Chuyện mỗi tuần – chuyện “Đồng Hành cùng Giới Trẻ “ – bước I: Phân Định hay Tỉnh Thức – Biết mình – Biết đọc bản thân hay Xét mình…

Chương trình Mục vụ Giới Trẻ trong 3 năm của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam…với các chủ đề như sau:

– Năm 2020 : Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

– Năm 2021 : Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình.

– Năm 2022 : Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo Hội và xã hội…

Thư chung HĐGM.VN đề nghị ba điều thực hành cụ thể :

– Giúp các bạn trẻ học hỏi Youcat ( Giáo Lý cho người trẻ) – Docat (Giáo huấn xã hội cho người trẻ) – và Tông Huấn “Chúa Ki-tô đang sống – Christus Vivit”…

– Cử hành “Ngày Giới Trẻ” tại các Giáo Phận và tổ chức Đại Hội Giới Trẻ toàn quốc khi kết thúc chương trình ba năm này.

– Sống : Tạo điều kiện cho các hoạt động của Giới Trẻ, bổ nhiệm các Linh Mục cùng đồng hành với Giới Trẻ và ứng dụng mạng xã hội vào công tác mục vụ Giới Trẻ để “cung cấp thông tin về mục vụ xã hội, trau dồi kiến thức và kỹ năng cần thiết để sống hiệp thông và loan báo Tin Mừng.”

Các Giám Mục của chúng ta cũng rất cụ thể trong công việc huấn luyện người trẻ :

– Về thể lý : giúp người trẻ rèn luyện thân thể khỏe mạnh, giữ kỷ luật đối với chính bàn thân, phòng ngừa các đam mê nguy hại như rượu, bia, ma túy, cờ bạc, nghiện game…

– Về tâm lý : giúp người trẻ luyện các đức tính nhân bản, đặc biệt tính trung thực, ý thức công bằng, lương tâm ngay thẳng, tinh thần trách nhiệm; – tạo điều kiện để người trẻ có cơ hội sinh hoạt cộng đồng, nhờ đó hướng mở tới tha nhân, tập sống chung và làm việc chung với tinh thần liên đới, quảng đại, vị tha; mở các lớp kỹ năng sống và nhận diện giá trị bản thân, trưởng thành tâm lý và tính dục, phát triển tương quan hài hòa với tha nhân.

– Về tâm linh : giúp các bạn trẻ gặp gỡ và củng cố tình bạn với Chúa Ki-tô, Đấng đang sống , nhờ cầu nguyện với Lời Chúa , tôn thờ Thánh Thể , tham dự Phụng Vụ cách tích cực. Để thực hiện được mục tiêu này, các mục tử và giáo lý viên cần canh tân việc dạy giáo lý cho giới trẻ bằng cách tổ chức các buổi tọa đàm, thảo luận theo chuyên đề, nhất là những vấn đề thiết thân với giới trẻ.

– Về Văn hóa : không thể tách rời việc đào tạo tâm linh ra khỏi đào tạo về văn hóa. Đào tạo văn hóa đích thực là phát triển sự khôn ngoan, tức tri thức nhân văn và phát triển nhân bản, chứ không chỉ tìm lợi ích vật chất và hiệu quả cụ thể tức thời.

– Về phân định Ơn Gọi : người trẻ cũng cần được dồng hành và hướng dẫn trong việc phân định tiếng gọi của Thiên Chúa, kêu mời họ bước vào đời sống tu trì hoặc đời sống hôn nhân, để họ đáp lại tiếng gọi của Chúa với tất cả tự do, ý thức đức tin và quảng đại dấn thân.

Và tất cả chúng ta đều biết là suốt năm vừa qua kể như chúng ta không có thời gian nhiều để thực hiện chương trình “Đồng hành cùng Giới Trẻ” năm 2020 này, bởi đại dịch Covid-19…và việc cách ly, gĩãn cách xã hội…rồi ngay sau đó là những tháng ngày miền Trung oằn mình dưới sức tàn phá của bão tố,lũ lụt…và cả Nước đôn đáo chuyện chia sẻ với bà con…Điều tất yếu là sau tất cả những tai họa ấy…thì công ăn việc làm của phần đông bà con cũng sa sút, nền kinh tế chung giảm mạnh…và ảnh hưởng không ít đến những sinh hoạt của mọi thành phần trong xã hội cũng như trong Giáo Hội…Trong hôm nay, mặc dù đã có những nới lỏng giới hạn giãn cách xã hội, nhưng mọi người vẫn như thấy còn ngơ ngác đứng trước những bất thường vừa trải qua…Cảm tưởng của giai đoạn sau những hoảng loạn từ cơn ác mộng…Và thời gian cuối năm Phụng Vụ cũng như những tờ lịch cuối của block lịch 2020…chẳng còn mấy tờ…

Người viết chợt nghĩ đến những bước chân đồng hành với bạn trẻ khi muốn cùng các bạn đọc lại với nhau Tông Huấn “Đức Ki-tô Đang Sống –  Christus Vivit” trong suốt năm Phụng Vụ B này – mỗi tuần cùng nhau bước một bước…rồi bước đến đâu thì hay đến đó…và – dĩ nhiên – cũng sẽ có những bước chập choạng…

Người viết mượn cụm từ của Phụng Vụ cuối và đầu năm để cất bước : đấy là thuật ngữ quen thuộc: Tỉnh Thức…để cùng các bạn trẻ đọc lại chương 9 trong Tông Huấn “Đức Ki-tô Đang Sống” – và chương 9 – chương cuối của Tông Huấn – có chủ đề là Phân Định…

Thật ra thì  Tỉnh thức – Biết mình – Biết đọc bản thân – Xét mình hayTìm ra bản thân mình…thì cũng là những kiểu nói diễn tả và có liên quan đến sự Phân Định mà Tông Huấn  muốn cùng suy nghĩ với bạn trẻ…

Trong chương 9 – với chủ đề Phân Định này – Đức Thánh Cha dành  20 số : từ số 278 – số 298…

Người viết muốn dừng lại để có vài ba suy nghĩ về số 279 , 285 và  286…

– Một thoáng nhìn về thứ văn hóa zapping…mà Tông Huấn nói đến ở số 279…Vậy zapping là gì ? và “văn hóa zapping” là như thế nào ? Độngtừ “Zap” có nghĩa là vụt đi, vọt đi…Zapping là động tác sử dụng bộ điều khiển từ xa để bấm chuyển kênh truyền hình liên tục mà không hề muốn chú ý nhiều đến bất cứ một chương trình cụ thể nào…Nó cũng là cách một đứa bé dùng “remote”…hay của một ai đó ở trong trạng thái nhàm chán, mỏi mệt…Và văn hóa zapping là thói quen lướt màn hình liên tục với một cái đầu trống rỗng…Đức Thánh Cha lưu ý các bạn trẻ rằng : nếu không “tỉnh thức – biết mình – biết đọc bản thân – xét mình- hay phân định”…thì chúng ta sẽ chỉ là “một con rối phó mặc cho những trào lưu chóng qua” kiểu zapping trên đây Và đây là thực tế hôm nay của Giới Trẻ Việt Nam nói chung…và Giới Trẻ Công Giáo nói riêng…Người viết thỉnh thoảng có dịp trò chuyện với dăm ba bạn trẻ tu sĩ, chủng sinh…cũng như sinh viên, học sinh…và hầu như tất cả đều có cùng một tâm trạng khi nắm cái điện thoại thông minh để lướt qua các trang mạng, facebook hay youtube : tất cả những gì dài hơn “một màn hình”…thì sẽ bị lướt qua ngay…và sau đó chẳng còn gí đọng lại trong đầu !!!  Kiểu “lướt” này nay đã trở thành thói quen : nó vừa “buộc” bạn trẻ khư khư chiếc Iphone trên tay bất cứ lúc nào, vừa tạo nên sự trống rỗng đầu óc…dù đã “loang loáng”  lướt trang và chuyển kênh (số 279)…Chính tình trạng “hời hợt” này biến ngưởi trẻ thành “con mồi” cho nhiều khuynh hướng, trào lưu…để rồi không biết mình thích gì và muốn gì…

– Ở số 285, Đức Thánh Cha khuyên các bạn trẻ – để có thể phân định, biết mình, biết bản thân mình, biết đọc bản thân, tìm ra bản thân – thì : – đừng khởi sự cuộc tìm kiếm bằng những câu hỏi đại loại như “có thể kiếm được nhiều tiền nhất ở đâu, hoặc ở đâu có thể nổi tiếng và uy tín xã hội nhất, hay công việc nào đem lại thích thú hơn”…vốn là những băn khoăn “hôm nay” của người trẻ…Hiện nay – tại Việt Nam – nhan nhản những công ty giải trí hay hãng giải trí tham gia quản lý và xây dựng hình tượng cho ca sĩ, nhóm nhạc, diễn viên, những “lò” luyện hoa hậu, “lò” luyện người mẫu, trung tâm đào tạo DJ chuyên nghiệp…và không ít các bạn trẻ đăng ký tham gia với ước mong có thể tìm được một chỗ đứng khả dĩ cũng như một đời sống sung túc…Dĩ nhiên là miệt mài kiếm tìm và xây dựng cái “tôi” trong những lãnh vực ấy…thì cũng sẽ phải chấp nhận những “nghiệt ngã”…Tội nghiệp một điều là không những giới trẻ…mà ngay cả các bậc phụ huynh cũng đôn đáo chuẩn bị tương lai cho con cái mình – một tương lai mà họ nghĩ là sẽ giàu có, sang chảnh…cho nên – trên sàn diễn – thỉnh thoảng chúng ta vẫn gặp những người mẫu “nhí” với điệu bộ y chang đàn anh, đàn chị …hoặc những ca sĩ, những bước chân nhảy “nhí” không khác gì thề hệ nghệ sĩ đi trước…Người viết chợt nhớ tới chuyện Mẹ thầy Mạnh Tử ba lần dọn nhà để lo cho tương lai của cậu con : lần thứ nhất đến ở gần một nghĩa trang…Mạnh Tử hằng ngày nhiều lần chứng kiến người ta đào, chôn, lăn, khóc…nên về nhà bắt chước cũng đào, chôn, lăn, khóc…Mạnh Mẫu thầm nghĩ :Chốn u ám, gian dối này không phải là nơi con ta ở…Vậy là dọn nhà…Dọn đến gần một khu chợ, ngày ngày Mạnh Tử bắt chước cảnh huyên náo, điên loạn, lọc lừa cùng những ngôn ngữ “chợ búa !”của kẻ bán, người mua…Lại nghĩ: Chỗ thị phi này cũng không là nơi con ta ở được…Và tiếp tục dọn nhà…Đến gần một ngôi trường, Mạnh Tử chứng kiến các cô cậu học trò siêng năng, chuyên cần đua nhau học lễ nghĩa, nhân cách…và chính cậu cũng xin mẹ cho cắp sách đến trường…Mạnh Mẫu vui mừng: Đây mới thực sự là chỗ giúp con ta nên người…

– Ở số 286, Đức Thánh Cha khuyên chúng ta – người trẻ – đừng loay hoay về câu hỏi “Tôi là Ai?”, nhưng tốt hơn nên tự hỏi mình và cố gắng để tự tìm câu trả lời cách nghiêm túc : Tôi sống vì ai vậy ? Đức Thánh Cha cho biết là chắc chắn là con cái Chúa thì chúng ta sẽ trả lời : Tôi sống vì Chúa, nhưng cũng đừng quên rằng, trong khi sống vì Chúa, chúng ta cũng sống vì người khác nữa, bởi Thiên Chúa đã ân ban cho chúng ta “nhiều phẩm chất, khuynh hướng, ân huệ và đặc sủng” không phải dành cho chúng ta…mà là dành cho người khác…và – qua chúng ta – anh chị em quanh chúng ta được hưởng nhờ những ân ban ấy…

 

Người viết xin phép được dừng bước thứ I ở đây cho tuần đầu Mùa Vọng/B này…Luôn tiện xin gửi đến các bạn trẻ tâm tình Đức Thánh Cha trong sứ điệp video nhân sự kiện bàn họp về “Nền Kinh Tế Phanxicô” từ ngày 19 – 21/tháng 11 tại Assisi  – Ngài nói về cơ hội để trở thành người Samaritanô tốt lành:

Các bạn tre thân mến,

Ngày nay, chúng ta đang đứng trước một cơ hội tuyệt vời để thể hiện chúng ta là anh chị em của nhau, là những người Samaritanô tốt lành khác, những người nhận lấy nỗi đau thất bại, thay vì khơi dậy hận thù và oán giận.Một tương lai không thể đoán trước đã hình thành, mỗi người trong các con, bắt đầu từ nơi mình làm việc và quyết định, có thể làm được nhiều điều; đừng chọn lối đi tắt, nó dụ dỗ và ngăn cản các con trộn men vào nơi các con đang hiện diện (Lc 13 , 20 – 21)…Không có đường tắt, men : làm bẩn tay. Một khi cuộc khủng hoảng sức khỏe mà chúng ta đang trải qua kết thúc, phản ứng tồi tệ nhất sẽ là rơi vào cơn sốt chủ nghĩa tiêu dùng và những hình thức tự bảo vệ ích kỷ mới. Đừng quên, người ta không bao giờ thoát ra khỏi cơn khủng hoảng với tình trạng giống như trước: chúng ta sẽ trở nên tốt hơn hay tệ hơn. Chúng ta hãy gia tăng làm những gì tốt đẹp, nắm lấy cơ hội và phục vụ công ích. Hãy học cách phát triển một lối sống biết cách nói “chúng ta” – một “chúng ta” vĩ đại, không phải một “chúng ta” nhỏ bé.

[……………………………………………………..]

Với các bạn trẻ đến từ 115 quốc gia, cha mời các con nhận ra rằng chúng ta cần nhau để mang lại sức sống cho nền văn hóa kinh tế này, có khả năng “biến ước mơ đâm chồi, khơi dậy những lời tiên tri và tầm nhìn, làm cho hy vọng nở hoa, khuyến khích niềm tin, băng bó vết thương, dệt nên các mối quan hệ, làm sống lại một bình minh hy vọng, học hỏi lẫn nhau và tạo ra một hình ảnh tích cực soi sáng tâm trí, sưởi ấm những tâm hồn, phục hồi sức mạnh cho đôi tay và truyền cảm hứng cho những người trẻ – tất cả những người trẻ, không ai bị loại trừ – viễn tượng về một tương lai tràn ngập niềm vui của Tin Mừng.,

 

Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp – tuần I/Vọng/B – 2021

Chia sẻ Bài này:

Related posts