Chuyện mỗi tuần – chuyện về cái “bếp lửa hồng” trong Tin Mừng Gioan 21, 9 …

Nhà thơ Bằng Việt – sau khi diễn tả thói quen dậy sớm hằng mấy chục năm qua của Bà để nhóm bếp lửa và đồng thời cũng là nhóm yêu thương với củ khoai, củ sắn luộc hay nồi xôi gạo mới cho cả nhà – thì  thảng thốt kêu lên :

Ôi kỳ lạ và thiêng liêng – bếp lửa !

Người viết cũng muốn kêu lên như thế mỗi khi chạm đến cái “ bếp lửa hồng” thủa nào khi nhóm anh em cùng với Phê-rô nhoài mệt suốt một đêm buông và kéo lưới ở một tâm trạng không mấy tốt : tâm trạng nao nao giữa hư và thực về Thầy mình – Đấng Sống Lại…Quyết định “Tôi đi dánh cá đây” của Phê-rô hình như là một quyết định  nhằm để giảm bớt đi những vướng bận  trong đầu óc về những chuyện đang xảy ra mấy ngày qua…Các ông khác cũng quyết định theo ông, vì họ đồng thuyền đồng hội, và – trong lúc này – đồng một tâm trạng như Phê-rô…Nghĩa là chú tâm của họ không phải là chuyện đánh cá…mà chỉ là chuyện  để cho đầu óc bớt căng thẳng hơn…thế thôi…Dĩ nhiên họ không được gì, và được hay không cũng không phải là điều họ quan tâm đến…Thế nhưng Chúa đã đứng đó – trên bãi biển – với lời thăm hỏi ân cần và lệnh truyền đầy nhắc nhở và níu kéo : “Cứ thả lưới bên phả mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá !” ( Gio 21 , 6)…Họ đã buông lưới, nhưng “không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá”…Chính “lệnh truyền” và “mẻ cá” đã gợi nhớ nơi “người môn đệ được Chúa Giê-su thương mến”về một “mẻ cá lạ” trước đây, khi Người mượn thuyền của các ông để có thể thoải mái mà rao giảng cho đám đông chen chúc trên bờ Ghê-nê-xa-rét, rồi sai các ông chèo thuyền ra xa, thả lưới…và lưới đầy cá…đến độ các bạn ngư phủ ở các thuyền bên cạnh đã phải phụ lực mới có thể đưa được cá vào bờ ( Lc 5 , 1 –8)… “ Chúa đó !” được thốt ra từ gợi nhớ này, và có thể nói là đã trở thành một nỗi nhớ khôn nguôi từ thủa ban đầu…cho đến mãi mãi…Phê-rô đã lao xuống nước…để vào bờ…Vẫn là cái nhanh nhẹn muôn thủa của cá tính Phê-rô, nhưng ở đây có lẽ còn là nỗi háo hức gặp lại Thầy – Đấng Sống Lại – mà đầu óc ông đang bần thần, nôn nao…Ông gặp được “bếp lửa hồng” với lời thân thương : “Anh em đến mà ăn !”

Đấy, cái chỗ đấy…làm cho người viết mỗi lần có dịp chạm đến sự kiện này…thì cũng muốn thảng thốt:

Ôi kỳ lạ và linh thiêng – bếp lửa !

Thế nhưng ai cũng đã biết : Ở “mẻ cá lạ” ngày nào là để chọn lựa và kêu gọi…Họ đã vất bỏ lại sau lưng tất cả để đi theo Người sau khi Người nói với Si-mon Phê-rô : “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.” (Lc 5 , 10)…Sau “mẻ cá lạ” ở đây – biển hồ Ti-bê-ri-a – thì cũng vẫn là những tâm sự của Thầy với Phê-rô bên “bếp lửa hồng”…với câu hỏi đau đáu lòng người được nhắc đi nhắc lại đến ba lần ở ba cung bậc khác nhau và có vẻ như mỗi lần một cao hơn – hay là đòi hỏi hơn : “ Này anh Si-mon, con ông Gio-an , anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” (Gio 21 , 15…)…Mỗi cung bậc là một sứ vụ được trao và một cam kết trung thành…

Lạ lùng quá sức : cái con người – ở mẻ cá lạ trước đây – Si-mon Phê-rô đã từng quỳ xuống thú nhận “thân phận” của mình, và có vẻ như Chúa muốn bỏ ngoài tai sự thú nhận ấy…Thế rồi ba lần bai bải ở sân thượng tế mới mấy bữa trước đây thôi, vậy mà hôm nay…

Cha Anthony de Mello ( 1931 – 1987), một linh mục Dòng Tên người Mỹ gốc Ấn Độ và là người được cho là chịu ảnh hưởng khá sâu của vị thiền sư Phật Giáo người Thái Ajahn Chah mà thỉnh thoảng người viết có trích đôi ba tư tưởng của ông trong phần Danh Ngôn của NHỊP SỐNG TRONG TUẦN– ở tập sách “ Một Phút Thông Thái” – có ghi một tư tưởng mà người viết cứ suy đi gẫm lại mãi và rất tâm đắc :

Một trong những lời giảng dạy làm nhiều người khó chịu, nhưng cũng rất thú vị, của Minh Sư là : “Thượng Đế gần gũi kẻ có tội hơn là người thánh thiện”…Ngài dùng hình ảnh để giải thích như sau : Thượng Đế ở trên thiên đàng nắm mỗi người ở đầu một sợi giây…Khi người ta phạm tội, sợi giây đó bị cắt đứt…Bấy giờ Thượng Đế cột sợi giây lại bằng cách làm một nút thắt – và như vậy, Người kéo họ lại gần Người hơn. Cứ như thế, mỗi khi người ta phạm tội, sợi giây bị cắt đứt, Thượng Đế lại buộc một nút thắt mới để kéo chúng ta lại gần Người nhiều hơn nữa…

Cái “nút thắt” cuối của con người “thân phận” Phê-rô được nối lại ngay bên “bếp lửa hồng”

Ôi kỳ lạ và linh thiêng – bếp lửa !

Và rồi có hai câu thơ của Thế Lữ cũng thường được người viết nghĩ tới những Mùa Phúc Sinh trong đời :

Cái thủa ban đầu lưu luyến ấy

Ngàn năm chưa dễ đã ai quên !

Ngay trong giây phút còn bỡ ngỡ đứng trước tảng đá lấp cửa mộ vốn là nỗi lo âu của nhóm người đến thăm mộ từ sớm tinh sương…thì thanh niên – sứ thần của Thiên Chúa – được trao nhiệm vụ đợi họ đến để mà loan báo : “ Đừng hoảng sợ ! Các bà tìm Đức Giê-su Na-da-rét. Đấng bị đóng đinh chứ gì ! Người đã trỗi dậy rồi , không còn ở đây nữa . Chỗ đã đặt Người đây này ! Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phê-rô rằng : Người sẽ đến Ga-li-lê trước các ông . Ở đó, các ông sẽ được thấy Người như Người đã nói với các ông” ( Mc 10 , 6 -7)…

Ga-li-lê của “Cái thủa ban đầu”… Ga-li-lê của “Lời hẹn gặp lại”… Thật là tuyệt vời…

Có người đã tự đặt ra cho mình câu hỏi : Tại sao Chúa Giê-su lại chọn Ga-li-lê ? Và sau đó dò dẫm những nguyên nhân…để rồi thấy rằng:

– Có thể vì Ga-li-lê là một vùng quê nghèo và gồm nhiều chủng tộc người quần cư : một mảnh đất mầu mỡ cho việc loan báo và đón nhận giáo lý Người rao giảng…

– Có thể vì Ga-li-lê là miền đất không có sự loại trừ, mọi người biết đón nhận nhau và cùng nhau chung chia cuộc sống…

– Có thể vì Ga-li-lê là vùng đất “bên lề” , vùng “ngoại ô”, vùng “biên”…

Và cuối cùng thì có thể nói rằng ngay từ đầu Đức Giê-su đã không muốn và không để cho giáo lý của Người bị đóng khung dù là đóng khung trong bốn bức tường của Đền Thờ. không bị giới hạn trong một khung cảnh địa lý nhất định và không dành riêng cho một giai cấp hay một dân tộc…Người muốn chỉ cho Giáo Hội của Người một hướng đi để thực sự là Giáo Hội ; hướng đi ấy là không ngừng nghỉ trên đường, đến với mọi miền đất lạ, tiếp cận mọi con người và đặc biệt quan tâm đến những người bị bỏ rơi, bị khinh miệt, bị gạt ra bên lề xã hội…

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô – khi suy niệm về Truyền Giáo trong một Thánh Lễ  ở Nhà Nguyện thánh Martha – đã chia sẻ :

“Nhưng để truyền giáo : “ Đứng lên và ra đi !” Người ta không nói : “ Hãy ngồi yên, bình tĩnh trong nhà của bạn”. Không ! Để trung thành với Chúa, Giáo Hội phải luôn trên đôi chân của mình và trên hành trình… “ Đứng lên và ra đi”…Một Giáo Hội không đứng lên, không ở trên hành trình, là bệnh.”

[…]

 

Tất cả mọi người nam, tất cả mọi người nữ đều có một sự không ngủ yên trong tâm hồn họ – Họ có thể là tốt hay xấu, nhưng có một sự không ngủ yên. Hãy lắng nghe sự không ngủ yên đó. Tin Mừng không nói “Hãy ra đi và cải đạo”…Không, không ! Hãy ra đi và lắng nghe…Khả năng lắng nghe ấy : Người dân cảm thấy gì ? Tâm hồn của người dân cảm thấy gì ? Tâm hồn họ nghĩ gì ? Nhưng họ có nghĩ những điều lầm lạc không ? Nhưng tôi có muốn nghe những điều lầm lạc để hiểu sự không ngủ yên là ở đâu…Tất cả chúng ta đều có sự không ngủ yên này ở bên trong. Bước thứ hai đối với Giáo Hội là tìm sự không ngủ yên của người dân. “

“Không thể ngủ yên” cũng là vì “Cái thủa ban đầu” và “Lời hẹn gặp lại” ở Ga-li-lê…

Vài tuần nay khối nhà 20 tầng phía biển được một ai đó đập xuống…để chuẩn bị cho một block mới cao tầng hơn…và hiện đại hơn…Vậy là người viết có được đôi ba giờ buổi chiều bắc ghế ngắm biển, thoáng nhìn thấy ở đâu đó trong trái tim mình “ bếp lửa hồng”  bập bùng…Và không biết tự nhiên tại sao lại ngân nga:

Cái thủa ban đầu lưu luyến ấy

Ngàn năm chưa dễ đã ai quên !

 

Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp

Chia sẻ Bài này:

Related posts