Bài giáo lý II này được Đức Thánh Cha tiếp tục khai triển trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư ngày 18 – 2 – 2023…
Cộng đoàn hiện diện đã cùng với Đức Thánh Cha lắng nghe trích đoạn Tin Mừng về dụ ngôn “Con chiên bị mất” trong Tin Mừng thánh sử Luca (15, 4-7)…Rồi ngay sau lời chào thân thương quen thuộc của Ngài, Đức Thánh Cha vào đề…Ngài mời gọi tín hữu nhìn vào mẫu gương rao giảng tuyệt vời là chính Đức Giêsu Kitô – Đấng vốn là Logos – là Ngôi Lời Thiên Chúa…Tước hiệu này nơi Người là để nói với chúng ta về một khía cạnh cốt yếu của Người : Người luôn sống trong tương quan, đi ra để đến với người khác…Bởi bản chất của LỜI là để được truyền đi, để được thông truyền…Cho nên – với Đức Giêsu – Người sống – nghĩa là luôn hướng về Chúa Cha và hướng đến chúng ta : hai khía cạnh song hảnh của cuộc đời trần gian nơi Đấng nhập thể và nhập thế…
- Điểm dừng 1 –Cầu nguyện…
Đức Thánh Cha nhắc lại cho chúng ta việc Chúa Giêsu thường làm mỗi ngày – đặc biệt khi cần có những quyết định quan trọng, chẳng hạn như viêc tuyển chọn các môn đệ – Đức Giêsu luôn cầu nguyện : Người dậy sớm và đi đến những nơi vắng vẻ để cầu nguyện (Mc 1,35 ; Lc 4,42)…Chính trong mối tương quan mật thiết với Chúa Cha, trong việc cầu nguyện liên kết Người với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu khám phá ra ý nghĩa của việc Người nhập thể làm người, việc Người hiện hữu trong trần gian vì chúng ta và cho chúng ta…Chúa Cha sai Người đên với chúng ta…
- Điểm dừng 2 –Liên đới với con người…
Đức Thánh Cha chia sẻ cảm nhận tuyệt vời của ngài khi nhìn thấy “hành động công khai đầu tiên” của Chúa Giêsu sau nhiều năm sống ẩn dật ở Nazareth thì không phải là việc Ngài thực hiện một phép lạ vĩ đại hay gởi đi một thông điệp có hiệu quả, nhưng đơn giản chỉ là sự hòa mình, sự xếp hàng giữa và với giòng người đang đến để nhận phép rửa của Gioan Tẩy Giả…Và qua đấy, Người trao cho chúng ta chìa khóa để hiểu hành động của Người giữa thế giới con người: việc Người dâng hiến đời mình cho những người tội lỗi, Người liên đới với chúng ta, xóa bỏ khoảng cách với chúng ta, và hoàn toàn ở trong sự chia sẻ trọn vẹn sự sống với từng cá nhân con người chúng ta…Người đã quả quyết về sứ vụ của mình khi Người chia sẻ về Sứ Vụ Cứu Thế : Con Người không đến “để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình “ (Mc 10,45)…Và vì thế, thời khóa biểu từng ngày của Chúa Giêsu là cầu nguyện – loan báo Nước Thiên Chúa – và dành thời gian cho mọi người, đặc biệt những người nghèo khó,yếu đuối…Nghĩa là Người gặp gỡ Chúa Cha trong cầu nguyện, gặp gỡ mọi người để rao giảng, để dạy giáo lý,để nói về con đường đưa đến Vương Quốc Thiên Chúa…
- Điểm dừng 3 –Mục tử nhân lành…
Và để nhấn mạnh hơn, Đức Thánh Cha tiếp tục suy nghĩ của Ngài : Ngài mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng hình ảnh diễn tả phong cách sống của Chúa Giêsu Kitô – Vị Mục Tử nhân lành : Mục Tử nhân lành “hiến mạng sống mình vì đàn chiên” (Ga 10,11)…Vì, thưa bạn, Đức Thánh Cha nhắc lại cho chúng ta : Làm mục tử…thì không chỉ là một công việc – dù là công việc đòi hỏi nhiều thời gian và nhiều nỗ lực – nhưng đấy thực sự là một cách sống : 24 giờ một ngày sống với đàn chiên, đưa chúng đến với đồng cỏ [Lời Chúa và Bí Tích] màu mỡ, ăn và ngủ giữa đàn chiên, luôn quan tâm chăm sóc những con chiên yếu đuối và yếu thế…Đấy là tất cả những gì Đức Giêsu – Vị Mục Tử Mẫu – đã và vẫn sống cho chúng ta…
Từ đó, chúng ta phải tự vấn chính mình : Hiện nay bản thân mỗi chúng ta – trong công việc mục vụ – chúng ta có bắt chước Người để : – kín múc Ơn Chúa từ nguồn mạch cầu nguyện và luôn tìm mọi cách làm cho linh hồn mình hòa hợp với tâm hồn của Người không ? – ở với Chúa – Vị Mục Tử Mẫu, khám phá ra Trái Tim Mục Tử nơi Người – một quả tim luôn thổn thức vì những lệch lạc và xa cách của con người…Vậy thì trái tim mục tử nơi mỗi chúng ta thế nào ? Nó có thể bắt chước Người để kiên nhẫn với “những người khó tính và nặng nề tự ti” hay chúng ta “mặc kệ” với lý luận : Đấy là vấn đề của họ, họ phải tự xoay sở…Đức Giêsu không bao giờ nói như thế, nhưng Người đi tìm – tìm mọi người, tìm những người bị gạt ra bên lề xã hội, tìm những người tội lỗi…
- Điểm dừng 4 –Mục tử nhân lành : đau khổ và mạo hiểm…
Về khía cạnh này, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta đọc lại chương 15 /Tin Mừng thánh sử Luca để cùng Ngài suy tư…Ngài cho biết – qua chương 15 này – chúng ta biết phải làm gì để rèn luyện lòng nhiệt thành Tông Đồ : ở đó – trong chương 15 – chúng ta khám phá ra cách Thiên Chúa hành động đối với chiên : Người không tìm cách bao vây đàn chiên trong sự an toàn của hàng rào hoặc có sự dọa dẫm nào đó để chiên không bỏ đi, ngược lại – nếu có con chiên nào ra ngoài và bị lạc – Người không bỏ rơi nó, nhưng lặn lội kiếm tìm…Chắc chắn – và chắc chắn là như thế – Người sẽ không cho rằng chuyện chiên bỏ đi…là lỗi của nó, và đấy không phải là việc của tôi ! Không – nhất định là không như thế – bởi trái tim Người Mục Tử nơi Thiên Chúa phản ứng theo cách khác : trái tim Người Mục Tử đau khổ – trái tim Người Mục Tử mạo hiểm…Đúng là như vậy : Thiên Chúa đau khổ khi chúng ta rời xa trái tim Người, Người đau khổ vì chúng ta không nhận ra vẻ đẹp của Tình Yêu và vòng tay quan phòng ấm áp của Người…Đau khổ nhưng không rút lui, ngước lại sẵn sàng lao vào mạo hiểm để đi tìm con chiên duy nhất là mỗi chúng ta khi chúng ta quay lưng, khi chúng ta bỏ đi…Và , thưa bạn, đấy là lòng nhiệt thành của Thiên Chúa…
- Điểm dừng 5 –Vinh dự và trách nhiệm mang Lời Chúa cho người khác…
Ở điểm dừng này – với việc nói đến vinh dự và trách nhiệm mang Lời Chúa đên cho người khác nơi tất cả các anh chị em Kitô hữu chúng ta – Đức Thánh Cha gợi ý suy tư bằng những câu tự vấn : Chúng ta có nơi mình những tâm tình giống như Thiên Chúa đối với anh chị em chúng ta không ? Hay chúng ta xem những người đã rời bỏ cộng đoàn Giáo Xứ, cộng đoàn Nhà Tu…như là những đối thủ hoặc kẻ thù ? Khi giáp mặt những anh chị em ấy ở trường học, nơi làm việc, trên đường phố, tại sao chúng ta không nghĩ rằng đấy là những cơ hội thuận lợi để làm chứng cho họ về niềm vui của một Người Cha yêu thương họ và không bao giờ quên họ ? Hoàn toàn không nhằm mục đích chiêu dụ, nhưng để mang Lời Chúa đến với họ và cùng họ đồng hành với họ, chúng ta hãy có được những lời tốt đẹp dành cho họ – dĩ nhiên là những lời tốt đẹp tận đáy lòng minh…Đức Giêsu – Thầy của chúng ta – yêu cầu chúng ta điều đó : luôn đến gần với một tâm hồn cởi mở…
Và, thưa bạn, người viết có đọc được đâu đó một định nghĩa dễ thương về tương quan giữa người đồ đệ và Vị Thầy của mình :
Một đồ đệ xoàng thì dựa vào oai của Thầy,
Một đồ đệ khá thì ngưỡng từ tâm của Thầy,
Một đề đệ giỏi thì nên vững chãi dưới kỷ luật của Thầy.
Thầy của chúng ta – Đức Giêsu Kitô – luôn mong ước nơi các đồ đệ của Người duy nhất chỉ một điều : nên giống người trong giới luật Yêu Thương…
Cho nên Đức Thánh Cha tha thiết nhắc lại : Theo và yêu mến Chúa Giêsu đã từ rất lâu, nhưng chúng ta đã từng chấp nhận chia sẻ tâm tình của Người chưa, liệu chúng ta có dám chịu đau khổ và mạo hiểm để hòa nhịp với trái tim của cúa Giêsu, tấm lòng mục tử nơi mỗi chúng ta có gần gũi với trái tim mục tử của Người không ?
Để kết luận, Đức Thánh Cha xin mỗi chúng ta hãy năn nỉ cho được ơn có trái tim mục tử cởi mở, gần gũi với mọi người để không những mang sứ điệp của Chúa đến cho anh chị em mình…mà còn luôn cảm thấy thương mến họ như Chúa Kitô thương họ…
Bởi, thưa bạn, nều không chấp nhận tình yêu chịu đau khổ và mạo hiểm vì người khác…thì chúng ta sẽ ở trong nguy cơ chỉ lo chuyện chăm sóc bản thân một cách rất vị kỷ – một tinh thần rất thế gian và thế tục…
Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp