Đấy là con số những ngày sống trong trại lao động cải tạo của Đức Hồng Y tiên khởi của Giáo Hội Albania – Đức Hồng Y Ernest Simoni…
Ngài sinh ngày 18 tháng 10 năm 1928…và được thụ phong Linh Mục ngày 7 tháng 4 năm 1956…
Sau khi cử hành Thánh lễ Vọng Giáng Sinh năm 1963, ngài bị bắt…
Và mãi đến năm 1990 – sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ vào rạng sáng ngày thứ sáu mùng 10 tháng 11 năm 1989 – ngài được trả tự do…
Người ta đã tổng cộng số ngày trong các trại lao động cải tạo ngài trải quatrên dưới 26 năm…và con số ấy là 11.107 ngày …
Ngài cũng là vị Linh Mục Công Giáo duy nhất còn sống sót sau chế dộ của Enver Hoxha – người đã từng công bố Albania là “quốc gia vô thần đầu tiên trên thế giới”…
Và hiện nay, nguyên tại Tổng Giáo Phận Tirana Durazzo của Đức Tổng Rrok Mirdita thì đã có 9 Linh Mục Triều, 30 Linh Mục Dòng, 33 tu huynh, 121 nữ tu, 1 đại chủng sinh, 14 cơ sở giáo dục, 7 trung tâm bác ái và 135 ngàn tín hữu…
Linh Mục Ernest Simoni được Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô vinh thăng Hồng Y ngày 19 tháng 11 năm 2016…Ngài là Hồng Y Linh Mục…
Cái lý do để người viết chú ý đến là con số 11.107 này: đấy là nó cho thấy một sự trân trọng và kính nể đặc biệt của Giáo Hội dành cho Đức Hồng Y Ernest Simoni…Nó cho thấy sức mạnh phi thường của niềm tin tôn giáo…Nó trình bày điều mắt thấy tai nghe nơi một con người làm chứng…Và nó trở thành nguồn cảm hứng mục tử tuyệt vời cho các công tác mục vụ trong Giáo Hội ở mọi thời – và nhất là trong bối cảnh xã hội được gọi là “hôm nay”…
Giáo Hội Albania không phải là một Giáo Hội non trẻ…Giáo Hội này đã hình thành từ giữa tk I CN – thời của đế quốc La-mã…Diện tích của đất nước Albania – cập nhật ngày 10.6.2019 – là 27.393 cây số vuông với dân số khoảng 2.938.196 người gồm 97% là người Albani, 1% người Hy Lạp…và 2% còn lại gồm nhiều sắc tộc như Arumeni, Rom, Serbi, Macedoni, Montenegrini, Armeni…Về mặt tôn giáo : 56,7 % theo Hồi Giáo, 10% theo Công Giáo, 6,8 % theo Chính Thống , 2,1% là tín hữu Bektashi, 5,7 % theo các tôn giáo khác…và 16,2 % không theo tôn giáo nào…
Enver Hoxha lên nắm chính quyền từ năm 1944 cho đến khi ông qua đời vào năm 1985 – trước ngày bức tường Bá Linh sụp đổ khoảng 4 năm…Và Giáo Hội Công Giáo – cũng như các tôn giáo khác ở Albania – đã sớm lấy lại sức mạnh đức tin của mình…
Ngày Chúa Nhật 21 tháng 9 năm 2014, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã có chuyến công du thăm viếng Albania kéo dài 11 giờ đồng hồ…Chuyến thăm viếng được coi là để tôn vinh cuộc sống hài hòa giữa các tôn giáo ở Albania…Ngài dâng lễ tại quảng trường Mẹ Tê-rê-xa với khoảng 300.000 người có mặt…Đức Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Tirana – Durres có thưa với Đức Thánh Cha về chế độ của Enver Hoxha : Chế độ ấy hứa hẹn một thiên đàng không có Thiên Chúa, nhưng thay vì thế nó để lại một địa ngục không có niềm an ủi…
Dân dã người ta vẫn có câu nói cửa miệng : một ngày trong nhà giam dài bằng nghìn năm ở bên ngoài – nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại…
Nhân con số 11,107 ngày của Đức Hồng Y Ernest Simoni lên, chúng ta sẽ thấy là “một con sốvô cùng”…Thế nhưng điều gì làm cho những con người mỏng dòn, mảnh khảnh ấy có thể trải qua được “con số vô cùng” trên đây ? Xin thưa : đấy là niềm tin và sự cầu nguyện…
Đức Hồng Y nói :
Họ đã làm mọi cách để loại bỏ tôi, nhưng Chúa không bao giờ bỏ rơi tôi.Tôi đã bị kết án tử hình treo cổ, nhưng Chúa đã cứu tôi…
Tôi không bao giờ ngừng cầu nguyện – đặc biệt cầu nguyện cho những người bắt bớ tôi…Bất cứ ai nói rằng mình yêu mến Chúa Giê-su, thì phải luôn luôn giữ lời Người là yêu cả những kẻ làm hại mình, và khi chúng ta nói rằng Chúa Giê-su vẫn còn sống, thì đó không phải là chuyện thần thoại : đó là sự thật. Chính Người là Đấng đã ban cho tôi sức mạnh để đối mặt với nhà tù…
Đức Hồng Y đặc biệt quan tâm đến tầm quan trọng của sự tha thứ, vì đó là điều “đã mang Chúa Giê-su đến với thế giới.”
Những gì nhìn thấy được nơi Đức Hồng Y Ernest Simoni cũng tương tự như những gì người giáo dân Việt Nam chứng kiến nơi cuộc sống của Đấng Đáng Kính – Hồng Y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận với 13 năm tù từ ngày lễ Đức Mẹ Lên Trời 15/8/1975 đến ngày lễ Đức Mẹ dâng mình ngày 21/11/1988 – nghĩa là bằng một nửa thời gian “tại tù” của Đức Hồng Y Ernest, tức khoảng xuýt xoát gần 6.000 ngày…và dĩ nhiên cũng là một “con số vô cùng”…
Một trải nghiệm có thể nói là vô giá và đã rất quen thuộc trong Giáo Hội cũng như nơi mọi xã hội loài người : đấy là ở những thời gian khó khăn, người ta can đảm để sống chứng nhân hơn ở những thời điểm có nhiều điều kiện thuận lợi…Mới đây mạng xã hội lùm xùm chuyện một Giáo Phận kia “sang chảnh” nhờ một “công quả” của một quả phụ dâng kính từ cuối tk 19 : đấy là mảnh đất rộng lớn ở Texas – nơi mà 30 năm sau, người ta phát hiện ra dầu…” Sang chảnh” cũng đang là cuộc đua của nhiều “công trình” đạo/đời ở Việt Nam…Đời thì dĩ nhiên là để mà kiếm tiền…
Trong Thánh Lễ tại Quảng Trường Mẹ Tê-rê-xa Đức Thánh Cha dâng dịp Ngài thăm viếng Albania Chúa Nhật 21 – 9 – 2014, ở vào cuối Thánh Lễ, khi nhìn thấy rất đông người trẻ đến chào đón Ngài, Đức Thánh Cha đã nói với những người trẻ:
– Hãy xây dựng tương lai của mình nơi Chúa Ki-tô,
– Hãy nói “không” với thần tượng tiền bạc, nói “không” với tự do giả tạo của chủ nghĩa cá nhân, nói “không” với nghiện ngập và bạo lực.
– Thay vì thế , hãy nói “có” với một nền văn hóa gặp gỡ và liên đới , nói “có” với Chân – Thiện – Mỹ và một cuộc sống tràn đầy nhiệt tình cũng như “trung tín trong những việc nhỏ” .
Ước mong sao một ngày nào đó, giới trẻ Việt Nam cũng trực tiếp được nghe những lời huấn giáo đầy cảm hứng ấy…
Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp