Thói quen rà hộp thư trên mạng mỗi sáng có lẽ là của phần đại đa số con người của hôm nay – đặc biệt các Đấng…
Bản thân người viết cũng thế thôi…dù rất ít khi có những thư dành cho mình…
Thỉnh thoảng cũng có dăm ba thư gửi có vẻ như trực tiếp muốn nói với mình, nhưng toàn là những thư quảng cáo của các hãng du lịch hành hương, các công ty ánh sáng, âm thanh, đờn địch hay vài ba hãng thuốc…
Mấy ngày trước đây là một bức thư “lạ” – lạ cả về nội dung thư, lạ về cả tên người gửi…và có lẽ lạ hơn cả là đề tài người gửi cũng như ước muốn có sự đồng cảm cách tích cực nơi người nhận…
Đề tài và nội dung của bức thư nói về vấn đề MÔI TRƯỜNG…
Người gửi là một thực tập sinh tại một tổ chức bảo vệ môi trường: anh Henry Nguyen…
Và dĩ nhiên anh là người Công Giáo…Chắc chắn anh đã đọc Thông Điệp “Laudato Si” của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô…Và đây là “lá thư mở” được gửi cho tất cả anh em Linh Mục – đặc biệt các Linh Mục đang làm mục vụ – theo một danh sách nào đó mà anh có được, bởi vì lúc này hầu như Giáo Phận nào cũng có những bản Danh Sách Linh Mục cập nhật hằng năm…Dù sao khi lọc cọc gõ lá thư mở ấy, anh cũng rất thiện chí để tin rằng sẽ có những hồi âm..
Người viết – không còn làm mục vụ Giáo Xứ nữa – muốn chia sẻ tâm huyết của người anh em thiện chí này…nên – lại một lần nữa – đưa lá thư ngỏ đến với những ai tình cớ ghé qua mục Chuyện Mỗi Tuần…Anh Henry Nguyên viết:
Thưa cha !
Lời đầu thư, con xin được chúc cha năm mới được mạnh khỏe về phần xác, bình yên trong Chúa và những dự định trong năm mới này được thành công tốt đẹp.
Con xin được giới thiệu con là Henry Nguyen, là một kỹ sư môi trường đã từng làm việc rất nhiều về các dự án môi trường tại Việt Nam và hiện giờ con đang là thực tập sinh tại một tổ chức bảo vệ môi trường quốc tế là Greenpeace ( Hòa Bình Xanh). Cha có thể tham khảo link:
(https : // www. greenpeace.org/international/)
https://vi.wikipedia.org/wiki/H%C3%B2a.b%C3%ACnh.xanh
https://www.youtube.com/watch?=zVu9eawb1QY
Greenpeace là một tổ chức quốc tế về bảo vệ môi trường quốc tế được thành lập năm 1971 tại Canada và hiện tại đã có mặt ở 55 quốc gia với sứ mệnh: Greenpeace là một tổ chức truyền bá tư tưởng độc lập, dùng những hành động yêu chuộng hòa bình trực tiếp và những phương tiện truyền thông một cách sáng tạo, để chỉ rõ những vấn đề liên quan đến môi trường thiên nhiên toàn cầu, và để thúc đẩy những giải pháp cho một tương lai “xanh” và hòa bình. Mục đích của Greenpeace là để bảo đảm khả năng của trái đất để muôn loài có thể phát triển tốt đẹp.
Những việc làm của Greenpeace: chống sự biến đổi khí hậu, thực hiện những chiến dịch nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng nhựa như túi ni-lông, nhựa dùng một lần…
Là một người con của Việt Nam không thể không đau trươc viễn cảnh tương lai của đất nước, trong đó có thảm họa môi trường đã và đang giết dần chúng ta kể cả người giàu và người nghèo, những làng ung thư đang mọc lên trên cả nước…
Theo báo cáo nghiên cứu của dại học Yale ( một trường đại học danh tiếng cũa thế giới ) về chỉ số xếp hạng môi trường Việt Nam ( 2018) là 137/180 quốc gia, trong đó có nhiều chỉ số đứng chót bảng là chất lượng không khí đứng 161/180 quốc gia. Cha có thể tham khảo link : https://epi.envirocenter.yale.edu/epi.country-report/VNM?fblid=fwAR3ADkIb9sTTDNqw5mdNnA8/kvKxuH3Ske1QcsB3Z15WWvezIG9ERje6AI
Một vài con số con đưa ra để nói lên tình trạng ô nhiễm rất cấp bách hiện nay.
Liệu chúng ta có thể làm được gì trong hoàn cảnh hiện tại hay chúng ta sẽ chờ, chờ và chờ…cho đến chết, cho đến lúc giống nòi chúng ta diệt vong sao, Cha ? Con rất sợ viễn cảnh đó Cha ạ !
Chúng ta phải hành động thôi Cha ơi., hành động để cứu chúng ta, hành động để bảo vệ giống nòi mai sau, hành động để bảo vệ sức khỏe của mọi người, hành động để một xã hội tốt đẹp và theo ý Chúa.
Con xin được đưa ra những giải pháp mà con tin rằng sẽ có thể làm bây giờ và duy trì những hoạt động bằng nâng cao nhận thức của các gia đình và các bạn trẻ trong giáo xứ như:
– Hạn chế sử dụng túi ni-lông khi đi chợ, mua hàng hằng ngày bằng những túi vải, túi đi chợ dùng nhiều lần bằng cách nói lên sự nguy hiểm của những vật liệu đó hay chiếu Video ngắn về ác hại của nó ( con có thể cung cấp cho Cha. Ví dụ như link: https://www.youtube.com/watch?y=ÙQ2WsIS4LhQ&1=55s
– Hạn chế sử dụng ly nhựa và ống hút nhựa bởi vì chúng ta đang hút chất độc hằng ngày mà chúng ta không hay.
– Đưa những Video về môi trường ngắn, khoảng năm phút hằng tuần thôi để nói cho các em biết về tình hình môi trường hiện tại và những giải pháp các em có thể làm.
– Đưa vào chương trình nói không với túi ni-lông, ống hút nhựa trong các lớp giáo lý.
– Nói không với túi ni-lông, sản phẩm nhựa trong nhà xứ và thay vào đó là những túi xách thân thiện môi trường.
Con xin trình Cha những giải pháp mà chúng ta có thể thực hiện được trong giáo xứ. Con mong nhận được sự hồi âm từ Cha.
Nguyện xin Chúa ban cho Cha muôn hồng ân để Cha có thể coi sóc đoàn chiên.
Kính thư,
Henry Nguyen
Quả thực là một “tông đồ” của môi trường…và là một thành viên có lẽ đã từng sinh hoạt trong các hoạt động của giáo xứ…nên cung cách ăn nói có vẻ khá rành rọt…Nhất là có sự can đảm để đưa ngay ra những giải pháp cụ thể giúp các giáo xứ bắt tay vào việc bảo vệ môi trường cách tích cực…Tuy nhiên cốt lõi vẫn là nhiệt huyết và thiện chí của các “môi trường mục vụ” có muốn có một “môi trường sạch để mà sống” hay không…Bởi vì chuyện “trên nóng/dưới lạnh”, “chỗ này nóng/ chỗ kia lạnh”…không chỉ là chuyện của “người ta”…mà rất- rất- rất nhiều khi lại là chuyện của chính mình…Giáo Lý và Giáo Luật rõ ràng là xếp những người kiếm sống bằng nghề “ghi số đề” và “cá độ bóng đá”…vào hạng cờ bạc…Vậy mà không ít những ông bà có chức vụ trong các ban ngành trong giáo xứ vẫn thoải mái nhập nhà nhập nhằng…
Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã khởi sự Thông Điệp “Laudato Si” như thế này:
Thánh Phan-xi-cô thành Assisi đã hát lên: “Con xin chúc tụng Chúa, lạy Chúa của con.” Trong bài thánh ca tươi đẹp này, Ngài nhắc cho chúng ta nhớ , ngôi nhà chung của chúng ta phải được xem như người chị của chúng ta, mà chúng ta được chia sẻ cuộc sống, và như người mẹ ôm lấy chúng ta. “Con xin chúc tụng Chúa, lạy Chúa của con, vì người chị của chúng con, người mẹ trái đất của chúng con, mẹ nâng đỡ chúng con và mang lại nhiều hoa trái, những bông hoa tươi đẹp,những cỏ cây xanh tươi.
Người chị này đang kêu gào vì sự hủy hoại do chúng ta, vì việc sử dụng vô trách nhiệm và bóc lột các tài nguyên. Vì cứ đinh ninh rằng chúng ta là chủ nhân và sở hữu chủ, nên được quyền tận dụng. Bạo lực nằm trong trái tim tội lỗi gây thương tích của con người, xuất hiện rõ ràng qua hiện tượng bệnh lý, mà chúng ta có thể ghi nhận trong đất đai, trong không khí và nơi các sinh vật. Vì thế, giữa những người nghèo bị bỏ rơi và bị đối xử tồi tệ nhất, chúng ta sẽ thấy trái đất của chúng ta bị bóc lột và bị tàn phá, “đang rên siết và quằn quại trong cơn sinh nở” (Rm 8 , 22). Chúng ta quên rằng, chính chúng ta cũng là tro bụi (St 2 , 7). Thân xác của chúng ta cũng được tạo nên từ những yếu tố của vũ trụ: không khí của nó giúp chúng ta thở và nước của nó giúp chúng ta sống và được bồi dưỡng.”
Thế rồi ở Chương Một với chủ đề “ Tất cả những gì đang xảy ra trong nhà của chúng ta”, Đức Thánh Cha đặc biệt quan tâm và lưu tâm đến sự ô nhiễm, rác rưởi và văn hóa loại trừ…
Ở số 20 , ngài nói:
- Có nhiều hình thức ô nhiễm gây tai hại từng ngày cho con người. Những chất gây nguy hại được tung vào không khí, minh chứng một loạt tác hại trên sức khỏe – đặc biệt cho những người nghèo nhất – đưa đến hàng triệu trường hợp chết chóc rất sớm. Những con người này bị bệnh, tỉ như vì phải thở bụi khói ở mức độ cao của những chất liệu bị đốt cháy, được sử dụng để nấu nướng hay sưởi ấm. Thêm nữa, sự ô nhiễm gây tai hại cho tất cả do các phương tiện giao thông hay do khí thải công nghiệp, do chôn cất những chất liệu gây a-xít hóa đất đai cũng như nguồn nước, do phân bón, tiêu diệt côn trùng, diệt nấm, diệt cỏ và nói chung là các hóa chất nông nghiệp độc hại. Một thứ kỹ thuật gắn liền với tài chính, cho rằng đấy là cách để giải quyết duy nhất, trong thực tế, không có khả năng nhìn thấy điều thẩm sâu của các liên hệ đa dạng, giữa mọi thứ, và vì thế đôi khi một vấn đề lại tạo nên vấn đề khác.
Còn số 21:
- Chúng ta phải nhìn vào sự ô nhiễm do rác thải gây nên, gồm cả chất cặn bã nguy hiểm có mặt trong nhiều vùng khác nhau. Mỗi năm có hàng trăm triệu tấn rác thải được tung ra, mà phần lớn không phải do rác sinh học : rác thải trong gia đình và chợ búa, rác thải do xây dựng, do bệnh viện, điện khí, kỹ nghệ, nhất là những rác thải độc hại và phóng xạ.. Ngôi nhà trái đất của chúng ta càng ngày càng trở nên một bãi rác khổng lồ. Trong nhiều vùng trên trái đất, những người già thường nhớ đến những cánh đồng như thủa xưa, nay thì tràn đấy rác rưởi. Cũng như rác thải công ghiệp do những sản phẩm hóa chất được sử dụng trong làng mạc hay nơi đồng áng có thể gây nên hậu quả gia tăng chất hóa học trong cơ thể của người dân chung quanh, cũng như đưa đến những yếu tố độc hại cho một nơi thấp hơn. Thường người ta cũng phải đo lường mức độ hậu quả trên sức khỏe con người không còn có thể đảo ngược lại được.
Theo nguồn tin từ Express.co.uk thì chính phủ Thái Lan đã ra quyết định đóng cửa 4 tháng vịnh Maya – nơi có hòn đảo của bộ phim nổi tiếng The Beach, và cho đến nay lệnh đóng cửa được tiếp tục “cho đến khi nào hệ sinh thái của nó thực sự hồi phục”…Lý do của đóng cửa là do ô nhiễm và rác rưởi…
Chính phủ Philippines cũng ra lệnh đóng cửa 6 tháng bãi biển Borocay vì cũng một lý do ấy…
Và không ít những bãi biển, những khu du lịch, những thắng cảnh thiên nhiên, văn hóa, lịch sử…đang bị đe dọa…vì rác rến và khách du lịch…
Trên con tàu nghiên cứu ngoài khơi Costa Rica, nhà sinh học Christine Figgener của Đại Học A&M Texas và nhóm đã lấy ra một vật bí ẩn nằm sâu trong mũi của một con rùa…Vật bí ẩn ấy là một ống hút nhựa…Một nửa số rùa biển nuốt thứ đó, vì chúng lẫn lộn một bao chứa đầy nước với một con sứa – thứ mồi chúng ưa thích…
Trong dạ dày của loài cá voi mới đây bị mắc cạn tại Đức, khi mổ bụng chúng ra, người ta ngạc nhiên thấy một đống chất thải như túi ni-lông, mảnh xô nhựa, một tấm lưới dài 13m và một mảnh xe hơi bằng nhựa…
Ngày 2/6/2018, khi giảo nghiệm một con cá voi hoa tiêu trôi dạt ở Thái Lan, người ta tìm thấy 80 túi nhựa tổng cộng khoảng 8kg…
Ngày 20/11/2018, tại bờ biển Sulaweisi – Indonesia, khi giảo nghiệm một con cá nhà táng, người ta thấy có 115 ly nhựa, 4 chai nhựa, 25 túi bóng, 2 đôi dép nhựa, 1 bao tải ny-lông…Tất cả khoảng 5kg9…
Vv…và… vv…
Mượn lời kinh của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, chúng ta cầu nguyện cho trái đất của chúng ta:
Lạy Thiên Chúa toàn năng,
Chúa luôn hiện diện trong vũ trụ
và ngay trong những thụ tạo nhỏ bé nhất của Chúa,
Chúa đã phủ đầy lòng từ ái trên tất cả những gì hiện hữu,
xin gieo vào lòng chúng con sức mạnh của tình yêu Chúa
để chúng con bảo vệ cuộc sống và vẻ đẹp muôn loài.
Xin đổ tràn bình an của Chúa vào lòng chúng con,
để chúng con có thể sống như anh em, chị em với nhau,
không tác hại cho bất cứ người nào.
Lạy Thiên Chúa của anh chị em nghèo khổ,
xin trợ giúp chúng con
để chúng con giơ tay cứu giúp những anh chị em bị bỏ rơi,
những người bị lãng quên trên trái đất này,
những người này thực sự luôn có giá trị trước mặt Chúa.
Xin cứu chữa cuộc sống của chúng con
để chúng con trở thành những người bảo vệ cho trái đất này
chứ không phải là những kẻ cướp bóc.
để chúng con gieo những gì tốt đẹp
chứ không phải là những thứ ô nhiễm và tàn phá.
Xin chạm đến tâm hồn những kẻ chỉ tìm thành công
dựa trên giá trị của người nghèo và của trái đất này.
Xin dạy chúng con
khám phá giá trị của vạn vật
và biết chiêm ngắm trong sự ngất ngây,
để nhận ra
chính chúng con cũng được liên kết sâu xa với tất cả thụ tạo này
trên con đường chúng con tiến vào ánh sáng vô tận của Chúa.
Xin tạ ơn Chúa
vì Chúa hiện diện từng ngày với chúng con.
Chúng con nài xin Chúa
nâng đỡ chúng con
trong cuộc chiến cho công bằng, tình thương và bình an. Amen
Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp