Chuyện mỗi tuần – câu chuyện Ánh Sáng và Bóng Tối trong tác phẩm “Chữ người tử tù” của tác giả Nguyễn Tuân

Nguyễn Tuân sinh ở thôn Thượng Đình, xã Nhân Mục năm 1910, và qua đời năm 1987 tại Hàng Bạc, Hà Hội…

Truyện ngắn “Chữ người tử tù” lúc đầu có tên là “Dòng chữ cuối cùng” được đăng trên tạp chí Tao Đàn năm 1938…và sau này – khi được tuyển in trong tuyển tập truyện ngắn “Vang bóng một thời” thì tên truyện được đổi thành “Chữ người tử tù”…

Hai nhân vật chính trong  tác phẩm “Chữ người tử tù” là Huấn Cao – một tử tù phạm tội đại nghịch đang bị giam giữ đợi ngày hành quyết  và  là một con người tài hoa có khí phách và nổi tiếng viết chữ đẹp…và viên quản ngục – người quản lý nhà tù đại diện cho cái trật tự xã hội đương thời, một trật tự đầy dẫy bất công trong một xã hội thối nát, mục rữa, nhưng bản thân ông lại là con người yêu cái đẹp, hâm mộ người tài và có tấm lòng lương thiện…

Hai con người ấy gặp nhau trong khung cảnh nhà tù – một khung cảnh đương nhiên là tối tăm, mù mịt, thế nhưng giữa khung cảnh tối tăm, mù mịt ấy lại bừng sáng lên một cuộc trao đổi đưa đến những điều vô cùng tốt đẹp : ấy là sự tri kỷ của những con người có tâm, có tầm và sự thiện lương làm cho cuộc sống ngắn hay dài không quan trọng, nhưng đủ thời gian để trở thành rạng rỡ trong miên viễn…

Người viết đã tìm đọc câu chuyện này trong khi suy nghĩ về chủ đề tuần IV/Chay/A : Đức Giê-su  là  Ánh Sáng Thế Gian – qua việc Người chữa lành người mù từ thủa mới sinh (Gio 9 , 1- 14)…

Chúa chữa người mù từ thủa sơ sinh, nhưng lại đặt vấn đề với anh về đức tin : “ Anh có tin vào Con Người không ?”…Đồng thời cũng tự giới thiệu về chính mình với anh mù được chữa lành – và qua anh – là tất cả chúng ta : “ Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây.” (Gio 9 , 35)…

Qua đấy, Người mời gọi nhân loại rời khỏi tình trạng “mù thể xác” để quan tâm đến thứ tình trạng mù ghê gớm hơn : tình trạng mù lương tâm – sự bệnh hoạn làm cho con người đẩy đưa nhau vào sự chết – cả cái chết thể lý lẫn cái chết nội tâm…

Nhân loại trong hôm nay đang mù mở giãy giụa giữa cái chết ấy…

Chúng ta mượn câu chuyện “Chữ người tử tù” của tác giả Nguyễn Tuân để cùng nhau suy nghĩ…

Ở đây người viết chỉ xin ghi lại và chia sẻ về cảnh “cho CHỮ” – điểm chốt của tác phẩm và cũng là điểm diễn tả cảnh sắc tuyệt vời của Ánh Sáng giữa Bóng Tối…

-Không gian của cảnh ‘cho CHỮ” là ngục tối âm u…và có thể cũng là không gian của một xã hội, một thể chế nào đó…

-Thời gian là giữa đêm khuya…và đương nhiên là tràn đầy bóng tối – đêm khuya của nhân loại, đêm khuya của lòng người, đêm khuya của tình người…

Giữa cái không gian và thời gian mù mịt ấy xảy ra cảnh “cho CHỮ” mà :

-Người cho là một tử tù, gông đeo cổ, chân vướng xiềng và người nhận là viên quản ngục có uy, có quyền…

Thế là có “kỳ tích” : Giữa chốn ngục tù tàn bạo, cái THIỆN vẫn hiện lên mạnh mẽ và chiến thắng cái ÁC : đấy là chiến thắng của Ánh Sáng trên Bóng Tối…

Điểm đặc biệt nơi hai con người : một là người “cho CHỮ” với một tâm hồn thanh cao, tươi sáng được thể hiện qua những nét chữ tâm huyết gói trọn khí phách của một đời người và một nữa là người “nhận CHỮ” tuy sống giữa những bòng bong của đặc quyền, đặc lợi nhưng vẫn khát khao một cái gì đấy, một tình trạng nào đó tốt lành hơn, trong sáng hơn…Cả hai đã nhìn ra “tấm lòng” của nhau…và họ trở thành tri kỷ : giữa người cho và người nhận chỉ còn lại là sự trân trọng lẫn nhau…

Đức Giê-su không đến và không được gửi đến trần gian để chữa bệnh mù thể xác…Trong bài phát biểu lễ “mít tinh hưởng ứng tuần thị giác thế giới” tổ chức ngày 10/10/2019, PGS TS Cung Hồng Sơn – Giám Đốc Bệnh Viện Mắt Trung Ương – cho biết : thế giới có khoảng 314 triệu người mù và thị lực kém và Việt Nam khoảng 2 triệu người…Cho nên sự việc “ chữa người mù thủa sơ sinh” mà trích đoạn Tin Mừng ghi lại và Giáo Hội công bố ngày Chúa Nhật IV/Chay/A hôm nay là để nói với chúng ta rằng: nhận các bí tích khai tâm Ki-tô giáo, chúng ta mỗi người cố gắng lo cho mình một nhân cách thanh cao, tươi sáng – nhân cách người tin Chúa –  bởi vì mỗi chúng ta phải là một người “cho CHỮ” giữa cái “hôm nay” có vẻ mịt mù, u ám…

Chúa cũng muốn nhắc lại điều ấy khi Người cho chúng ta nghe lại câu trả lời cho người mù sơ sinh: “Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây” (Gio 9 , 37)

 

Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp

Chia sẻ Bài này:

Related posts