Hai năm covid, biết bao người lầm than khổ cực. Nhưng dòng lịch sử cứu độ đã dạy chúng ta rằng: chính trong buổi lầm than khổ cực con người mới thấy mình cần Thiên Chúa nhất. Đọc lại dòng lịch sử đời mình, con người mới khám phá ra rằng những thời khắc lầm than khổ cực là những lúc Thiên Chúa gần với con người nhất.
Bởi thế, đã có nhiều người đã đón nhận biến cố Covid như dấu chỉ tình thương của Thiên Chúa, như một cơ hội thuận tiện để tái xác tín sự hiện diện của Thiên Chúa cùng với hồng ân của Người trong lịch sử cuộc đời họ. Từ góc nhìn của đức tin, những ngày Covid là thời gian vàng của tình yêu Thiên Chúa nơi quê hương Việt Nam dấu yêu này. Thiên Chúa đến nhà con người, trong dung mạo của những con người có lòng yêu thương, sẻ chia, giúp đỡ… những con người biết khóc biết cười, biết đi biết đến, biết đớn đau ngậm ngùi, và cũng biết mừng rỡ hân hoan với những người được chữa lành, những người được ơn sống lại từ cõi chết…
Đúng là hôm nay Chúa Thánh Thần đang tái hiện toàn cảnh “Chúa Giê-su về lại quê hương Nagiareth”, và mọi người đang thán phục vì Lời Tỏ Tình của Thiên Chúa trong Đức Giê-su. Hôm nay đã ứng nghiệm lời tiên tri Isaia loan báo: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó (x. Lc 4,16-30).
Chúa Thánh Thần đã xức dầu biến những trái tim tưởng đã vô cảm và hóa đá thành con tim biết rung cảm, biết chạnh lòng, biết mở lòng để đi ra và ra đi, và đi đến bất kỳ nơi nào có nỗi đau, có tiếng khóc, có lời cầu xin cứu chữa cuộc đời.
Không ai được phép vô cảm với ai nữa. Bởi, Thánh Thần đã giúp họ nhận ra mối tương quan ruột thịt không chỉ trong một gia đình chung huyết thống, mà còn là trong một gia đình lớn hơn, đó là làng xã, huyện tỉnh và nhất là đại gia đình mang tên Việt Nam rất yêu dấu. Bấy giờ, dẫu có Huế, Sài Gòn, hay Hà Nội hay bất kỳ một hang cùng ngõ hèm bé nhỏ ở góc trời nào, ở tỉnh lẻ nào đi nữa, hay dẫu có lương hay giáo, giàu hay nghèo, quan hay dân đi nữa… thì lời dạy khuyên “máu chảy, ruột mềm” của cha ông cũng thốn thấu tận trái tim đau, cũng thôi thúc mỗi người phải cử hành một hiến lễ tình yêu cho dẫu là rất mọn. “Một miếng khi đói, bằng một gói khi no”. ”Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”.
Chúa Thánh Thần đang xức dầu lên những khối óc giỏi toan tính toàn chuyện chính trường, chuyện quyền lực độc tài cai trị, thành những khối óc vận hành bao kế hoạch bảo tồn sinh mệnh của nhân dân cách tốt nhất, cách khẩn cấp nhất. Bởi, họ nhận ra quyền lực hay ngôi ngai kia sẽ không có giá trị gì, nếu không phải là để phục vụ cho toàn dân được bình an, ấm no hạnh phúc. Nếu ấm no hạnh phúc ngày hôm qua chỉ là khẩu hiệu, thì hôm nay, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, khẩu hiệu ấy phải trở thành hiện thực, và hiện thực theo cách tốt nhất có thể.
Chúa Thánh Thần đang trực tiếp ngõ lời mời “hãy sám hối” với những bộ não mang khối u tham nhũng. Biết đâu họ có thể đón nhận Chúa Thánh Thần mà hiểu ra rằng: cả vạn vạn tỷ bạc tham nhũng cũng chẳng có giá trị gì khi chúng không được tham gia với ngân sách quốc gia để sử dụng vào việc mua vaccin mà cứu hàng triệu người Việt Nam ruột thịt!
Chúa Thánh Thần đang trực tiếp ngõ lời mời thay đổi với những khối óc giỏi toan tính chuyện thương trường, chuyện làm giàu kinh tế vật chất. Làm sao có thể ngủ yên trên đống tiền, khi nhà ta, bà con ta đang nằm vật vờ nơi khu cách ly thiếu thốn mọi thứ, nơi các bệnh viện mà điều kiện hãy còn đang khiêm tốn dưới mức khiêm tốn. Chuyện “làm việc cho người khác có cái ăn, nỗ lực làm việc cho người khác có cái sống” bỗng trở nên chỉ thị mới của thời đại Chúa Thánh Thần.
Chúa Thánh Thần đang xức dầu lên những đôi tay, để những đôi tay phàm tục được phép nối dài bàn tay nhân từ luôn thi ân của Thiên Chúa. Bàn tay mở ra để thi ân, chứ không phải bàn tay nắm lại thành quả đấm.
Bàn tay mở ra để cả quả tim mình trên ấy. Bàn tay mở ra để cả lòng xót thương của mình trên ấy. Bàn tay cứng cỏi mạnh mẽ của những chiến sĩ, lại bỗng dịu dàng nhẹ nhàng đón những bệnh nhân lên xe cho kịp giờ cứu chữa. Bàn tay tưởng chừng xa lạ lắm, bỗng trở thành quá thân thương khi sờ lên trán, vuốt lên ngực, nắm lấy đôi tay bệnh nhân như truyền cả sinh khí “Talitha koumi” ngày xưa ấy! Bàn tay chạm vào đôi mắt ai như muốn lau khô giọt lệ sầu đau cô độc trong phút giây sinh tử mà nghe như ấm nồng tình vợ chồng, con cái, gia đình. Bàn tay nhăn nheo của bà mẹ quê sắp từng túi gạo, gói mì, con cá, miếng thịt… cho vào thùng đông lạnh gửi lên phố tâm dịch cho những đứa con xa quê! Bàn tay xấu xí của những người chân chất cứ lây lất giữa những chợ đời ngày nào, nay lại nở ra cả những bó rau xanh tươi tinh khiết, những túi mắm dầu ăn bột ngọt với dăm hộp cá vài cái trứng gà so!
Bàn tay nào cũng đang có việc “phải làm vì yêu người’ trong lúc tất cả mọi người đang cần tình yêu, niềm ủi an và niềm hy vọng nhất!
Quả thực, bấy giờ, một bác sĩ tận tụy xuống tay chăm sóc bệnh nhân, hay một anh shipper nhiệt thành giao nửa ký cá lăn tiêu, chai dầu xanh với đôi ba viên thuốc, một ả giang hồ góp nhặt và sẻ chia dăm gói mì, vài ngọn rau, hay một ông lớn toát mồ hôi ra chỉ thị giản cách, một nữ tu Công Giáo vuốt mắt người đi với lời cầu xin ơn cứu rỗi, hay một tu sĩ Phật Giáo ẵm người trên đôi tay đưa người ra xe đi về tro bụi chờ hóa kiếp nhân sinh… Tất cả đều là những bàn tay nối dài của Thiên Chúa đang cúi xuống xoa dịu nỗi đau mà đồng bào Việt Nam ruột thịt của chúng ta đang gánh chịu!
Con tim nối kết triệu triệu con tim, khối óc gắn bó triệu triệu khối óc, bàn tay nắm lấy triệu triệu bàn tay… không kể lương giáo giàu nghèo, xấu đẹp, không kể quan quân hay bần dân thiên hạ, tất cả đều đang được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, để loan báo Tin Mừng yêu thương và hồng ân cứu độ.
Tạ ơn Chúa Thánh Thần.
Đúng là, hôm nay đã ứng nghiệm lời tiên tri Isaia loan báo: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng”
– Nhắc lại chuyện ngày ấy: Chúa Giê-su về lại quê nhà. Người vào Hội Đường trong ngày Sabat, và công khai nói với mọi người rằng: Lời sách Tiên tri Isaia về Đấng Messia nay đã ứng nghiệm. Dân làng của Người hiểu ngay rằng Người đang nói chính Người là Đấng Messia. Họ thán phục Người, nhưng lòng họ vẫn chưa tin, vì có lẽ nào “con ông Giuse thợ mộc tầm thường kia, lại là Đấng Messia của Thiên Chúa sai đến”. Thán phục thì có thán phục, nhưng tin nhận thì bán tín bán nghi.
Ngày ấy họ bán tín bán nghi. Bởi, con người vẫn thường ưa chuộng tìm kiếm cái hào nhoáng bóng bẩy hơn là cái chân chất đơn sơ. Ai cũng muốn mình vĩ đại, tự tôn phong mình vĩ đại, tự đánh bóng mình vĩ đại, ảo tưởng mình vĩ đại, và còn tệ hơn nữa là núp bóng ăn theo người vĩ đại để mọi người biết mình cũng vĩ đại. Cũng bởi cái bệnh kiêu căng trầm kha từ thuở ban sơ của nguyên tổ ấy, nên những người làng của Chúa Giê-su không nhận ra con người đích thực của Người. Họ kỳ vọng một con người vĩ đại hào nhoáng hơn là một anh chàng thợ mộc tầm thường. Lời nói của người mà họ cho là vĩ đại luôn có trọng lượng hơn là Lời của chàng nghèo ở xóm dưới, vẫn hay chơi đùa với bọn trẻ ở xóm trên ngày xa xưa ấy. Thế mới có chuyện, hôm ấy, Đức Giê-su giảng giải kinh thánh trong hội đường ở Nagiaret, mọi người đều thán phục, nhưng chẳng ai dám tin chàng nghèo ấy lại là Người Vĩ Đại, là Đấng Cứu Thế mà họ ước mong.
Nhận ra điều lớn lao trong cái bé nhỏ tầm thường luôn là một thách đố đối với chúng ta, bởi lòng kiêu căng giả dối đã làm cho chúng ta mù mắt. Chỉ khi nào chữa được căn bệnh kiêu căng trầm kha kia, để được lòng khiêm nhượng sâu thẳm, mới có thể phục hồi đôi mắt, tâm trí mà nhìn ra được chân lý cao cả trong cái tầm thường bé nhỏ, cách riêng là trong cái khiêm hạ của con người Đức Giê-su. Thiên Chúa khiêm nhượng. Đức Giê-su khiêm nhượng. Muốn nhận ra Thiên Chúa trong Đức Giê-su, chúng ta phải có lòng khiêm nhượng. Bao lâu còn kiêu căng, bấy lâu niềm tin của chúng ta chưa vững nếu không nói là giả dối. Hãy khiêm nhượng để nhận ra chân lý của Chúa.
– Nghĩ đến chuyện hôm nay: đang có rất nhiều con người tưởng xấu xí tầm thường, nhưng họ đang thực sự là những con người được Chúa xức dầu và sai đi loan Tin Mừng cho người nghèo khó.
Xin đừng bán tín bán nghi nữa. Con ông Giuse thợ mộc tầm thường kia, lại là Đấng Messia của Thiên Chúa sai đến. Chúa đang bước xuống tận nhà chúng ta, đến tận tâm hồn chúng ta. Những người mà chúng ta cho là xấu xí, bé nhỏ, tầm thường kia đang xuống đến tận nhà chúng ta, tận nơi phong tỏa, tận khu cách ly, tận bệnh viện, và đến cả tận nơi ít ai mong đến…. Ước gì mọi người hãy cùng hát với nhau:
“Con không lên được nhà Chúa, mà Chúa đã bước xuống nhà con. Con không hát lời ca tụng, mà Chúa ban Lời ủi an con. Con không lên nhà thờ dâng lễ, mà Chúa tế lễ ở nhà con. Con chưa kịp lời xin cứu chữa, mà Chúa đã ban ơn bình an
Chúa đã biến nhà con thành cung thánh Ngài ngự trị. Chúa biến tâm hồn con thành chỗ cho Ngài thương thăm. Chúa vẫn đang ở rất gần, và ở luôn trong nhà con đây. Cho con vui tín thác nơi Ngài, vững một lòng yêu mến không phai…”
(Trích Lời bài hát: “CHÚA XUỐNG NHÀ CON”)
Xin đừng bán tín bán nghi nữa.
Chúa đang bước xuống tận nhà chúng ta, đến tận tâm hồn chúng ta.
Cao Huy Hoàng
27-7-2021