Chuyện mỗi tuần – chuyện của những chiếc… “bình sành”…

Đấy là những chiếc bình sành Tông Đồ Phaolô nói đến :

“Những kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi.” ( 2 Cr 4 , 7)…

Kho tàng mà Tông Đồ Phaolô – và những người tin Chúa – đựng chứa trong những “bình sành”…là kho tàng nào ? Thưa, đấy là Tin Mừng của Chúa được loan báo qua công việc phục vụ của tất cả những người tin – tùy họ thuộc thành phần nào trong cộng đồng Dân Chúa…và là chứng nhân của Tình Yêu Chúa giữa anh chị em mình…

Có câu chuyện rằng :

Một cô gái nọ vào tìm mua một cái bình cắm hoa trong một cửa hàng gốm sứ…Cô cầm một chiếc bình ở tầm tay mình rồi lần lượt chạm chiếc bình ấy vào những chiếc bình khác và nhăn mặt, lắc đầu…Quanh quẩn gần hết những chiếc bình trong cửa hàng…mà vẫn cứ là như thế : nhăn mặt, lắc đầu…

Bà chủ cửa hàng đến bên tò mò:

-Sao thế ? Sao cháu cứ chạm cái bình ấy vào những chiếc bình khác…rồi nhăn mặt, lắc đầu ?

-Thưa cô, những chuyên gia về đồ gốm nói với cháu rằng : cái cách để thử xem một chiếc bình có tốt không…là chạm chiếc bình này với chiếc bình khác…Nếu tiếng kêu vọng lên thanh thoát…thì là bình tốt…Nếu tiếng kêu khàn đục…là bình kém…Cháu đã thử…và chưa nghe được tiếng vọng nào…như ý…

Mỉm cười, bà chủ vói lên cao lấy một chiếc bình gốm đưa cho cô gái :

-Cháu thử lại đi…

Cô gái cầm chiếc bình ấy chạm nhẹ vào chiếc bình bên cạnh…và tiếng vọng nghe nhẹ nhàng, thanh thoát…

Thì ra muốn có được những tiếng vọng nhẹ nhàng, thanh thoát…thì không chỉ là đợi chờ nơi những chiếc bình khác…mà chính chiếc bình trong tay mình – hay nói cách khác : chính bản thân mình – phải là chiếc bình có chất lượng…

Tông Đồ Phaolô đã khéo rất khéo khi mượn hình ảnh những “chiếc bình sành” để nói về con người và sứ vụ mà mỗi chúng ta có được từ bàn tay của Thiên Chúa – bàn tay đã “nắn” nên Adam từ đất sét ở thủa ban đầu Tạo Dựng…và trao cho ông một sứ vụ…

Người viết nhận ra rằng : muốn có được một thành phẩm gốm tốt…thì đất sét phải trải qua ít ra là năm giai đoạn:

            1 – Khâu chọn đất sét và tinh luyện đất sét để lấy được đất nhuần nhuyễn nhất cho sản phẩm,

            2 – Khâu tạo hình sản phẩm trên bàn xoay với đôi tay lão luyện của nghệ nhân,

            3 – Khâu cắt gọt và trang trí hoa văn trên sản phẩm,

            4 – Khâu tráng men sản phẩm,

            5 – Và cuối cùng là khâu nung đốt sản phẩm…khoảng từ trên 1.000 độ C trở lên…

Ngày  xưa, khi còn làm mục vụ Giáo Xứ…và muốn có một tòa tháp Chăm thu nhỏ bằng đất sét Bầu Trúc, người viết đã đặt hàng nơi bà con nghệ nhân người Chăm ở Bầu Trúc…Họ cho biết là phải lấy đất sét ở triền sâu sông Quao – con sông mà bà con cho là con sông thiêng ở gần làng Bầu Trúc…Với bà con, con sông và đất sét trong lòng sông là món quà của Thần Minh ban tặng…để bà con có nghề gốm mà sinh sống…nên họ rất trân trọng đất sét ở đó…Và điều ấy cũng giúp người viết hiểu rằng : hình ảnh tạo dựng con người sách Sáng Thế diễn tả thật là tuyệt : mong manh đất sét nhưng là sản phẩm thánh thiêng của Tạo Hóa : ôi – tuyệt vời, hình ảnh những chiếc “bình sành” mà Phaolô nói đến : mong manh đất sét đấy, nhưng là “sản phẩm” chất lượng từ bàn tay quan tâm, chú trọng của Đấng Tạo Hóa – Nghệ Nhân Vĩ Đại và Thượng Trí vô song…

Bên trong cái dáng vẻ mong manh ấy chứa đựng KHO TÀNG…mà mỗi con người – trong sắp xếp của Thiên Chúa – được Người luôn hướng dẫn để hoàn thành sứ vụ Người trao : đấy là làm cho Lời của Người – và là Tin Mừng cho nhân loại – được loan báo, được sống…và mang lại những thành quả…

Tuy nhiên điều quan trọng là cái “bình sành” phải nhận ra chỗ đứng của mình và bằng lòng với ý

của Thiên Chúa nơi mình…

Có mẩu chuyện :

     

Một người gánh nước ở Ấn Độ có hai bình gốm lớn, mỗi cái được cột vào đầu một đòn gánh để anh ta gánh nước về nhà…Chỉ có điều hai cái bình gốm ấy…thì một cái còn nguyên vẹn…và cái kia có một vết nứt…nên khi đưa nước về tới nhà…thì cái bình bị nứt chỉ còn lại một nửa bình nước thôi…

Thế nhưng ròng rã hai năm trời, anh ta luôn gánh nước bằng hai cái bình ấy…

Dĩ nhiên cái bình tốt lên giọng với cái bình nứt…về sự nguyên vẹn của mình…và tình trạng sứt mẻ của cái bình kia…

Ngày kia, bên giòng suối, cái bình nứt than thở với người gánh nước : Tôi tủi thân…và muốn có lời  xin lỗi ông…Suốt hai năm qua…do vết nứt trên người tôi…mà nước ông đưa về tới nhà…không còn bao nhiêu, bởi đã rò rỉ hết trên đường…Ông đã rất chăm chỉ, nhưng vì tôi…mà …kết quả không được như ông mong đợi…

Ông gánh nước nói với cái bình nứt : Khi trên đường về nhà, ta muốn ngươi chú ý đến những bông hoa tươi đẹp mọc bên vệ đường…

Quả thật là như thế, trên đường về, cái bình nứt đã nhìn thấy cả một vệ đường muôn mầu muôn sắc và tươi roi rói trên đường đi…Tuy nhiên nó vẫn cảm nhận chút áy náy với số nước ít oi còn lại nơi mình…

Người gánh nước liền nói : Ta đã biết rõ vết nứt trên mình ngươi từ rất lâu rồi, nhưng ngươi có thấy không : cái vệ đường muôn sắc mầu tươi tắn ấy…là nhờ giòng nước từ vết nứt trên mình người rỉ xuống tưới tắm cho nó đấy…và cũng nhờ thế, trong nhà ta, lúc nào cũng có những bình hoa tươi trên bàn thờ…

Muôn nước hỡi, nào ca ngợi CHÚA,

ngàn dân ơi, hãy chúc tụng NGƯỜI !

Vì tình Chúa thương ta thật là mãnh liệt,

lòng thành tín của Người bền vững muôn năm. Allelluia!  – Tv 117 (116)

 

Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp – “Bình Sành” – ngày 7/9 – sinh nhật 45…

Chia sẻ Bài này:

Related posts