Bạn trẻ mến,
Khi cùng bạn nói về chuyện làm sao để có thể phân định ơn Chúa gọi mỗi chúng ta, người viết mượn tạm tượng Chúa Cứu Thế cao 30 mét ở Rio de Janeiro của Brasil được gắn lên mình Ngài tất cả quốc kỳ của các Nước trên Thế Giới với chủ đề : Chúa ôm tất cả bệnh nhân nhiễm Covid – 19 …để diễn tả về việc Ngài gọi chúng ta từng người, bởi Chúa ôm và khát khao được ôm nhân loại bệnh hoạn qua từng ơn gọi Ngài thể hiện nơi mỗi cá nhân con người…mà – hôm nay – Đức Thánh Cha muốn trao đổi với chúng ta…
Thế nhưng điều quan trọng và khẩn thiết, đấy là chúng ta phải phân định để biết Chúa gọi mỗi chúng ta với lời gọi nào và để làm gì ???
+ Để có thể phân định thì Đức Thánh Cha muốn chúng ta phải có cho mình sự cô tịch và tĩnh lặng…Cô tịch và tĩnh lặng để suy gẫm – suy nghĩ – và quyết định…bởi – đơn giản – đấy là quyết định của cá nhân, của chính mình…mà người khác không thể làm thay…Đức Thánh Cha dạy : “Dù cho Chúa nói với chúng ta bằng nhiều cách, tại nơi làm việc, qua những người khác và vào bất cứ lúc nào, chúng ta không thể bỏ qua việc cầu nguyện trong thinh lặng lâu giờ vốn có thể giúp chúng ta nhận rõ hơn tiếng nói của Chúa, để hiểu ý nghĩa thực sự của những linh hứng mà chúng ta tin rằng mình đã tiếp nhận, để xoa dịu những lo âu và để tái tạo toàn bộ cuộc sống của mình cách mới mẻ trong ánh sáng của Chúa” [283]…
+ Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng sự tĩnh lặng này không phải chỉ là một hình thức “tự cô lập” nào đó mang tính tìm kiếm một sự bình an, nhưng là bởi vì “ sự phân định trong cầu nguyện phải được khởi đi từ thái độ sẵn sàng lắng nghe Chúa, nghe người khác, và nghe chính thực tại, vốn luôn chất vấn chúng ta theo một cách mới mẻ”…Và “ chỉ có những ai sẵn sàng lắng nghe mới có tự do để chối từ quan điểm phiến diện và không đầy đủ của mình”…Chỉ với sự tự do và tâm tình sẵn sàng ấy, chúng ta mới đủ can đảm để dám “phá vỡ sự an toàn của chính mình” và dấn thân…”bởi lẽ nếu mọi sự đều ổn thỏa và bình an thôi thì vẫn chưa đủ. Thiên Chúa còn có thể đang trao ban cho chúng ta một cái gì đó hơn thế, mà nếu thiếu chú tâm, chúng ta không nhận ra được” [284]…Tĩnh lặng và cầu nguyện là để chúng ta nhận ra “một cái gì đó” mà Chúa muốn nơi từng người trong chúng ta…”Một cái gì đó” chính là ơn gọi của mỗi chúng ta…mà Chúa muốn chúng ta dấn thân ghi dấu trên “Thân Mình Thế Giới” của Ngài…Nghĩa là bất cứ nơi đâu Chúa sai đi…thì chúng ta đến…
+ Một số câu hỏi Đức Thánh Cha muốn người trẻ – cũng như mọi người ước ao bước theo Chúa – đặt ra cho chính mình trong tĩnh lặng và cầu nguyện…Đấy là những câu hỏi :
– Tôi có biết bản thân mình, ngoài vẻ bề ngoài và cảm giác của tôi không ?
– Tôi có biết điều gì làm trái tim tôi vui hay buồn không ?
– Điểm mạnh và điểm yếu nơi bản thân tôi là gi ?
Sau khi đã có được những câu trả lời rõ ràng và xác quyết cho những câu hỏi trên…thì chúng tiếp tục :
– Làm thế nào để tôi có thể phục vụ tốt hơn và hữu ích hơn cho thế giới và cho Hội Thánh ?
– Đâu là chỗ đứng của tôi trên trái đất này ?
Và cuối cùng là loạt câu hỏi thực tế hơn :
– Tôi có khả năng cần thiết cho công việc phục vụ mà tôi đã suy nghĩ và quyết định không ?
– Tôi có đủ khả năng để phát triển các kỹ năng cần thiết cho công việc phục vụ đã suy nghĩ, cầu nguyện và quyết định không ? [ 285]…
+ Cuối cùng thì Đức Thánh Cha – qua trải nghiệm bản thân – đã lưu ý bạn trẻ là đừng mất thời giờ loay hoay trong những vấn nạn “ tương quan với chính mình” cũng như “những khuynh hướng của bản thân mình”…mà hãy đặt vấn đề về “tương quan với những người khác, đối diện với họ, làm sao để sự phân định đặt cuộc sống mình đối chiếu với người khác”…Cho nên Đức Thánh Cha dạy chúng ta là đừng mất thời giờ để tự hỏi : “Tôi là ai?”…và mất cả đời mình để tìm xem mình là ai…Tốt hơn là hãy nghiêm túc đặt câu hỏi : “Tôi sống vì ai ???”…Dĩ nhiên là chúng ta sống vì Chúa rồi, nhưng Chúa – “Ngài muốn con sống cho người khác…và Ngài phú cho con rất nhiều phẩm chất, khuynh hướng, ân huệ, và đặc sủng không phải dành cho con, mà dành cho những người khác” [286]…
Tuy nhiên rất có thể khi nói đến việc sống cho người khác, nhiều người trong chúng ta sẽ thấy sợ…Tôi muốn cùng bạn nhắc lại với nhau lời khuyên của Mẹ Têrêsa thành Calcutta : “Không phải tất cả chúng ta đều làm được những điều vĩ đại…Nhưng chúng ta có thể làm được những điều nhỏ nhặt với tình yêu vĩ đại”…
Những việc nhỏ nhặt như giúp nhau dọn bàn ăn, lấy cho nhau món tráng miệng hằng ngày hay giúp những người có phận vụ bận rộn một tay trong việc phục vụ những anh chị em khác…đều là những việc không được mấy ai quan tâm và khen ngợi, nhưng lại là những gì Thiên Chúa thích vì được làm với tình yêu và tinh thần khiêm tốn…
Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp