Chuyện mỗi tuần – chuyện của tuần XXXIII/TN/A từ Chúa Nhật ngày 15/11 – thứ bảy ngày 21/11…

Trong tuần XXXIII này, Đức Giê-su có :

– một dụ ngôn – dụ ngôn những nén bạc nhằm dạy chúng ta biết sử dụng vốn liếng Thiên Chúa ban như tài năng, tính tốt, trí tuệ…để “làm lời” cho Thiên Chúa và tha nhân…ở ngày thứ tư ( Lc 19 , 11 – 28)

Người có ba hành động :

– hành động chữa lành người mù thành Giêricô…ở ngày thứ hai (Lc 18 , 35 – 43)…

– hành động khóc thương Giêrusalem…ở ngày thứ năm (Lc 19 , 41 – 44)…

– hành động tẩy uế Đền Thờ…ở ngày thứ sáu (Lc 19 , 45 – 48)…

Người có một cuộc gặp gỡ đưa đến sự hoán cải như một kỳ tích:

– đấy là cuộc gặp gỡ với ông Da-kêu – người đứng đầu ngành thuế vụ tại thành Giêricô…ở ngày thứ ba (19, 1– 10)…

Ngày Chúa Nhật 15 – 11 : Giáo Hội Việt Nam mừng kính trọng thể Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Ngày thứ bảy 21 – 11 : Giáo Hội mừng kính sự kiện Đức Mẹ Dâng Mình trong Đền Thánh.

Và người viết muốn dành “chuyện mỗi tuần” của tuần XXXIII này để chia sẻ đôi điều suy nghĩ về:

– Cuộc gặp gỡ tuyệt vời giữa Chúa Giê-su và ông Da-kêu – vị trưởng ngành thuế thành Giêricô…

– Và cuộc gặp gỡ ấy được Chúa tái thể hiện nơi các Thánh Tử Đạo Việt Nam cũng như mỗi người tin…và đưa tất cả chúng ta  đến việc làm chứng cho Chúa…

Về cuộc gặp gỡ tuyệt vời giữa Chúa Giê-su và người đứng đầu ngành thuế vụ Da-kêu của thành Giêricô…

Cuộc gặp gỡ tuyệt vời này chỉ thấy trong Tin Mừng thánh sử Luca…và là câu chuyện để lại cho người đọc nhiều ngẫm nghĩ…

Điểm đặc thù nơi Da-kêu là ông có một chiều cao khá khiêm tốn – không phải chỉ là thấp thôi…mà là lùn – nghĩa là khoảng dưới 1,5 mét, nằm ở hàng thứ hai trong danh sách “tứ dị nhân”…Nhưng ông lại nắm giữ một chức vụ cao trong ngành thuế ở địa phương ấy…và là người nhiều tiền, nhiều của…Thời nào cũng vậy : ngành thuế là ngành bị đồng tiền ám ảnh…và con người cũng như cuộc đời lúc nào cũng nặng  mùi  tiền và mùi bạc…Khi kê ra danh sách “tứ dị nhân” vốn không được điểm tốt trong con mắt dân gian…thì vẫn có những cao kiến đặt tin tưởng vào “dị tướng” nơi người này, người kia…và cho rằng : đấy là những con người có tài lạ…

Người viết cũng muốn cùng chia sẻ  cái nhìn ấy khi ngắm nhìn con người “không cao lắm” Da-kêu: Ông thật tuyện vời và rất đỗi đơn giản…Đang ngồi vắt vẻo trên chiếc ghế thủ trưởng đơn vị thuế, nhưng lại sẵn sàng bỏ đấy, đứng lên…và đi tìm xem…khi nghe người ta xôn xao chuyện Vị Tiên Tri Giê-su ngang qua Thành…Chẳng lấy gì làm “lễ nghi” – súng sính trong y phục của quan chức – ông sẵn sàng kiếm một gốc sung bên đường để có thể nhìn cho rõ Vị Tiên Tri ấy…Cứ tưởng tượng cái cảnh một thân hình “không cao lắm” với áo mão, giày dép…mà phải ôm lấy một thân cây…để rồi trượt lên trượt xuống…và cuối cũng ghé ngồi vào được một chạng ba…đợi Chúa đi ngang…thì thấy được rằng ông quả thực là con người không nhiều những tự ty…ngược lại quyết tâm đạt được điều mình muốn…cách đơn sơ…và với ý nghĩ đơn sơ…Thật là dễ thương…Ông đi tìm Chúa theo cách của mình

Và niềm vui gặp gỡ Chúa đã được đẩy lên tới cao trào khi ông dõng dạc tuyên bố trong bữa tiệc chào mừng Chúa đến nhà ông : “Thưa Ngài, tôi xin lấy phân nửa tài sản của tôi mà cho người nghèo ; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì , tôi xin đền gấp bốn.” ( c.8)…Rất rõ ràng và có tính toán hẳn hoi…như “một thứ bệnh nghề nghiệp” vậy: – làm từ thiện thì phân nửa số tài sản mình có ; – đền bù…thì gấp bốn số thiệt hại đã gây ra cho từng người…

Và đâu là động lực của sự hoán cải mau chóng và tận tình như vậy ? Đấy là nhờ bước chân dừng của Chúa dưới gốc cây sung, ánh mắt ngước nhìn lên của Chúa…và lời yêu cầu ngọt ngào từ Đấng ông Da-kêu ngưỡng mộ và tìm xem : “Này ông Da-kêu , xuống mau đi , vì hôm nay tôi muốn ở lại nhà ông !”( c. 5)

Bạn thấy tấm hình minh họa trên kia không ? Họ đấy –  bên nhau…vui vẻ và hạnh phúc , bởi “Con Người đến để tìm và cứu”…Còn “phàm nhân lỗi lầm” thì bằng lòng để cho mình được tìm thấy và được cứu…

Phải chăng đây cũng là bài học mẫu cho công tác mục vụ của các Đấng Bậc được sai đi…và cho tất cả chúng ta…để hiểu rằng mỗi “hôm nay” của đời mình là một cuộc kiếm tìm của Thiên Chúa và sự đón tiếp nơi mỗi con người … tạo nên gặp gỡ và hoán cải đi đôi với bác ái và cho đi…

Cuộc gặp gỡ giữa Chúa và ông Da-kêu được tái thể hiện nơi các Thánh Tử Đạo Việt Nam…và các thế hệ những người tin…

Đúng là như thế,  cuộc kiếm tìm và giải cứu ấy kéo dài qua thời gian…và thể hiện trong không gian con người …cho đến Ngày của Chúa…

Chúa Nhật tuần này – ngày 15/11 – Giáo Hội Việt Nam mừng kính trọng thể Các Thánh Tử Đạo Việt Nam – bổn mạng Giáo Hội Việt Nam…

Lễ mừng này  theo lịch Phụng Vụ chung – thì được cử hành vào ngày thứ ba 24/11 – nhưng Giáo Hội Việt Nam được mừng vào ngày Chúa Nhật để tín hữu Việt Nam có thời gian thuận lợi đến Nhà Thờ dâng Thánh Lễ mừng các Ngài…và có dịp suy nghĩ về việc Ông Cha chúng ta đã gặp gỡ Chúa và được biến đổi hầu mỗi cá nhân các Ngài trở thành hiến tế, gắn kết với hiến tế Thánh Giá của Chúa Giê-su, mang lại ơn cứu chuộc cho nhân loại…và cho bà con đồng bào chúng ta…Hội Đồng Giám Mục Việt Nam – trong năm 2018 – đã cho ra mắt cuốn Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam khá công phu nhân dịp Năm Thánh Kỷ Niệm 30 năm sự kiện Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II long trọng tuyên phong 117 vị Tử Đạo Việt Nam ngày 19 tháng 6 năm 1988 tại Quảng trường thánh Phê-rô…Hy vọng là mỗi gia đình người Công Giáo có được tác phẩm này trong nhà mình…và người viết trộm nghĩ: nếu có được những cuốn phim hoạt hình hay những câu truyện tranh vẽ về cuộc đời của vị thánh này, vị thánh khác…sẽ rất tuyệt vời cho các em thiếu nhi…

Thật ra thì 117 vị Tử Đạo hay trong hôm nay – 7,9 triệu người Công Giáo Việt Nam (thống kê năm 2019) – thì cũng sẽ là bấy nhiêu cuộc gặp gỡ của từng cá nhân người tin với Đức Giê-su loan báo và kiếm tìm…và 117 vị Tử Đạo là thành quả trông thấy của một giai đoạn nào đó trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam cũng như lịch sử dân tộc Việt Nam…Cuộc gặp gỡ này từng ngày vẫn làm nên nền tảng của Giáo Hội tại Việt Nam này…khi người tin Chúa nhẹ nhàng từng bước đồng hành với bà con mình trong cuộc sống với sự cố gắng sống Lời Chúa ở mỗi cử hành bí tích – đặc biệt bí tích Thánh Thể…

Lich sử đã ghi lại những cực hình các Tử Đạo Ông Cha chúng ta phải chịu :

– Bá Đao nghĩa là bị cắt xẻ từng miếng thịt trên người cho đủ 100 miếng : 01 vị,

– Lăng Trì nghĩa là bị chặt tay chân trước khi chém đầu :  04 vị,

– Thiêu sinh nghĩa là bị đốt sống : 06 vị,

– Xử trảm nghĩa là chém đầu : 75 vị,

– Xử giảo nghĩa là tròng giây vào cổ và bị lý hình kéo hai đầu giây…cho đến chết: 22 vị,

– Rũ tù nghĩa là bị tra khảo…và bỏ đói cho đến khi chết rũ trong tù : 09 vị.

Rất nhiều cách “chết để làm chứng”…là thành quả của những cuộc gặp gỡ giữa Chúa với các Ngài – những cuộc gặp gỡ mang lại niềm tin và sự sẵn sàng cùng với Chúa nhận Thánh Giá của chính mình… từng ngày và từng bước lên đến đỉnh Sọ: có những bước vững vàng, mạnh mẽ…và cũng không ít những bước chập choạng, thậm chí quỵ ngã…Thánh Huy, thánh Thể, thánh Đạt…là những quân nhân Công Giáo còn trụ lại sau cùng khi các đồng đội và đồng Đạo của mình – 500 người – đã lần lượt chấp nhận bước qua Thánh Giá, nhưng rồi cả ba cũng đã yêu đuối chối Đạo…Về nhà, ngồi vắt tay lên trán, ba ông hối hận và quyết định vào thẳng kinh đô, nộp đơn xin tiếp tục giữ Đạo…và bằng lòng đón nhận những hình khổ, thầy Tôma Toán, 76 tuổi, hai lần đạp lên Thánh Giá vì chịu đựng không nổi những cực hình, nhưng khi đã thống hối, Thầy quyết tâm mạnh mẽ hơn…đến độ bị lột trần, trói tay chân, phơi nắng phơi sương ngoài sân suốt 13 ngày đêm…

Tất cả những cuộc gặp gỡ ấy đều biến đổi con người…và làm cho họ – thụ tạo mang thân phận “cây sậy” – nhưng sức lực nội tâm lại vô cùng: những “bình sành chứa đựng kho báu”(2Cr 4,7)…

Trong một Thánh Lễ mừng 50 năm hồng ân Linh Mục của một Đấng Bậc kia, ở cuối Thánh Lễ,vị Giám Mục chủ tế đã có một vài suy nghĩ về hai chữ “vô dụng” trong cụm từ “đầy tớ vô dụng” (Lc17, 10)…Ngài không đồng ý hai chữ “vô dụng” ấy…Ngài cho rằng đã vô dụng…thì quăng vào thùng rác cho rồi…Ý của ngài là : “Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói : chúng tôi là những đầy tớ (thế thôi) , chúng tôi đã làm việc bổn phận của một đầy tớ không hơn không kém!”  (c10)…Người viết – trong Thánh Lễ sáng thứ ba vừa qua – có chia sẻ với cộng đoàn Nhà Hưu về ý tưởng này…và an ủi anh em nghỉ hưu của mình rằng : sống một ngày Nhà Hưu mà không bận rộn chi hết theo đúng nghĩa của hai từ “nghỉ hưu” trong vui vẻ, hạnh phúc…thì cũng là “bổn phận” của người tôi tớ Chúa – một bổn phận không hề dễ dàng chút nào, một bổn phận không đầu rơi máu chảy nhưng nhàm chán đến độ “trầm cảm” …nếu không yêu Chúa…và “hữu dụng” một cách rất “đầy tớ”…

Ước mong sao – trong nội tâm sâu xa của mỗi con người tin – luôn có được những biến đối – để rồi qua chuỗi ngày sống hôm nay trong hành trình về Quê Trời, những anh chị em quanh chúng ta nhận ra những hoa trái là những hành động làm chứng theo gương các Tử Đạo Cha Ông, bởi vì:

Gặp gỡ Đức Ki-tô – biến đổi cuộc đời mình…

Gặp gỡ Đức Ki-tô – đón nhận ơn tái sinh…

Gặp gỡ Đức Ki-tô – chân thành mình gặp mình…

Gặp gỡ Đức Ki-tô – nảy sinh tình đệ huynh… Lm Tiến Lộc

 

Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp

Chia sẻ Bài này:

Related posts