Những ngày này, chúng ta đang chuẩn bị bước vào Tuần Thánh, nghĩa là chúng ta đang đi đến hành trình cuối của Mùa Chay; và Tuần Thánh được bắt đầu với Chúa nhật Lễ Lá, là ngày mà Giáo Hội tưởng niệm việc Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem để hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua của Người, đông đảo dân chúng ra đón Người, tay cầm nhành lá và reo hò: “Hoan hô Con vua Đa-vít! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Hoan hô trên các tầng trời!”
Tại Việt Nam, ở nhiều giáo xứ, nhất là những vùng trồng dừa, giáo dân thường lấy lá dừa bện (kết) thành những con châu chấu (cào cào) rất đẹp; có khi nhìn vào đoàn rước, lá đâu không thấy, chỉ toàn thấy những cành châu chấu!
Có lẽ chúng ta nên tìm hiểu ý nghĩa của lễ Lá và việc sử dụng lá như thế nào cho phù hợp.
Trong Tin Mừng thánh Gioan, dân chúng cầm lá thiên tuế ra đón Chúa Giêsu (Ga 12,13). Còn trong Tin Mừng thánh Mát-thêu và Mác-cô, một số người chặt nhành lá trải xuống mặt đường (Mt 21,8 và Mc 11,8).
Nghi thức rước lá trọng thể được thực hành từ thế kỷ thứ IV do cộng đoàn Kitô hữu tại Giêrusalem khởi xướng như để muốn lịch sử hóa biến cố Chúa Giêsu vào Thành Thánh cách khải hoàn.
Sách lễ Rôma hiện nay (ấn bản số 2, xuất bản năm 1992), ở các trang 234-235 có ghi như sau: “Giáo dân cầm lá trong tay”, “Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin thánh hiến những cành lá này”; và ở trang 239 ghi rõ: “người cầm thánh giá có gắn nhành lá, đi giữa hai người cầm nến cháy. Theo sau là linh mục và các người giúp lễ, cuối cùng là giáo dân tay cầm nhành lá.
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam không quy định loại lá được sử dụng, nên ta có thể dùng loại lá nào cũng được. Tại những vùng có trồng dừa, người ta thường dùng lá dừa vì sự tiện lợi của nó (lá dài, cứng cáp và khó gãy).
Như vậy, theo các sách Tin Mừng và Sách lễ Rôma, chúng ta có thể hiểu như sau:
1/ Phải dùng lá tự nhiên, chứ không phải lá nhựa, cũng không phải lá bị biến dạng thành châu chấu hay con thú nào khác!
2/ Phải dùng “thánh giá nến cao” thường được dùng trong các cuộc rước kiệu, chứ không phải thánh giá được bện từ lá.
Ta thử hỏi có nên chăng khi dành nhiều thời giờ để bện những cành lá thành những con thú chỉ để nhìn cho vui mắt chúng ta? Thay vì những hình thức bên ngoài làm cho ta phải mất thời giờ, bị phân tâm, chia trí, hãy dành thời gian đó chuẩn bị tâm hồn, suy gẫm và tưởng niệm cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Chúa Kitô có lẽ sẽ mang lại lợi ích thiêng liêng nhiều hơn chăng! Bởi vì mục đích của Chúa Nhật Lễ Lá không phải để thể hiện những kỹ thuật gấp lá, nhưng là để Tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa.
Sau thánh lễ, chúng ta ra về, trong tay cầm một nhành lá đã được làm phép. Nhành lá thường được gắn trên cây thánh giá trong nhà hoặc được đặt trên một ngôi mộ. Cử chỉ này cho thấy lòng tôn kính và sự tin tưởng của chúng ta đối với Đấng chịu đóng đinh, nhưng cũng là niềm tin của chúng ta vào sự Phục Sinh của Chúa Kitô cũng như sự phục sinh của chính chúng ta trong tương lai.
Ước mong mỗi người chúng ta ý thức được điều đó và chuẩn bị thật tốt tâm hồn để cùng Chúa đi vào hành trình thập giá và đón mừng mầu nhiệm Vượt Qua!
Lm. Giuse Vũ Thái Hòa