Những con số ấy người viết tình cờ đọc được…và – cũng từ những con số ấy – có chút “lắng đọng”…thỉnh thoảng lại làm bận đầu những lúc ngồi lại một mình trong căn phòng Nhà Hưu Dưỡng sau trên ba tuần nằm bệnh viện để “xử lý” cái đầu gối phải còn lại…Sở dĩ người viết phải “vòng vo tam quốc” về đầu đề câu chuyện tuần cuối năm 2019…là vì sáng nay được đọc – cũng lại là “đọc” ! – về 4 chỗ nên tới…khi mình cảm thấy “chán” – một trong 4 chỗ ấy là bệnh viện !!!
Những con số như thế này :
– Dân số : Việt Nam hiện nay có dân số ước tính khoảng 93 triệu người, đứng hàng thứ 13/243 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Dân số là một trong những đơn vị chinh được dùng để đánh giá độ lớn và nhỏ của một quốc gia. Việt Nam đứng hàng thứ 13 có dân số đông nhất thế giới…Cho nên – xét về mặt dân số – Việt Nam không phải là kém…
– Diện tích : Việt Nam có tổng diện tích đất liền khoảng 331.210 km2 , đứng hàng thứ 61/189 quốc gia trên thế giới. Diện tích quốc gia cũng là một đơn vị chính dùng để đánh giá độ lớn của quốc gia. Ở vị trí thứ 61, Việt Nam thuộc nhóm 1/3 quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới…Bởi vậy – xét về mặt diện tích – Việt Nam không phải là kém…
– Duyên Hải : Việt Nam là một quốc gia có địa thế rất đặc biệt : vừa tiếp cận biển ở phía Đông, vừa dựa vào rừng cây và cao nguyên ở phía Tây. Việt Nam đứng hàng thứ 33/154 quốc gia có bề dài duyên hải dài nhất thế giới với chiều dài duyên hải 3.444 cây số…Nên biết rằng có 47 quốc gia trên thế giới hoàn toàn nằm trong lục địa (không tiếp diện với biển) và 35 quốc gia có chiều dài duyên hải chưa đến 100 cây số…Cho nên – xét về bề dài duyên hải – Việt Nam không phải là kém…
– Rừng cây : Việt Nam có tổng diện tích rừng đứng hàng 45/192 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới với tổng diện tích rừng là 123.000 cây số vuông. Rừng Việt Nam được xếp vào lọai rừng có hệ sinh thái đa dạng và đặc biệt…Mặc dù rừng cây ở Việt Nam bị khai thác cách bừa bãi, nó vẫn nằm ở vị trí 1/3 các quốc gia đứng đầu về diện tích rừng…Bởi vậy – xét về diện tích rừng cây – Việt Nam không phải là kém…
– Đất canh tác : Việt Nam có tổng diện tích đất canh tác là 30.000 cây số vuông, đứng hàng 32/236 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới…Tổng số lượng lúa được Việt Nam canh tác đứng hàng thứ 5 trên thế giới trong số 20 quốc gia canh tác lúa gạo…Cho nên – xét về mặt đất đai canh tác – Việt Nam không phải là kém…
Đấy là xét về mặt những ưu thế – mà ông bà vẫn tự hào là “gấm vóc” – mà Tự Nhiên – hay Đấng Sáng Tạo hoặc Tạo Hóa – ban cho người Việt Nam chúng ta…và mọi tầng lớp con người Việt Nam mỗi ngày vẫn cần cù để mưu sinh và tồn tại…
Còn những “mặt” về phía “con người”…thì không được vui cho lắm :
– Giáo dục : Theo chỉ số của Human Development, Việt Nam đứng hàng 121/187 quốc gia – Không có một trường Đại Học nào của Việt Nam được lọt vào danh sách Trường Đại Học danh tiếng và có chất lượng…
– Bằng Sáng Chế : Theo International Property Rights Index, Việt Nam đứng hàng 108/130 tính theo giá trị trí tuệ…
– Ô Nhiễm : Theo chỉ số ô nhiễm, Việt Nam đứng ở vị trí 102/124 quốc gia…
– Thu nhập tính theo đầu người : Tuy thu nhập quốc gia của Việt Nam đứng hàng 57/193, nhưng Việt Nam lại đứng hàng 123/182 quốc gia tính theo thu nhập bình quân đầu người – nghĩa là Việt Nam ở trong nhóm 1/3 quốc gia có thu nhập đầu người thấp…
– Tham nhũng : Theo chỉ số tham nhũng mới nhất của tổ chức Transparency International…thì Việt Nam đứng hàng 116/177 quốc gia…
– Tự do ngôn luận (freedom of press) : Việt Nam đứng ở vị trí 174/180 – hơn Trung Quốc, Bắc Hàn, Syria, Somalia, Turmenistan và Eritrea – nghĩa là ở trong nhóm 1/20 quốc gia có chỉ số thấp nhất thế giới…
– Phát triển xã hội : Việt Nam không có trong bảng vì không đủ số liệu để thống kê…Tuy nhiên theo chỉ số chất lượng sống (Quality of Life)…thì Việt Nam có điểm là 22.58 – đứng hàng 72/76 quốc gia kém nhất thế giới…
– Y tế : Theo chỉ số y tế, sức khỏe…thì Việt Nam ở hàng 160/190 quốc gia trong nhóm những quốc gia có tổ chức y tế tệ nhất…
Theo báo cáo của Oxfam – năm 2014 – thì 210 người siêu giàu ở Việt Nam ( tức là những người sở hữu giá trị tài sản trên 30 triệu USD) có tổng tài sản khoảng trên 20 tỷ USD, tương đương 12% GDP cả nước…và người ta tính người giàu nhất Việt Nam – trong một giờ – có mức thu nhập cao hơn gần 5.000 lần so với số tiền mà nhóm 10% nghèo nhất chi tiêu hằng ngày cho những nhu cầu thiết yếu…Người ta dự đoán con số những người siêu giàu ở Việt Nam sẽ là 400 người vào năm 2025… 400/93.000.000 cho thấy rõ bậc thang giai cấp xã hội là như thế nào…
Trong bài diễn văn nổi tiếng vị mục sư người da đen Martin Luther King, Jr. đọc ngày 28/8/1963 tại bậc thềm Đài Tưởng Niệm Lincoln, ông nói về “Giấc Mơ” của mình:
Hôm nay, tôi có một giấc mơ !
Tôi mơ một ngày kia các thung lũng rồi sẽ được lấp đầy, những quả đồi, ngọn núi sẽ được san bằng, mặt đất gồ ghề trở nên phẳng phiu, những góc quanh co sẽ được uốn thẳng tắp, và sự huy hoàng của Thiên Chúa sẽ được bộc lộ và mọi người cùng thấy…
Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp