Nhận định này – theo tác giả của bài viết “Giáo Xứ đồng hành với Giới Trẻ đến gặp gỡ Đức Kitô” trong tờ bản tin HĐGM số 119 (tháng 7 & 8) – là từ một sinh viên của Đại Học Cornell…mà người viết đã nêu lên trong “Chuyện mỗi tuần” trước đây, và nay tự nhiên muốn ghi lại :
“ Ngày nay, khi hỏi thế hệ trẻ Việt Nam tin vào điều gì, có lẽ sẽ khó có thể tìm được một câu trả lời đồng thanh thỏa đáng như của thế hệ trước, họ như đang khủng hoảng niềm tin. Sự khủng hoảng về niềm tin dẫn đến sự hụt hẫng về lý tưởng. Sự hụt hẫng về lý tưởng dẫn đến thiếu sót trong mục đích sống. Càng ngày người ta càng thấy nhiều người trẻ sa lầy vào những cuộc vui quên ngày tháng…Người Việt trẻ dường như đang sống để hưởng thụ nhiều hơn.” (Tô Nam – Phải chăng giới trẻ đang khủng hoảng niềm tin? https//www.bbc.com/vietnamese/forum/2012/12/121204 daoduc niem tin )
Nhận định trên đây – theo thiển ý – có vẻ khái quát quá, và đấy là lý do khiến người viết phải có thêm suy nghĩ…
Bởi vì nếu thực trạng đúng như nhận định của bạn sinh viên ấy…thì quả thật là tội nghiệp cho Giới Trẽ Việt Nam nói chung, và cách riêng Giới Trẻ Công Giáo…
Không đến nỗi nào đâu…
Đồng ý là có những “phong cách sống” trẻ hôm nay khá là khác với thế hệ – hay các thế hệ – trước, nhưng cũng không đến nỗi để phải nghĩ đến chuyện “khủng hoảng”, “hụt hẫng về lý tưởng” và “thiếu sót mục đích sống”…hay sự “sa lầy vào những cuộc vui quên ngày tháng…” – những hạn từ “lớn” quá và có vẻ “khó nuốt”…
Trước đây, người viết ít thích xem phim Việt Nam…Thế nhưng thời gian sau này – do nghỉ hưu và dư thời gian hơn – nên thỉnh thoảng cũng theo dõi đôi ba bộ phim truyền hình, chẳng hạn như “ Về nhà đi con” của đạo diễn Nguyễn Danh Dũng – “Những cô gái trong thành phố” của đạo diễn Vũ Trường Khoa – “Tuổi Thanh Xuân” của hai đạo diễn người Việt Nguyễn Khải Anh, Bùi Tiến Huy và đạo diễn người Hàn Myung Hyun Woo ( đang chiếu phần trên VTV4) – “Quỳnh búp bê” của đạo diễn Mai Hồng Phong (đang chiếu lại trên VTV4)…Có lẽ hầu như bộ phim nào cũng có cảnh Phòng Trà và sự sôi động của lớp người trẻ…Đồng thời trang phục của diễn viên – đặc biệt giới nữ – có những “thức thời” rất đậm, nhưng đấy là những gì phim ảnh các nước phương Tây đã “từng”…từ rất lâu trước đây…và ngày nay – trong nhịp sống toàn cầu hóa – người trẻ Việt Nam “cập nhật” mau mắn…vậy thôi…Dĩ nhiên là với những cặp mắt “cổ kính”…thì hơi thấy “ngượng”, nhưng rồi người viết nghĩ dần dần sẽ quen…Ngày nay – trong các dịp cưới hỏi hay sự kiện này khác – quý bà sồn sồn cũng váy viếc đủ kiểu đủ cách, huống chi giới trẻ…Dĩ nhiên có những “cảnh” trái ngược gây “nhặm” mắt, chẳng hạn như nhóm vũ công phụ họa cho chương trình “Bước Nhảy và Âm Nhạc” – nữ …thì luôn luôn ngắn hết cỡ ngắn, còn nam…thì dài…Và điều này cũng là những gì vẫn thấy nhan nhản trên đường phố mỗi ngày: nữ ngắn – nam dài…Bà con nhân dân chỉ than thở khi thấy “ không gian mát”…nó mênh mông quá…thôi, chứ cũng chẳng có gì là ghê gớm lắm…Dịp nào đó, người viết nói nhiều hơn một xí về các bộ phim có dịp xem với những vấn đề của xã hội hôm nay được đưa lên màn ảnh – dĩ nhiên là với mục đích giúp khán giả vừa giải trí, vừa rút ra những “sứ điệp” cho cuộc sống của từng con người…giữa “chợ đời”…Thế nhưng rồi…sẽ đến tình trạng “cạn” nguồn, và – cũng như điện ảnh phương Tây – người ta nghĩ đến những bộ phim “bom tấn” trong lãnh vực “khoa học giả tưởng”…Mà – với Việt Nam – có lẽ chuyện “MA”…là “phổ thông” !!!
Thế nhưng chỉ bấy nhiêu chuyện thôi…thì chưa thể nói rằng đã có chuyện “hụt hẫng về lý tưởng” và “thiếu sót mục đích sống”…Trang mạng “Năm Chiếc Bánh” cho biết – trong năm 2020 này – có khoảng 200 Linh Mục tân chức Triều cũng như Dòng – một con số không nhỏ, phải không? Và con số 200 Linh Mục ấy – dĩ nhiên ở độ tuổi trên dưới “tam thập” – là thành phần TRẺ cốt lõi của Giáo Hội Việt Nam…mà hoặc nhiều hay ít hơn một chút, nhưng năm nào cũng là như thế…
Qua một bài phỏng vấn của Vatican News dành cho Lm Tôma Vũ Quang Trung , SJ – đặc trách Tu Sĩ của UB Tu Sĩ/HĐGM VN thì – theo Thống Kê năm 2019 – có khoảng 307 Dòng Tu, Tu Hội, Tu Đoàn…với 33. 087 Tu Sĩ bao gồm 28.099 Nữ Tu và 4.988 Nam Tu Sĩ hoạt động trong nhiều lãnh vực khác nhau, nhưng phần lớn là những lãnh vực giáo dục cả trong tôn giáo lẫn các trường Mầm Non, Tiểu Học…Linh Mục phụ trách còn cho biết con số của từng Giáo Tỉnh : 9.962 Tu Sĩ tại Giáo Tỉnh Hà Nội – 5.568 tại Giáo Tỉnh Huế và 17.557 tại Giáo Tỉnh Sài Gòn…Những con số ấn tượng…Và – dĩ nhiên – hằng năm vẫn có những Lễ Khấn Dòng cũng như tuyển sinh khá phong phú ở mỗi Hội Dòng hay các Giáo Phận…
Đấy là chưa nói đến những tổ chức thiện nguyện, những kỳ Đại Hội Giới Trẻ tại các Giáo Tỉnh hay Địa Phận đầy ắp tiếng cười, đầy ắp sinh lực và đầy ắp nhiệt huyết…
Rất có thể người viết “lạc quan”…Nhưng – với những “dấn thân” như vậy và là từng ngày chọn lựa…mà các tân chức Linh Mục cũng như khấn sinh Tu Sĩ nối tiếp nhau đi tới và đi lên – thì chúng ta có quyền để lạc quan thôi…Họ biết chứ, họ biết rất rõ những giáo huấn mang tính “ngôn sứ” của Chúa về cuộc dấn thân của từng người : “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng , và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ . Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua quan vì Thầy để làm chứng cho họ và cho các dân ngoại được biết. […] Anh sẽ nộp em , em sẽ nộp anh cho người ta giết ; cha sẽ nộp con , con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết . Vì danh Thầy , anh em sẽ bị mọi người thù ghét . Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng , kẻ ấy sẽ được cứu thoát .” ( Mt 10 , 17 – 22 )…
Thế nhưng – cũng như và cùng với sứ đồ Phaolô – họ luôn tự nhủ : “ Vấn đề là được biết chính Đức Ki-tô , nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh , cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người , với hy vọng có ngày cùng được sống lại từ trong cõi chết . Nói thế , không phải là tôi đã đoạt giải , hay đã nên hoàn thiện đâu , nhưng tôi đang cố gắng chạy tới , mong chiếm đoạt , bởi lẽ chính tôi đã được Đức Kitô chiếm đoạt .” (Ph 3 , 10 – 12)
Và chắc chắn là trong số họ cũng sẽ có rất nhiều những giai đoạn đời gục ngã, mỏi mệt – đồng thời thậm chí còn có những quay gót bỏ đi nữa – nhưng dù là đi hay ở…thì họ luôn hiểu như Tông Đồ Phaolô : “Thưa anh em , tôi không nghĩ mình đã chiếm đoạt được rồi . Tôi chỉ chú ý đến một điều , là quên đi chặng đường đã qua , để lao mình về phía trước.” (3 , 13)…Bởi tất cả họ đều sống đức tin vào Chúa…nhưng được thể hiện hoặc bằng cách này hay cách khác…trong đời sống làm con Chúa…
Trải nghiệm của Tông Đồ Phaolô vẫn còn đó : “ Giả như có điểm nào anh em nghĩ khác , thì Thiên Chúa sẽ mặc khải cho anh em . Song , dù đạt tới đâu đi nữa , chúng ta cũng cứ theo hướng ấy mà đi.” (3 , 15b – 16)…
Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp