Chức Tư Tế, Luật Độc Thân Linh Mục và cuộc khủng hoảng của Giáo Hội Công giáo dưới cái nhìn của một giáo dân

          Cuốn “ Từ sâu thảm trái tim của chúng tôi” do hai vị đồng tác giả là đức giáo hoàng hưu trí Benedicto XVI và đức hồng y Robert Sarah, Bộ Trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích vừa mới xuất bản đã gây ra cơn chấn động  như một quả bom trong dư luận tại các nước Âu Châu.

          Lý do của sự bùng nổ này, theo Sandro Magister một ký giả kỳ cựu  chuyên về Vatican của tờ L’ Espresso ngày 12/01/2020 nhận định: “ Đức giáo hoàng danh dự Benedicto XVI  và đức hồng y Robert Sarah người Guine’ đã gửi cuốn sách này của các vị cho nhà xuất bản không lâu ngay trước Lễ Giáng Sinh, thành ra nó sắp được ra mắt ở Pháp vào giữa tháng Giêng do Fayard xuất bản với tựa  đề “ Des Profondeurs de nos Coeur” nghĩa là “ Từ  Sâu Thẳm Trái Tim của chúng tôi” và như thế  ngay trước khi  đức giáo hoàng Phan Xi Cô đưa ra những kết luận về THĐ vùng Amazon mà trong thực tế, bên cạnh chuyện sông núi, rừng rậm, còn có một cuộc thảo luận dữ dội về tương lai của Chức Tư tế Công Giáo: Độc thân Linh Mục hay không và liệu nó có mở ra một tương laic ho việc phong chức  Linh Mục cho phụ nữ hay không ? ( Nguồn Vietcatholic News – 14/01/2020 – Đặng Tự Do – Cuốn sách như quả bom: Nhận  định  của Sangdro Magister về cuốn sách  của đức Benedicto và ĐHY Sarah ).

          Luật  Độc Thân  Linh Mục hiện nay đã và đang gây ra những cuộc tranh cãi dữ dội trong Giáo Hội Công Giáo. Không những chỉ tranh cãi mà tại Đức, người ta còn tiến hành cái gọi là Tiến Trình Công Nghị có tính ràng buộc để đưa ra những quyết định quan trọng hòng phá bỏ Luật Độc Thân Linh Mục, phong chức Linh mục cho phụ nữ và thay đổi Giáo Lý về Tính Dục…

          Sự chia rẽ trong Giáo Hội hiện nay đã nổ ra công khai giữa một phía tạm gọi là Bảo Thủ, một phía  là Cấp Tiến. Bên phía  Bảo Thủ có đại diện  lúc này phải chăng là đức giáo hoàng …hưu trí Benedicto XVI và đức hồng y Robert Sarah. Còn bên kia là đức giáo hoàng đương kim ?

          Ký giả Sangdro Magister tiếp tục đưa ra nhận  định: “ Trên thực tế, cuốn sách này sẽ là một vấn đề  nghiêm trọng với đức Phan Xi Cô  nếu ngài muốn mở ra Chức Tư Tế  cho những người đã kết hôn và chức phó tế cho phụ nữ, sau khi người tiền nhiệm và một hồng y có một kiến thức sâu sắc về tín lý và sự Thánh Thiện rạng ngời trong cuộc sống như hồng y Sarah  đã  đưa ra một quan điểm  ủng hộ Luật Độc Thân Linh Mục cách rõ ràng và mạnh mẽ trình bày quan điểm của chính các ngài với vị giáo hoàng  đang trị vì và gần như bằng những lời lẽ của một tối hậu thư qua ngòi bút của một người ( Là đức hồng y Sarah ) nhưng với sự đồng thuận  hoàn toàn  của người kia ( Là đức Benedicto )” ( Nguồn Vietcatholic News – 14/01/2020 ).

          Với tính chất của một…tối hậu thư  như thế, liệu chừng có thể ảnh hưởng đến kết luận của đức giáo hoàng Phan Xi Cô  về …hậu THĐ Vùng Amazon  trong việc phong chức Linh Mục cho những người đã kết hôn hay không ? Thế nhưng  dẫu sao việc chia rẽ  về Luật Độc Thân Linh Mục cũng là  cuộc khủng hoảng  vừa trầm trọng vừa sâu sắc trong Giáo  Hội Công Giáo  không  cách chi có thể  hàn gắn ?

          Sự chia rẽ ấy không phải cho đến bây giờ mới diễn ra qua sự kiện xuất bản cuốn sách vừa nêu trên. Nhưng thật sự thì đã manh nha ngay từ Vatican II, một Công Đồng nêu cao chủ trương Đại Kết và Sự Hiệp Nhất.

          Sau hơn nửa thế kỷ ( 2020 – 1965 ) sự Hiệp Nhất ấy chẳng những chẳng thấy đâu  mà sự chia rẽ  còn diễn ra  ngay trong nội bộ Giáo Hội  nơi  những vị lãnh đạo cao cấp nhất. Nhận thức sự chia rẽ ấy là một nguy cơ sẽ bị  Chúa trách phạt nặng nề  nếu biết mà không có can đảm nói lên sự  thật. Vì thế  đức Benedicto XVI cũng như ĐHY đã phá vỡ sự im lặng: “ Đó là nghĩa vụ thiêng liêng của chúng tôi phải nhắc nhở sự thật  của Chức Tư Tế Công Giáo. Trong những thời điểm khó khăn này, mọi người phải sợ rằng một ngày nào đó Chúa sẽ chỉ vào mặt người ấy với lời quở trách gay gắt này: ( Quân đáng nguyền rủa kia, ngươi đã không nói gì  cả ). Câu trong ngoặc là lời nguyền rủa quyết liệt của Thánh Catarina thành Sienna, một người dám to gan công kích các vị Giáo Hoàng thời ấy” ( Nguồn Vietcatholic News – 14/01/2020 – Đặng Tự Do đã dẫn ).

          Đức Benedicto và hồng y Sarah đã phá vỡ sự im lặng và các ngài đã coi đây là một nghĩa vụ thiêng liêng không chỉ dành cho những vị lãnh đạo  GH mà còn cho tất cả mọi tín hữu: “ Bổn phận long trọng này mở rộng đến tất cả các Ki Tô Hữu. Các ngài  biết: “ Điều cấp bách và cần thiết đối với tất cả mọi người, giám mục, linh mục và giáo dân là phải ngăn chặn  đừng để mình bị đe dọa bởi những lời thỉnh cầu lầm lạc, những trò đóng kịch, những lời dối trá hiểm ác và những sai lầm thịnh hành của thời đại chúng ta đang cố gắng hạ thấp nếp sống độc thân Linh Mục. Chúng ta hãy lên tiếng mạnh dạn tuyên xưng đức tin mà đừng sợ bị cho là không có lòng bác ái” ( Nguồn Vietcatholic News – 14/01/2020 – Đặng Tự Do – Nhận định của Mathew Schmitz, chủ biên tờ First Things về cuốn sách của  đức Benedicto và ĐHY Sarah ).

          Tại sao cần mạnh dạn tuyên xưng đức tin mà đừng sợ bị cho là không có lòng bác ái ? Đó là bởi lòng bác ái ấy chẳng qua đó chỉ là cái tính nể sợ dư luận, thuận theo thế gian để được yên thân. Đang khi đó Chúa dạy cần đặt hết lòng tin nơi Ngài. Đấng đến để giải thoát chúng ta ra khỏi chốn thế gian mê lầm và vì thế sẽ bị người đời ghét bỏ: “ Ví bằng thế gian ghét bỏ các ngươi thì hãy biết rằng  họ đã ghét bỏ Ta  trước các ngươi. Nếu các ngươi thuộc về thế gian thì thế gian chắc sẽ yêu kẻ thuộc về mình. Nhưng vì các ngươi không thuộc thế gian nên thế gian ghét bỏ các ngươi” ( Ga 15, 18 -19 ).

          Đức Benedicto và hồng y Sarah đang là tâm điểm của sự chống  đối dữ dội và có tin cho rằng đã có sự hiểu lầm giữa hai vị, rằng đức Benedicto muốn rút tên khỏi đồng tác giả của cuốn sách. Bởi vậy hồng y Sarah đã phải thân hành đến gặp đức Benedicto và viết trên Tweet: “ Trước những cuộc tranh luận không ngớt, buồn nôn và lừa đảo mà chưa bao giờ dừng lại kể từ hồi đầu tuần này liên quan đến cuốn sách” Từ thẳm sâu trái tim chúng tôi”. Tôi đã gặp đức giáo hoàng danh dự Benedicto XVI vào chiều nay ( 17/01 ). Vị hồng y người Guine’ cho biết: Cùng với đức Benedicto, chúng tôi đã thấy rằng chẳng có sự hiểu lầm nào  giữa chúng tôi. Tôi ra về rất hạnh phúc, lòng đầy bình an và can đảm từ cuộc nói chuyện tuyệt vời này” ( Nguồn Vietcatholic News 17.01/2020 – Đặng Tự Do – ĐHY Robert Sarah tuyên bố sau cuộc gặp gỡ với  đức Benedicto. Chẳng có hiểu lầm gì hết. Tiếp tục đồng tác giả ).

          Lý do tại sao đức Benedicto lại bị giới truyền thông  đả kích mạnh mẽ như vậy ?  Đó là vì ngài tiêu biểu cho Đạo Công giáo, Duy nhất, Thánh thiện và Tông truyền. Với tính chất tiêu biểu như thế, hẳn chúng ta cũng không lạ gì  khi ngài bị thế gian ghét bỏ đúng như lời Chúa đã  tiên báo.

          Trước những chống phá quyết liệt ấy, Hội Thánh Công Giáo  ví như con thuyền Thánh Phê Rô dường như sắp…hòng chìm và điều ấy rất có thể xảy đến nếu  quả thật  Luật Độc Thân Linh Mục bị phá hủy. Dẫu vậy  chúng ta tin…sự dữ ấy  không bao giờ xảy ra ?

          Nếu Luật Độc Thân Linh Mục bị phá hủy thì có thể Hội Thánh Công Giáo sẽ…tiêu vong hoặc không còn là Hội Thánh hiểu như là Thân Mầu Nhiệm Chúa Ki Tô nữa. Tại sao vậy ? Bởi vì Chức Linh Mục  thời Tân Ước cũng là một, không khác với Chức Tư Tế thời Cựu Ước.  Sở dĩ như thế là vì  cả hai đều có chung một mục đích đó là để giúp cho Dân Chúa được Nên Thánh. “ Đức Chúa Giê hova lại phán cùng Mai Sen rằng: Hãy truyền cho cả hội chúng Itsraen rằng: Hãy nên Thánh vì Ta Giehova ĐCT của các ngươi vốn là Thánh” ( Lv 19, 1 -2 ).

          Giáo Hội Công Giáo xét bề ngoài cũng có cơ cấu, tổ chức giống như phần đời. Nhưng về tính chất cũng như mục  đích lại hoàn toàn khác bởi chưng đây là Con Đường Thực Hiện Tâm Linh có nghĩa để cho con người được Nên Thánh. Chính vì mục đích Nên Thánh đó nên không thể thiếu những con người được Thánh Hiến gọi là Tư  Tế hay Linh Mục.

          Tuy về mục đích không khác, cũng nhắm vào việc Nên Thánh. Nhưng hình thức tất nhiên có điều khác biệt, trước hết là Chức Tư Tế thì được phép có vợ nhưng  có điều kiện: “ Thầy Tư Tế chớ nên cưới một người kỹ nữ hay là kẻ dâm ô, cũng chẳng nên cưới kẻ bị chồng bỏ vì thầy Tư Tế  đã được biệt ra Thánh cho ĐCT mình. Vậy ngươi hãy kể thầy Tư Tế như Thánh vì người dâng phẩm vật của ĐCT ngươi. Người sẽ là Thánh cho ngươi vì Ta, ĐCT là Thánh. Đấng làm cho các ngươi nên Thánh” ( Lv 21, 7 -8 ).

          Sự khác biệt nữa đó là phẩm vật dâng lên Thiên Chúa trong thời Cựu Ước là máu súc vật: “ Đoạn người ra, đi đến  trước mặt  Đức Giehova đặng làm lễ chuộc tội cho bàn thờ. Người lấy huyết của con bò tơ đực và con dê đực, bôi chung quanh những sừng của bàn thờ. Rồi dùng ngón tay rảy huyết bảy lần trên bàn thờ, làm cho bàn thờ nên sạch và Thánh vì cớ những sự ô uế của dân Itsraen” ( Lv 16, 18 -19 ).

          Đối với thầy Tư Tế thời Cựu thì được phép có vợ. Còn Linh Mục thời Tân Ước thì không. Điều ấy hẳn nhiên phải có nguyên do của  nó và nguyên do ở đây  có liên quan đến phẩm vật dâng lên Thiên Chúa. Một  đàng phẩm vật ấy  là máu của chiên, bò dâng lên như của lễ Toàn Thiêu để chuộc tội cho toàn dân Itsraen. Một đàng  phẩm vật dâng lên ấy lại chính là Chúa Giê Su. Đấng đã hiến mạng sống vì  đàn chiên. Do nơi cái chết hiến dâng ấy mà Chúa Giê Su đã được Chúa Cha tôn vinh làm Thầy Tế lễ Thượng Phẩm: “ Phàm Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm đã được lập lên là để dâng lễ vật và sinh tế. Vậy thì Đấng này cũng cần phải có gì để dâng lên. Nếu Ngài ( Chúa Giê Su ) còn ở dưới đất thì Ngài chẳng được làm Thầy tế lễ đâu vì đã có những kẻ theo luật pháp mà dâng lễ vật rồi. Kẻ ấy phụng sự theo kiểu rập khuôn và hình bóng của các việc trên trời. Chánh như khi Mai Sen sắp làm Nhà Trại thì ĐCT cảnh giới rằng: Hãy cẩn thận làm  mọi sự theo kiểu mẫu đã chỉ cho ngươi trên núi. Nhưng nay Chúa Giê Su đã được chức phụng sự càng tôn quý hơn. Chánh như Ngài đã làm Đấng Trung Gian của một Giao Ước tốt hơn, thiết lập trên Lời Hứa cũng tốt hơn. Vì nếu Giao Ước thứ nhất không có  chỗ trách được thì chẳng cần tìm chỗ cho cái thứ hai ( Dt 8, 3 -7 ).

          Giao Ước thứ nhất đó là lời hứa cho dân Itsraen được vào nơi Đất Hứa Canaan. Giao Ước đó cần thay thế bằng  Giao Ước Mới ( Tân Ước ) bởi lẽ Canaan chỉ là hình bóng của Nước Trời mầu nhiệm nội tại  do Đức Ki Tô rao giảng.( Lc 17, 20 -21 ).

          Nếu tôn giáo là Con Đường Thực Hiện Tâm Linh thì con đường ấy  trong thời Tân Ước nhất thiết cần được hiểu đó là con đường đi sâu vào nội tâm hầu nhận biết Thiên Chúa Đấng là Cha ở nơi mình. Để thực hiện con đường tâm linh ấy  chúng ta cần  cậy nhờ nơi trung gian Đức Ki Tô: “ Ta là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ).

           Chỉ khi nào nhận biết  Đức Ki Tô là con đường duy nhất  để đến với Chúa  Cha  ở nơi nội tâm mình, chúng ta mới có thể  thấy  được vai trò vô cùng quan trọng của chức Linh Mục. Tại sao ? Bởi Linh Mục là một Ki Tô Khác ( Alter Christus ).

          Một khi  Đức Ki Tô đã là…con đường thì tất nhiên Linh Mục cũng vậy, cũng là Con Đường có nghĩa phải nên giống Đức Ki Tô mọi đàng. Để nên giống  Đức Ki Tô thì  cần sống đời từ bỏ “ Hễ ai không bỏ mọi sự mình có thì không thể làm môn đệ Ta được” ( Lc 14, 33 ).

          Mọi sự mình có ở đây có thể là vợ con, gia đình êm ấm hoặc tài sản sự nghiệp v.v…Một Linh Mục mà không bỏ mọi sự lại còn muốn vướng bận chuyện vỡ con đùm đề ( Thê tróc, tử phọc ) thì làm sao có thể  tận hiến cuộc đời mình cho Chúa để cứu rỗi mình và mọi người khác ?

          Sự hiến Thánh của các Linh Mục chính là để cho mục đích cứu rỗi các linh hồn. Nếu không như thế thì kể như Linh Mục đã đánh mất căn tính của mình cũng là của Đạo Công Giáo là Đạo Cứu Rỗi: “ Hỡi anh em là con cái thuộc dòng dõi Apraham và là kẻ kính sợ ĐCT trong anh em. Đạo về sự Cứu Rỗi nay đã truyền đến cho chúng ta rồi” ( Cv 13, 26 ).

          Nói đến Đạo Cứu Rỗi trong thời Tục Hóa, có vẻ như quá ư lỗi thời. Thế nhưng đây mới thực là Chánh Đạo. Nói  Đạo Công Giáo là chánh đạo  là hoàn toàn xác đáng, bởi  chưng đó là con đường đi sâu vào bản tâm ( Kính sợ Thiên Chúa trong anh  em ).

          Đã gọi là …đạo tức con đường thực hiện tâm linh  thì chẳng những không có can hệ gì đến triết học. Hơn nữa đó lại là thứ triet Hy Lạp chủ xướng một  Đấng Tạo Hóa, chẳng qua đó chỉ là một thứ khái niệm chết khô. Đối với  Thiên Chúa hiểu như một thứ khái niệm như thế  thì đâu cần chi tới chức Tư Tế, Linh Mục. Đang khi đó Linh Mục lại là một Ki Tô Khác  tức người chăn giữ và lo cho  đoàn chiên: “ Ta là người chăn tốt. Người chăn tốt vì chiên mà bỏ mạng sống mình. Kẻ làm thuê  chẳng phải là người chăn vì chiên không thuộc về nó. Thấy muông sói đến thì bỏ chiên chạy trốn. Muông sói  vồ lấy chiên và làm cho tan tác” ( Ga 10, 11 -13 ).

          Có nhiều dấu chỉ cho thấy Giáo Hội hiện đứng trước nguy cơ của một đàn chiên…tan tác ! Nhưng những ai còn lòng tin và yêu mến Giáo Hội hãy nhớ lại lời Chúa: “ Cửa Hỏa Ngục cũng chẳng thắng được nó” ( Mt 16, 18 ).

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts