Bạn trẻ thân mến,
Trong câu chuyện khi dừng lại bên gốc cây lề đường, người viết đã lưu ý bạn về việc viết đậm và gạch dưới hai chữ “hiện tại” Đức Thánh Cha dùng khi nói với người trẻ chúng ta rằng: Chúng con là “hiện tại” của Thiên Chúa…
“Hiện tại” là “lúc này” và “ở đây”…
Bạn là “lúc này” và “ở đây” của Thiên Chúa – Đấng Vô Hình và Thường Hằng Bất Biến…Nơi Thiên Chúa không có quá khứ hay tương lai, nhưng luôn là “hiện tại”…Trong tiếng Latinh có một thuật ngữ hay được dùng và cũng thường được các “cụ” nhắc đến : “Hic et nunc – ở đây và bây giờ”…Với Thiên Chúa, Người luôn là Đấng “ở đây và bây giờ”, đồng thời Người cũng luôn có cái nhìn “ở đây và bây giờ” về tất cả những gì Người yêu thương và muốn chúng có mặt hay xảy ra do lòng yêu thương của Người…
Các bạn là “hiện tại” của Thiên Chúa – nghĩa là Đức Thánh Cha muốn kêu gọi chúng ta – trong trọn vẹn con người trẻ của mình cả về tâm hồn lẫn thể xác – chúng ta hãy là sự diễn tả về “Đấng Vô Hình và Thường Hằng Bất Biến” trong giây phút này và trên mặt đất trần gian này…để bất cứ nơi đâu và ở bất cứ thời khắc nào, mọi người vẫn nhận ra và chiêm ngưỡng khuôn mặt tươi sáng, thanh thoát, thánh thiện của Thiên Chúa qua người trẻ và giới trẻ chúng ta…
Bạn trẻ,
Từ số 64 đến số 70, Đức Thánh Cha nhắc lại Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ 15 về “Giới Trẻ, Đức Tin và Phân Định” từ ngày 3 đến ngày 28 / 12 / 2018…mà có thể nói là nội dung cũng khá xa lạ với phần đông người trẻ Việt Nam chúng ta…vì nhiều lý do, nhưng lý do lớn hơn cả vẫn là sự thiếu quan tâm đến giới trẻ và người trẻ nơi các Đấng Bậc có trách nhiệm…
Người viết muốn nhân cơ hội này để khái quát đôi chút về những chia sẻ của các người trẻ ở cuộc gặp gỡ tiền Thượng Hội Đồng…
Trong cuộc họp tại Roma ngày 19/3/2018, các bạn trẻ – khoảng 300 người – đã đồng loạt lên tiếng: “Chúng tôi cần các gương mẫu lôi cuốn, nhất quán và xác thực.” Thượng Hội Đồng đã ghi lại tiếng “kêu” này và đưa ra bản tài liệu “làm việc” của nhiều bạn trẻ thuộc nhiều ngôn ngữ khác nhau như một thứ “kim chỉ nam” giúp các Nghị Phụ trong Thượng Hội Đồng có cơ sở để làm việc…với giới trẻ, cho giới trẻ và vì giới trẻ…Sau đây là những điểm chính:
-Chúng tôi – những người trẻ – muốn có “các gương mẫu thu hút, nhất quán và xác thực”…Vậy “quý vị” – thế hệ ông cha – có thể có cho chúng tôi “một hình ảnh năng động về đức tin của quý vị” không?
-Người trẻ lấy làm tiếc…vì rất khó để nghe sứ điệp Tin Mừng được Giáo Hội – qua các thừa tác viên – loan báo…Điều này – cho đến hôm nay – vẫn là vấn đề của Giáo Hội Việt Nam…Ngoài một lớp giáo sĩ trẻ vẫn có thói quen “kéo” bài giảng trên mạng xuống để dùng …thì không ít những “vị” vẫn còn say sưa chuyện hay/dở ở “cách” chuyển tải những giáo huấn và thông điệp Tin Mừng của Chúa…Cộng đoàn nơi người viết sống chỉ khoảng dăm bảy vị còn có thể chia sẻ mỗi ngày trong Thánh Lễ…và vị nào cũng “thấy” là mình “giảng hay !”…Thậm chí có vị còn “thăm dò” các chị nữ tu cũng như chủng sinh về chuyện này…Tội nghiệp…Đa phần giới trẻ và người trẻ “ngán” lắm rồi…những giáo huấn đạo đức khô khan…và không được “làm chứng” bằng chính những “trải nghiệm” của bản thân người rao giảng, bởi nó vô hồn và nặng phần “lòng vòng”…Đấy là chưa nói đến những diễn tả…mà ngay cả những “vị” gần đất xa trời lắm rồi nhưng vẫn không thể lĩnh hội được ý của người trình bày…nói chi đến giáo dân và người trẻ !!!
-Người trẻ tha thiết xin Giáo Hội giúp họ có thể “kết nối” giữa “mục đích cá nhân” của họ với “ơn gọi như món quà và lời mời của Thiên Chúa”…Đơn giản, bạn trẻ mong Giáo Hội giúp họ trong việc nhận định ơn gọi, tháp tùng họ trong trách nhiệm cá nhân của họ để có thể nghe tiếng Chúa gọi…và “hòa hợp” tiếng gọi ấy với ước mơ của chính bản thân mình…
-Người trẻ mong ước Giáo Hội giới thiệu với họ những vị tháp tùng có một đào tạo tốt, không “ở trên bệ”, không là những người “hoàn hảo”, nhưng là những người có tội và đã được tha thứ…để rồi các ngài có được những “trải nghiệm” về ơn tha thứ của Chúa…và sẻ chia về những trải nghiệm ấy cho người trẻ…
-Người trẻ mong ước được gặp gỡ với một Giáo Hội “xác thực, biết chân thành công nhận những lỗi lầm trong quá khứ và trong hiện tại của mình”… “Một Giáo Hội đáng tin cậy là một Giáo Hội không sợ bị cho là mong manh”…Nếu sống được như vậy, Giáo Hội tự phân biệt mình với các thể chế khác và các quyền uy khác…vốn là những thứ “mãnh lực” mà đa số giới trẻ không tin tưởng…
-Người trẻ mong ước Giáo Hội quan tâm đến con người thay vì nại vào những thể chế…Họ lấy làm tiếc có những khoảng cách hay bức tường giữa các mục tử và người trẻ…Người trẻ hiểu rằng cộng đoàn mình đang sống phải là cộng đoàn của sự đón nhận và có lòng thương xót với từng cá nhân – kể cả những con người không hợp với chuẩn mực của họ…
-Người trẻ xin Giáo Hội “tin” ở họ…Họ có thể là “sự hiện diện vui vẻ, nhiệt tình và có tính truyền giáo”…Họ mong ước được tham gia vào tiến trình ra quyết định ở mọi cấp…Họ ước mong Giáo Hội có những khóa “đào tạo lãnh đạo” để người trẻ có thể đảm nhận những cộng đoàn cơ bản tại các Giáo Xứ…Người viết thấy rằng Giáo Hội Phi-luật-tân khá thành công về mặt này…Đã có thời gian người viết từng tham dự nhiều “diễn đàn” trẻ Công Giáo – trong đó những diễn giả trẻ rất thành thạo trong quá trình trình bày và điều hành diễn đàn…Người trẻ quả quyết : “Chúng tôi cảm nhận cách mạnh mẽ rằng chúng tôi sẵn sàng để trở thành những người có trách nhiệm.” Tại Trung Tâm Mục Vụ Đông Á Châu luôn luôn có các khóa “Đào tạo Leadership” nhằm giúp các Giáo Hội vùng Đông Nam Á gửi học viên đến tham dự…
Trong một ít hàng về vai trò “lãnh đạo” nói chung, người ta lưu ý : Có ba sai lầm phổ biến trong tư duy về quản lý và lãnh đạo : – cho rằng quản lý là lãnh đạo và ngược lại; – lãnh đạo ám chỉ những người ở vị trí cao nhất trong một cấu trúc tổ chức; – cần xác định lãnh đạo là người có thể được tạo ra chứ không phải được sinh ra hay nói dễ hiểu hơn : người ta trở thành lãnh đạo nhờ được giáo dưỡng chứ không phải tự bẩm sinh…Và người ta cũng đề cập đến 8 dấu hiệu để xác định khả năng thất bại trong quản lý và lãnh đạo:
-Không biết giao tiếp – đồng nghĩa với không biết lắng nghe…
-Không biết lãnh đạo – đồng nghĩa với không biết cách nói sự thật và tạo dựng lòng tin…
-Không thay đổi – đồng nghĩa với khó thích nghi với mọi biến động…
-Không có khả năng thiết lập mối quan hệ…
-Không có khả năng mang lại kết quả như kỳ vọng…
-Không có năng suất công việc cao…
-Không giúp nhân viên phát triển…
-Không chú ý phát triển bản thân…
Thiết tưởng – ở một phương diện nào đó – những dấu hiệu này cũng là một “bản xét mình” cho giới lãnh đạo ở nhiều tổ chức trong Đạo…
Người viết đang lóc cóc với bạn trẻ ở bước thứ XI này trong bối cảnh thời gian cận Têt con Trâu với những cuộc di cư lớn của các cộng đồng văn hóa Á Châu trong bối cảnh không vui của đợt bùng phát Dịch lần thứ ba khá là phức tạp…Đã có các Giáo Phận bắt đầu chương trình Lễ trực tuyến, đã có những thành phố cho học sinh các cấp nghỉ đến trường, đã có những khu cách ly được dựng nên cho đến thời gian sau Tết…Và dĩ nhiên trong lòng người Việt – đặc biệt người trẻ – niềm ước mong lớn là được sum học gia đình dịp đầu năm mới, đồng thời cũng là thời gian đẹp cho việc nghỉ ngơi sau những tháng ngày miệt mài công ăn việc làm suốt năm…Người viết muốn được chia sẻ lại với bạn trẻ Việt một vài suy nghĩ mục vụ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thông điệp video gửi người trẻ Việt Nam dịp Đại Hội Giới Trẻ miền Bắc 2019 vể chủ đề “Hãy Về Nhà” :
Đừng nghĩ về câu chủ đề của các con – “Hãy Về Nhà” – chỉ như một cuộc trở về…Đừng nghĩ về chữ “:NHÀ” như một điều gì đó khép kín và giới hạn. Đúng hơn, mỗi hành trình mà Chúa của chúng ta ban cho luôn luôn là một bước đi truyền giáo nhằm “để loan báo cho họ – những người quanh chúng ta – biết những điều tốt đẹp mà Thiên Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương anh như thế nào !” (Mc 5 , 19). Các con đừng quên rằng các con vẫn là thiểu số giữa lòng dân tộc mình – (suýt soát 7 triệu tín hữu Công Giáo / 96 , 46 triệu người Việt)…Vẫn còn đa số có quyền và đang chờ đợi được nghe Lời Tin Mừng. Vì thế , lệnh truyền của Đức Ki-tô vẫn còn là một lệnh truyền khẩn thiết dành cho chính các con hôm nay. Bây giờ, chính các con phải đảm nhận nhiệm vụ xây dựng một Giáo Hội – Ngôi Nhà trẻ trung và vui tươi, đầy sức sống và đượm tình huynh đệ. Ước gì nhờ đời sống chứng tá của các con, những sứ điệp cứu độ của Thiên Chúa có thể chạm đến trái tim của những người thân cận và đồng bào của các con. Luôn phải là chứng tá chứ không phải là lôi kéo.
Có thế các con sẽ hỏi Cha câu hỏi này : Làm cách nào để thực hiện nhiệm vụ ấy ? Cha đề nghị với các con ba đức tính cho việc làm chứng của các con trong giai đoạn này, đó là (1) trung thực; (2) tinh thần trách nhiệm; (3) lạc quan. Cả ba đức tính này vẫn cần được hướng dẫn bới tinh thần phân định.
Trong một xã hội tục hóa bị lèo lái bởi chủ nghĩa duy vật, rất khó để trung thành với căn tính và niềm tin tôn giáo của mình nếu không có khả năng phân định. Đây là điều xảy ra tại tất cả mọi thành thị và mọi đất nước trên thế giới. Việc sống trung thực có thể mang đến những thiệt thòi. Tinh thần trách nhiệm có thể khiến các con vất vả và đòi các con phải hy sinh. Tính lạc quan có thể trở nên kỳ dị trước thực tế lũng đoạn của xã hội tục hóa này. Nhưng đó chính là những giá trị mà xã hội và Giáo Hội của các con đang cần nơi các con. “Giữa một thế giới như vậy, các con hãy chiếu sáng như những vì sao.” (x.Phil 2 , 15) Các con đừng sợ chiếu tỏa căn tính Công Giáo thật đẹp của các con. Điều này cũng sẽ làm cho các con trở thành người yêu nước hơn, người Việt Nam hơn: một tình yêu lớn dành cho đất nước của các con, một lòng trung thành tuyệt vời của một người yêu nước.
Bạn – người trẻ Việt Nam – dù có về quê ăn Tết hay ở lại nơi bạn đang sống vì sự an toàn cho bản thân bạn và những người quanh mình trong đại dịch , bạn cũng hãy có cho mình : – sự trung thực; – tinh thần trách nhiệm; và sự lạc quan từng ngày để loan báo cho mọi người quanh bạn – thân nhân, bằng hữu và mọi người – rằng : Thiên Chúa yêu thương và Người muốn nói lên lời Tình Yêu qua những người tin – đặc biệt là người trẻ Công Giáo Việt Nam…
Chúc bạn Năm Mới bình an và chúng ta sẽ cất bước tiếp khi cùng nhau vào Mùa Chay Mới – Mùa Chay 2021…
Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp.