Trong một cuộc triển lãm tranh vẽ tại một thành phố kia với chủ đề “Bình An”, các họa sĩ khắp nơi đã gửi về hàng trăm bức họa rất đẹp đề cập đến mọi khía cạnh mà họ nghĩ là độc đáo để diễn tả sự An Bình…Ban Tổ Chức lồng vào trong cuộc triển lãm một sự đánh giá vài ba bức tranh ý nghĩa hơn cả do một Ban Giám Khảo gồm các họa sư danh tiếng…Cuối cùng thì họ cũng chọn ra được hai bức tranh tiêu biểu : Bức thứ nhất vẽ cảnh mặt trời chiếu thẳng xuống mặt nước phẳng lặng trải dài bên những rặng cây xanh tươi tốt đứng yên…thật an bình…Bức thứ hai ngược lại là cảnh bão tố tàn phá, cây cối xác xơ, cảnh vật hoang tàn, bầu trời đen tối, sóng biển cuồn cuộn dâng…đập tan trên vách đá…và nước bắn tung tóe…Thế nhưng bên trong hốc đá, một con chim mẹ nằm ấp mấy con chim con trong tổ…không một chút hãi sợ gì…Ban Giám Khảo đã chấm bức tranh thứ hai này được giải, bởi vì họ cho rằng chính bức tranh này mới lột tả hết được ý nghĩa của sự An Bình…
Người viết đã lục tìm một tổ chim như thế, nhưng chỉ gặp những “Tổ Chim Khách Sạn” cheo leo trên các sườn núi nhằm thu hút khách du lịch…Và – dĩ nhiên – trong cơn bão Covid-19 này…thì những “Tổ Chim Khách Sạn” ấy quả thật là không được bình yên mấy !!! Điều đáng buồn là những “Tổ Chim Khách Sạn” đã ảnh hưởng không ít đến thiên nhiên, các cư dân của rừng…và – đặc biệt loài chim…Cuối cùng người viết đành mượn hình ảnh chú bồ câu tha mầm lá trên đây để minh họa cho đề tài mình muốn nói đến : sự Bình An…
Phần lớn khi nói đến Bình An, người ta thường hiểu là mạnh giỏi, yên lành, không tai nạn, không trắc trở, không rủi ro…
Thế nhưng sự Bình An hiểu như thế – và dĩ nhiên là cũng rất cần thiết – mới chỉ là sự Bình An…bên ngoài…
Thứ Bình An thật sự và tối cần thiết cho mỗi chúng ta là sự Bình An bên trong, sự Bình An nội tâm, sự Bình An của những chú chim non được mẹ ấp ủ trong hốc đá giữa bão tố, đổ nát…và tàn phá…
Đức Giê-su đã đến giữa chúng ta, giữa con người và trong hoàn cảnh như thế… để nói với chúng ta rằng : “Bình an cho anh em !” (Gio 20,19b)…
Rồi có chuyện của ông Tông Đồ Giu-đa Tô-ma – song sinh với ai thì không rõ – nhưng cái biệt danh “Đi-đi-mô” – với người Việt Nam – lại là một câu hỏi – và dĩ nhiên là hỏi đùa với giọng người miền Trung rằng : “đi đâu vậy ?”… để phải “lẩy bẩy” đứng trước sự hiện diện rõ ràng là ở ngay trước mắt của Đấng đầy những vết tích của Thương Khó và Tử Nạn trên mình – Người đã sống lại – Người hiện ra – và Người cầu chúc : “Bình an cho anh em !”…Dù sao đi chăng nữa thì lời tuyên xưng đức tin của vị Tông Đồ “ đi – đâu – mà – đi – hoài ” ấy – “Lạy Chúa của con , lạy Thiên Chúa của con !” ( Gio 20 , 28) – cũng đã được ngài thể hiện qua suốt cuộc đời “làm chứng” về Đấng Sống Lại của ngài…và cũng là một nhắc nhở cho mỗi chúng ta rằng : “ đi mô thì đi ”…nhưng đừng bao giờ để mất dấu tích của Đấng chết và sống lại cho và vì chúng ta, bởi đấy là nguồn sự Bình An giữa cái “ lò cừ nung nấu sự đời – bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương” này (Cung Oán – NGT)…
Đức Giê-su sẽ nắm lấy tay mỗi chúng ta như xưa Người đã nắm lấy tay của Tông Đồ Tô-ma…và đưa vào cạnh sườn Người…Điều mà – trong Mùa Phục Sinh 2020 dập dồn những dấu chỉ và gợi ý suy nghĩ này – Đức Hồng Y George Pell chia sẻ với chúng ta :
Khi điều tồi tệ xảy ra với chúng ta, như cái chết hay đại dịch, nó khiến chúng ta nghĩ về Tuần Thánh.
Đối với người không tin, việc tưởng nhớ cái chết của Chúa Giê-su là việc không mang lại ý nghĩa gì.
Tuy nhiên, đối với người tin vào Đức Ki-tô, đau khổ không phải là thứ vô giá trị. Chúng ta có thể tự hỏi vì sao những sự dữ lại xảy ra như thế. Nhưng có điều chắc chắn là Đức Ki-tô luôn đồng hành với chúng ta. Chúng ta có thể không hiểu Chúa sẽ dẫn mình đi đâu, nhưng chắc chắn chúng ta có thể kết hợp những đau khổ với Người.
Chắc chắn tồn tại sự sống bên kia cái chết và nhất định Công Lý sẽ hiển trị.
Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp