Chuyện mỗi tuần – chuyện của chương SÁU Tông Huấn Đức Ki-tô Đang Sống – về “Người trẻ với cội rễ”…và lời khuyên đầu tiên:”Đừng để mình bật rễ!”…

Bạn trẻ mến,

Đức Thánh Cha chia sẻ với chúng ta hình ảnh những  cây nho nhỏ và xinh xinh với những nhánh cây vươn cao mãi…như một “bài ca hy vọng”…Nhưng rồi một cơn bão đến và đi, những cây ấy gục ngã và héo chết, bởi chúng vươn cao nhưng bộ rễ lại chưa bén sâu bao nhiêu trong lòng đất…Hình ảnh những cây nho nhỏ và xinh xinh nhưng gục ngã ấy làm Ngài liên tưởng đến những người trẻ vươn tới tương lai, nhưng lại không có rễ … “như thế giới mới chỉ bắt đầu từ hôm nay vậy” – nghĩa là ta hành xử như ta là “khởi nguyên ” của thế giới !!! Và thưa bạn, Đức Thánh Cha nhắc đi nhắc lại rằng : “Chúng ta không thể lớn lên nếu thiếu đi những bộ rễ mạnh mẽ để nâng đỡ mình đứng vững và gắn chặt vào mặt đất. Thật dễ bị cuốn bay đi mất khi chúng ta không có một nơi nào để bám víu, không có chỗ nào để định cư.” [179]…

Thế nên “bộ rễ” con người, “bộ rễ” cuộc đời bạn phải có chỗ để mà bám, và “Đừng để mình bật rễ !”…

+ “Đừng để mình bật rễ !” – Đức Thánh Cha khuyến cáo bạn đấy…Ngài nói cách rất đơn sơ: Có sự khác biệt giữa “niềm vui của tuổi trẻ” và “sự sùng bái tuổi trẻ đầy sai lầm”… Và có những người cố gắng “lập lờ đánh lận con đen” giữa “niềm vui thanh khiết của tuổi trẻ” và “sự sùng bái lệch lạc vê tuổi trẻ”…nhằm mục đích “dẫn dụ người trẻ” và “lợi dụng người trẻ” cho mục đích của riêng mình – cá nhân hay tổ nhóm , phe phái [180]…

+ Đức Thánh Cha nêu lên một trường hợp giả định…nhưng lại là điều thường xảy ra trong hôm nay, đấy là  “ai đó đề nghị và nói với người trẻ rằng hãy phớt lờ lịch sử và không cần trân trọng kinh nghiệm của các bậc tiền bối; khinh thường quá khứ…mà chỉ nhắm đến tương lai do họ thêu dệt nên, thì chẳng phải đó là  cách thức dễ dàng để họ lôi kéo các con làm điều họ bảo hay sao?” Đức Thánh Cha vạch trần ý muốn của những người như thế : “Họ muốn các con nông cạn, mất gốc, và hoài nghi mọi sự, để các con chỉ biết tin vào lời hứa và tuân theo những kế hoạch của họ mà thôi” Và Ngài thẳng thắn vạch mặt chỉ tên : “Đó chính là cách thức mà các ý thức hệ khác nhau thực hiện”…Ý đồ của các “hệ thống tư tưởng và chính trị” ấy – tức các ý thức hệ – là nhằm để “tiêu huỷ ( hoặc phân rã) mọi sự khác biệt để có thể thống trị mà không bị phản kháng”…Và đấy cũng là lý do tại sao các ý thức hệ – hay hệ thống tư tưởng và chính trị – cố gắng “làm cho người trẻ xem thường lịch sử, chối bỏ kho tàng thiêng liêng và nhân bản được truyền lại qua bao thế hệ và không biết đến tất cả những gì có trước mình”…Không biết bao nhiêu những kiệt tác nghệ thuật, văn hóa, kiến trúc…bị giật sập. xóa  bỏ cũng như những nhồi nhét chủ nghĩa hiện sinh, thụ hưởng làm cho người trẻ lệch lạc về những giá trị cao cả của danh phận con người [ 181]…

+ Bên cạnh tình trạng “lập lờ đánh lận con đen”, “tạo hoài nghi” nhằm lèo lái và lợi dụng người trẻ…thì còn một cách thế nguy hiểm không kém, đấy là  tìm mọi cách để thổi phồng “sự sùng bái tuổi trẻ”…và “coi tất cả những gỉ không còn trẻ thì đáng chê bai và lỗi thời”…Để có thể thực hiện được âm mưu này, người ta có các kế hoạch và chương trình nhằm “thần tượng hóa” thân xác cũng như tất cả những gì thuộc về thân xác của người trẻ với những kiểu nói gây quan tâm và sùng bái…Chỉ cần một nút nhấn chuột là hàng trăm hàng nghìn hình ảnh xuất hiện với muôn dạng muôn vẻ…mà người trong ảnh cũng như người xem ảnh…đều nói lên sự “ham muốn vô độ”…Thế nhưng Đức Thánh Cha ngậm ngùi : đấy “là một thứ vũ khí chỉ làm hạ cấp người trẻ, tước mất của họ những giá trị thực và lợi dụng họ để đạt được những lợi ích cá nhân, kinh tế, hoặc chính trị” [ 182]…

+ Một cách rất ân tình và nhiều thương mến, Đức Thánh Cha năn nỉ người trẻ chúng ta : “Đừng cho phép người ta lợi dụng tuổi trẻ của các con, đẩy các con đến một lối sống nông cạn”…để rồi các con “đồng hóa cái đẹp…chỉ với … dáng vẻ bên ngoài !”…”Hãy biết rằng có một vẻ đẹp tuyệt vời nơi mỗi người lao động trở về nhà với vẻ lấm láp phờ phạc, nhưng lại chan chứa niềm vui khi đem cơm bánh về cho con cái” , “ có một vẻ đẹp kỳ diệu của một gia đình nhỏ quây quần bên mâm cơm gia đình dù rất đạm bạc nhưng biết chia sẻ cho nhau” , “có vẻ đẹp nơi một người vợ, dầu hơi nhếch nhác và hình hài đã in dấu thời gian, nhưng vẫn tận tụy chăm sóc người chồng ốm đau, mặc dù tuổi đã cao và sức đã yếu” , “có vẻ đẹp của một cặp đôi – dù mùa xuân của “thời lưu luyến ấy” đã qua rồi – nhưng họ vẫn yêu thương nhau đi qua mùa thu của cuộc đời” , “có vẻ đẹp của các cụ ông cụ bà vẫn nắm lấy tay nhau để cùng nhau sánh bước đến cuối cuộc đời” , “có những vẻ đẹp vượt trên cái đẹp ngoại hình và thời trang nơi những người nam, người nữ theo đuổi ơn gọi của mình với tình yêu để phục vụ quên mình vì cộng đồng và đất nước, nơi những người làm việc quảng đại để xây dựng một gia đình hạnh phúc, nỗ lực làm việc chăm chỉ trong âm thầm vô vị lợi để tái thiết một xã hội hòa hợp tiến bộ”…Và Đức Thánh Cha xin bạn trẻ chúng ta – mỗi người – hãy khám phá, bộc lộ và biểu dương những vẻ đẹp này , bởi những vẻ đẹp ấy vốn “phản chiếu cách sống động vẻ đẹp của Đức Ki-tô trên thập giá”…Và khi các bạn khám phá, bộc lộ, biểu dương những vẻ đẹp phản chiếu vẻ đẹp thập giá Đức Ki-tô, các bạn “đặt nền tảng cho sự liên đới xã hội đích thật và cho nền văn hóa gặp gỡ ” [183]…

+ Đức Thánh Cha nhắc đến kiểu nói “chiến lược” – nghĩa là chương trình hành động, kế hoạch hành động bao gồm biện phápcách thứccon đường nhằm dạt mục tiêu – và mục tiêu đó là  “hạ cấp người trẻ, tước mất của người trẻ giá trị thực, và lợi dụng họ”…Ngài cho biết : bên cạnh “chiến lược” ấy người ta còn  cổ võ “một thứ linh đạo không có Thiên Chúa” , “một kiểu tình cảm không cộng đồng và không dấn thân đến với những người đau khổ”, “nỗi sợ người nghèo như một mối nguy hiểm”, và “rất nhiều đề nghị làm chúng con tin vào một tương lai thiên đường ngày càng xa vời”…Đấy là tất cả những gì bạn “nhận ra” mỗi khi “lướt” MXH…và người ta ngày càng đặt “vừa vặn vào tầm tay” bạn những phương tiện nằm trong chiến lược ấy…để đạt mục tiêu họ muốn…Có vẻ như muốn nuốt nghẹn nỗi buồn của một tiếng nói thiện lương nhưng cô độc, Đức Thánh Cha bộc bạch: “Với tất cả tấm lòng, cha xin các con cẩn trọng đừng để mình bị ảnh hưởng bởi ý thức hệ đó, bởi nó không những không làm cho chúng con nên trẻ trung hơn, mà còn biến các con thành nô lệ”…Và Ngài động viên : “Cha đề nghị với các con mộcon đường khác, khởi đi từ sự tự do, nhiệt huyết và sáng tạo, hướng tới những chân trời mới, và đồng thời giúp chúng con chăm sóc những cội rễ nuôi dưỡng và nâng đỡ mình” [184]…

+ Suy nghĩ về tất cả những vấn đề trên đây, Đức Thánh Cha có một lưu ý dành cho các cộng đoàn Giáo Hội “không phải là phương Tây”, đấy là – qua các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng của những vùng miền ấy –  cho  thấy  “hiện tượng toàn cầu hóa  cũng hình thành nên một hình thức thực dân văn hóa” nhằm “tách người trẻ ra khỏi những cội rễ văn hóa và tôn giáo của mình”…Và Đức Thánh Cha xin các cộng đồng Giáo Hội bản địa “quan tâm đồng hành với những người trẻ trong tiến trình này (để) giúp họ không đánh mất những nét quý giá nhất trong căn tính của họ” [ 185]…

+ Đức Thánh Cha lên tiếng về một “xu thế” – nghĩa là một chiều hướng phát triển – trong hôm nay, đấy là xu thế “đồng dạng hóa” người trẻ, với mục đích  “làm mờ nhạt đi nét độc đáo về nguồn gốc của họ” để rồi “ biến họ thành những thứ sản phẩm dễ uốn nắn hàng loạt ”…Xu thế hay chiều hướng phát triển ấy dần dần tạo nên một sự “hủy hoại văn hóa nghiêm trọng” mà Đức Thánh Cha ví sự hủy hoại ấy “tương tự như sự tuyệt chủng của các loại động thực vật”…Ngày nay người ta đang nói và sợ về tình trạng tuyệt chủng thứ sáu xảy ra do chính con người bừa bãi trong phong cách sống  của mình – và có vẻ như đã đến giai đoạn “bất lực” – nghĩa là con người đành bó tay bởi “không còn ai chịu nghe ai” !!!Thật tội nghiệp !!!Và – cũng như Ngài đã lên tiếng nhắn nhủ các bạn trẻ trong cuộc gặp gỡ tại Panama – Đức Thánh Cha muốn nói với tất cả người trẻ chúng ta rằng : “ hãy chăm sóc cội rễ của mình, bởi vì từ chính cội rễ ấy sẽ phát sinh nguồn sức mạnh giúp các con ln lên, triển nở và trổ sinh nhiều hoa trái” (Sứ điệp video gửi Hội Nghị Thế Giới về Giới Trẻ bản xứ Panama từ 17 – 21 /01/2019) [ 186]…

Ôi –  lạy Thiên Chúa,

Chúng con cầu nguyện và van xin Người…

Xin hãy hướng dẫn và bảo vệ những người trẻ

khỏi những nguy hiểm, sự dữ…đang hoành hành trong thế giới hôm nay…

Xin Chúa ở với những người trẻ

để họ luôn cảm thấy Người đang ở đó – bên cạnh họ,

ngay cả khi họ đau yếu, cũng như lúc mạnh khỏe,

khi buồn phiền, cũng như lúc vui tươi,

cả những khi cô đơn và trong lúc họ có thật nhiều bạn hữu,

khi họ thành công, và cả những lúc họ thất bại…

Lạy Thiên Chúa Nhân Lành,

Xin ban cho người trẻ sự can đảm và sức mạnh,

để họ thực hiện được những quyết định đúng đắn

khi sống hành trình đời mình…

Nhờ vào quyền năng của Chúa Thánh Thần,

những người trẻ có thể nhận ra

và cảm nếm được sự chăm sóc yêu thương của Người…

Chúng con cầu xin – nhờ Đức Giê-su, Chúa chúng con – Amen

 

Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp

Chia sẻ Bài này:

Related posts