Đã mấy tháng nay chẳng viết được bài nào. Lý do đơn giản là vì mắt bị cườm ( khô ) phải mổ. Trong khoảng thời gian chưa mổ, nhìn cái gì cũng thấy như qua màn khói sương mờ ảo. Sau khi mổ dù với chỉ một con mắt nhưng cảnh vật cũng đã dần trở nên rõ nét. Những trang sách quen thuộc ngày nào giờ đây lại hiện ra như vẫn có ý…chờ đợi.
Cám ơn khoa học đã cho ta biết bao điều ích lợi. Tuy nhiên những lợi ích ấy suy cho cùng trong nhiều trường hợp lại lợi bất cập hại. Nhậu nhiều sinh ra đau bao tử, đau gan nhưng nếu được chữa khỏi lại nhậu tiếp thì bệnh càng nặng hơn.! Có bệnh thì phải chữa, điều ấy là đương nhiên. Thế nhưng chữa khỏi được rồi thì sao ?
Câu hỏi thoạt nghe có vẻ…ngớ ngẩn. Bệnh mà chữa khỏi thì …khỏe chứ đòi gì nữa ? Tuy nhiên vẫn còn đó câu hỏi tiếp theo: Khỏe để làm gì ?
Có thể nói câu hỏi khỏe để làm gì là một trong ba vấn đề triết học lớn mà cho đến nay vẫn chưa thể giải quyết. Một là con người bởi đâu sinh ra. Hai là sống trên đời để làm gì và chết rồi đi đâu ?
Có biết sinh bởi đâu thì mới biết chết về đâu.. Mặt khác có biết chết về đâu thì mới có thể biết sống trên đời để làm gì ? Sống mà không biết mục đích sống thì cuộc sống ấy thật là buồn chán. Tình trạng người trẻ tự tử tại các nước phát triển như Đại Hàn, Nhật Bản hiện nay đang ở mức báo động. Điều ấy là dẫn chứng thực tế cho thấy con người sẽ không muốn sống nếu không tìm thấy ý nghĩa ở nơi cuộc sống này.
Tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống là một nhu cầu không thể thiếu của những tâm hồn thao thức. Thánh Augustino đã có lần than thở với Chúa “ Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con vì Chúa. Nên tâm hồn con còn xao xuyến mãi cho tới khi được nghỉ yên nơi Chúa”.
Ai cũng biết chàng trai Augustino trong bao năm đã săn đuổi kiếm tìm lạc thú kể cả những tri thức triết học đương thời. nhưng tất cả đều đưa đến ê chề mệt mỏi. Sự mệt mỏi ấy chỉ chấm dứt khi chàng nhận biết mình được sinh ra bởi Chúa và cần phải trở về với Ngài.
Thật diễm phúc cho những ai có nhận thức mình được sinh ra bởi Chúa là Con của Chúa. Mặc dầu vậy từ khi nhận mình là con cho đến khi trở lại với Đấng Chúa Người Cha đích thực của mình là cả một quãng đường dài thăm thẳm. Để có thể nhận biết mình là Con của Chúa thì trước hết cần phải mở được con mắt tâm linh. Chính Tội Nguyên Tổ đã làm cho con mắt tâm linh của con người bị khép lại và nó cần phải được mở ra.
Lệnh cấm của Thiên Chuán không được …ăn trái cây phân biệt, hễ khi nào…ăn vào thì sẽ chết. Giehova ĐCT phán dạy rằng ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn nhưng về cây biết điều thiện điều ác thì chớ hề ăn đến vì một mai ngươi ăn chắc là phải chết” ( St 2, 16 -17 ).
Cái chết khi ăn trái cây phân biệt chắc chắn đó không phải là chết về phần xác thân nhưng là chết về phần tâm linh. Bằng chứng của cái chết tâm linh ấy ở chỗ khi nguyên tổ vừa ăn trái mà Thiên Chúa cấm thì mắt liền mở ra “ Người nữ thấy trái của cây đó bộ ăn thì ngon lại đẹp mắt và quý vì để mở trí khôn, bèn hái ăn rồi trao cho chồng đang đứng gần mình, chồng cũng ăn nữa. Đoạn mắt hai người đều mở ra biết rằng mình lõa lồ bèn lấy lá cây vả đóng khố che thân” ( St 3, 6 -7 ).
Ăn trái cấm thì mắt xác thịt mở ra và cái sự…mở ra ấy chính là để phân biệt Ta – Người ( Nhân – Ngã ) có nghĩa từ đây đã hình thành nên một Cái Ta độc lập tự tánh. Thấy ( chấp ) có một Cái Ta ( Ngã chấp ) đó là đầu mối của vô minh và vô minh ấy chỉ có thể diệt trừ thông qua con đường Giải Thoát. Đối với Đạo Phật thì sự giải thoát ấy cần phải y cứ vào ba phương diện gọi là Tam Pháp Ấn: Vô Thường – Khổ Não và Vô Ngã. Còn với Đạo Chúa đó là con đường Bỏ Mình “ Ai muốn theo Ta thì phải bỏ mình, hàng ngày vác thập giá mình mà theo Ta” ( Lc 9, 23 ).
Điều kiện tiên quyết để theo Chúa là phải tuyệt đối tin tưởng vào sự dẫn đường chỉ lối của Ngài “ Ta là sự sáng đến thế gian hầu hễ ai tin Ta thì chẳng cứ ở trong tối tăm” ( Ga 12, 4 -6 ).
Đức tin là cánh cửa mở vào Đạo và đức tin mà Chúa đề cập ở đây hoàn toàn không phải là lòng tin mù quáng nhưng là niềm xác tín vào con đường dẫn đưa ta đến với Đấng Cha nội tại “ Ta là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ).
Một khi Đức Ki Tô đã khẳng định mình là con đường duy nhất thì phải đúng là như vậy không thể nào có thể khác đi được. Nhất thiết cần phải tin điều này nếu không chúng ta sẽ còn mãi quẩn quanh trong cái mớ bòng bong của triết và thần học.
Triết/Thần học chẳng những không thể có được niềm xác tín nơi Đức Ki Tô là đường là sự thật…mà còn đưa đến sự chối bỏ Ngài. Tại sao ? Một đàng Đức Ki Tô mạc khải về một Đấng Cha nội tại cũng là Bản Tính chân thật vốn hằng hữu ở nơi mỗi người. Một đàng thần học lại muốn trình bày một thứ Thiên Chúa khái niệm. Đối với Thiên Chúa khái niệm thì nào có liên quan gì đến mạc khải của Đức Ki Tô về Đấng Cha ?
Sở dĩ chúng ta cần xác tín nơi mạc khải của Đức Ki Tô bởi vì Ngài là Đấng đã thấy biết về Cha “ Các ngươi chẳng từng biết Ngài. Nhưng Ta thì biết Ngài. Nếu Ta nói là Ta không biết Ngài thì Ta cũng sẽ nói dối như các ngươi. Song Ta biết Ngài và cũng giữ Đạo Ngài” ( Ga 8, 55 ).
Chúa Giê Su…biết Cha và cái Biết ấy không phải là biết bằng tri thức khái niệm nhưng là cái biết c ủa sự thể nhập. Khi ta ăn ( cơm, phở, cháo….)và biết là ngon thì cái ngon đó chính là do thể nhập. Cái biết về Cha của Chúa Giê Su là cái biết của sự thể nhập và Ngài đến thế gian như là ánh sáng soi đường chính là để chúng ta cũng có được sự thể nhập ấy như Ngài “ Trước khi đi nộp mình chịu chết Chúa Giê Su đã cầu nguyện cùng Chúa Cha “ Cha công chính ơi ! Thế gian chẳng từng biết Cha. Song Con đã biết Cha. Con đã tỏ Cha cho họ biết Danh Cha lại còn tỏ cho họ biết nữa hầu cho sự thương yêu của Cha đem ( lòng ) thương yêu Con cũng ở trong họ nữa” ( Ga 17, 25 -26 ).
Chúa là ánh sáng soi đường chỉ lối để ta có thể đến được với Đấng Cha. Điều này chỉ có thể thực hiện được một khi Đấng Cha ấy vốn hiện hữu…ở trong ta và quả thực đúng là như thế “ Đạo ở gần ngươi ở trong miệng ngươi và ở trong lòng ngươi tức là Đạo Đức Tin mà chúng tôi rao giảng đây” ( Rm 10, 8 -10 ).
Thiên Chúa là Cha và hễ đã là Cha thì phải hiện hữu ở nơi mỗi người, làm sao có thể khác đi được ? Dẫu vậy chân lý Thiên Chúa là Cha ấy không những đối với người Do Thái xưa kia không thể chấp nhận mà ngay cả con người ngày nay cũng thế. Nguyên nhân sâu xa khiến người ta không thể chấp nhận chân lý mạc khải vô cùng cao cả đó bởi vì đã có sự chấp trước sâu nặng vào quan niệm Đấng Thần Linh Tạo Hóa.
Một khi đã cố chấp vào quan niệm Đấng Tạo Hóa mà thực chất chỉ là một thứ khái niệm ấy thì con mắt tâm linh không bao giờ có thể…mở ra được. Sau khi Chúa chữa khỏi cho một người mù bẩm sinh và trước sự cứng lòng của dân Do Thái, Ngài nói “ Ta vì sự xét đoán mà đến thế gian hầu cho kẻ không thấy thì thấy được còn kẻ thấy lại hóa mù” ( Ga 9, 38 -39 ).
Kẻ không thấy thì thấy được ám chỉ việc Chúa chữa khỏi cho người mù con mắt xác thịt. Còn kẻ thấy tức những kẻ …sáng mắt lại hóa mù bởi vì sự cố chấp của họ nơi những tập tục truyền thống của cha ông hoặc nơi những thứ triết học này nọ….
Cố chấp trong bất kỳ một quan niệm nào thì không bao giờ có thể tiếp cận được chân lý như đích thực nó là. Lý do bởi vì quan niệm theo nhận định của triết học Kant thì nó thuần túy chỉ là Cái Tôi Tưởng ( Que Je Pense ). Tôi nghĩ, tôi tưởng, tôi quan niệm rằng nó là như thế nhưng thực tại hoàn toàn không phải vậy.
Có thể nói toàn bộ triết học Tây Phương dù là Duy Lý hay Hiện Sinh tất cả đều được đặt trên nền móng của Cái Tôi Tưởng chứ chẳng phải cái chi khác. Chân lý không bao giờ có thể đạt được bằng Cái Tôi Tưởng. Trái lại cần phải dứt trừ nó đi.
Sự dứt trừ Cái Tôi Tưởng ấy Đức Ki Tô dạy chúng ta cần phải bỏ đi Ý Riêng mình bởi chưng chính Ngài cũng thực hiện điều đó “ Vì Ta từ trời xuống chẳng phải để làm theo ý riêng Ta bèn làm theo ý chỉ của Đấng đã sai Ta” ( Ga 6, 38 ).
Dứt bỏ ý riêng mình đi nhà Thiền gọi là Lìa Niệm. Tổ Lâm Tế nói “ Chỗ ông dừng một niệm là Cây Bồ Đề. Ông một niệm không thể dừng được là Cây Vô Min h”. Bao lâu còn sống theo ý riêng mình thì bấy lâu còn sống trong vòng trói buộc của vô minh điên đảo. Đức Ki Tô đã bằng lòng chịu chết khổ nhục trên Thánh Giá là để vâng theo Thánh Ý Chúa Cha “ Lạy Cha nếu có thể được thì xin cất chén đắng này cho Con nhưng đừng theo ý Con mà theo Ý Cha” (Mc 14, 36 ).
Vâng theo Thánh Ý Cha đó là toàn bộ cuộc sống đạo của hết thảy Ki Tô Hữu không trừ một ai. Trải qua nhiều năm trăn trở tìm kiếm, cuối cùng nhờ ơn Đức Mẹ tôi đã khám phá ra đạo lý Từ Bỏ này và quyết chí thực hiện bằng phương pháp Lần Chuỗi Kinh Mân Côi mầu nhiệm.
Sau khi trở lại chỉ trong ít lâu tôi đã có quyết định Nhập Thất tại chùa Đà La Ni ( Trảng Bom ) của sư trụ trì Giác Liêm với mục tiêu là để lần chuỗi Mân Côi trong tâm thế Thiền Định. Qua hai chục năm có lẻ tôi vẫn còn nhớ như in cái cảnh con gái út Bảo Trâm khi ấy đang học lớp 9 lớp 10 gì đó chở vào chùa rồi sau bảy ngày lại đón về mà có lẽ chẳng hiểu chút gì về việc làm của ba. TRước khi ra về Sư Liêm tiếp hai cha con tại phòng khách và chắc là ngài nhận thấy cái nét gì đó thư thái an hòa trên khuôn mặt của tôi nên tươi cười nhắc nhở Bảo Trâm = Con về nói với má ráng mà…TU đi không thì…thua đó ?
Ôi ! Con đường của Chúa thật kỳ diệu biết bao và tôi có thể nói như lời Thánh Vịnh rằng: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng còn thiếu thốn chi….Chúa chăn nuôi tôi bằng Lời của Người. Chúa chăn nuôi tôi bằng Máu Thịt của Ngài. Trong suốt gần một tuần lễ chờ mổ trong bệnh viện Thánh Tâm, sáng sớm nào tôi cũng sốt sắng lần mò đi tham dự Thánh Lễ nơi nhà nguyện của dòng. Thời giờ còn lại ngoài mấy lúc ăn và ngủ, tắm táp…tôi luôn với tràng hạt trên tay khi thì một mình trong nhà nguyện im ắng khi thì trước mộ của Đấng Đáng Kính William Gagnon ( 1905 – 1972 ) người sáng lập Nhà Thương Thánh Tâm.
Mổ cườm xong hôm trước thì hôm sau Bảo Trâm lại đón ba về. Lần này cùng đi có cả chồng và hai cô con gái dễ thương. Lần trước Nhập Thất là để mở con mắt tâm linh.Lần này để mở con mắt xác thịt đã bị mờ đi theo năm tháng nhưng tâm hồn thì vẫn thuộc về Chúa được Chúa sáng soi./.
Phùng Văn Hóa