Ông bạn ngoài “bát tuần” đã từ lâu rất lâu không có dịp thăm Đà Lạt của một thời sinh viên xưa khá xưa…nên – dù chỉ trong một thoáng – cũng đã muốn được nhìn lại Đà Lạt từ nhà Thủy Tạ…với ly “capucino”…dưới làn mưa giăng giăng bụi – đặc trưng của Đà Lạt vào dịp hè…
Đúng vậy…bởi vì – ở mùa thi Đại Học Thụ Nhân – từ trên “kiosque Ngọc Lan”, xoay xoay ly cà-phê den nóng, lặng lẽ ngắm nhìn làn mưa lụa là trên mặt hồ – người viết đã từng thấy mình rất ư là lãng tử…
Và cái lạ…là cứ thấp thoáng bóng mình ở đầu khúc quanh xoải dốc…thì cô bé thâu ngân viên chuyển qua giòng “boléro” với bài “Những bước chân âm thầm”…
Từng bước từng bước thầm
Hoa vông rừng tuyết trắng
Rặng thông già lặng câm
Em yêu vì xa vắng ?
Cho trời mây ướp buồn…
Đấy là một bài thơ của nhà thơ Kim Tuấn sáng tác vào năm 1961 ở Pleiku – vùng đất thời tiết rất gần với Đà Lạt – và được nhạc sĩ Y Vân phổ nhạc…
Nhà thơ Kim Tuấn chia sẻ rằng : khi ở Pleiku vào thập niên 60 – 70, anh đã có rất nhiều buổi chiều lang thang giữa rừng và được ngắm những cánh hoa của cây vông rừng ( gòn rừng) bung ra từ trái vông…rồi bay lả tả như những bông tuyết…Bài thơ “Những bước chân âm thầm” ra đời từ đấy…Nhạc sĩ Y Vân đã phổ nhạc bài thơ với điệu Boston Rock, nhưng khi đem bài hát đến bán cho bà chủ tiệm chuyên mua/bán những gì thuộc lãnh vực âm nhạc để trả tiền một bữa nhậu với bạn bè…thì được bà chủ đề nghị chuyển qua điệu boléro vốn đang thịnh…Mà boléro là giòng nhạc có tiết tấu đều và chậm, mềm mại, mượt mà với nhịp 4/4 – thích hợp với mọi tầng lớp người thưởng thức, đặc biệt ở bài “Những bước chân âm thầm”…
Sở dĩ người viết chợt nhớ tới khoảnh khắc nho nhỏ ấy của thời sinh viên là vì hôm nay không còn như vậy nữa…Làm gì Đà Lạt còn được những “rung cảm” của thập niên 60 – 70 khi mà sáng sớm co ro cúm rúm trong cái áo khoác loạng choạng từng bước từ khu nhà nội trú lên ngôi nhà nguyện của Cha Giám Đốc…và thỉnh thoảng trên đường đi còn giật mình với những chú mang, chú hoãng phóng ngang trước mặt…
Dĩ nhiên Đà Lạt hôm nay có lẽ “đa sắc mầu” hơn thủa ấy rất nhiều, nhưng là cái “đa sắc mầu” của thời “cơm – áo – gạo – tiền”…nên mọi thứ trình bày là nhằm phục vụ cho con người của thời đại “kim tiền” luôn luôn mang tính song phương : người trình bày nhằm để thu hút và người bị thu hút thì đem về lợi nhuận…Nó phù hợp với thời của “động”…và nó đánh mất thời của “tĩnh”…Nó cũng làm mất đi rất nhiều…
Ngừng gõ máy để xả hơi, người viết ngồi nhâm nhi ly nước, nghe ké bài “Sao chưa thấy hồi âm” của nhạc sĩ Châu Kỳ trong một chương trình nào đó của Paris By Night…hình như là để vinh danh ông dịp kỷ niệm 50 năm thành hôn…Người anh em phòng hàng xóm rất thích sự “có tiếng” – có lẽ để bớt thấy thời gian dài của ngày hưu – nên ưa mở video clip truyện võ hiệp hay ca nhạc…Ở trong bài “Sao chưa thấy hồi âm” có hai hình ảnh rất gần và rất ý nghĩa : hình ảnh “nàng Tô Thị ôm con chờ chồng” và chuyện “mưa ngâu với cầu ô thước”…Nàng Tô Thị…thì đã bị đập…lấy đá nung vôi…còn chuyện “mưa ngâu – cầu ô thước”…thì không biết người trẻ Việt Nam hôm nay mấy người biết đến…
Lẩn thẩn như vậy là vì người viết tình cờ đọc được một mẩu chuyện cổ của người Pháp nói về cây “liễu rũ” mà một thời – khi còn làm mục vụ – người viết đã trồng rất nhiều quanh hồ cá khoảng nửa sào đất…
Mẩu chuyện cổ ấy kể rằng có một chàng hoàng tử – trong một buổi đi săn – đã gặp một người con gái điên…Chàng thương xót, đem về dinh của mình…Giấu vua cha, hằng ngày chàng chăm sóc cô gái điên với tất cả tấm lòng nhân hậu quý báu …Người con gái cứ nghĩ hoàng tử là người tình của mình đã bị chia rẽ từ rất lâu khiến nàng trở nên điên dại…Chàng hoàng tử vì muốn mang lại cho cô gái cuộc sống bình thường…nên cũng không nói thật…Một ngày kia, người con gái hết điên…và cũng là lúc người tình của nàng xuất hiện sau bao nhiêu năm tháng lang thang kiếm tìm …Tuy nhiên điều oái oăm là lúc này anh chàng ta đã trở thành ngớ ngẩn do dã tâm của những người cố ý gây chia rẽ họ hành hạ anh ta…Hoàng tử biết chuyện, hết lòng khuyên cô gái trở về với người yêu cũ – mặc dù trong tận đáy lòng, hoàng tử đau thắt…Một ngày kia – nghe lời chàng hoàng tử – cô gái quyết định ra đi với người tình xưa…Nước mắt nàng rơi dài theo bước chân…Đau đớn tiễn hai người, chàng hoàng tử quay về và ngạc nhiên thấy nơi những hàng nước mắt rơi…một loại cây mọc lên với những cành lá mềm tươi nhưng cứ rũ xuống…Người sau đặt tên là “cây liễu rũ”…
Và hình như loài hoa SIM còn có một huyền thoại đẹp và hùng tráng nữa…
Người ta kể rằng thời xa xưa, quân Bắc luôn lâm le xâm chiếm biên cương…
Và những người đàn ông, trai tráng lên đường ngăn giặc…Các bà, các mẹ và chị em thanh nữ dắt tay nhau đưa tiễn họ…Ai khỏe thì đi xa, ai yếu thì dừng lại…Dần dần thành một hàng dài…Họ kiễng chân ngóng theo…cho đến khi đoàn quân thật sự đi khuất…Họ tiễn người đi trong nụ cười “nuốt nước mắt vào lòng”…Khi không còn thấy bóng dáng những người đi…thì cũng là lúc họ thả lỏng cho nước mắt lã chã rơi…Thế rồi từ những giọt nước mắt thấm vào lòng đất mẹ ấy…đã mọc lên hai loại cây : cây sim và cây mua…Cây sim lá xanh hoa tím, trái mọng ngọt…Cây mua lá nhám hoa tím…Cây sim là những giọt lệ thanh nữ…Cây mua là những giọt lệ của các bà, các mẹ…
Dĩ nhiên huyền thoại không thuần chỉ là huyền thoại, nhưng là những diễn tả mang nhiều cung bậc – và hầu hết những cung bậc ấy đều là những giáo huấn con người sống vị tha và yêu quê hương dân tộc của mình…
Nhà thần học người Brasil – Leonardo Boff – trong cuộc hội thảo bàn tròn về “Tôn giáo và tự do”…đã hỏi đùa Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma khi nghỉ giữa giờ :
-Thưa ngài, tôn giáo nào tốt nhất ?
Tôi nghĩ là ngài sẽ nói “Phật giáo Tây Tạng” hoặc “Các tôn giáo phương Đông…lâu đời hơn Ki-tô giáo nhiều”, nhưng – trầm ngâm một lát – ngài mỉm cười nhìn thẳng vào mắt tôi:
-Tôn giáo tốt nhất là tôn giáo đưa anh đến gần Đấng Tối Cao nhất. Là tôn giáo biến anh thành tốt hơn…
Cố giấu đi sự bối rối đứng trước một câu trả lời khôn ngoan đến vậy, tôi hỏi tiếp :
-Cái gì làm tôi tốt hơn?
Ngài trả lới :
-Tất cả những gì làm anh : – biết thương cảm hơn, – biết theo lẽ phải hơn, – biết từ bỏ hơn, – biết dịu dàng hơn, – biết nhân hậu hơn, – có trách nhiệm hơn, – có đạo đức hơn…Tôn giáo nào biến anh thành như vậy là tôn giáo tốt nhất…
Rồi ngài tiếp:
-Anh bạn ơi ! Tôi không quan tâm đến tôn giáo của anh hoặc anh có ngoan đạo hay không…Điều thật sự quan trọng đối với tôi là cách cư xử của anh đối với người-đồng-đẳng, gia đình, công việc, cộng đồng và đối với thế giới.
Hãy nhớ rằng: vũ trụ dội lại hành động và tư tưởng của chúng ta. Qui luật của hành động (Action) và phản ứng (Reaction) không chỉ dành riêng cho vật lý. Nó cũng được áp dụng cho tương quan con người: – nếu tôi ở hiền, thì tôi gặp lành, – nếu tôi gieo gió, thì tôi gặt bão…Những gì ông bà nói với chúng ta là sự thật thuần túy. Chúng ta nhận được những gì chúng ta làm cho người khác. Hạnh phúc không phải là vấn đề số mệnh. Đó là vấn đề lựa chọn.
Cuối cùng ngài nói:
- Hãy suy tư cẩn thận vì Tư Tưởng sẽ biến thành Lời Nói,
- Hãy ăn nói cẩn thận vì Lời Nói sẽ biến thành Hành Động,
- Hãy hành xử cẩn thận vì Hành Động sẽ biến thành Thói Quen,
- Hãy chú trọng Thói Quen vì chúng hình thành Nhân Cách,
- Hãy chú trọng Nhân Cách vì nó hình thành Số Mệnh,
- Và Số Mệnh của anh sẽ là Cuộc Đời của anh…
- Không có tôn giáo nào cao trọng hơn Sự Thật.
Vậy là “từng bước – từng bước thầm”, người viết lên bàn mổ…
Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp – viết trước giờ nhập viện…