Chuyện mỗi tuần – chuyện về kiệt tác phẩm “ Pietà” của thiên tài Michelangelo

Người viết nhận thấy pho tượng này rất được ưa thích và đặc biệt rất nhiều phiên bản được đặt tại khuôn viên của nhiều khu vực lưu giữ tro cốt của bà con giáo dân…nên gom góp đôi ba điều nhằm chia sẻ và giúp chúng ta có được những gẫm suy mỗi lần đến viếng thăm thân nhân và chiêm ngưỡng pho tượng…

Pho tượng do chính tay thiên tài nghệ thuật Michelangelo điêu khắc được đặt trang trọng trong Vương Cung Thánh Đường thánh Phê-rô ở Vatican – Roma…

Hồng y người Pháp Jean Billheres muốn có một pho tượng để đặt trên phần mộ của mình và đã thuê một thanh niên thực hiện pho tượng ấy…Anh chàng thanh niên 23 tuổi đã miệt mài ròng rã suốt hai năm trời (1498-1499) trên khối đá cẩm thạch Carrara, Tuscany để rồi cuối cùng hoàn thành pho tượng có tên gọi là Pietà…và anh chàng thanh niên nghệ sĩ ấy chính là Michelangelo (1475-1564) – con người tiếng tăm của nghệ thuật thời Phục Hưng…

Pietà – hiểu theo ngôn ngữ phương Đông – có nghĩa là “Từ Bi”…Thế nhưng tên thường được gọi ở Việt Nam là “Đức Mẹ Sầu Bi” – có lẽ là vì “sự kiện” ông Giuse A-ri-ma-thi-a hạ xác Chúa Giê-su từ trên Thánh Giá và trao cho Đức Mẹ ( Gio 19 , 38 – 39) cũng như cái lý do ban đầu pho tượng được thực hiện là nhắm đặt để tại một lăng mộ…Thật ra thì có rất nhiều tác phẩm hội họa cũng như điêu khắc diễn tả biến cố nhiều cảm hứng này như “Pietà” – phiên bản bằng gỗ của Vesperbild Schwaben, tranh “Pietà” của họa sĩ Luis de Morales, tượng gỗ “Pietà” của Gregorio Fernandez…Và hầu hết các phiên bản này đều tập trung diễn tả sự bi thương, thống thiết về cảnh Đức Maria ôm xác Chúa Giê-su sau khi xác của Người được hạ xuống từ cây Thập Tự…Nghĩa là diễn tả cách tự nhiên nỗi đau của một người Mẹ với cái xác lạnh ngắt của đứa con duy nhất mà mình đứt ruột sinh ra – một điều gì đó rất thật đối với con người ở trong tình huống như vậy…Tuy nhiên “Pietà” – nguyên tác của Michelangelo – thì không phải là như thế…Ông muốn diễn tả sự “siêu thoát” của những con người thuộc “thế giới siêu nhiên” ngay khi còn mang thân xác người phàm…

Từ một khối đá vô hồn, Michelangelo đã đẽo gọt nó thành một tác phẩm nghệ thuật sống động trong từng chi tiết :

 Khuôn mặt Đức Maria trong sáng, tươi trẻ – như chỉ mới đôi mươi – ôm xác Chúa Giê-su trong lòng với tư thế ngồi vững chãi, và gương mặt toát lên vẻ đẹp thánh thiện, thanh thản, hoàn toàn không lộ vẻ bi thương, sầu thảm…Y phục của Mẹ  được nắn nót từng nếp gấp sống động như được may bằng một thứ lụa mềm mại…Tất cả những diễn tả ấy của Michelangelo là để nói với muôn người thuộc muôn thế hệ rằng : khi con người sống trong ý muốn của Thiên Chúa thì họ luôn luôn tươi trẻ, năm tháng cũng như những biến cố không ảnh hưởng gì đến họ…

Cánh tay Chúa Giê-su thả lỏng buông bỏ, khuôn mặt Người thanh thản, yên bình như đang say ngủ, thậm chí trên môi như còn vấn vương một nụ cười nhẹ nhàng chưa tắt, cơ thể cân đối với những múi thịt vạm vỡ của một chàng trai ở tuổi thanh niên…Michelangelo diễn tả cái chết của Chúa trong xác phàm là để thể hiện công cuộc cứu rỗi con người và mang hy vọng lại cho nhân loại…Người chết cái chết của Vị “Thiên – Chúa – Làm – Người” để đưa con người vào thế gới của Thiên Chúa…chứ không là sự đau khổ của tuyệt vọng… 

Vậy đấy, trong cái nhìn siêu thoát và chiêm nghiệm, Michelangelo muốn nói với chúng ta rằng Đức Maria không “sầu bi” như chúng ta tưởng, nhưng Ngài luôn luôn là một trinh nữ với vẻ đẹp trinh khôi, trong trắng…Sự bình thản của Ngài thể hiện sự chấp nhận với một đức tin mạnh mẽ vào Ý Muốn của Thiên Chúa Cha – Đấng đã hoạch định công trình cứu chuộc bằng cái chết của Đức Giê-su – Con Thiên Chúa và cũng là Con của Ngài…Khi biến cố hạ xác Chúa từ trên Thập Tự…thì có lẽ tuổi của Đức Maria cũng xấp xỉ ngũ thập…Thế nhưng Michelangelo vẫn muốn giữ khuôn mặt mười tám đôi mươi của Ngài là để nói với chúng ta rằng : con người – khi ở trong sự toàn hảo – thì không có tuổi, hay nói cách khác thời gian không còn là vấn đề đối với các ngài…

Đức Giê-su – sau ba ngày trong mộ – đã trỗi dậy…Trong tư duy của Michelangelo thì cái chết của Người chỉ là sự từ bỏ nhục thân, lấy sự đau đớn của chính mình làm giá mang lại sự sống cho nhân loại… 

Có tác giả bảo rằng : chữ Pietà có nghĩa là “đáng tiếc” – hàm chứa ý nghĩa về sự đáng tiếc vì con người đã phạm tội và Đức Giê-su đã phải chết…Bản thân người viết thì vẫn thích gọi Pietà là Từ Bi – Đức Mẹ Từ Bi, bởi vì thương nhân loại nên Ngài sẵn sàng đón nhận thiên ý từ Chúa Cha dành cho Con của Ngài, vì Từ Bi…nên Ngài bằng lòng trao tặng cho chúng ta Người Con lạnh giá từ Thập Tự, và cũng vì Từ Bi…mà Đức Giê-su – sau khi được đưa xuống từ Thập Tự – đã an bình trong giấc ngủ say của sự mãn nguyện vì thiên ý của Chúa Cha được thực hiện trọn vẹn – giấc ngủ với môi cười nhè nhẹ vấn vương…

Tuần này người viết được sắp xếp ở lại bệnh viện theo dõi chuyện đường huyết lên lên / xuống xuống…nên có dịp đi thăm Đức Mẹ trong khu vực nhỏ bé dành cho Ngài…Có lẽ do trước đây trong bệnh viện có một nhà nguyện và một ngôi chùa…Nay thì người ta dùng hai nơi ấy cho một công việc khác…Tuy nhiên người viết thấy họ dành một chỗ – nhỏ thôi – nhưng có người chăm sóc, quét dọn hằng ngày…nên lúc nào cũng khói hương, nến cháy và nhiều những giỏ hoa tươi…Dù sao, Chúa và Mẹ vẫn ở giữa những con người bệnh hoạn, đau khổ…và cả khốn cùng nữa…Pho tượng là tượng “Đức Mẹ phù hộ các giáo hữu”…

Và vì thế, mỗi lần chúng ta đến viếng thăm thân nhân, ân nhân và các dẳng linh hồn tại những nơi lưu giữ tro cốt của các ngài, chiêm ngưỡng phiên bản của kiệt tác phẩm Pietà, chúng ta tin tưởng rằng : cũng như Chúa và Đức Mẹ, các linh hồn sẽ được ở trong một thế giới của sự trẻ trung, tươi mát và thanh thản…


 

Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp

Chia sẻ Bài này:

Related posts