Chuyện mỗi tuần – chuyện về ngôn ngữ cơ thể trong bức tranh “ Bữa Tối Cuối Cùng” của Leonardo da Vinci

Trong cuốn sách “Bàn về Hội Họa”, Leonardo da Vinci có nói như thế này : “ Một họa sĩ giỏi nên vẽ được hai điều chính : người và ý tưởng tâm linh của người…Điều quan trọng nhất trong hội họa là tư thế nhân vật phải thể hiện được trạng thái bên trong của anh ta, như khao khát, khinh miệt, tức giận, cảm thông…” 

Vì thế cho nên kè kè bên mình cuốn sổ của những nét phác họa, Da Vinci đã dành một thời gian rất dài để lê la đây đó, ghi lại những nét phác thảo của những người ông gặp, những người ông trao đổi với… “Kho tàng” những nét phác thảo ấy, ông nghiền gẫm không những ở những thời gian ngắm nghía mà ngay cả khi sáng tác cũng vậy…Người ta bảo rằng có những ngày ông loay hoay từ sáng tới chiều trên dàn giáo đối diện với bức tường vẽ tranh ( nhà thờ thánh Matta) và nhiều khi hai ba ngày không leo lên, hoặc đùng đùng một lúc nào đó vội vội vàng vàng leo lên…chỉ để thêm một nét ngang hay một nét dọc…thế thôi… 

Chúng ta thử có đôi ba chia sẻ về những nét diễn tả qua ngôn ngữ cơ thể của các nhân vật trong bức tranh “Bữa Tối Cuối Cùng” vừa để chiêm ngưỡng, vừa để suy gẫm… 

Chúa Giê-su dang hai tay tạo thành một tư thế hình kim tự tháp, thể hiện một vẻ ngoài điềm tĩnh, khoan dung và tha thứ, trái ngược với tư thế của các vị tông đồ đang nhiễu động, xôn xao từ hai bên…

Cụm nhân vật Phê-rô đang nắm lấy vai của Gioan (người ngồi bên phải Chúa Giê-su),,,như để yêu cầu anh ta hỏi xem ai là kẻ bán đứng Thầy mình…Kẻ phản bội Giu-đa ở ngay bên cạnh, tay đang cầm túi tiền nghe thế thì giật mình quay đầu lại…và hơi lùi về đàng sau…như diễn tả một sự sợ sệt nào đó…

Cụm nhân vật Thô-ma với ngón tay chỉ lên trời như thể hỏi Chúa Giê-su về manh mối tìm ra kẻ phản bội…Gia-cô-bê tiền (James Major) trong tâm trạng khá “sốc” với hai tay dang ra hai bên…Phi-li-phê thì tự chỉ vào mình như muốn hỏi : “Liệu có phải con không ?”

Cụm nhân vật Bar-thô-lô-mê-ô, Gia-cô-bê hậu (James Minor) và An-rê : họ đều tỏ vẻ kinh sợ…An-rê giơ hai tay lên như một cách nào đó muốn nói với hai người kia : Bình tĩnh đi ! Bình tĩnh đi nảo!

Cụm ba người ở bên trái xa nhất bao gồm Mat-thêu, Ta-đê-ô và Si-mon đang nói chuyện với cử chỉ rất mãnh liệt…Với đôi tay chỉ vào Chúa Giê-su ở trung tâm bức tranh, họ như đang tranh luận xem ai là kẻ mà Người đang nói tới… 

Da Vinci đã khéo léo dùng ngôn ngữ cơ thể diễn tả tâm lý của từng con người và từng cụm nhân vật…mục đích là để chỉ ra danh tính của Giu-đa – kẻ phản bội…Hắn là người duy nhất trong bức tranh không tương tác với bất cứ ai trong bàn ăn – nghĩa là hắn ở trong trạng thái “tự cô lập” chính mình…Với cảm giác có tội và trong tâm lý tự bảo vệ, cơ thể hắn rút lui…như có vẻ né tránh Phê-rô và Gio-an…Tất cả các nhân vật trong bàn ăn đều hướng đến trung tâm là Chúa Giê-su, nhưng Giu-đa…thì không…Đặc biệt hắn cầm trong tay mình bằng chứng của bội phản : đấy là cái túi đựng tiền !!! Khuôn mặt của Giu-đa cũng được diễn tả cho thấy hắn là kẻ bội phản : khuôn mặt vẽ nghiêng ½ và cau có, đen đủi…với chiếc cằm nhọn hoắt…

Trở về từ bệnh viện sau ba tuần điều chỉnh lượng đường và mổ khớp gối còn lại, người viết nhận được tập tài liệu Tĩnh Tâm của Linh Mục Giáo Phận Nha Trang do Đức Giám Mục Giuse Nguyễn Đức Cương – GM Giáo Phận Thanh Hóa hướng dẫn – với chủ đề : Bước Theo Chúa Giê-su…Chưa có thời gian để đọc, nhưng người viết hiểu rằng : Bước Theo Chúa Giê-su…thì từ thủa Nhóm Mười Hai có mặt trong “Bữa Tối Cuối Cùng”  ấy…cho đến nay, rất nhiều thế hệ con người nam cũng như nữ…đã, đang và mãi mải miệt mài, nhưng có một thực tế là hai lần nằm ở khoa Xương Khớp bệnh viện tỉnh Khánh Hòa…thì hầu hết bà con bệnh nhân đều thú nhận rằng : đây là lần đầu tiên họ được tiếp xúc và gần gũi với một Linh Mục Công Giáo…Thiết tưởng chia sẻ một vài nét về ngôn ngữ cơ thể danh họa Da Vinci ghi lại trong “Bữa Tối Cuối Cùng” cũng có thể có được đôi ba suy nghĩ về việc “Bước Theo…” Và – dĩ nhiên – sự “Bước Theo”… mỗi thời nhịp chân có thể khác, nhưng “nhiệt huyết” và “cốt lõi”…vẫn là thế. 

Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp

Chia sẻ Bài này:

Related posts