Chuyện mỗi tuần – bước chân thứ IV trong hành trình “Đồng Hành cùng Giới Trẻ” với “ Đức Ki-tô – Đấng Đang Sống” – bước cuối của chương 9 với chủ đề Phân Định…

Ngay từ bước đầu chúng ta đã gói ghém trong chủ đề Phân Định này những thuật ngữ đồng nghĩa khác nhằm gợi ý một quyết tâm dành thêm nhiều thời gian hơn để giúp sự phân định của bản thân phong phú hơn, đấy là Tỉnh Thức – Biết mình – Biết đọc bản thân – hay đơn giản là sự Xét mình…

Qua bước thứ hai, Đức Thánh Cha nói với chúng ta về việc huấn luyện lương tâm – yêu thích cô tịch – kiếm tìm tĩnh lặng – và biết tâm tình với Chúa qua cầu nguyện…

Bước thứ ba, Đức Thánh Cha xin chúng ta xây dựng Tình Bạn với “Đức Ki-tô – Đấng Đang Sống”, tặng cho Người những “món quà”  mà ta biết là Người thích…để có được những nụ cười của Người…Cuối cùng, chúng ta dành trọn tâm huyết để sống Ơn Gọi Người mời gọi chúng ta – Ơn Gọi mà Người biết là phù hợp với từng con người…và mong ước chúng ta sống trọn vẹn Ơn Gọi ấy…

Ở bước chân thứ IV này, Đức Thánh Cha giới thiệu với bạn trẻ những con người có thể giúp chúng ta trong hành trình cùng bước với “Đức Ki-tô – Đấng Đang Sống” trong Ơn Gọi của chính mình giữa trần gian này…và trên con đường về Quê Trời…

Với những người được coi là “có nghiệp vụ” trong việc giúp đỡ người trẻ…thì Đức Thánh Cha đưa ra cho họ môt thứ “kim chỉ nam” để họ ích lợi hơn trong  việc giúp đỡ người trẻ, đấy là sự lắng nghe ba loại nhạy cảm hay là quan tâm khác nhau và bổ sung cho nhau…khi tiếp xúc với người trẻ :

-lắng nghe loại nhạy cảm I : lắng nghe đương sự nói để “thổ lộ” chính mình, chính con người mình…Dấu hiệu cho thấy có sự lắng nghe này là làm cho người trẻ đến với người đồng hành có cảm nhận rằng người đồng hành có đủ thời gian để người trẻ có thể trình bày rõ về họ…Đức Giê-su đã làm gương trong thái độ lắng nghe này khi cùng hai môn đệ trên đường về Emmaus : Người đã cho họ một thời gian dài đủ để tỉ tê…và – khi nhận ra – họ cũng bằng lòng dành cho Người thời gian để Người giúp họ nhìn thấy và nhìn ra khi họ mời Người đồng bàn với họ…để rồi – với việc Bẻ Bánh – họ đã nhận ra Người (292)…

lắng nghe loại nhạy cảm II : lắng nghe  và phân định : người đồng hành sẽ nghe và lắng nghe…với những suy nghĩ: Người trẻ này đang nói gì với tôi ? Họ muốn nói gì với tôi ?  Và họ muốn tôi hiểu gì về những điều đang diễn ra trong tâm tư của họ ? Ở đây Đức Thánh Cha xin những người giúp  bạn trẻ trong việc “Phân Định” đủ cam đảm, sự dịu dàng  tế nhị cần thiết để giúp bạn trẻ nhận ra sự thật của vấn đề cũng như những dối trá và những viện cớ nhằm đánh lạc hướng người trẻ – những dối trá và viện cớ ấy vốn ở ngay trong  bản thân người trẻ cần hướng dẫn…và luôn khiến người trẻ dè dặt, ngại ngần (293)…

lắng nghe loại nhạy cảm III : lắng nghe “những thúc đẩy”  tiến tới mà người trẻ cảm nhận nơi chính mình – nghĩa là “điều mà người trẻ ấy thực sự muốn hướng đến”…Nhấn mạnh cho người bạn trẻ hiểu rằng điều mà bạn ấy cần – không phải là sự ham thích hời hợt của bản thân – nhưng là những gì làm cho Chúa hài lòng…Nghĩa là giúp bạn trẻ ấy hiểu và có quyết tâm về cuộc sống của mình nhằm đáp lại ước muốn của Đức Ki-tô – Đấng Đang Sống và là Bạn của mỗi chúng ta (294)…

Cuối cùng – sau khi đã giúp bạn trẻ xác định rõ Ơn Gọi của mình và quyết định “lên đường”- thì người hướng dẫn có thể rút lui…và chỉ xuất hiện khi bạn trẻ thực sự cần ( 296)…

Bạn trẻ thân mến,

Nghĩa là Giáo Hội muốn có những người có kinh nghiệm, có nhận biết và có tâm hồn để giúp bạn cất bước “Đồng Hành với Đức Ki-tô – Đấng Đang Sống”…Dĩ nhiên những vị này đã có được những trải nghiệm quý báu khi chính bản thân họ đã – đang và vẫn luôn từng bước bên cạnh Người…như xưa Người đã từng bước bên cạnh các môn đệ trên đường về quê Emmaus – ngược hướng với Giê-ru-sa-lem…mãi cho đến khi “mắt họ mở ra và họ nhận ra Người” ( Lc 24 , 31)…để rồi “ngay lúc đó, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó” (c. 33)…và – cùng với anh em khác – họ được nghe lời chào chúc tuyệt vời từ Đấng Phục Sinh : “Bình an cho anh em” (c. 36)…

Vấn đề còn lại là bạn cất bước đến với những “con người chuyên môn” ấy…Đấy có thể là vị Linh Mục Quản Xứ hay Phó Xứ trong Giáo Xứ của bạn hoặc bất cứ Linh Mục nào bạn gặp ở đây đó…Có thể ngài sẽ giúp bạn và cũng có thể ngài sẽ hướng dẫn bạn đến với một “chuyên gia” mà ngài biết rõ là được chỉ định để làm công việc hướng dẫn…Đấy cũng có thể là một huynh trưởng trong các Hội Đoàn Công Giáo Tiến Hành Trẻ mà bạn tin tưởng…Chúa sắp xếp để bạn có thể gặp họ miễn là bạn muốn…Và bạn hãy tin tưởng là họ sẽ lắng nghe, sẽ suy nghĩ và sẽ có cho bạn những chỉ dẫn…để bạn đến với “Đức Ki-tô – Đấng Đang Sống”…

Tuy nhiên chúng ta phải chấp nhận những “giới hạn” nơi bất cứ con người nào…để chính bản thân có được những suy nghĩ chín chắn trong chọn lựa và quyết định của chính mình : đấy là cốt lõi của Phân Định…

Ngày xưa Đức Khổng Tử – bậc Thầy của thiên hạ – cũng vướng vào một trải nghiệm đắt giá để có thể răn học trò của mình rằng : ba người cùng đi đường với ta…thì nhất định sẽ có người là thầy của chúng ta…

Trải nghiệm quý báu ấy là : Khi Khổng Tử chu du liệt quốc…thì có rất nhiều người tìm đến bái ông làm thầy…Có một người nước Lỗ tên là Thúc Sơn Vô Chi – do phạm pháp – nên bị xử tội chặt một chân…Anh ta chống nạng theo Khổng Tử xin được bái làm thầy…Khổng Tử nói với anh ta:

-Anh làm việc không cẩn thận…nên đã phạm tội bị chặt một chân…Mặc dù nay anh đã tìm đến ta, nhưng không thể bù lại được, thế thì có tác dụng gì ?

Thúc Sơn Vô Chi trả lời:

-Tôi chỉ vì không hiểu rõ đạo lý…nên mới mắc sai lầm để bị tội, phải chặt mất một chân…Hôm nay, tôi tìm đến với ngài, là vì vẫn còn có thứ cao quý hơn chân, tôi muốn bảo toàn nó…Trời không nơi nào không che phủ, vạn vật đều được Đất nâng đỡ…Tôi vốn coi ngài như là Trời Đất, nhưng nào ngờ ngài lại có thái độ như thế này…

Khổng Tử nghe xong, vô cùng xấu hổ, nói với Thúc Sơn Vô Chi rằng :

-Khổng Khâu ta thực sự nông cạn…Tiên sinh sao chẳng ngồi xuống, xin tiên sinh hãy nói những đạo lý mà tiên sinh biết, tôi vô cùng cung kính lắng nghe và xin được học tập tiên sinh…

Nhưng Thúc Sơn Vô Chi chẳng để ý gì đến Khổng Tử nữa…mà lặng lẽ chống nạng bỏ đi…

Khổng Tử nói với các đệ tử :

-Hôm nay ta đã phạm một sai lầm lớn…Tại sao ta lại có thể căn cứ vào cái thiện ác trước kia của người ta để phán đoán người ta là người như thế nào cơ chứ ? Người như Thúc Sơn Vô Chi đây – do bị mắc tội mà một chân bị chặt – vậy mà vẫn luôn nỗ lực học tập để tu sửa lỗi lầm xưa, tự trau dồi bản thân. Thế thì người không có lỗi lầm thì còn thế nào…Các trò nhất định phải nhớ: cho dù chỉ có ba người trên đường cùng đi, nhất định trong đó sẽ có người là thầy của chúng ta, phải học ưu điểm của người ta, và – nếu có – thì cũng lấy khuyết điểm của họ mà soi dọi bản thân mình…để từ đó biết đường mà sửa mình…Chỉ có như vậy chúng ta mới không ngừng tiến bộ…

Nghĩa là cả cái ưu lẫn cái khuyết nơi người khác cũng đều giúp chúng ta sửa mình và tiến tới : với cái ưu…thì học hỏi và với cái khuyết…thì biết đường mà tránh…Giáo Hội không hề nghĩ rằng những mục tử của mình – kể cả những vị “đặc trách” – đã là hoàn toàn…nên người trẻ chúng ta cũng đừng ngại ngần tiếp cận – dĩ nhiên – với một thái độ bao dung, ấy là ưu thì học hỏi mà khuyết thì giúp bản thân người trẻ nhận ra…và biết đường để mà đi…

Đức Khổng Tử – vốn là bậc trí huệ – mà còn vấp đụng sự “thô thiển” rất sơ đẳng, huống chi là…Chính vì thế bạn trẻ hãy bao dung…mà đi tìm thầy…

Người viết muốn chia sẻ với các bạn trẻ một địa chỉ đáng tin cậy, đấy là Nhà Tĩnh Tâm Hướng Thiện – Thiên An – La Vang, tọa lạc ngay phía sau linh địa La Vang – nơi Đức Mẹ không ngừng kêu gọi sự ăn năn, hoán cải…Nhà Tĩnh Tâm này do Đan Sĩ Linh Mục Phanxicô Xaviê  Trần An đảm trách…

Đan – sĩ Linh Mục Phanxicô Xaviê vốn là một doanh nhân trẻ chuyên việc buôn bán vàng và gặt hái được khá nhiều thành công…nhờ luôn sống lịch sự, lễ phép và chân thành theo sự hướng dẫn của gia đình thời niên thiếu…Gia đình ngụ tại Giáo Xứ Cầu Rầm, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An…

Thế nhưng – trong giao tế buôn bán và mềm lòng buông thả – cậu doanh nhân trẻ Trần An sớm sống sa đọa , ăn chơi . phung phí…Tài sản cũng vì vậy mà hao mòn dần…cho đến khi hoàn toàn trắng tay…Buồn chán, thất vọng, cậu càng lún sâu vào mọi thứ sa đọa – kể cả nghiện nghập, chích hút…để quên đời…Đam mê và bạn xấu đã đưa đẩy Trần An đến chỗ phải nhúng tay vào tội phạm để rồi thân tàn ma dại và vướng vào vòng lao lý…

Thế nhưng tình yêu của mẹ, nước mắt của bà…và ý Thiên Chúa muốn đã khiến cậu bằng lòng đến Đan Viện Thiên An để tĩnh tâm và cai nghiện…Một thời gian dài vật lộn với cơn nghiện cũng như những khát vọng hời hợt của thời đã qua, Trần An đã lấy lại được bình yên và quyết định dâng mình cho Chúa…Thế là Giáo Hội có được một gương sống rất tốt cho giới trẻ khi cậu doanh nhân kinh doanh vàng bạc và tán gia bại sản ngày nào nay trở thành Đan Sĩ Linh Mục Phanxicô Trần An…Ngài quyết định xin phép Đan Viện để thành lập Nhà Tĩnh Tâm Hướng Thiện – Thiên An – La Vang với mục đích đón nhận và giúp đỡ những anh chị em nghiện ngập muốn hoàn lương

Từ ngày thành lập – tháng 8 / 2012 – đến nay, Nhà Tĩnh Tâm đã giúp được 50 người cai nghiện – trong số đó có hai người sau khi trở về gia đình…thì tái nghiện ! 48 người ở lạiTrungTâm…thì ngày càng đạo đức hơn…Họ dần dần quen với lối sống có nề nếp, đúng giờ và giờ nào việc nấy, họ sẵn sàng trao điện thoại cho cha phụ trách…và mọi sinh hoạt hoàn toàn mang tính tập thể – kể cả việc lao động để nuôi sống cộng đoàn mỗi ngày…Họ chia sẻ tất cả với niềm vui của người sống bình an, tự tại…Người viết muốn có một vài chi tiết quan trọng gửi đến bạn trẻ để mong rằng : khi bạn muốn, bạn có thể được giúp đỡ :

Thông tin liên hệ :

Gọi : 097 316 68 60

Email : trananhue@gmail,com

Facebook : https://www.facebook.com/pg/nhatinhtamhuongthien/about/   (theo Inernet)

 

Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp.

Chia sẻ Bài này:

Related posts