Chuyện mỗi tuần – chuyện “Đồng Hành cùng Giới Trẻ” – bước II : Phân Định hay Tỉnh Thức – Biết mình – Biết đọc bản thân hay Xét mình (tiếp theo)…

Ở bước thứ hai này, người viết muốn cùng bạn trẻ đọc lại các số 281- 282 – 283 và 284…để có điều kiện bước sâu hơn vào sự Phân Định hay Tỉnh Thức – Biết mình – Biết đọc bàn thân mình…và Xét mình…


Số 281, Tông Huấn nói với chúng ta về việc huấn luyện lương tâm – một việc mà Đức Thánh Cha bảo rằng là một tiến trình của cả đời người…Và việc huấn luyện ấy nhằm trau dồi cảm xúc của cá nhân để dần dần ta có cùng một tâm tình như Chúa Giêsu Kitô – nghĩa là chúng ta nhìn ngắm Người trong những chọn lựa của Người để rồi – trong chọn lựa của chính mình – chúng ta có những quyết định hợp tiêu chuẩn và ý Chúa muốn…Và tiêu chuẩn quan trọng, đấy là: “ Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su.” Và tâm tình ấy là : “Vốn dĩ Người là Thiên Chúa, nhưng không nghĩ nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” ( Pl 2 , 4 – 8)

Nhớ lại chuyện xưa – thời Xuân Thu – có người tên là Biện Hòa – ngày kia, nhặt được một viên ngọc thô trên núi…và biết rằng đấy là một viên ngọc quý…Ông đem dâng cho Sở Lệ Vương…Sở Lệ Vương cho vời một thợ ngọc đến…và tên thợ ngọc này nhìn qua rồi nói : đây chỉ là một hòn đá bình thường ! Sở Lệ Vương cho rằng Biện Hòa đã có ý lừa mình liền sai chặt chân phải của Biện Hòa…Sau khi Sở Lệ Vương qua đời, Sở Vũ Vương kế vị và Biện Hòa lại dâng ngọc…Tên thợ được vời vào cũng vẫn khăng khăng rằng đấy chỉ là một hòn đá tầm thường…Biện Hòa lại bị chặt chân trái…Sở Vũ Vương qua đời, Sở Văn Vương đăng cơ…Biện Hòa ôm viên ngọc thô khóc ròng suốt ba ngày ba đêm đến độ mắt ứa máu…Sở Văn Vương biết chuyện liền sai thợ làm ngọc đem hòn đá thô ấy đi mài giũa…và phát hiện đấy đúng là một viên ngọc quý được đặt tên là ngọc Hòa Thị Bích – tức viên ngọc bích họ Hòa…Cũng từ đấy có câu : thà làm ngọc nát còn hơn ngói lành…để nói lên quyết tâm : thà nghèo mà tâm hồn sạch còn hơn giàu mà tâm bất chính…

Huấn luyện lương tâm để biết sống và tìm lợi ích cho tha nhân cũng như biết khiêm tốn hạ mình…là công việc từng ngày phải tập, bởi vì : “Ngọc không mài, không thành quý”… Lương tâm là viên ngọc quý ấy – nó sẽ mãi mãi thô thiển, xù xì…nếu không được bản thân chúng ta mài giũa qua những trải nghiệm thất bại cũng như thành công của từng ngày…Lương là lành, là tốt, là đúng và tâm là lòng người…Lương tâm là một con người có lòng và sống đúng, sống tốt, sống lành…Đức Giêsu – con Thiên Chúa – Người có lòng với phàm nhân lỗi lầm chúng ta…nên tuyệt đối vâng ý Cha Người – Người chấp nhận mặc xác phàm, đến giữa trần gian…và rất bằng lòng với thân phận của “tử tội bị treo”…để nên tâm điểm hòa giải và kết nối giữa Thiên Chúa là Cha – Đấng sáng tạo – và con người là con “trong Đức Giê-su” – một thụ tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa Tạo Hóa Cha – Con – và Thánh Thần…Trái tim bị đâm thâu của Người là điểm “gặp gỡ” bình an của chiều thẳng đứng và cánh nằm ngang giữa Trời và Đất, Thiên Chúa và con người…

Số  282, Đức Thánh Cha cho biết nội dung của công cuộc mài giũa lương tâm, đấy là : để cho Chúa Ki-tô biến đổi đời mình, và cụ thể là  tập cho mình một thói quen làm điều thiện, kiểm điểm lại ngày sống Công Giáo của mình mỗi tối, đồng thời – qua việc xét mình ấy – nhận ra được hoạt động của Chúa nơi những trải nghiệm trong ngày, nhìn thấy những hoạt động của Chúa trong các biến cố lịch sử hay văn hóa  mình đang sống, và học hỏi nơi  nhân cách những con người đi trước hay đang sống quanh mình…Do đấy, công việc kiểm điểm ngày sống của mình thì không chỉ vắn gọn trong một “hành vi thống hối” dăm ba giây trước kinh tối, nhưng là một thời gian tương đối để thực sự có một “cái nhìn” về ngày đã qua…Đây là chuyện có thể nói giáo dân hiếm khi làm…và giới trẻ nhà tu…ngày càng ít quan tâm…

Số 283 & 284, Đức Thánh Cha nhấn mạnh về tầm quan trọng của cô tịch – tĩnh lặng – và cầu nguyện…Cô tịch và tĩnh lặng – khi nói đến…thì ai ai cũng tỏ vẻ thích…và muốn, nhưng thực sự sống cô tịch và tĩnh lặng…là điều không dễ dàng chi…Nhà Hưu – được mệnh danh là Nhà Nghỉ Dưỡng – vốn là nơi chốn nghỉ ngơi của những “vị lão thành” sau nhiều năm bôn ba công việc ngoài Xứ…Thế nhưng đâu có mấy ai thích đi hưu đâu, và những người đã đi hưu rồi cũng “cọ quậy”…để thấy mình “vẫn còn ý nghĩa” với đời và với người…Không phải ai ai cũng dễ dàng chấp nhận thực tại “vắng mợ – chợ vẫn đông” như dân gian thường nói đâu…Đấy là não trạng của thế hệ “ông”…nói chi đến thế hệ con và cháu trong “hôm nay” – một “hôm nay” của tiêu chí : “lợi nhuận” là tất cả…

Cô tịch, tĩnh lặng và cầu nguyện cũng là thời gian mỗi người tin nhìn lại một ngày “huấn luyện lương tâm”  để nó luôn ngay thẳng, bởi “lương tâm ngay thẳng càng thắng thế thì cá nhân cũng tránh được thái độ độc đoán, mù quáng và càng nỗ lực tuân phục những tiêu chuẩn khách quan của luân lý.” (GS 16)…

Cách đơn giản :

-Có lương tâm mới giữ được mệnh lệnh của luân lý, mới nhận định rõ Thiện/Ác…

– Có lương tâm và sống theo lương tâm mới tránh được lối sống độc tài, tàn ác, quỷ quyệt…

– Có lương tâm mới có thể dễ dàng cộng tác vào công trình xây dựng xã hội công bằng, tôn trọng phẩm giá và sự sống của con người…

Tuy nhiên một thực tế, đấy là con người chúng ta – với phần “con” và phần “người” nơi mỗi cá thể – chúng ta luôn bị cám dỗ đứng trước những ranh giới Thiện/Ác, Tốt/Xấu. Lành/Dữ…trong ngày sống … “Mài ngọc” là sự cương quyết nói “KHÔNG” với cám dỗ…

Có câu chuyện thời Tam Quốc : Quan Vân Trường – sau khi thất thủ thảm bại ở Hạ Bì – đã đơn thân độc mã phò hai người chị dâu (vợ của Lưu Bị) qua nương tựa nơi nhà của Tào Tháo. Đêm đến, Tào Tháo cho ba người cùng chung một phòng…với dụng ý là muốn cho chị em loạn luân, chúa tôi thất lễ !

Quan Vân Trường lòng dạ thẳng ngay, suốt một đêm tay cầm đuốc, tay cầm sách Xuân Thu đọc cho đến sáng…Tào Tháo khen Quan Vân Trường là người chính trực…Từ đó…có thuật ngữ “Ngọn đuốc Vân Trường” để chỉ những người ngay thẳng, không để vật dục quyến rũ…

Khá nhiều ban trẻ xin ý kiến về việc thắng cám dỗ, các bạn hãy là những “ngọn đuốc Vân Trường” – cương quyết nói “KHÔNG” với những thú vui, những nơi chốn…mà mình biết đấy là cám dỗ!!!

Đức Thánh Cha – trong Thánh Lễ cùng cử hành với các Tân Hồng Y ngày Chúa Nhật 29/11/2020 vừa qua – có chia sẻ về sự Tỉnh Thức và Cầu Nguyện…

Ngài nói :

Có một cơn buồn ngủ nguy hiểm : cơn buồn ngủ của sự tầm thường. Nó đến khi chúng ta quên đi tình yêu ban đầu và chỉ chú ý đến cuộc sống bình lặng. Nhưng nếu không nhiệt tình đối với tình yêu Thiên Chúa, không chờ đợi sự mới mẻ của Người, chúng ta trở nên tầm thường, hờ hững, theo thế gian.Và điều này ăn mòn đức tin, bởi đức tin trái ngược với sự tầm thường : đó là ước muốn nhiệt thành của Thiên Chúa, là sự can đảm hoán cải liên tục, can đảm yêu thương, luôn tiến về phía trước. Đức tin không phải là nước dập tắt, nó là lửa bùng cháy, nó không phải là liều thuốc an thần cho những ai đang căng thẳng, nó là câu chuyện tình yêu cho những ai đang yêu! Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu ghét sự hâm hẩm, chẳng nóng chẳng lạnh, hơn bất cứ điều gì! (Kh 3 , 16).

Vậy làm thế nào chúng ta có thể thức dậy khỏi giấc ngủ của sự tầm thường? Với sự tỉnh thức cầu nguyện…Cầu nguyện là thắp lên một ngọn đèn trong đêm. Cầu nguyện đánh thức chúng ta khỏi sự tầm thường, hướng cái nhìn chúng ta lên tới Chúa. Cầu nguyện làm cho Chúa ở gần chúng ta; do đó giải thoát chúng ta khỏi sự cô đơn và mang lại hy vọng. Cầu nguyện cung cấp dưỡng khí cho cuộc sống : cũng như chúng ta không thể sống mà không thở….Cho nên chúng ta không thể là ki-tô hữu nếu không cầu nguyện…Và cần nhiều ki-tô hữu đánh thức những người đang mê ngủ, cần nhiều ki-tô hữu thờ phượng cầu thay những người đang ngày đêm mang bóng tối của lịch sử đến trước Chúa Giê-su – ánh sáng của lịch sử…

Có sự ngủ mê bên trong : giấc ngủ của sự thờ ơ…Những người sống dửng dưng…thấy mọi sự như nhau, như đêm tối, và không quan tâm ai ở giữa họ. Khi chúng ta chỉ chú ý đến chính mình và những nhu cầu của mình, thờ ơ với những nhu cầu của người khác, thì bóng tối ở trong tâm hồn chúng ta. Chẳng bao lâu chúng ta bắt đầu than phiền về mọi thứ, sau đó chúng ta cảm thấy mình là nạn nhân của mọi người và rồi có những mưu tính về mọi thứ. Ngày nay, đêm tối này dường như đã rơi vào nhiều người, những người chỉ đòi hỏi cho mình và không quan tâm đến người khác…

Làm thế nào để chúng ta có thể thức dậy từ giấc ngủ thờ ơ này ? Với sự thức tỉnh bác ái. Bác ái là con tim của ki-tô hữu : chúng ta không thể sống nếu không có nhịp đập của trái tim, cũng vậy- chúng ta không thể là ki-tô hữu nếu không có lòng bác ái. Mọi thứ sẽ qua đi…và chỉ còn lại là Tình Yêu…Chính bằng những hành động của lòng thương xót mà chúng ta đến gần Chúa…

Không chỉ đến gần Chúa thôi mà – với anh chị em mình – chúng ta còn “gánh” nhau…như chủ đề Đêm Nghệ Thuật hướng về bà con miền Trung do HĐGM.VN tổ chức  – đêm 27/11/2020 : Gánh nhau trong đời

Mời bạn trẻ – chúng ta cùng cất bước – bước thứ hai…

 

Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp – tuần II/Vọng/B

Chia sẻ Bài này:

Related posts