CHUYỆN MỖI TUẦN – CHUYỆN CỦA HAI CHỮ “CAO THƯỢNG”

Đây là một tĩnh từ – nghỉa là một từ gồm hai chữ để chỉ một tính cách nơi một con người…

Tĩnh từ này rất phổ thông ở những thế kỷ trước, nhưng thời gian gần đây – thời @ trở thành tính cách của một thế hệ  – thì tĩnh từ hai chữ ấy ít – hoặc không – được nhắc tới nữa…

Dĩ nhiên thế hệ @…thì cũng hình thành từ một thế hệ đi trước – thế hệ bản lề giữa cái ngày xưa và cái hôm nay…Thế thì tại sao tĩnh từ hai chữ diễn tả tính cách con người ấy lại gần như bị “tuyệt chủng” vậy ? Câu trả lời vô cùng đơn giản: cứ nhìn vào con người hôm nay, xã hội hôm nay, hoạt động hôm nay…và những ước mơ, những khát vọng, những tính toán của hôm nay…thì thấy ngay…là tĩnh từ “CAO THƯỢNG”…không còn đất sống !!!

Và tình cờ người viết được chia sẻ về một HÀNH VI CAO THƯỢNG nơi một con người từ tế…nên tự nhiên muốn có đôi ba suy nghĩ về nó nhằm mục đích chia sẻ…

Tự điển định nghĩa như thế này : Cao thượng là có phẩm chất, đạo đức cao cả, vượt lên trên những cái tầm thường, nhỏ nhen…

Định nghĩa thì có vẻ nặng ký như vậy đó, nhưng – ở một môi trường sạch cả về tinh thần lẫn con người – thì cao thượng là những gì người ta hành xử hằng ngày giữa con người với nhau cách nhẹ nhàng, vì cảm thấy đấy là quy luật phải có giữa những con người …Những qui luật hành xử ấy có thể có chỗ này chỗ kia đôi khi lệch lạc, nhưng rồi – với sự hỗ trợ của người quanh mình – người ta lại tìm  ngay lại được phong cách phải có…Và vui vẻ sửa đổi chình mình…

Ở những thế hệ trước, có một cuốn sách của văn hào người Ý Edmond De Amicis (1840 – 1908) nhan để  “Cuore” được tác giả A.Piazzi dịch sang tiếng Pháp với tựa đề “Les Grands Coeurs” và tác giả Hà Mai Anh dịch sang tiếng Việt là “ Những Tâm Hồn Cao Thượng”- một  cuốn sách thuộc loại “gối đầu giường” của nhiều thế hệ thầy cô cũng như học sinh…Cuốn sách ghi lại những tháng ngày trong một niên học của một cậu học sinh cuối cấp, những biến cố vui buồn trong khung cảnh của nhà trường và gia đình học sinh, những điểm đẹp đôi khi thoáng nhiễm chút u buồn của ngày tháng mài đũng…Thế nhưng tất cả được sắp xếp, được hòa giải, được sẻ chia trong bình an…để rồi nhà trường và những năm tháng cắp sách trở thành nỗi niềm hạnh phúc của tất cả: thầy cô cũng như học trò…Không có những hành động “vĩ đại” , “phi thường”…mà chỉ là nhữngtương giao đầy tình nghĩa, thế nhưng đấy được gọi là “Les Grands Coeurs” – những tâm hồn lớn, những “Tâm Hồn CAO THƯỢNG”…

Hai chữ CAO THƯỢNG mà người viết muốn chia sẻ ở đây là lời của một vị Linh Mục – khi được nghe con cháu  kể lại việc làm của hai ông xui gia – một già một trẻ – làm cho nhau  – đã tấm tắc: Một việc mà có lẽ cả ngàn người khác không làm nổi thì ắt phải cao thượng !

Việc gì vậy ???

Xin thưa, họ là thông gia của nhau dù người này hơn người kia tới một giáp…

Người viết xin phép được dùng đôi ba từ y như chia sẻ trải nghiệm của tác giả, dù những từ ấy có hơi thô lỗ một chút…Thô lỗ nhưng diễn tả…

Ông xui nhỏ tuổi đến thăm ông xui lớn tuổi đang ở trong tình trạng liệt giường và được vợ con thuê người giúp…Họ đút cháo cho nhau…Và ông xui nhỏ tuổi thấy ông xui lớn tuổi có vẻ chán ăn đồng thời thỉnh thoảng lại quặn bụng…như đang phải chịu đựng một điều gì đó…Gặn hỏi thì ông xui lớn cho biết là đang muốn đi cầu…Ông xui nhỏ ngỏ ý sẵn sàng giúp, nhưng ông xui lớn ngại:

-Anh cũng gầy yếu như tôi thì làm sao đỡ nổi tôi vào phòng tắm ?

-Anh cứ yên trí, tôi trẻ hơn anh 12 tuổi và không mang bệnh tật gì …

-Xin lỗi, tôi có thói quen mỗi khi đi cầu xong thì phải rửa đít…

-Thì tôi sẽ rửa đít cho anh…

-Thông gia đến với nhau để uống chén rượu chứ không phải để rửa đít cho nhau…

-Cái duyên uống rượu với nhau của chúng mình đã hết. Bây giờ là thời kỳ của cái duyên rửa đít cho nhau…Anh hiểu điều đó không ?

Tới đây thì tôi dùng hết sức bình sinh để nâng ông dậy và dìu ông vào phòng tắm. Tôi cởi quần ông ra bất kể ông kháng cự và đặt ông ngồi xuống bàn cầu. Chỉ sau vài giây là phân lỏng tuôn ra ào ào như bất tận.Sự sảng khoái hiện rõ trên nét mặt của ông. Ông trở thành ngoan ngoãn cho tôi rửa ráy trước, sau, mọi kẽ, mọi ngách. Ông cười đùa: “Anh rửa sạch gấp mười người giúp việc.”…

Tôi dìu ông về phòng. Đặt ông nằm trên giường. Mặt ông tươi hơn, hồn nhiên như chưa hề mắc bệnh multiple myeloma. Ông kể chuyện huyên thuyên, dòn như pháo rang. Toàn những kỷ niệm cũ, cho đến khi ông ngủ thiếp đi. Tôi đắp mền cho ông rồi đóng cửa phòng đi xuống lầu…

Một tuần sau thì ông qua đời…

Và sau tang lễ hai ngày thì vị Linh Mục – cháu của người mới qua đời – gọi cho ông xui trẻ để cám ơn và ca ngợi cái cử chỉ “cao thượng” mà ông xui trẻ dành cho ông xui già – bác của mình…

Ông xui trẻ ngỏ ý không dám nhận hai từ “cao thượng”…và biện bạch:

Hôm đó tôi đã không rửa đít cho một ông cựu luật sư danh tiếng. Tôi không rửa đít cho một ông cựu giám đốc báo chí Phủ Tổng Thống. Tôi đã không rửa đít cho một người lãnh giải thưởng văn chương của Thế Vận Hội Đông Kinh. Tôi đã không rửa đít cho một ông cố vấn pháp luật của Chính Phủ lưu vong. Tôi đã không rửa đít cho một danh nhân để cầu hư danh. Tôi chỉ rửa đit cho một người cần được rửa đít. Người ấy có thói quen phải rửa đít sau mỗi lần đi cầu nên đã dốc tàn lực chịu khốn khổ để nhịn đi cầu…

Người ấy đã bị tôi cưỡng bức rửa đít và đã sung sướng cực độ sau khi được rửa đít…

Tôi không dám nhận lời khen “cao thượng”, nhưng tôi nhủ thầm rằng: Trên đời này làm một việc cao thượng cũng  chẳng khó gì! Chỉ cần rửa đít cho một người cần rửa đít là được !

Và tác giả ghi bút danh là Con Cò…

Đương nhiên là người viết không hề biết và cũng không muốn biết đến tác giả Con Cò này làm gì, nhưng – cũng như Linh Mục nọ – người viết trân trọng hành vi của tác giả và nhìn nhận đấy là một hành vi cao thượng…

Đúng như tác giả Con Cò nói : Trên đời này làm một việc cao thượng cũng chẳng khógì…Phần cuối của thời lượng Truyền Hình 24h mỗi tối thường trình bày và giới thiệu “Những Tâm Hồn Cao Thượng” qua mục “Người Tử Tế”…Và một điều thấy rõ là hầu hết những con người tử tế ấy đều là những con người ở cấp dưới – nếu không bảo là cấp cuối cùng – của cái xã hội nặng nề những giai cấp, nhưng vẫn tự huyễn hoặc mình là xã hội “không giai cấp” !

Người viết thầy rằng cái chữ tối quan trọng mà con người phải nhận ra…và “người rửa đít” trên đây nói rất rõ, đấy là chữ “CẦN” : tôi chỉ rửa đít cho một người cần được rửa đít !

Những ngày này xôn xao chuyện Vườn Rau Lộc Hưng bị xóa số, vì muốn có đất để xây trường học – nghĩa là việc xây trường học quá đỗi cấp bách đến độ phải cưỡng chế ngay để có đất mà làm, trong khi chỉ còn vỏn vẹn suýt soát ba tuần lễ nữa là đến Tết Nguyên Đán – ngày của đoàn viên…và – theo truyền thống – thì con cháu – dù ở đâu và trong những biệt thự, biệt phủ như thế nào đi nữa – vẫn lấy việc dắt dìu nhau về nhà bố mẹ để cùng nhau thắp nén nhang đầu năm kinh nhớ ông bà tổ tiên, cùng nhau nhắp chén rượu đầu xuân và có lời chúc năm mới cha mẹ, dù căn nhà cha mẹ vẫn chỉ là một mái tôn vách vữa…Cái quan trọng không phải là căn nhà nhưng là nơi chốn chôn nhau cắt rốn…Và có một câu nói cửa miệng “Trời đánh tránh bữa ăn !”

Ông Trời cũng còn kiêng nể những giây phút sum họp hằng ngày, huống chi là sự đoàn viên của thời gian linh thiêng buổi Đầu Năm…Thiết tưởng ở đây chữ “CẦN” cũng phải được cân nhắc…Thế nhưng sự việc đã xảy ra…

Trong “Bữa Ăn Cuối Cùng” của Đức Giê-su và các môn đệ, Đức Giê-su cũng đã có một Hành Động Cụ Thể nhằm để giáo huấn: Người Rửa Chân cho các môn đệ…Và thánh sử Gioan tường thuật :

Sau khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói : “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không ? Anh em gọi Thầy là “Thầy” , là “Chúa” , điều đó phải lắm, vì quả thật , Thầy là Thầy , là Chúa . Vậy , nếu Thầy là Chúa , là Thầy , mà còn rửa chân cho anh em , thì anh em cũng phải Rửa Chân cho nhau. (Gio 13, 12 – 15)

Nử văn sĩ khiếm thị và khiếm thính, nhà hoạt động và diễn giả người Mỹ Helen Adams Keller (1880 – 1968) có một câu nói khiến tất cả chúng ta giật mình:

Chúng ta có thể đã chữa trị được hầu hết thói xấu xa, nhưng chúng ta vẫn chưa tìm ra liều thuốc cho thói xấu tồi tệ nhất : sự vô cảm của con người.

 

Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp

Chia sẻ Bài này:

Related posts