CHUYỆN MỖI TUẦN – CHUYỆN VỀ MỐI “PHÚC” CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA…

Đức Thánh Cha đã đề cập đến mối PHÚC ấy trong giáo huấn của Ngài ở kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật VI/TN/C qua trích đoạn Tin Mừng của thánh sử Luca ( x. 6 , 17. 20 – 26)  trong cử hành Phụng Vụ Thánh Lễ Chúa Nhật đầu tuần mới này…Điều đặc biệt – và cũng là chủ đề chuyện tuần này – đấy là Đức Thánh Cha – trong chia sẻ suy tư – đã nhấn mạnh đến mối PHÚC đầu tiên : “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em” (Lc 6,23)…

Đức Thánh Cha gợi nên một điều thú vị đáng để chúng ta lưu ý, đấy là “mặc dù đám đông bao quanh, nhưng Chúa Giê-su lại tuyên bố với họ bằng cách “nhìn các môn đệ và nói” (c.20)…Nghĩa là Đức Thánh Cha muốn nhắc lại cho các môn đệ Chúa rằng : căn tính của người môn đệ là các mối PHÚC, và mối phúc Nghèo Khó…là mối phúc hàng đầuVà Đức Thánh Cha dừng lại ở ba điểm để chia sẻ :

Môn đệ không tìm niềm vui trong của cải vật chất

Về điểm này,  Đức Thánh Cha muốn chúng ta hiểu sự “có PHÚC” của chúng ta theo nghĩa nào ? – theo nghĩa người môn đệ Chúa “không tìm niềm vui trong tiền bạc, quyền hành hay trong những thứ của cải vật chất khác”…mà niềm vui người môn đệ tùy thuộc nơi “những ân ban mỗi ngày từ Chúa, tức sự sống, thụ tạo, anh chị em; – theo nghĩa người môn đệ Chúa “sẵn lòng chia sẻ ngay cả những gì mình sở hữu, bởi muốn sống theo lý luận của Thiên Chúa, đấy là tính nhưng không của tất cả; – theo nghĩa sự nghèo khó là một thái độ hướng đến “ý nghĩa của cuộc sống và mỗi ngày phải học”; – theo nghĩa “người môn đệ Chúa phải là người khiêm tốn, cởi mở, không định kiến và cứng nhắc”…

Tóm lại, về mặt khó nghèo – chứ không phải là “khó mà nghèo !” hoặc “vừa ngó, vừa khèo !” – thì Chúa muốn môn đệ Chúa “không tìm niềm vui” cho mình bằng cách “gom tiền và đếm tiền, chăm chút con xe lớn, con xe nhỏ, bày biện phòng bè, nhà cửa với những gì người đời thích và phô trương, cận kề và thân thiết với đại gia, xa lạ với phần đại đa số bà con nghèo hoặc cận nghèo trong Giáo Xứ…” vốn là những chuyện “xưa như trái đất” nhưng luôn là đề tài khiến người đời dòm ngó, Chúa buồn, và Giáo Hoàng thì nhắc đi nhắc lại luôn…Bên cạnh đó là cái giàu của quyền lực, của lối sống “giáo sĩ trị” mà trong thời gian chuẩn bị xa cho Thương Hội Đồng 2023, các Công Nghị Giáo Phận chắc chắn là sẽ bàn tới…và các nhà được mời thuyết giảng đề tài chắc chắn là sẽ rất cao giọng, rất hùng biện, nhưng điều mà Chúa muốn, dân Chúa muốn…là “ngôn/ hành đồng nhất”…cho Dân Chúa được nhờ…và Giáo Hội Chúa thực sự diễn tả khuôn mặt của Vị Mục Tử Nhân lành…

Đức Thánh Cha nêu gương sống của Tông Đồ Phêrô, vị Giáo Hoàng tiên khởi

Ngài nhấn mạnh đến cái nghèo của Phê-rô nằm ở  thái độ ngoan ngùy của Ngài khi Ngài quyết định vất bỏ tất cả để theo Chúa…và trở thành môn đệ…nghĩa là chấp nhận một cuộc sống “không còn ý riêng” và “không còn sự an toàn” để mà lên tiếng, để mà ỷ lại…Khi người ta còn “cố giữ ý riêng” , còn “ráng bám víu vào một sự an toàn nào đó”, người ta sẽ là “môn đệ bán thời gian”, “môn đệ ở những gì phù hợp” với họ…Đến một lúc nào đó…không còn được như thế, người ta trở nên “buồn bã”, “đóng khung”…Cám ơn thời gian dịch bệnh vừa qua, vì đấy là lý do…để có những vị Mục Tử – ở “cấp bậc” Tông Đồ đàng hoàng –  đóng cửa, ngồi nhà…và rất thoải mái rao giảng “trực tuyến” cách hùng hồn…và “miễn nhiễm” !!! Tội nghiệp con cái Chúa quá !!! Hàng tuần họ phải “chạy” khắp nơi trên màn hình…để rồi đáp xuống ở Thánh Lễ trực tuyến của một Giáo Phận, Giáo Xứ nào đó…mà sự rao giảng ít lý thuyết và nhiều trải nghiệm Lời Chúa hơn cả…

+ Cuối cùng, Đức Thánh Cha đề cập đến thái độ phải có của người môn đệ Chúa : đó là chấp nhận tính nghịch lý của các mối PHÚC

Nghịch lý ở chỗ nào ? Ở chỗ “môn đệ Chúa” và “người đời” hiểu về Hạnh Phúc khác nhau và ngược nhau : môn đệ Chúa thì cho rằng hạnh phúc là sống đơn giản, tôi thiểu những nhu cầu, đôi khi có chút thiếu thốn…nhưng không hề hấn gì, đặc biệt người môn đệ chấp nhận để mình đắm chìm trong luận lý của Thiên Chúa và loại bỏ lý luận của bản thân…Với “ người đời”…thì khác : phải tìm mọi cách để giàu, phải sang chảnh, phải được chiêm ngưỡng và khen ngợi…Và – khá là thường xuyên – để có được tất cả những thứ hão huyền ấy, họ “tự thổi phồng lên”, nhưng những lúc ngồi lại một mình, diện đối diện với cái “tôi” tội nghiệp, họ gặm nhấm nỗi buồn về sự “trống rỗng” của bản thân…Và Đức Thánh Cha nhắc lại sự trân trọng của Chúa dành cho môn đệ bằng lời chúc và cũng là sự thán phục : “phúc thay !”…

Và để kết thúc, Đức Thánh Cha đã có lời cầu nguyện dâng lên Mẹ Maria – Mẹ của lời “Xin Vâng” : Mẹ – người môn đệ đầu tiên của Chúa – xin giúp chúng ta sống là những môn đệ cởi mở  vui tươi

Đồng thời Ngài cũng giúp chúng ta – môn đệ của Chúa –  một bản xét mình cho mỗi cuối ngày sống :

– Liệu tôi có sẵn sàng trở thành môn đệ của Chúa không? – Hay tôi cư xử với sự cúng nhắc của người luôn nghĩ và tin rằng mình đúng, mình tử tế, mình thành đạt ? – Tôi có cho phép một sự “đánh đổ bên trong” trước nghịch lý của các Mối Phúc hay tôi vẫn ở trong giới hạn của những ý tưởng của riêng mình ? – Và rồi , ngoài những vất vả khó nhọc, tôi có cảm nhận được niềm vui khi bước theo Chúa Giêsu không ?

Bởi “ niềm vui tâm hồn…là dấu hiệu để biết ai là môn đệ Chúa…”

 

Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp

Chia sẻ Bài này:

Related posts