nơi Vườn Địa Đàng “ Từ ban đầu nó là kẻ giết người chẳng đứng trong Sự Thật vì trong nó không có Sự Thật đâu. Khi nó nói dối thì tự mình nó nói vì nó vốn là kẻ nói dối cũng là cha của sự ấy. Nhưng vì Ta nói Sự Thật nên các ngươi chẳng tin Ta” ( Ga 8, 44 -45 ).
Chúa nói Sự Thật nhưng vì không tin nên con người không thể chấp nhận và vì thế Ngài đã phải dùng đến cái chết của chính mình để ….chuộc lại Sự Thật ấy cho chúng ta. Ý nghĩa sâu xa của sự…chuộc lại ấy thật ra chỉ là để cho ta có thể NHỚ lại phẩm vị Con Thiên Chúa mà mình đã QUÊN chứ chẳng phải điều chi khác.
Toàn bộ cuộc sống lành, dữ hoặc hạnh phúc cũng như khổ đau của con người đều hệ tại nơi cái việc NHỚ và QUÊN. Ta có nhớ những việc lành người làm cho mình thì mình mới làm việc lành cho người được. Ngược lại bởi vì ta cứ nhớ việc ác người làm cho mình thế nên ta mới…làm ác cho người. Cũng vậy ta có nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ thì ta mới có thể là những đứa con hiếu thảo….
Mặt khác, trong lãnh vực tâm linh thì sự NHỚ và QUÊN đó lại càng quan trọng hơn nữa bởi chưng cái sự NHỚ ấy tức là tỉnh thức còn QUÊN tức là vô minh. Tỉnh thức trong mọi hành vi, tư tưởng, lời nói đó là ta đang bước đi trên con đường Đạo có nghĩa trở về với Đấng Chúa ở nơi mình. Trái lại sống trong vô minh điên đảo có nghĩa đang dấn thân trên các nẻo đường ác dữ….tham, sân, si, mạn nghi, ác kiến….
Nhớ Chúa thì…có Chúa mà có Chúa thì sẽ có được mọi ơn sủng phước lành. Trái lại …nhớ quỷ nhớ ma tức chỉ nhớ đến danh vọng, địa vị, tiền tài, chức quyền thì sẽ chuốc lấy tai họa, phiền não, tủi hổ trong muôn kiếp. Tuy nhiên vì bản chất nhiễm ô nên trong việc Nhớ Chúa là Đấng chẳng hề thấy thật sự rất khó nếu không có Ơn Chúa giúp.
Có một phương thế vô cùng tuyệt diệu Chúa Giê Su đã sử dụng để cho ta được Nhớ Chúa đó là Phép Thánh Thể “ Các ngươi hãy làm việc này mà …nhớ đến Ta” ( Lc 22, 19 ). Nhớ đến Chúa có nghĩa là nhớ đến công ơn Cứu Chuộc của Người. Chúa đã phải đổ hết Máu mình ra để cho ta có được Sự Sống Đời Đời. Công ơn ấy chúng ta chỉ có thể đáp đền bằng cách tích cực Sống Lời Chúa, tin tưởng và cậy trông nơi Bí Tích Thánh Thể. Cố gắng thực hành ba mệnh lệnh Pha Ti Ma như Đức Mẹ truyền dạy….
Nhớ Chúa sẽ gặp Chúa và khi đã gặp được Chúa thì sẽ đến được với Cha bởi chưng Chúa Giê Su nói “ Ta với Cha là một” ( Ga 10, 30 ).
Phùng Văn Hóa