6 – Đức Thánh Cha nêu lên một điều thú vị trong thư thứ hai Tông Đồ Phaolô viết cho tín hữu Corintô, đấy là Ngài không muốn bắt ép các Kitô hữu phải làm việc bác ái, nhưng việc người tín hữu nhiệt tâm trong các hoạt động bác ái của mình “là để “kiểm chứng sự chân thành” về tình yêu của họ trong việc quan tâm và lo lắng cho người nghèo”…Nghĩa là việc chung tay để giúp đỡ người nghèo nơi những người tin và theo Chúa phải được thực hiện trong tinh thần là “dấu chỉ như Chúa Giêsu đã làm” – Người vốn là con Thiên Chúa, nhưng “ đã muốn tự làm cho mình nên nghèo khó”: một sự quảng đại làm nền cho công cuộc bác ái của con cái Thiên Chúa…
Và Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta sống tinh thần “tự hủy” ấy trong việc thực hành Lời Chúa khi để cho lòng mình đồng cảm với anh chị em mình trong hoàn cảnh khó khăn của họ…và để cho ánh mắt, cho nụ cười kèm với những hoạt động yêu thương chia sẻ mỗi ngày với anh chị em nghèo khổ cả tinh thần lẫn vật chất quanh ta…Đức Thánh Cha nhắc lại lời dạy của thánh Giacôbê Tông Đồ về phong cách sống bác ái phải có : “Anh em hãy đem Lời dạy của Chúa ra mà thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình. Thật vậy, ai lắng nghe Lời Chúa mà không thực hành…thì giống như người soi gương thấy khuôn mặt tự nhiên của mình. Người ấy soi gương rồi đi, và quên ngay không nhớ mặt mình như thế nào. Ai thiết tha và trung thành tuân giữ luật trọn hảo – luật mang lại tự do, ai thi hành luật Chúa chứ không nghe qua rồi bỏ, thì sẽ tìm được hạnh phúc trong mọi việc mình làm” (Gc 1,22 – 25)…
7 – Trong số 7 này, Đức Thánh Cha nêu lên một số nguyên tắc phải có trong việc quan tâm đến anh chị em nghèo khó bên cạnh chúng ta :
– “trước người nghèo thì không cần sự hùng biện, nhưng là xắn tay áo lên và thực hành đức tin (nghĩa là thực hiện Lời Chúa) bằng sự dấn thân trực tiếp, không thể ủy thác cho ai”;
– giữa chúng ta – những người tin – do “quá gắn bó với tiền của, sa lầy vào việc sử dụng sai trái tài sản và của cải”…đưa đến tình trạng sống “một đức tin yếu ớt và một niềm hy vọng uể oải và thiển cận”…Nói trắng ra là khá nhiều người tin – mặc dù được hưởng muôn vàn ân huệ của Thiên Chúa – nhưng vì tham vọng và bản tính gom góp…nên không mấy nhiệt tình trong việc quan tâm đến anh chị em minh;
– tiền bạc không thể là mục đích chính và sự gắn bó thái quá với tiền của “ngăn cản cái nhìn thực tế vào cuộc sống hằng ngày và làm mờ đi khả năng nhìn thấy, không cho chúng ta nhìn thấy nhu cầu của anh chị em mình”;
– không để cho bản thân “bị mê hoặc bởi thần tượng của cải”, bởi vì điều ấy sẽ đưa đến một kết cục tội nghiệp là chính mình bị “trói buộc vào một viễn tượng về cuộc sống phù du và sa ngã”…
Cho nên – Đức Thánh Cha nhấn mạnh – là không đến với người anh chị em nghèo khó quanh chúng ta bằng “não trạng trợ cấp”, nhưng là “sự dấn thân để không một ai thiếu thốn những điều thiết yếu”… Và quan trọng hơn cả là “sự quan tâm chân thành và quảng đại cho phép chúng ta đến với một người nghèo như đến với một người anh em để…chính bản thân tôi được cứu thoát khỏi vòng xoáy mà tôi bị rơi vào”… “Vòng xoáy” ấy có thể là “lời bao biện thường nghe thấy trong giới học thuật, doanh nghiệp hay chuyên môn, thậm chí cả hàng giáo sĩ”…cho rằng mình “không thể gần gũi người nghèo vì nếp sống của mình đòi hỏi phải chú ý tới những lãnh vực khác” (Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, 201)…Tệ hơn nữa là việc dùng từ thiện nhằm “đánh bóng” hoặc “quảng cáo” vô cùng trơ trẽn – điều mà truyền thông xã hội thời gian vừa qua khá là rộn ràng…”Điều cấp bách là phải tìm ra những cách thức mới có thể vượt lên trên khuôn khổ của những chính sách xã hội được xem như “một chính sách vì người nghèo”, nhưng không bao giờ là chính sách với người nghèo và của người nghèo, lại càng không nằm trong dự án liên kết mọi người” (Tông huấn Mọi người là anh em, 169)…Điều phải hiểu và phải sống, đấy là lời thánh Phaolô dạy tín hữu Côrintô trong lá thư thứ 2 : “Vấn đề không phải là bắt anh em phải sống eo hẹp…để người khác bới nghèo khó…Điều cần thiết là phải có sự đồng đều” (2Cr 8 , 13)…Nghĩa là chính ý thức của bản thân về đức công bình và tinh thần chia sớt buộc mỗi người tin nhìn lại mình, giảm bới những hoang phí và trợ giúp anh chị em quanh mình…
8 – Trong số 8 này, Đức Thánh Cha khai triển tư tưởng của thánh Phaolô để xin chúng ta sống đúng với “ân sủng” của Thiên Chúa : “Của cải đích thực không nằm ở việc “tích lũy kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư hoại và kẻ trộm đột nhập đánh cắp ” (Mt 6,19)…nhưng đúng hơn , là nơi tình yêu thương nhau khiến chúng ta mang gánh nặng cho nhau để không ai bị bỏ rơi hay loại trừ”…Qua kinh nghiệm thực tế về thời gian dịch bệnh cũng như cuộc chiến phi nghĩa “cá lớn nuốt cá bé” mang lại cho chúng ta một trải nghiệm sâu sắc và một bài học đậm đà, ấy là “chúng ta không ở trên trái đất này để tồn tại, nhưng để mọi người được sống một cách xứng đáng và hạnh phúc”…Đức Thánh Cha – qua việc nhập thể – nhập thế – tử nạn – sống lại của Đức Giêsu Kitô – dạy chúng ta rằng : “có cái nghèo hạ nhục và giết chết, nhưng cũng có cái nghèo khác, của Người (Đức Giêsu Kitô), giải thoát và làm cho chúng ta hạnh phúc”…
“Cái nghèo hạ nhục và giết chết”…là do “bất công, bóc lột, bạo lực và phân phối tài nguyên không công bằng” – “sự nghèo đói tuyệt vọng, không có tương lai, bởi vì nó bị áp đặt bởi thứ văn hóa vứt bỏ không mang lại triển vọng hoặc lối thoát”…Một diễn tả cụ thể và rất ý nghĩa của Đức Thánh Cha : “Khi quy luật duy nhất là phép tính lợi nhuận mỗi cuối ngày…thì không gì có thể giữ chúng ta khỏi nhìn thấy người khác chỉ đơn giản là những đối tượng bị bóc lột – nghĩa là những phương tiện”…Và từ cái nhìn thuần lợi nhuận đó sẽ “không còn nữa tiền lương phải lẽ, giờ làm việc thích hợp, và các hình thức nô lệ mới được tạo ra: những người không còn chọn lựa nào khác phải chấp nhận sự bất công độc hại này để lượm lặt những gì tối thiểu cho cuộc sống !”…
“Cái nghèo giải thoát và làm cho con người hạnh phúc”…là “cái nghèo có được từ kết quả của một quyết định có trách nhiệm để gỡ bỏ gánh nặng và sự tập trung vào những điều thiết yếu”…Nghĩa là cái nghèo “tự hủy” theo gương Chúa Giêsu…để kiếm và tìm phương cách tiếp cận anh chị em thốn thiếu quanh mình và tạo điều kiện để anh chị em chúng ta sống đúng vơi phẩm giá con người…vốn là thụ tạo được Thiên Chúa yêu thương và đặt để giữa và bên cạnh chúng ta…
Đức Thánh Cha nói về “cảm giác không hài lòng”của khá nhiều anh chị em chúng ta, “bởi vì họ cảm thấy một điều gì đó rất quan trọng đang thiếu trong cuộc sống của họ và đi tìm kiếm nó như như một sự lang thang không mục đích”…Điều họ cảm thấy thiếu và lang thang kiếm tìm ấy chính là “những người nhỏ bé, yếu thế, nghèo khó” quanh mình…Đức Thánh Cha khẳng định: “Gặp gỡ những người nghèo cho phép chúng ta chấm dứt những lo lắng và sợ hãi trống rỗng, để đi đến với điều gì thực sự quan trọng trong cuộc sống, đấy là kho báu không ai có thể cướp được khỏi chúng ta: tình yêu đích thực và nhưng không ( dĩ nhiên là theo gương của Đức Giêsu – Đấng tự hủy)…Cuối cùng, Đức Thánh Cha nêu lên tư tưởng của vị thánh giáo phụ và tiến sĩ Hội Thánh Gioan Kim Khẩu nhằm lên án cách hành xử của những Kitô hữu đối với anh chị em nghèo quanh mình : “ Nếu bạn không thể tin rằng người nghèo khó có thể làm cho bạn nên giàu có…thì xin hãy nghĩ đến Chúa của bạn và hãy thôi nghi ngờ điều này…Nếu Người không nghèo…thì bạn sẽ không thể giàu…và đây là một điều lạ lùng : đấy là cái nghèo lại trở nên nguồn của sự giàu có dồi dào…Những điều thánh Phaolô muốn nói về “sự giàu có” là sự hiểu biết về đạo đức, sự thanh tầy khỏi tội lỗi, sự công chính, sự thánh hóa và hàng ngàn điều tốt lành khác đã được ban cho chúng ta bây giờ và mãi mãi. Chúng ta có được tất cả những điều này là nhờ vào sự nghèo khó” (Bài giảng về Thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô 17,1)…
9 – Ở số 9 của Sứ điệp – trươc khi kế thúc bằng việc đưa ra một chứng cứ sống, Đức Thánh Cha tiếp tục khai triển chủ đề “Chúa Giê-su Kitô đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em” – một nghịch lý lớn của đời sống đức tin – mà thánh Phaolô nói đến trong Thứ thứ hai gửi tín hữu Côrintô của Ngài, Đức Thánh Cha cho rằng giáo huấn ấy của thánh Phaolô – giáo huấn về “sự nghèo khó của Đức Kitô làm cho chúng ta nên giàu có”, giáo huấn “ đã và vẫn được Giáo Hội loan truyền và làm chứng qua nhiều thế kỷ” ấy…thì là “bởi vì Thiên Chúa – nơi Con của Người, Đức Giêsu Kitô – đã chọn và đi con đường này” : con đường “Đức Ki-tô tự làm cho mình nên nghèo khó ví chúng ta”…và nhờ đó, “chúng ta được chiếu sáng và biến đổi, và nhận được một giá trị mà thế giới không thể hiểu được và không thể ban tặng” : – “Vì yêu, Người trút bỏ vinh quang và mặc lấy thân phận con người”; – “ Vì yêu, Người trở nên một người tôi tớ, vâng phục đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự (x. Pl 2, 6-8); “Vì yêu, Người đã trở nên “Bánh Ban Sự Sống” (Ga 6,35)…để không ai thiếu thốn những gì thiết yếu và có thể tìm thấy lương thực nuôi dưỡng cho sự sống đời đời”…
Và Đức Thánh Cha quả quyết : “Nếu chúng ta muốn sự sống chiến thắng sự chết, nhân phẩm được cứu khỏi bất công, thì chúng ta cần bước đi trên con đường của Chúa Giê-su nghèo khó, chia sẻ cuộc sống vì tình yêu, bẻ tấm bánh cuộc đời hằng ngày với anh chị em rốt hết, những người thiếu thốn những gì thiết yếu”…Và Đức Thánh Cha cho rằng : “Đây là cách tạo nên sự bình đẳng, giải phóng người nghèo khỏi sự khốn cùng và người giàu khỏi sự phù phiếm, giải phóng cả hai khỏi sự tuyệt vọng”…
10 – Đức Thánh Cha nêu lên bằng chứng sống về nghịch lý tuyệt với này nơi cuộc sống của Đức Giêsu Kitô mà Anh Charles de Foucauld – người vừa được Đức Thánh Cha nâng lên bậc hiển thánh ngày 15/5 vừa qua – đã sống và chết cho chân lý “tự hủy” cho và vì anh chị em mình…Người viết xin phép để đưa ra vài ba bằng chứng sống khác mà người viết có dịp để ghi lại từ chứng cứ của một người anh em ngoài Công Giáo:
– “ Đầu năm1980, tôi bò đến bờ biển Thái Lan…nhưng bầm dập, te tua, tơi tả cả xác lẫn hồn…Nơi đây, dưới một mái lều tranh (được dùng như Nhà Thờ tạm) trong trại tị nạn Songkhla,tôi gặp Cha Joe Devlin – một tu sĩ Dòng Tên…Dù không có nhu cầu học tiếng Anh ở trình độ vỡ lòng, tôi vẫn ngồi yên lặng nghe vị Linh Mục này giảng dạy rất nhiều buổi chiều – từ tháng này sang tháng nọ – chỉ vì giọng nói hiền hòa, ánh mắt nhân từ, và những cử chỉ bao dung thân ái của ông…”;
– “Cuối năm 1980, ở trại tị nạn Galang (Nam Dương), tôi lại gặp được một vị tu sĩ Dòng tên khác là Cha Gildo Dominici – tên Việt là Đỗ Minh Trí…Có thể nói mà không sợ quá lời là trong suốt thập niên 1980, đời sống vật chất lẫn tinh thần của nhiều người Việt tị nạn tại nơi đây (cũng như tại trại Bataan, Phi Luật Tân) tương đối khấm khá là nhờ vào sự tận tụy của cá nhân ông…
Đến cuối đời, tôi lại còn được biết thêm nhiều vị tu sĩ can trường và khả kính khác nữa. Họ không chỉ hy sinh, cống hiến mà còn sẵn sàng chấp nhận cái chết một cách thung dung với đức tin mãnh liệt vào tôn giáo của mình…
-Trong hồi ký Thung Lũng Tử Thần của nhà văn Phan Nhật Nam xuất bản năm 2014, ông có dành nhiều trang để viết về Linh Mục Nguyễn Văn Vàng – Tu Sĩ Dòng Chúa Cứu Thế…Ông kể rằng:
“Tôi bị cắt khẩu phần ăn xuống chỉ còn một nửa so với thành phần lao động bên ngoài – nghĩa là chỉ còn 150gr cho mỗi bữa bao gồm 5 lát khoai mì khô mốc và một muỗng cơm, tất cả đẫm nước muối và được phát nửa ca nước mỗi ngày…
Ăn mặn mà uống nước ít, người rất dễ bị phù sẽ ảnh hưởng tới thận…Nếu muốn được ăn những lát sắn khô…thì phải dùng ít nhất nửa phần nước để rửa bớt độ mặn của nước muối được chan vào cơm và khoai mì…
Thấy tình trạng của tôi có vẻ như kiệt sức…nên Linh Mục Nguyễn Văn Vàng – người tù cùng chung xà lim với tôi ra tay giải cứu…Ngài nói : “Anh không thể nhịn ăn mãi như thế…Nếu Chúa che chở cho mình…thì dù có bị phù cũng không chết… Bố sẽ hy sinh nửa phần nước để anh rửa khoai mì cho bớt mặn” – Alpha khước từ : “ Bố (danh xưng các tù miền Nam dùng để xưng hô với các tu sĩ của các Đạo giáo) lớn tuổi, sức chịu đựng yếu rồi, nhịn khát như con không được đâu…” Ông cười : Sao biết không được, đã thử đâu mà biết không được!”…
Trong một lần cả hai cùng được đi tắm…thì được một người cho hai bi thuốc lào…Về lại xà lim, cả hai đều thất vọng : lửa đâu mà hút…Cha Vàng đưa ra ý kiến lấy lửa bằng phương pháp thời kỳ đố đá…Ông giảng giải : Nền văn minh ngày nay đến từ việc phát minh ra lửa…Lửa chế ngự đời sống con người khi họ thoát ra khỏi thời kỳ ăn lông ở lỗ…Con người thời kỳ đồ đá đã biết dùng đá chọi vào nhau cho đến khi xẹt lửa…Alpha tạo kế xin nhà bếp một thanh tre để cạo lưỡi…Và Linh Mục Vàng xé manh áo làm con cúi chuẩn bị tạo nên lửa để hút thuốc vào dịp trọng đại…Noel năm 1984, Alpha và Cha Vàng thay phiên nhau kéo thanh tre xuyên qua lỗ chiếc dép lốp…từ 9 giớ sáng cho đến hơn 11giờ…thì “phép lạ” xảy đến…Đầu con cúi bắt đầu ngún và có khói, có nghĩa là bột tre nóng quá độ đã khiến cho lớp bông nhẹ trên con cúi bén lửa…Một lát sau khi thấy xuất hiện những đốm hồng, Cha Vàng thổi nhè nhẹ, vết lửa lan ra…
Đúng vào tối 24 – 12 – 1984, trước khi Cha Vàng cử hành Thánh Lễ nửa đêm trong xà lim số 6, hai người đã hút mỗi người một điếu thuốc lào…Hút bằng một miếng giấy cuộn tròn như loa kèn và miệng ngậm một búng nước…Vào đúng lúc nửa đêm, cả hai đều cảm nhận được Thánh Lễ Giáng Sinh thực sự đang trở lại thung lũng Xuân Phước qua tiếng chuông của một Nhà Thờ dường như ở cách Nhà Giam xa lắm vọng về trong đêm giá lạnh u tịch…”
Người viết rất thích cách lý giải nhẹ nhàng và rất dễ thương về một vấn đề khá tế nhị của Cha Vàng…Khi anh bạn tù muốn từ chối nửa phần nước mỗi ngày của ngài…và hóm hỉnh chọc ngài nhân câu nói : Sao biết không được, đã thử đâu mà biết không được ! Anh đùa cho bớt căng thẳng : Thế Bố đã “thử” chưa mà đi giảng Đạo có lúc Bố nói về hạnh phúc lứa đôi ?… Cả hai chúng tôi đều cười vang…Rồi ngài nhẹ nhàng : “Để Bố nói cho anh nghe : Bố là Linh Mục thì cũng là…người, con tim cũng rung động như mọi người khác, nhiều lúc Bố cũng muốn “thử”…Những lúc như thế mình phải tranh đấu với chính bản thân mình ghê lắm để đừng vượt rào…Điều này cũng cần phải can đảm lắm mới làm được…Tín đồ kính trọng người tu hành là kính trọng sự can đảm ấy, kính trọng sự vượt qua để phụng sự, chứ nếu giống như “thường tình” thì nói gì nữa !”…
Và Đức Thánh Cha kết thúc Sứ điệp:
“Ước gì Ngày Thề Giới Người Nghèo lần thứ VI này trờ thành một cơ hội của ân sủng…giúp cá nhân và cộng đoàn kiểm thảo lương tâm và tự hỏi xem sự nghèo khó của Chúa Giêsu Kitô cá phải là người bạn đồng hành trung thành của chúng ta trong cuộc sống hay không”…
Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp