+ Đức Thánh Cha kêu gọi Mục Vụ Giới Trẻ nên giới thiệu cho người trẻ “một chương trình sống dựa trên nền tảng Đức Kitô, như việc xây dựng một ngôi nhà, một gia đình phải đặt trên nền đá” (x.Mt 7 , 24 – 25)…Ngài cũng kêu gọi có sự phối kết giữa Mục Vụ Giới Trẻ và Mục Vụ Gia Đình để “bảo đảm sự đồng hành liên tục và thích hợp trong tiến trình ơn gọi” của người trẻ , bởi – nơi người trẻ – đây là giai đoạn họ nghĩ đến “ngôi nhà ấy” và họ có “dự phóng” xây dựng hôn nhân và tình yêu lứa đôi [247]…
+ Và – theo Đức Thánh Cha – thì “cộng đoàn có một vai trò quan trọng việc đồng hành với người trẻ”…cho nên “toàn thể cộng đoàn phải ý thức trách nhiệm, đón nhận, động viên, khích lệ và thúc đẩy người trẻ”…Nghĩa là chúng ta – những người trưởng thành và cộng đoàn địa phương – chúng ta “nên nhìn người trẻ với sự thông cảm, trân trọng và yêu thương, đừng cứ mãi phán xét họ hay đòi hỏi họ phải hoàn toàn trước tuổi” [243]…
+ Trong số này, Đức Thánh Cha nêu lên ý kiến của các Thượng Phụ trong Thượng Hội Đồng, đấy là “vấn đề thiếu người vừa có khả năng vừa có thời gian để đồng hành” và đồng thời các Thượng Phụ cũng đề nghị “cần phải chuẩn bị cho người thánh hiến và cho cả giáo dân nam nữ để họ có khả năng đồng hành với người trẻ”…Qua những trình bày của các Thượng Phụ, Đức Thánh Cha suy nghĩ về thái độ vô cùng quan trọng : thái độ lắng nghe…Ngài nói “Nếu chúng ta tin rằng lắng nghe có giá trị thần học và mục vụ, chúng ta phải xem lại và đổi mới những cách thực thi thừa tác vụ Linh Mục thường làm, và chúng ta phải nhận định xem đâu là những ưu tiên của thừa tác vu này”…Và cuối cùng Đức Thánh Cha cho rằng “đặc sủng lắng nghe mà Chúa Thánh Thần làm nảy sinh trong các cộng đồng cũng có thể được thể chế công nhận cách nào đó như một việc phục vụ Hội Thánh” [244] – nghĩa là Ngài yêu cầu các cấp bậc trong Giáo Hội – Giáo Phận – Giáo Xứ quan tâm đến việc lắng nghe và đón nhận sự góp ý của bà con giáo dân trong cộng đồng…về các công việc trong Giáo Xứ – Giáo Phận, nhất là mục vụ Giới Trẻ…Thời gian giãn cách vừa qua không ít những Đấng Bậc dành nhiều thì giờ chăm sóc thú cưng…Lúc này thì xã hội đã rục rịch tình trạng “trở về đời sống bình thường mới”…và đấy cũng là một thách thức với đời sống đức tin của bà con giáo dân trong cuộc sống hằng ngày cả về mặt vật chất lẫn tinh thần…Đã đến lúc nhốt thú cưng lại và bắt đầu vắt óc cho những kế hoạch tái xây dựng, tái cơ cấu…đòi hỏi nhiều tâm huyết và lòng nhiệt thành cho các sinh hoạt tôn giáo trong “tình trạng bình thường MỚI” này, nếu vẫn còn là “môn đệ”…
+ Cộng vào đó là sự quan tâm đặc biệt đến việc “đồng hành với những người trẻ tỏ ra có tiềm năng lãnh đạo…để giúp họ được đào tạo và chuẩn bị những gì cần thiết” cho hoạt động của giới trẻ…Đức Thánh Cha cho biết là các bạn trẻ – trong lần gặp gỡ trước Thượng Hội Đồng – đã yêu cầu phát triển “những chương trình mới về thuật lãnh đạo trong đào tạo và không ngừng phát triển những người lãnh đạo trẻ”…Một số bạn nữ cảm thấy đang thiếu thốn những “mẫu lãnh đạo nữ giới trong Hội Thánh”, đồng thời những bạn trẻ nữ này cũng cho thấy niềm mong ước được “cống hiến tài năng tri thức và chuyên môn của mình cho Hội Thánh”…Và mong ước của Giáo Hội là “các chủng sinh và tu sĩ cần có năng lực lớn hơn trong việc đồng hành với những lãnh đạo trẻ” [245]…Kêu gọi này của Đức Thánh Cha – “mẫu lãnh đạo nữ giới trong Hội Thánh” – đã thấy thấp thoáng các “bông hồng” đây đó trong các tổ chức lớn nhỏ của Giáo Hội ở trung ương Vatican cũng như tại các địa phương…Việt Nam chúng ta…thì sự xuất hiện của các nữ tu trong nhiều sinh hoạt cả về mặt MXH lẫn trong thực tế…Mong sao chị em – và tất cả những người giữ vai trò lãnh đạo nam cũng như nữ – có quyết tâm “cống hiến tài năng tri thức và chuyên môn” của mình cho Hội Thánh, đồng thời đảm bảo được giao ước “khó nghèo – trinh khiết- vâng phục” vốn là căn tính, là linh đạo, là kim chỉ nam…và là sự trân trọng mọi người dành cho chúng ta…Điều mà Đức Thánh Cha quảng diễn kỹ hơn ở số tiếp theo ngay sau đây…
+ Ngài cho rằng “những người trẻ ấy” – nghĩa là những người trẻ lãnh đạo bao gồm mọi thành phần : chủng sinh – tu sĩ – nữ giới – nam giới trẻ…cho chúng ta – tức giới lãnh đạo trong Giáo Hội và cũng là “những người đồng hành” với họ – thấy được rằng đâu là “phẩm chất cần thiết” của một người đồng hành…Ngài nói : “Những phẩm chất của một người đồng hành như thế bao gồm : – phải là một ki-tô hữu giàu đức tin, dấn thân cho Hội Thánh và thế giới; – phải là một người bạn tâm giao…mà không [có óc] phán xét; – một người biết tích cực lắng nghe những nhu cầu của người trẻ và đáp ứng cách thích đáng; – một người có lòng yêu thương sâu sắc và có ý thức về chính mình; – một người biết nhìn nhận những giới hạn của mình và biết rõ những niềm vui và sầu khổ trong đời sống thiêng liêng”…Và nhấn mạnh hơn nữa, Đức Thánh Cha chia sẻ : “Một phẩm chất đặc biệt quan trọng nơi những người đồng hành, đó là biết nhận ra thân phận con người của mình, tức là những con người có sai lầm : họ không phải là những con người hoàn hảo nhưng là những tội nhân biết mình được tha thứ”…Ngài có nhắc đến tai nạn thỉnh thoảng có thể xảy ra, đấy là trường hợp vị này, vị kia vốn là “đồng hành” của người trẻ và được đặt để ở một vị thế cao…rồi – do yếu đuối của bản thân – mà có thể vấp ngã…Sự vấp ngã ấy đương nhiên là có tác động tiêu cực làm cho người trẻ khó tiếp tục dấn thân trong Giáo Hội…Dĩ nhiên sự nhắc đến của Đức Thánh Cha là một cảnh báo…Ngài cũng có một số yêu cầu cụ thể dành cho người đồng hành khi họ cùng đi đường với người trẻ…Những yêu cầu ấy là : – phải tôn trọng tự do của người trẻ trong tiến trình phân định của họ; – phải trang bị cho người trẻ các công cụ để làm việc phân định ấy thật tốt; – phải tin tưởng sâu xa vào khả năng tham gia vào đời sống Hội Thánh của người trẻ; – phài vun xới hạt giống đức tin nơi người trẻ…mà không kỳ vọng thấy được hoa trái tức thì của công trình Chúa Thánh Thần”…Và Ngài nhắc nhở là “vai trò đồng hành không, và không thể, chỉ dành riêng cho Linh Mục và những người được thánh hiến, nhưng giáo dân cũng phải được bồi dưỡng để đảm nhận vai trò này”…Tiếp sau đó là yêu cầu “tất cả những người đồng hành phải được huân luyện cơ bản cách chắc chắn và được huấn luyện thường xuyên” [246]…
+ Trên đây là những phác họa diễn tả “người lãnh đạo” ở nhiều hình thái khác nhau…Ở số cuối của chương 7 đề cập đến “Mục Vụ Giới Trẻ” từ số 202 đến số 247 này, Đức Thánh Cha nhắn nhủ các cơ sở giáo dục của Hội Thánh rằng, đấy là “môi trường chung cho sự đồng hành”…và là nơi “giúp hướng dẫn nhiều người trẻ”…Ngài xin các cơ sở ấy hãy tìm cách “để đón tiếp mọi người trẻ, không phân biệt tôn giáo họ lựa chọn, nguồn gốc văn hóa và hoàn cảnh của họ trên phương diện cá nhân, gia đình hay xã hội”…Ngài yêu cầu các cơ sở ấy – nhân danh Giáo Hội – để đóng góp công sức vào công việc giáo dục toàn diện cho giới trẻ ở khắp mọi nơi trên thế giới…và đừng đặt ra những tiêu chuẩn cứng nhắc trong việc tuyển sinh hay giúp đỡ họ tiếp tục học hành…Nếu quá cứng nhắc trong các tiêu chuẩn này nọ, các cơ sở ấy sẽ lấy đi của nhiều người trẻ “sự đồng hành vốn có thể giúp làm phong phú đời sống của họ” [247]…và – dĩ nhiên – họi sẽ mất đi cơ hội thăng tiến bản thân…
Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp