CHUYỆN MỖI TUẦN – CHUYỆN VỀ “VIỆC LÀM”…

Bạn trẻ mến,

Đức Thánh Cha nói với bạn về vấn đề quan trọng khác nữa khi Ngài nhắc lại việc Chúa mời gọi mỗi chúng ta “tham dự vào công trình tạo dựng” của Chúa “bằng cách góp phần xây dựng thiện ích chung với khả năng chúng ta nhận được” : đấy là vấn đề “Việc làm”…Người viết đã mượn tấm hình bàn tay rót từng giọt nước xuống đất để mầm cây xanh tươi và phát triển…mà diễn tả chủ đề này…Không phải chỉ là nước thôi đâu…mà còn cả mồ hôi, nước mắt nữa đấy : “Người sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi…mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra…” ( St 3,14)…Tuy nhiên việc “đổ mồ hôi sôi nước mắt” ấy – qua giáo huấn của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II – thì là một vinh dự vô cùng lớn lao : “Con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa trong thế giới hữu hình và được chỉ định làm chủ trái đất trong thế giới ấy – do đó, ngay từ khởi đầu, con người được mời gọi lao động…” – Có nghĩa là – trong khi lao động – chúng ta nên giống Thiên Chúa – Cha chúng ta và là Đấng Sáng Tạo…

+ Và Đức Thánh Cha gợi lại điều các Giám Mục Hoa Kỳ nhấn mạnh trong một Chương Trình Mục Vụ dành cho Giới Trẻ rằng : “Dấu hiệu của tuổi trưởng thành là khi người ta bắt đầu đi làm… ‘Bạn làm nghề gì ?’ …là một đề tài thường xuyên trong các cuộc trò chuyện, vì việc làm là điều rất quan trọng trong cuộc sống của người trẻ”

Theo các Giám Mục Hoa Kỳ thì đây là những dấu hiệu về một người trẻ bắt đầu trưởng thành:

– Biết tìm công việc để làm…và vì thế có thể có những thay đổi trong công việc cũng như cả lãnh vực làm việc nữa…

– Việc làm giúp người trẻ trưởng thành hơn khi sử dụng thời gian, trung thành với thời khóa biểu công việc cũng như biết rõ khả năng và sở trường, sở đoản của mình…

– Việc làm và thời khóa biểu giúp người trẻ có thể ấn định phẩm chất công việc cũng như thời gian nghỉ ngơi, rảnh rỗi…

– Việc làm giúp người trẻ ý thức về căn tính của bản thânphát triển tình bằng hữu đồng nghiệp và ý thức sự chung tay trong hoạt động

– Việc làm giúp người trẻ – nam cũng như nữ – nhận ra bổn phận phải chu toàn một phận vụ và sống ý nghĩa đời mình

– Việc làm giúp người trẻ có thể tự đáp ứng các nhu cầu thực tiễn của bản thân, tìm kiếm ý nghĩa và thực hiện các giấc mơ cũng như viễn ảnh của mình…

– Và điều quan trọng là người trẻ phải biết nuôi dưỡng một viễn ảnhhọc hỏi cách làm việc theo cá tính cá vị và tốt đẹp của đời sống cũng như tiếp tục để phân định tiếng gọi của Thiên Chúa dành cho mình [268]…

+ Đức Thánh Cha nhắc lại cho bạn trẻ hiểu rằng : “Việc làm là điều cần thiết, nó nằm trong ý nghĩa của đời sống trên mặt đất này, là con đường để trưởng thành, để phát triển nhân bản và hoàn thành con người”…Cho nên bạn trẻ “đừng mong sống mà không làm việc, dựa vào sự giúp đỡ của người khác”, đồng thời chuyện “giúp đỡ người nghèo về tiền bạc chỉ là giải pháp tạm thời trong những trường hợp cấp bách” mà thôi [269]…

+ Thượng Hội Đồng cảnh giác bạn trẻ rằng : Thế giới lao động là nơi người trẻ “trải nghiệm tình trạng bị loại trừ và bị gạt ra bên lề”…Nghiêm trọng nhất là “tình trạng thất nghiệp nơi giới trẻ”…mà các Nghị Phụ cảnh giác là “ở một số quốc gia, tỷ lệ người trẻ thất nghiệp cao đến mức báo động”…Sự thất nghiệp khiến các bạn trẻ “trở nên nghèo, bị tước đi mất quyền được mơ ước và hy vọng, bị lấy đi mất cơ hội để người trẻ có thể góp phần làm cho xã hội phát triển”…Và các ngài chỉ ra cho thấy đâu là nguyên nhân của tình trạng thất nghiệp nơi người trẻ : – do người trẻ thiếu khá năng chuyên môn thích hợp; – do hệ thống giáo dục và đào tạo người trẻ còn nhiều bất cập; do tình trạng lợi dụng người trẻ và sức trẻ của các nhóm lợi ích tìm cách để bóc lột lao động của người trẻ [270]…Trong chương trình mục tiêu năm 2019 – 2020, Bộ LĐ-TB-XH Việt Nam đã quyết định dùng 6,5 tỷ đồng để hổ trợ tạo việc làm cho thanh niên, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, phụ nữ nghèo ở nông thôn…Ước mong sao số tiền ít oi ấy được sử dụng đúng mục đích để những thành phần thụ hưởng có được một tay nghề sở dĩ có thể nuôi sống bản thân, gia đình và làm ích cho những người quanh mình…

+ Đức Thánh Cha cho rằng vấn đề “lợi ích nhóm kinh tế” tạo nên sự “bấp bênh về lao động” và sức “lao động bị bóc lột”…là một “vấn đề tế nhị” cần được các nhà chính trị quan tâm hàng đầu”, đặc biệt trong hôm nay…khi mà “máy móc có thể thay thế con người trong nhiều công việc”, đồng thời việc sử dụng máy móc sẽ “giảm chi phí nhân công”…Theo Đức Thánh Cha thì tình trạng tính toán thiệt/hơn này là “một vấn đề xã hội cơ bản”, bởi “việc làm – đối với người trẻ – không đơn thuần chỉ là để kiếm tiến, mà còn là một thể hiện phẩm giá con người,một con đường để trưởng thành và hội nhập xã hội”, bởi “việc làm là một động lực thường xuyên giúp phát triển tinh thần trách nhiệm và khả năng sáng tạo, bảo vệ chống lại xu hướng của chủ nghĩa cá nhân và hưởng thụ”, đồng thời “việc làm còn là một hành vi tạ ơn Chúa bằng cách phát huy khả năng riêng của mình” [271]…

+ Dĩ nhiên Đức Thánh Cha biết và Ngài chia sẻ : “Không phải lúc nào người trẻ cũng có thể quyết định mình sẽ dốc sức làm gì, sẽ sử dụng nghị lực và khả năng sáng tạo của mình vào những công việc gì” , bởi vì “ngoài những mong muốn, những khả năng và những lựa chọn” của mình…thì người trẻ còn phải đương đầu với “những hạn chế khắc nghiệt của thực tế”…Đức Thánh Cha mong ước các bạn trẻ – dù ở trong tình trạng kinh khủng ấy – thì cũng phải hiểu rằng “không thể sống mà không làm việc”, cho nên “đừng bao giờ từ bỏ ước mơ, đừng bao giờ vùi lấp hẳn một tiếng gọi, và đừng bao giờ chịu thua”… Ngược lại “hãy cứ tiếp tục tỉm cách sống điều mà con đã phân định và nhận ra đó là ơn gọi thực sự của con” [272]…

Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp

Chia sẻ Bài này:

Related posts