Chuyện mỗi tuần – bước V & VI – với câu hỏi: Lời Chúa nói gì về người trẻ?

Bạn trẻ thân ái,

Người viết đã cùng với bạn có bốn bước đầu trong hành trình “Đồng Hành với Đức Ki-tô – Đấng Đang Sống”…và là những bước ở chương cuối của Tông Huấn – chương 9 – nói về Phân Định -nhằm cùng với bạn có những cố gắng tập cho bản thân có một thói quen suy nghĩ trong tĩnh lặng và cầu nguyện về những gợi ý của Đức Thánh Cha giúp cho mỗi chúng ta ý thức về bước đời của riêng mình cùng với “Đức Ki-tô – Đấng Đang Sống” …để  – ở mỗi bước đời ấy – chúng ta “rắn rỏi” hơn khi cùng Chúa đến với tha nhân quanh mình…Và bước đời ấy – mong sao – cũng là Ơn Gọi Chúa lên tiếng và mỗi chúng ta đáp lời…

Trở lại với Tông Huấn của Đức Thánh Cha – chúng ta cùng nhau dấn tới hai bước: bước V & VI – khi suy nghĩ và gặp gỡ những khuôn mặt trẻ đặc biệt mà Đức Thánh Cha muốn giới thiệu với chúng ta qua chủ đề “Lời Chúa nói gì về người trẻ ?”…nơi chương MỘT…

Ở bước V, Đức Thánh Cha muốn đưa chúng ta đến với “những khuôn mặt trẻ trong Cứu Ước” – và dĩ nhiên là những khuôn mặt trẻ đáp ứng được những đòi hỏi của Ơn Chúa gọi…để rồi họ trở nên ích lợi cho con người ở thời của họ…và đương nhiên cũng là ở thời của chúng ta nữa. bởi từng người một, họ là những điểm nhấn ở một giai đoạn nào đó trong Lịch Sử Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa – những điểm nhấn được Thiên Chúa gạch đít khi thực hiện nhiệm cục Tình Yêu của Người, họ là :

-Cậu Út Giuse – nhỏ nhất trong số con cái tổ phụ Gia-cóp…Thiên Chúa đã chọn ông – không phải bằng những lời mời gọi êm ái – nhưng bằng những trải nghiệm đau thương – và có vẻ như Giuse đi qua những trải nghiệm ấy với một tâm hồn thanh thản, bình yên…để rồi cuối cùng, ông trở thành “nguồn sống” cho cả gia đình và những người quanh ông trong thời gian đói kém và hạn hán…”Kinh nghiệm sống” của Giuse cho chúng ta biết là ở bất cứ độ tuổi nào – dù là còn rất trẻ – chúng ta vẫn có thể thoải mái thực hiện ý Chúa muốn cách yên bình và đầy tín thác (St 37 – 50)…Từ những trải nghiệm tuyệt vời của tuổi trẻ Giuse – nhỏ nhất trong những người con của  Gia-cóp – mà người người nằm lòng câu “ Hãy đến với Giuse” khi Giáo Hội mượn để mời gọi chúng ta – trong hôm nay – đến cùng Thánh Cả Giuse – cha nuôi Đức Giê-su và bạn của Đức Maria – nhất là trong Năm Thánh Giuse này từ ngày 8/12/2020 – ngày 8/12/2021…

-Cậu Ghiđêon – đại diện cho lớp trẻ thẳng thắn, không chấp nhận thỏa hiệp…Khi sứ thần Thiên Chúa đề cập đến việc Thiên Chúa ở cùng Dân…thì ông phản biện lại ngay : “Nếu Chúa ở cùng chúng tôi…thì sao tất cả những điều này lại xảy ra với chúng tôi ?” (sách Thủ Lãnh 6 , 13)…Đứng trước lời phản biện này, Thiên Chúa không những không buồn lòng, ngược lại còn coi đấy là  dấu chỉ của “nỗi buồn tuổi trẻ” đứng trước những đau đớn, khốn cùng của Dân Chúa…Người ra lệnh cho ông: “ Hãy mạnh dạn lên đường để cứu thoát Israel.” ( Tl 6 , 14)…Qua gương sống của cậu Ghiđêon, Thiên Chúa muốn chúng ta – những người trẻ – biết “buồn” đứng trước những “chịu đựng” của gia đình và dân tộc mình…để sẵn sàng đóng góp sức trẻ của mình mang lại bình yên cho tất cả…

-Cậu bé Samuen nhút nhát và kém tự tin đã biết nghe lời của những người dạn dày trải nghiệm, mở lòng mình ra với Lời của Chúa ( 1Sm 3 , 9 – 10)…để rồi cậu trở thành vị tiên tri lớn trong Dân Chúa và đóng góp công sức của mình vào những giai đoạn quan trọng của Dân Chúa… “Biết mở lòng”  “sẵn sàng nghe” người lớn tuổi…luôn luôn là điều người trẻ nên sống…

-David – vị vua tiếng tăm của Dân Chúa – cũng được chọn…và – trong suốt cuộc đời mình, dù không ít những lỗi lầm cay đắng – nhưng David luôn được Chúa thương, vì ông có “tâm hồn” với Thiên Chúa Gia-vê và với Dân của Người…Thiên Chúa đã từng tuyên bố với vị tiên tri được sai đến để xức dầu chọn David: “Con người chỉ nhìn bề ngoàicòn Chúa nhìn thấu lòng người. (Sm 16 , 7)…Nêu tên David, Đức Thánh Cha muốn người trẻ hiểu và ưu tiên cho việc kiếm tìm “sức mạnh và vinh quang tâm hồn” hơn là sức mạnh thể lý hay ân tượng đối với người khác – điều mà phần đa số người trẻ thời “công nghệ” này đang loay hoay tìm kiếm cách miệt mài và uổng phí công sức…

-Salomon – người được chọn để kế vị David – cũng là một người trẻ và cũng từng tỏ ra ngần ngại trước trách nhiệm được trao và tuổi trẻ non nớt của mình…Ông đã từng thú nhận : “Con mới chỉ là một đứa trẻ, con chẳng biết lãnh đạo thế nào !”…Thế nhưng ý thức được điều đó, anh đã cầu xin và Thiên Chúa  ban Ơn Khôn Ngoan để anh phục vụ Dân Chúa…Trường hợp của tiên tri Giêrêmia cũng thế : Ông tự thú : “ Ôi lạy Chúa, con chẳng biết ăn nói, vì con chỉ là một đứa trẻ!” (Gr 1 , 6)…Thế nhưng – với sức trẻ của bản thân gắn kết với quyền năng của Thiên Chúa – ông đã là một tiên tri tận tụy với sứ mạng …

-Rồi một cô hầu trẻ người Do Thái của tướng Naaman Dân Ngoại đã dành được đủ tín cẩn để không ngần ngại giới thiệu cho ông tướng – chủ mình – về quyền lực chữa lành của vị tiên tri người Do Thái của mình hay cô Ruth trẻ trung đã quyết định quảng đại chọn ở lại với bà mẹ chồng tội nghiệp trong hoàn cảnh bất hạnh. (R 4 , 1 – 17)…

Và ở bước VI, Đức Thánh Cha mời gọi bạn trẻ “trực diện” với những trẻ trung từ những giáo huấn của Đức Giê-su trong Tin Mừng , đấy là :

-sự trực diện với  con tim trẻ trung, khả năng học hỏi từ cuộc sống, và sự sẵn sàng đứng dậy cũng như trở về của cậu con thứ trong dụ ngôn về Người Cha Nhân Lành ( Lc 15 , 11 – 24)…

-sự trực diện với tinh thần sẵn sàng và can đảm để “loại bỏ men cũ và trở thành bột mới” (I Cr 5, 7), “loại bỏ con người cũ” và “mặc lấy con người mới” (Cl 3 , 9.10) – nghĩa là đủ can trường để có nơi mình “những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau và tha thứ cho nhau” (Cl  3 , 12 – 13)…Cho nên sự trẻ trung thực sự, đấy là một trái tim có khả năng yêu thươngVà tất cả những gì ngăn cách chúng ta với người khác chỉ mang lại sự già nua, cằn cỗi…

-trực diện với thái độ kiên trì của người trẻ, luôn có những “ước mơ về những điều lớn lao, tìm kiếm những chân trời rộng lớn, khát vọng cao hơn”, và  “có khả năng chấp nhận những thách đố”…để “cống hiến hết mình hầu xây dựng những điều tốt đẹp hơn”…

-trực diện với tinh thần sẵn lòng để “sống và làm” những điều tốt nhất có thể…khi mở lòng mình ra với Chúa và với mọi người…

-trực diện với “tinh thần cởi mở của người trẻ thích đi tìm những chân trời mới và những thách đố lớn” – không phải chỉ trong những “trò chơi vô bổ” nhan nhản trên các chương trình có mục đích “ru ngủ” tuổi trẻ hoặc nhằm khuyến khích người trẻ đánh bóng bản thân – nhưng là nơi những “dấn thân” cho và vì hạnh phúc thật sự của anh chị em quanh mình…

-và – qua dụ ngôn “mười cô trinh nữ” – Đức Thánh Cha  kêu gọi : “Đừng để tuổi trẻ chúng ta trôi qua trong lơ đãng, hời hợt và mê ngủ, không có khả năng vun đắp các mối tương quan sâu xa và đi vào trọng tâm của đời sống”, ngược lại “hãy biết dùng tuổi trẻ của mình để vun đắp những điều đẹp đẽ và lớn lao, đấy là chuẩn bị một tương lai đầy sức sống và phong phú nội tâm”…

Nghĩa là – thưa bạn trẻ – Giáo Hội muốn “đồng hành” với bạn để giúp bạn  sống “ có khí phách”

Nhưng khí phách là gì ? Là sức mạnh tinh thần được biểu hiện cụ thể bằng hành động, là khí chất của mỗi người, là những gì biểu hiện ra bên ngoài của nội tâm, là sức mạnh vô hình toát ra từ tố chất của con người…

Và người ta nêu ra bảy tố chất của người có “khí phách” :

– Thường soi xét lại bản thân mình, – con người bên trong và con người bên ngoài,

– Không bao giờ oán hận,

– Có khả năng lĩnh ngộ,

– Chấp nhận được giới hạn và thiếu sót của bản thân,

– Không so sánh bản thân với người khác,

– Không để bản thân rơi vào trầm luân – đồng nghĩa với biết nói “không” với cám dỗ,

– Không tính toán quá nhiều – nghĩa là sống vị tha và quảng đại…

Trong bài “Hịch Tướng Sĩ” của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn nhằm kêu gọi người trẻ tiếp nhận bộ “Binh Thư Yếu Lược” làm nền cho việc tập luyện binh pháp có đoạn viết như sau :

“Nay các người nhìn chủ nhục mà không biết lo, thấy nước nhục mà không biết thẹn. Làm tướng triều đình phải hầu quân giặc mà không biết tức, nghe nhạc thái thường để đãi yến ngụy sứ mà không biết căm…Hoặc lấy việc chọi gà làm vui đùa, hoặc lấy việc đánh bạc làm tiêu khiển, hoặc vui thú ruộng vườn, hoặc quyến luyến vợ con, hoặc lo làm giàu mà quên việc nước, hoặc ham săn bắn mà quên việc binh, hoặc thích rượu ngon, hoặc mê tiếng hát…

Nếu có giặc Mông Thát tràn sang thì cựa gà trống không thể đâm thủng áo giáp của giặc, mẹo cờ bạc không thể dùng làm mưu lược nhà binh, dẫu rằng ruộng lắm vườn nhiều, tấm thân quý nghìn vàng khôn chuộc, vả lại vợ bìu con díu, việc quân cơ trăm sự ích chi, tiền của tuy nhiều khôn mua được đầu giặc, chó săn tuy khỏe khôn đuổi được quân thù, chén rượu ngon không thể làm cho giặc say chết, tiếng hát hay không thể làm cho giặc điếc tai…”

Thế nhưng – bạn trẻ – HỊCH là gì ? Đấy là một bài viết theo thể văn biền ngẫu ( = từng cặp câu cân xứng) nhằm cổ động, thuyết phục hoặc đấu tranh chống thù trong giặc ngoài…Đoạn  HỊCH trên của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn nêu lên những “tệ đoan” trong xã hội nhằm hủ hóa các thành phần dân chúng – như cờ bạc, cá độ, làm giàu, ham và chiếm đoạt đất đai, thích nhà cao cửa rộng…và ngủ quên trên những “tầm thường” ấy … – là hãy biết tận dụng thời gian và sức lực để nghiên cứu “Binh Thư” hầu giữ được nền độc lập cho Nước Nhà, sự tự do cho Đồng Bào…Tóm lại là lời kêu gọi sống “khí phách” con người nói chung – và người trẻ nói riêng – để “xứng đáng” là thọ tạo yêu thương của Tạo Hóa và là “con người ngày càng biết lo toan, tính toán để giảm bới phần “con” và mạnh mẽ phần “người”…nơi chính bản thân mình.”

Riêng Đức Thánh Cha thì tha thiết nói với người trẻ chúng ta rằng:

“Nếu con đánh mất sức sống nội tâm, những giấc mơ, lòng nhiệt thành, niềm hy vọng và lòng quảng đại, Chúa Giê-su sẽ đứng trước mặt con như ngày xưa Người đã làm thế với đứa con trai đã chết của một bà góa, và với tất cả quyền năng của Đấng Phục Sinh, Người sẽ thúc giục con : “Này con , Ta bảo con : hãy trỗi dậy !” ( Lc 7 , 14)”…

 

Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp

Chia sẻ Bài này:

Related posts